Một nhóm sinh viên thân Bắc Kinh trước giờ chiến đấu |
Những người
theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc mang đến mối đe dọa bạo lực cho các trường
đại học Úc. Vụ đụng độ với những người ủng hộ Hồng Kông trong một cuộc biểu
tình của sinh viên có thể là điềm báo đen tối về những gì sắp tới.
Những sinh viên Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đã phá
ngang các cuộc biểu tình dân chủ ủng hộ Hồng Kông thu hút 300 người tại Đại học
Queensland cách đây 1 tuần. Chiến thuật của phe ủng hộ Bắc Kinh được mô tả là
khá thô bạo, không từ cả dùng bạo lực.
Video quay từ hiện trường cho thấy David Chui, 23 tuổi, một
sinh viên kinh doanh đến từ Hồng Kông bị bóp cổ. Christy Leung, 21 tuổi, một
sinh viên Hồng Kông khác, cho biết quần áo của cô bị xé rách. Sinh viên triết
học Drew Pavlou, 20 tuổi, cầm loa la hét phản đối Bắc Kinh cũng bị một người
phía bên kia giằng loa ném qua một bên. Cảnh sát đã kịp can thiệp trước khi bạo
động xảy ra nhưng các chuyên gia tin rằng đó có thể là điềm báo đen tối về xô
xát giữa 2 phe trong biểu tình ở Hồng Kông gợn sóng sang các nước khác.
Trường đại học Queensland nói rằng họ đã mở một cuộc điều tra
về vụ đụng độ. Họ cũng tuyên bố bảo vệ tự do ngôn luận nhưng đề xuất rằng cuộc
biểu tình sau nếu được tổ chức thì phải dọn ra khu vực xa hơn trong khuôn viên
trường.
Các trường đại học Úc được cho là sẽ khó xử trước các sinh
viên Trung Quốc quá khích. Từ lâu, họ phụ thuộc vào các nhà tài trợ, sinh viên
và các tổ chức Trung Quốc thường trung thành với Bắc Kinh và không khoan dung
bất đồng chính kiến. Louisa Lim, giáo sư tại Đại học Melbourne nói rằng sức hấp
dẫn của đầu tư Trung Quốc và số lượng lớn sinh viên Trung Quốc cao đến mức các
tổ chức giáo dục chỉ biết mở rộng vòng tay chào đón mà không cần nghĩ ngợi gì
hết.
Điều đáng nói, khi xảy ra vụ việc kiểu như trên, thay vì kiềm
chế chủ nghĩa dân tộc cơ bắp thì giới chức Trung Quốc bây giờ lại cổ súy cho dù
nó nhuốm màu bạo lực và kỳ thị (cái này là kỳ thị lý tưởng chứ không phải chủng
tộc). Lãnh sự quán Trung Quốc tại Brisbane ca ngợi hành vi yêu nước tự phát của
các nhà hoạt động thân Trung Quốc – và điều này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Úc
phải lên tiếng một cách bất thường khi cảnh báo các nhà ngoại giao nước ngoài
đang cổ súy đàn áp tự do ngôn luận.
Thực ra cách đây vài tuần, 2 phe ủng hộ Hồng Kông và thân Bắc
Kinh không hề biết nhau. Hãy nói về 2 thủ lĩnh sinh viên tại trường trong phong
trào ủng hộ dân chủ cho Hồng Kông. Jack Yiu là lãnh đạo Hội sinh viên Hồng
Kông, vốn chỉ thường tổ chức các hoạt động tiệc tùng giao lưu. Còn Drew Pavlou
nổi tiếng trong trường nhờ vai trò admin một nhóm Facebook chuyên bàn luận về
học thuật.
Nhưng họ nói những sự kiện gần đây liên quan đến Trung Quốc
đã buộc họ phải tìm đến nhau và hành động. Yiu nói rằng anh có những người bạn
ở Hồng Kông diễu hành vì dân chủ và chống lại một dự luật cho phép dẫn độ sang
Trung Quốc. Còn Pavlou nói rằng sự phẫn nộ của chính anh khi bị ép đọc về Tân
Cương theo cách nhìn nhận của Bắc Kinh.
