14 février 2019

Điểm báo tóm tắt về Venezuela từ 5/2/2019 đến 11/2/2019



RFI ( Pháp ) 7/2/2019 : Viện trợ nhân đạo khoảng 65 triệu dola cho người dân Venezuela theo yêu cầu của Tổng thống lâm thời Venezuela Guaida từ Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Châu Âu đã đến biên giới giữa Venezuela với Colombia, Brazil và một đảo ở Caribe nhưng bị ông Maduro đưa quân đội phong tỏa biên giới, không cho đưa viện trợ vào lãnh thổ Venezuela.

RFI 5/2/2019 : Theo bà Shannon O’ Neil, chuyên gia Hội đồng quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ thì nhìn từ mọi phia, Venezuela là một quốc gia đã bị phá sản nên bất cứ lực lượng nào đến đây cũng phải gánh việc tái thiết đất nước này.

- Cũng theo RFI, ngày 31/1/2019, ông Guaido, xuất thân một kỹ sư, dân biểu của đảng Xã hội – Dân chủ,

chủ tịch Quốc hội Venezuela nói ông đã có kế hoạch và sẽ làm việc nhằm ổn định nền kinh tế, thiết lập các dịch vụ công và khắc phục tình trạng đói nghèo.

- Theo báo Figaro ( Pháp ) 5/2/2019, Liên hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ về Venezuela, mới có 14 trong số 28 nước trong Liên hiệp công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela. một số nước giữ nguyên tắc không can thiệp vào Venezuela.

- Ngày 6/2/2019, ông Vizcurra Tổng thống Peru ( Mỹ Latinh ) tuyên bố phản đối mọi sự can thiệp quân sự vào Venezuela.

- Thổ Nhĩ Kỳ lên án các nước ủng hộ thủ lĩnh đối lập tại Venezuela.


+ VOA ( Hoa Kỳ ) 7/2/2019 : - Ngày 6/2/2019, một số khá đông người Venezuela đã tuần hành ở thủ đô Caracas bày tỏ ủng hộ ông Maduro và phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ.


+ RFI 7/2/2019 : 2 tướng của Cuba và 4 đại tá, 8 trung tá, 6 đại úy, 25 sĩ quan cấp úy khác cùng 4.500 binh sĩ bộ binh Cuba mặc quân phục Venezuela đã được phân bổ vào 9 sư đoàn của Venezuela và đang điều khiển Bộ chỉ huy của quân đội Venezuela.

Từ thời Tổng thống Chavez, ảnh hưởng của Cuba đã thâm nhập sâu vào đời sống chính trị của Venezuela. Ông Hugo Chavez và ông Maduro đã và đang áp dụng sách lược cai trị của ông Fidel Castro để kiểm soát chính phủ, sửa đổi Hiến pháp, vô hiệu hóa các định chế, bỏ tù và buộc các lãnh đạọ đối lập phải lưu vong ra nước ngoài, bóp nghẹt từ trứng nước mọi mầm mống phản đối. Tình trạng chia rẽ và tâm lý chống Mỹ trong xã hội Venezuela đã có từ thời ông Chavez làm Tổng thống vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đó là những vấn đề mà ông Guaido và những quốc gia ủng hộ quá trình chuyển tiếp quyền lực ở Venezuela không thể bỏ qua.


BBC 9/2/2019 : Venezuela có 31 triệu dân, 123.000 quân, kể cả binh sĩ dự bị nhưng có đến 2000 ( hai ngàn ) tướng. Các tướng lĩnh được Maduro cho nắm các chức vụ bộ trưởng, thống đốc tỉnh. Trong số 23 tỉnh thì Thống đốc 11 tỉnh là tướng. Trong 30 bộ trưởng thì có 11 bộ trưởng là tướng. Các tướng lợi dụng quyền kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm, kiểm soát tỉ giá chuyển đổi đô la ưu đãi để làm giàu cho bản thân. Riêng Bộ trưởng Bộ quốc phòng Lopez có quyền kiểm soát các cảng biển, một phần ngành dầu khí và ngành khai khoáng. Vì các tướng lĩnh có nhiều đặc quyền đặc lợi như vậy nên không ít người trong số họ vẫn bày tỏ lòng trung thành với Maduro.

