Quang Phong
Đại biểu Nguyễn
Tiến Sinh - đoàn Hòa Bình phát biểu |
Ngày 5/11, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn
Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cảnh báo một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có
chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế, xuất phát từ tham nhũng trong
công tác cán bộ.
“Tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ lâu nay
được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng, song nhiều người vẫn coi là vùng cấm
bởi vì chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy
đủ. "Chợ đen mua quan, bán chức" không dễ trả lời được ai mua và ai
bán, chỉ biết dư luận râm ran "chợ đen" này thường nhộn nhịp trong
các dịp bầu cử, đại hội”, ông Sinh thẳng thắn nói.
Nhấn để phóng to ảnh
Đại biểu đoàn Hòa Bình nêu rõ, tham nhũng trong
công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, theo đại biểu Sinh, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải
làm liên tục và không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống.
“Cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về
kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, tiếp
tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ,
công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo”, đại biểu
Sinh nêu giải pháp.
Ngoài ra, đại biểu Sinh cho rằng, cần phải xây dựng
quy trình thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm về
công tác cán bộ, cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền. Đồng thời
cũng cần phải công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức
không chỉ trong tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh
giá, giám sát.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Văn Được (đoàn TP
Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo rất quyết liệt
nên đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn. “Đây là điều đáng mừng nhưng theo tôi
chưa triệt để, vẫn còn vùng cấm, giơ cao đánh khẽ”, đại biểu đoàn Hà Nội nói và
đề nghị các đơn vị liên quan phải làm quyết liệt hơn nữa.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) nhận thấy,
hiện nay vẫn có không ít lo ngại tình hình phòng chống tham nhũng, xử lý tội
phạm kinh tế, kìm hãm sự phát triển, làm khó cho công chức thực thi công vụ.
Theo ông Hiểu, đó là quan điểm sai lầm, bởi những năm gần đây kinh tế liên tục
tăng trưởng.
“Chống cái sai, cái tiêu cực là “dọn đường” tạo
mảnh đất tốt cho cái mới, cái tích cực, cái tiến bộ sinh sôi, phát triển. Đất
nước trong bất kỳ giai đoạn nào đều cần những cán bộ, công chức, viên chức
trung thành, tận tụy, dám nghĩ, dám làm và đổi mới sáng tạo”, đại biểu đoàn TP
Hà Nội nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị,
giải quyết thỏa đáng các quy trình, quy định trong mối quan hệ để phát huy sức
sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, phát triển. Trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm
cần cân nhắc, đánh giá toàn diện giữa hành vi, quy trình, quy định với lợi ích
mang lại khi mà hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn thiện, nhiều quy định
còn đi sau cuộc sống.
“Giải quyết tốt vấn đề này sẽ khích lệ, động viên
được nhiều cán bộ, công chức đổi mới sáng tạo, vì lợi ích chung của đất nước.
Họ sẽ không e dè, chùn bước trước những quy định pháp luật vô tình”, ông Hiểu
nêu ý kiến.
Quang Phong