Thêm vào sự tức giận của mình là khi anh phát hiện ra trường
đại học đã nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức Trung Quốc. Đại
học Queensland là một trong một số trường đại học có Học viện Khổng Tử - nơi
chính thức quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc - với hiệu phó Peter Hoj
được cho là thân Bắc Kinh.
Viện Khổng Tử tại trường Queensland đóng một vai trò rộng lớn
hơn nữa, nhấn mạnh thêm sự hợp tác với Trung Quốc trong cả khoa học, kỹ thuật
và công nghệ. Trong tháng này, Peter Hoj đã trao vị trí giáo sư thỉnh giảng cho
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Brisbane, Xu Jie. Việc đưa một quan chức Trung Quốc
vào trường đã khiến nhiều sinh viên như Drew Pavlou e ngại.
Trong một tuyên bố trực tuyến, Đại học Queensland nói rằng
tổng lãnh sự sẽ không giảng dạy và ông chỉ là một trong 260 danh hiệu danh dự
được phong trong những năm gần đây. Nhưng điều đó không trấn an được giới sinh
viên. Sự lo lắng tích tụ đã khiến họ phản kháng. Một nhóm sinh viên Tây Tạng đã
liên kết với nhóm của Pavlou, kêu gọi các trường đại học đóng cửa Học viện
Khổng Tử.
Không chỉ tại Úc mà một vụ ẩu đả tương tự đã xảy ra hôm thứ
ba tại Đại học Auckland ở New Zealand. Ba nam sinh viên Trung Quốc bị quay phim
khi họ thóa mạ các sinh viên từ Hồng Kông trong một cuộc biểu tình và đẩy một
nữ sinh viên ngã xuống đất.
Ba nam sinh Trung Quốc (ảnh trên) đẩy ngã một nữ sinh Hồng Kông (ảnh dưới) |
Ngay sau vụ đụng độ tại Đại học Queensland, giới chức Úc hôm
25.7 cho biết các trường đại học ở nước này đang bị điều tra về các thỏa thuận
của họ với Học viện Khổng Tử do nhà nước Trung Quốc điều hành, liên quan đến
phạm vi kiểm soát sự giảng dạy của Bắc Kinh.
Các thỏa thuận với Học viện Khổng Tử đã giúp thúc đẩy mối
quan hệ giáo dục giữa Trung Quốc và Úc trong những năm qua. Ước tính hiện nay
có khoảng 190.000 sinh viên Trung Quốc học tập tại các trường đại học Úc.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các lớp học triển khai bởi
Học viện Khổng Tử chỉ đưa ra một cái nhìn có chọn lọc về cuộc sống của người
Trung Quốc và cố tình tránh các chủ đề nhạy cảm như sự kiện Thiên An Môn hay
các vấn đề về Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ...
Theo Bộ trưởng Giáo dục Úc Dan Tehan, chính phủ đang xem xét
liệu các thỏa thuận giữa 13 trường đại học Úc, bao gồm cả Đại học Queensland,
Đại học La Trobe, Đại học Griffith, Đại học Charles Darwin… với Học viện Khổng
Tử có vi phạm luật can thiệp chính trị từ nước ngoài hay không.
Chính phủ Úc hiện đã yêu cầu các trường đại học của nước này
phải đăng ký các viện Khổng Tử (do Bộ Giáo dục Trung Quốc điều hành) theo luật
chống can thiệp nước ngoài để chính phủ có thể theo dõi các hoạt động có thể
ảnh hưởng đến chính trị và quản trị của Úc.
Anh Tú
https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/phong-trao-nguoi-trung-quoc-xu-nguoi-hong-kong-da-lan-ra-nuoc-ngoai-118213.html