Quân đội Venezuela được Nga bán cho nhiều máy bay, xe tăng, tên lửa hiện đại, có cả tên lửa phòng không S-300VM, tên lửa Buk-M2E, máy bay tiêm kích Su30 và được cho là trang bị mạnh nhất trong khu vực nam Mỹ, nhưng theo hãng tin Bloomberg thì Maduro vẫn chưa thể yên tâm ở năng lực sử dụng binh khí kỹ thuật của sĩ quan và binh lính Venezuela. Hải quân của Venezuela lại rất yếu. Bloomberg cho rằng yếu tố con người trong quân đội Venezuela là vấn đề lớn đối với ông Maduro.


Mỹ ra đòn trừng phạt Công ty dầu hỏa Citgo của Venezuela.


Theo RFI 9/2/2019, bên cạnh sự trông cậy vào lòng trung thành của các tướng lĩnh, nguồn thu từ dầu hỏa là một yếu tố có vai trò gần như quyết định đối với sự sống còn của chế độ Maduro. Tương quan lực lượng giửa phe đối lập và những quốc gia ủng hộ Tổng thống lâm thời Guaido với Tổng thống đương quyền Maduro và những người ủng hộ ông ta sẽ nghiêng về phe nào nắm được chi nhánh Bắc Mỹ của Tập đoàn công nghiệp dầu lửa nhà nước Venezuela PDVSA, trong đó chi nhánh Citgo là một doanh nghiệp nhà nước Venezuela ở trên lãnh thổ Mỹ, chuyên lọc dầu và phân phối dầu lửa nhập từ Venezuela. Mỗi ngày Venezuela sản xuất 1 triệu thùng dầu thô thì 1/2 ( một nửa ) xuất sang Mỹ cho Citgo. Tài sản của Citgo trị giá 10 tỷ đô la, có 3 nhà máy lọc dầu. Từ năm 2018 Citgo có thu nhập ròng 500 triệu đo la. Ngày 29/1/2019 Mỹ đã ra lệnh cấm Citgo chuyển tiền về công ty mẹ PDVSA bằng cách phong tỏa các tài khoản của Citgo. Nga có lợi ích tài chính trong công ty Citgo nên đã lên tiếng phản đối Mỹ. Hiện nay mỗi ngày Citgo chỉ còn nhập 175.000 thùng dầu thô của Venezuela, bằng 20% tổng lượng xuất khẩu dầu thô của Venezuela. Lượng dầu của Venezuela xuất khẩu sang Nga và Trung Quốc chủ yếu để trả lãi những khỏan tiền đã vay nợ của Nga và Trung Quốc. Venezuela dùng Citgo như một bảo đảm để đi vay. Mỹ muốn dùng Citgo làm vai trò chủ chốt trong tiến trình tái thiết Venezuela thời hậu Venezuela. Nếu Venezuela không tìm được khách hàng thay thế, mua lượng dầu thô xuất cho Citgo nay đang bế tắc thì nguồn tài chính từ dầu lửa để duy trì quân đội và chế độ Maduro sẽ nhanh chóng đi đến hồi kết.


+ Theo báo Dân trí 10/2/2019, lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ đã đóng băng các tài sản trị giá 7 tỷ đô la của Tập đoàn PDVSA và Công ty con Citgo của Venezuela. Lệnh trừng phạt này có thể ảnh hưởng xấu đến lượng dầu xuất khẩu của Venezuela năm 2019 trị giá khoảng 11 tỷ đô la. Doanh thu bán dầu của Venezuela chiếm 98% nguồn thu từ xuất khẩu và chiếm 50% GDP, do đó túi tiền của ông Maduro sẽ nhanh chóng cạn.


Guaido lập luận thế nào để tự phong là Tổng thống lâm thời của Venezuela ?


Đó là một tiêu đề của RFI 5/2/2019. Câu hỏi này đã được Thomas Posado, giáo sư chính trị Đại học Paris 8 - Pháp giải thích như sau : Đó là căn cứ Điều 355 Hiến pháp Venezuela. Tìm hiểu bản Hiến pháp Venezuela do Tổng thống Hugo Chavez ký ban hành năm 1999 thì Điều 355 qui định như sau :” Nhân dân Venezuela không công nhận bất cứ một chế độ nào, một Quốc hội hay một Chính quyền nào đi ngược lại những giá trị, những nguyên tắc bảo đảm dân chủ hoặc gây tác hại cho nhân quyền “. Dựa vào Điều 355 của Hiến pháp, Quốc hội Venezuela chỉ định ông Guaido đang là chủ tịch Quốc hội làm Tổng thống lâm thời trong khi chờ một cuộc bầu cử mới.

Giáo sư Thomas Posado nói thêm : Do nắm quyền lực và các định chế do ông Maduro lập ra thêm như Quốc hội lập hiến, đưa người thân tín vào các vị trí lãnh đạo Tòa án tối cao, vào vị trí Tư lệnh các binh chủng thì rõ ràng ông Maduro mạnh hơn. Nhưng nhờ có sự phối hợp trong và ngoài nước nên tương quan lực lượng đang nghiêng về phía Guaido. Chế độ Maduro đang bị Mỹ bóp nghẹt về tài chính. Venezuela lại đang bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền mất giá thảm hại dẫn đến hệ quả là lần đầu tiên thành phần dân nghèo vốn có truyền thống ủng hộ chính quyền của các ông Chavez và Maduro đã xuống đường chống Maduro. Tuy vậy chế độ Maduro chưa lung lay vì còn được một số nước có trọng lượng ủng hộ là Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cuộc khủng hoảng sẽ đi đến một khúc quanh khi mà xã hội công dân cùng đứng lên với lập trường ủng hộ đối lập.


“ Venezuela xóa tan huyền thoại về nguyên tắc không can thiệp “

Đó là bài báo của tác giả Andres Velasco, giáo sư đại học Colombia, cựu ứng viên Tổng thống và Bộ trưởng tài chính Chile ( Mỹ Latinh ) đăng trên Tạp chí nghiên cứu quốc tế ngày 7/2/2019.

Andres Velasco viết : Đối với khủng hoảng Venezuela, lãnh đạo một số nước tuyên bố giữ nguyên tắc không can thiệp vào Venezuela. Thoạt đầu người ta nghe có vẻ có lý vì đúng là người dân Venezuela nên giải quyết khủng hoảng của chính mình nhưng xét kỹ ở trường hợp của Venezuela thì lập luận không can thiệp là vô nghĩa vì Maduro không cho phép họ giải quyết khủng hoảng. Kể từ cuộc tổng tuyển cử ở Venezuela năm 2015, phe đối lập đã giành đa số trong Quốc hội nhưng Maduro đã tước bỏ hầu như toàn bộ quyền lực của Quốc hội do Hiến pháp ban hành và đưa người thân cận của ông ta vào Tòa án tối cao. Hầu hết các lãnh đạo của phe đối lập đều bị bỏ tù hoặc bị buộc phải ra nước ngoài. Từ khi Guaida, chủ tịch Quốc hội tuyên bố là Tổng thống lâm thời, lực lượng an ninh của Maduro đã giết chết hơn 40 người biểu tình, bắt giữ hơn 800 người. Ở trường hợp này, lập luận nguyên tắc không can thiệp chính là giúp cho nhà độc tài Maduro tiếp tục duy trì quyền lực và tước bỏ quyền của người dân. Những kẻ độc tài thích nói đến nguyên tắc không can thiệp vì lập luận đó có lợi cho họ. Nhưng trên thực tế thì họ làm ngược lại. Ở Venezuela, chính Cuba là lực lượng nước ngoài đang can thiệp vào Venezuela giúp Maduro điều hành bộ máy đàn áp người dân. Trong tình hình đó, kêu gọi không can thiệp có khác gì khoanh tay nhìn tên côn đồ đang cầm dao gí vào cổ người lương thiện. Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm của người dân, chống lại mọi sự tàn bạo đối với người dân, bất kể sự tàn bạo đó diễn ra ở đâu. Maduro không có cơ sở pháp lý nào để tiếp tục duy trì quyền lực. Velasco kết luận : “ Câu hỏi hiện nay không phải là có nên can thiệp vào Venezuela không mà là can thiệp bằng cách nào “


+ Theo VOA 9/2/2019, trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Venezuela và các lệnh trừng phạt xiết chặt, đến nay hầu hết khách hàng mua dầu hỏa của Venezuela đã dừng hợp đồng năm ngoái với Tập đoàn PDVSA của Venezuela.


+ Theo Vietnamplus 9/2/2019, đến nay đã có 40 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela..


+ Theo báo Tri thức VN 4/2/2019, ông Jonathan Velasco 
Ramirez, đại sứ Venezuela tại Iraq đã công khai ủng hộ Tổng thống lâm thời Guaido, kêu gọi các quan chức chính phủ và quân đội đứng về phía Hiến pháp và phía người dân, không tiếp tục ủng hộ ông Maduro.


+ Đại tá lục quân Venezuela, ông Ruben Alberto Paz Jimenez đã tuyên bố xem ông Guaido tổng thống lâm thời là người lãnh đạo quân đội và không công nhận ông Maduro là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Venezuela.


+ Theo Soha.vn 10/2/2019, Đại tá bác sĩ quân y Venezuela Ruben Paz Jimenez đã tuyên bố ủng hộ ông Guaida là Tổng thống lâm thời của Venezuela và nói 90% thành viên trong lực lượng vũ trang Venezuela đã nhận thức được rằng mình đang bị lợi dụng để duy trì quyền lực cho chính quyền Maduro.

Jimenez kêu gọi binh lính giúp đỡ để viện trợ nhân đạo cho người dân đi vào lãnh thổ Venezuela.


+ Theo BBC 10/2/2019, 6 nhà lãnh đạo thổ dân Pemon cư trú giáp biên giới Venezuela với Brazil tuyên bố sẵn sàng mở cửa tiếp nhận viện trợ nhân đạo dù quân đội ngăn cản.


RFI 11/2/2019 : Ngày 8/2/2019, Mỹ và Nga đã đệ trình lên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc 2 dự thảo nghịquyết về Venezuela.Mỹ kêu gọi bầu cử Tổng thống Venezuela và ưu tiên cho viện trợ nhân đạo. Nga ủng hộ chế độ Maduro. Liên hiệp quốc chưa ấn định thời gian biểu quyết các bản dự thảo đã trình lên Liên hiệp quốc.


Báo Trí thức trẻ ngày 12/2/2019 tự nêu câu hỏi : Đối với Nga, Venezuela và Syria có những điểm nào giống nhau và khác nhau ?. Báo này tự trả lời :

-Với Venezuela, về kinh tế, từ 1990 đến nay Nga đã rót vào Venezuela khoảng 17 tỷ đô la dưới hình thức cho vay và đầu tư. Đến nay Venezuela còn nợ Nga khoảng 3,5 tỉ đo la. Công ty dầu mỏ số 1 của Nga là Rosneft đã nắm một phần lớn cổ phần trong công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Về quân sự, Nga đã cung cấp cho Venezuela một khối lượng lớn vũ khí thông qua tín dụng. Nga không dễ gì để mất những khoản lợi này.

- Về khả năng can thiệp quân sự, ở Syria, Nga có thể dùng không quân tham chiến từ xa, dùng ngư lội trên biển Caspi. Ngoài Syria, Nga còn có đồng minh ở Trung Đông là Iran hỗ trợ bộ binh.

Tại Mỹ La tinh, Nga chỉ có 2 đồng minh là Cuba và Venezuela, không có chính phủ nào khác ở Mỹ La tinh ủng hộ chế độ Maduro. Nếu Nga can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ xảy ra tình trạng bị các chính phủ ở Nam Mỹ cô lập và Mỹ có cớ để áp thêm nhiều lệnh trừng phạt.

Khác với Syria, Nga cách xa Venezuela hàng ngàn kilomet và một đại dương. Nền kinh tế hiện nay của Nga chưa đủ mạnh để có thể thực hiện một cuộc viễn chinh can thiệp tới bên kia đại dương. Nhà bình luận chính trị Vladimia Frolov cho rằng nếu Nga gửi một phi đội máy bay hiện đại nhất đến giúp Maduro thì lịch sử rất có thể lặp lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.


+ Theo News Skydoor.net 9/2/2019, đại diện Liên minh Châu Âu ông Federica Mogherini và Tổng thống Uraguay Tabare Vazquez đã ra tuyên bố chung cho biết nhóm liên lạc quốc tế gồm các nước Liên minh Châu Âu Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và 4 nước Châu Mỹ Latinh Bolovia, Costa Rica, Ecuador, Uruguay sẽ họp cấp bộ trưởng phiên đầu tiên vào ngày 7/2/2019 để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

- Theo kênh RT của Canada, báo chí Nga không được tham dự phiên họp này.


Mehico và Uruguay ( Châu Mỹ ) công bố cơ chế Montevideo về Venezuela :

- Theo báo tin tức.vn 9/2/2019, Bộ ngoại giao Mehico và Uruguay đã công bố lộ trình 4 bước của cơ chế Montevideo để thúc đẩy đối thoại giữa phe đối lập và chính phủ Maduro nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela, tiến tới một cuộc bầu cử Tổng thống mới. Nhóm thành viên quốc gia tham gia cơ chế Montevideo gồm Liên minh Châu Âu và 13 quốc gia Mỹ La tinh. Đa số thành viên trong nhóm ủng hộ kế hoạch lộ trình 4 bước này nhưng đã bị ông Maduro bác bỏ.


Quốc hội Venezuela công bố Luật chuyển tiếp : Theo VNTTX, ngày 8/2/2019 Quốc hội Venezuela đã thông qua Luật chuyển tiếp, có nội dung là khi Tổng thống Maduro rời bỏ quyến lực thì Tổng thống lâm thời Guaido được quyền triệu tập cuộc bầu cử Tổng thống mới trong vòng 30 ngày. Nếu vì lý do kỹ thuật nào đó không thực hiện được thì ông Guaido có thể đứng đầu chính phủ trong 12 tháng. Tổng thống lâm thời Guaido đã bổ nhiệm một số Đại sứ mới của Venezuela tại các nước đã công nhận chính phủ chuyển tiếp do Tổng thống lâm thời lãnh đạo. Luật chuyển tiếp này đã bị Tòa án tối cao Venezuela bác bỏ.


+ Theo News.Skydoor 7/2/2019, Tổng thống Colombia sẽ hội đàm với TT Mỹ Trump về tình hình Venezuela, dự kiến vào ngày 13/2/2019.


+ Theo Vietnam plus.vn 9/2/2019, Thủ tướng Rumani Klass Vohannis đã công bố ủng hộ ông Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela.

- Ngày 7/2/2019, Phó Thủ tướng Italia Di Maio khẳng định không can thiệp vào Venezuela.


+ Theo báo Thanh niên 9/2/2019, đại diện của Tổng thống lâm thời Venezuela tuyên bố sẽ mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào công nghiệp dầu mỏ Venezuela và bác bỏ quy định Tập đoàn nhà nước PDVSA phải sở hữu quyền quyết định trong các hợp đồng khai thác dầu mỏ với các Công ty bên ngoài.


+ Theo báo Dân trí 9/2/2019, một số nước đã đề xuất Nga nên bảo đảm quyền miễn trừ cho ông Maduro và hỗ trợ sơ tán ông Maduro ra khỏi Venezuela. Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga nói :

” vấn đề này chưa có trong chương trình nghị sự của Nga “.


+ Trên bản tin VOA ngày 10/9/2019, nhà bình luận chính trị Phạm Phú Khải, với câu hỏi :” Giải pháp nào khả dĩ tốt đối với Venezuela “ đã nêu 4 yếu tố chiến lược có lợi mà ông Guaido và phe đối lập ở Venezuela đã đạt được:

1- Phe đối lập đã vượt qua được nạn bè phái và chia rẽ



2- Phe đối lập dưới sự lãnh đạo của ông Guaido đã phát triển được nhiều cách tiếp cận mới để vận động dân chúng phản đối chế độ Maduro, ủng hộ quá trình chuyển tiếp quyền lực.


3- Ông Guaido và phe đối lập đã nói rõ với lực lượng vũ trang, kể cả quân đội trước đây đã gây ra tội ác với người dân, nếu ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ ( kể cả ông Maduro nếu từ nhiệm ) sẽ được bảo đảm tha thứ, không truy tố hình sự


4- Ông Guaido đại diện của phe đối lập được Mỹ và nhiều nước dân chủ công nhận là Tổng thống lâm thời tỏ ra một tín hiệu mạnh để nói với thế giới rằng cộng đồng quốc tế đang cam kết mang lại thay đổi cho Venezuela. Các yếu tố chiến lược này chứng tỏ lần này phe đối lập đã chuẩn bị kỹ, có chiến lược đối nội, đối ngoại rõ ràng.

Ông Phạm Phú Khải cho rằng mục tiêu chính của phe đối lập muốn đạt được là phục hồi dân chủ tại Venezuela và ông Maduro phải từ nhiệm thì với tình hình chính trị rất phức tạp và chia rẽ như hiện nay, không có giải pháp nào là hoàn hảo. Giải pháp quân sự không hẳn là giải pháp đem lại dân chủ. Hầu hết các quốc gia láng giềng của Venezuela đều chống lại giải pháp quân sự. Hơn nữa dùng giải pháp quân sự thì có thể phá sập chế độ Maduro nhưng sau đó xây dựng lại quốc gia này với nền kinh tế đã kiệt quệ là một thử thách rất to lớn đối với phe đối lập và với bất kỳ quốc gia nào can thiệp bằng quân sự vào Venezuela.

Phạm Phú Khải hình dung giải pháp khả dĩ có thể được các quốc gia Châu Mỹ ủng hộ là ông Maduro từ nhiệm và rời khỏi Venezuela, quân đội đứng ngoài, không can thiệp vào vấn đề chính trị của quốc gia. Ông Guaido tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử với sự giám sát của quốc tế. Nhưng muốn thực hiện được giải pháp đó thì vấn đề mấu chốt là làm thế nào để quân đội đứng bên ngoài cuộc đấu tranh chính trị này. Các tướng lĩnh Venezuela là thành phần đã chịu ơn của ông Chavez và ông Maduro. Có đạt được giải pháp đó hay không tùy thuộc rất lớn vào khả năng ứng biến của phe đối lập đứng đầu là Guaido và chiến lược chiến thuật của Mỹ. Một trong những chiến thuật của Mỹ đang dùng là đánh thẳng vào hầu bao tài chính của Maduro có được từ nguồn thu từ bán dầu. Chiến thuật này nhằm làm mất nguồn sống của quân đội phải đi đến tan rã và đưa số tiền đó vào tài khoản ngân hàng dành cho Chính phủ lâm thời của Guaido.


Venezuela trong con mắt người Nga


+ Theo Vnexpress 31/1/2019, trong con mắt người Nga, Venezuela đang trở thành một chiến trường ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và ngoại giao. Nga ủng hộ chế độ Maduro vì Nga lo ngại phong trào đối lập ủng hộ Tổng thống lâm thời Guaido tự phong với sự hậu thuẫn của Mỹ có thể chống lại các lợi ích của Nga ở Venezuela. Pete Duncan, giáo sư chính trị Đại học London nhận định :” Một lập luận quan trọng của Nga để ủng hộ Maduro giống như Nga đã dùng để ủng hộ Bashan al-Assad ở Syria là không thế lực nước ngoài nào được can thiệp vào công việc nội bộ một quốc gia có chủ quyền 
“.

Maduro trúng ngư lôi nhưng chưa chìm


Đó là tiêu đề của báo El Tiempo Colombia, đăng trên RFI ngày 9/2/2019. Tờ báo này viết : Dù Mỹ và các nước láng giềng của Venezuela huy động mọi biện pháp bóp nghẹt dưỡng khí kinh tế nhằm làm chế độ độc tài Maduro phải sụp đổ, còn phải có nhiều động tác hơn nữa mới có thể đánh chìm Maduro. Hàng sĩ quan cao cấp Venezuela đang bị Tư pháp điều tra về tham ô và buôn ma túy biết nếu họ buông Maduro thì họ sẽ chết theo. Nhưng nếu quân đội ý thức được dân chúng đang rất cần lương thực và cần mở cửa biên giới với Colombia để nhận viện trợ nhân đạo thì có thể hy vọng một giải pháp ôn hòa. El Tiempo kết luận : Chưa bao giờ gọng kìm lại xiết chặt chế độ Maduro như thế và có nhiều quyết tâm làm sụp đổ chế độ Maduro như thế.

Báo Đức “ Người Frankfurter “ nhận định : Maduro không đầu hàng một cách dễ dàng. Cần phải giúp Guaido hơn nữa vì Maduro đã để lộ bản chất, không chấp nhận luật chơi dân chủ, bầu lại Tổng thống để đưa đất nước ra khỏi bế tắc chính trị. Đức và đa số quốc gia Châu Âu hỗ trợ Mỹ và các quốc gia Mỹ La tinh xuất phát từ 2 nhu cầu là đạo đức và dân chủ. Các nền dân chủ Châu Âu không thể không bảo vệ quyền chính đáng của công dân Venezuela. Khi một nhà lãnh đạo chính trị là cội nguồn của mọi sự bất hạnh xảy đến cho dân chúng thì phải ngăn chặn đương sự lộng hành.



Lê Ninh 11/2/2019