12 novembre 2019

Bộ trưởng… ngại!


 

 (GDVN) - Một khi người đứng đầu ngành Nội vụ phải thừa nhận “Chúng ta không nắm được cán bộ” thì liệu đã đến mức “cán bộ” không còn thuộc về “chúng ta”?
Bộ trưởng Nội vụ 
Lê Vĩnh Tân 
(Ảnh: quochoi.vn).

Báo Giaoduc.net.vn trong bài “Tôi biết có những đồng chí sai phạm hiện là cán bộ cấp cao” trích lời Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân:
Tôi biết hiện nay có những đồng chí sai phạm hiện là cán bộ cấp cao, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý cho phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp…”. [1]
Phát biểu của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thoạt nghe tưởng như rất thẳng thắn, song lại phản ánh một sự thật nhiều người muốn né tránh, rằng xử lý cán bộ cao cấp mắc sai phạm là vấn đề “nhạy cảm” và do đó phải cân nhắc “theo từng tình huống”.

Phải chăng Bộ trưởng … ngại?
Khái niệm “Tình huống” Bộ trưởng Tân sử dụng được giới văn chương gọi là “Uyển ngữ”, đó là một kiểu “nói tránh, nói trẹo”, giống như cụm từ “Nước ngoài” mà đại biểu Dương Trung Quốc phản biện trước Quốc hội.
Tuy nhiên người viết cho rằng có cái hay trong cụm từ “tình huống” bởi mỗi “tình huống” có thể không phải là một người mà ứng với một nhóm có chung đặc điểm, chẳng hạn những đồng chí sai phạm hiện là cán bộ cấp cao ở “trung ương”, “địa phương”, “trong lực lượng vũ trang”, “trong các tổ chức chính trị xã hội”…
Xin không bàn luận đến các hình thức xử lý kỷ luật trong Đảng với bốn mức: “Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ” mà chỉ đề cập đến hình thức xử lý trong “Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước” mà Bộ trưởng Tân đã giới hạn.
Như lời Bộ trưởng Tân, để “đảm bảo sự ổn định chính trị và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp” mỗi “tình huống” phải có cách “xử lý cho phù hợp”.
Vậy thế nào là “xử lý cho phù hợp”?
Tại Hà Nội, từng có chuyện một nhóm cán bộ trong đó có một cựu Phó Chủ tịch thành phố, ông Phí Thái Bình bị công an kết luận là “Có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự”. 
Tuy nhiên các cơ quan bảo vệ pháp luật sau đó đã thống nhất không cần thiết phải xử lý hình sự với ông Phí Thái Bình vì ông này “có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu”? [2]
Đây có phải là hình mẫu hoàn hảo cho việc “xử lý cho phù hợp”?
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thiết nghĩ cũng nên “tâm tư” một tí với hai hướng xử lý được Bộ trưởng Tân đề cập: “Đảm bảo sự nghiêm minh pháp luật” và “Xử lý cho phù hợp”.
Hướng nào sẽ được ưu tiên?
Nếu pháp luật được thượng tôn, nếu “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” thì nhận hối lộ 3 triệu USD sẽ xử lý thế nào cho “phù hợp”?
Sau rất nhiều nghị quyết đã ban hành của Trung ương về phòng chống tham nhũng, sau những phát biểu “chống tham nhũng không có vùng cấm” của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vì sao cho đến hôm nay Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân vẫn phải cho rằng xử lý “cán bộ cấp cao” mắc sai phạm là “nhạy cảm”!
Liệu đây có phải là chuyện bình thường, vốn xưa nay … vẫn thế?
“Có tỉnh tuyển dụng sai phạm đến 1.700 trường hợp”, nguyên nhân theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là do “Chúng ta không nắm được cán bộ. Tất cả cán bộ đều thông qua hồ sơ, lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới…”.
Về sai phạm của “cấp dưới” có lẽ nên bàn thêm một tí.
Vụ bổ nhiệm Giám đốc sở 30 tuổi ở Quảng Nam, đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã kết luận: “Quảng Nam làm đúng quy trình”.
Tuy nhiên sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã bác bỏ kết luận của Bộ Nội vụ và ra quyết định kỷ luật cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng con trai. 
Cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một tỉnh tuyển dụng sai phạm 1.700 trường hợp, vậy cả nước tuyển sai bao nhiêu trường hợp?
Hàng triệu người kê khai tài sản, chưa đến 10 người có sai phạm; Số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm tỉ lệ 0,63%; Số viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm tỉ lệ 0,38%… Đó là các số liệu được cơ quan chức năng công khai trên báo chí.
Liệu đã đến lúc không chỉ Bộ Nội vụ mà các cơ quan khác cũng nên đối diện với một sự thật, rằng những số liệu thống kê “đẹp” đến khó tin về công tác cán bộ chỉ mang lại cảm giác bất an cho người dân, không vực dậy niềm tin bị suy giảm nghiêm trọng của dân chúng vào lĩnh vực này?
Theo Bộ trưởng Tân, báo cáo từ các địa phương gửi về, Bộ Nội vụ chỉ tổng hợp trong phạm vi “Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước” và “Hệ thống” ấy đã cho ra con số 0,63% công chức, 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. [2]
Những con số mà chính Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng phải thừa nhận: “Với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, tôi cho rằng nhận xét, đánh giá này chưa chính xác”.
Với thực trạng “Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước” như vậy, liệu đã đến lúc cụm từ “không ít cán bộ” hay “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” (mắc sai phạm nghiêm trọng) cần phải mở rộng thành “một bộ phận không nhỏ tổ chức, địa phương”?
Hồ Chủ tịch từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Một khi người đứng đầu ngành Nội vụ phải thừa nhận “Chúng ta không nắm được cán bộ” thì liệu đã đến mức “cán bộ” không còn thuộc về “chúng ta”?
Và nếu mối lo “cán bộ” không còn thuộc về “chúng ta” là đúng thì thực sự họ thuộc về phía nào, kim tiền, ngoại bang hay thánh thần?
Cũng cần phải làm cho rõ, khái niệm “Chúng ta” trong phát biểu của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có phải là gần 100 triệu người dân nước Việt?
Nếu “Chúng ta” không phải là nhân dân mà chỉ bó hẹp trong phạm vị “Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước” thì nhân dân có phải cùng chịu chung trách nhiệm?
Vậy nên nếu “chúng ta” chưa (hoặc không?) muốn nhìn thẳng vào “cán bộ” để cảnh tỉnh thì có phải di huấn của Hồ Chủ tịch “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” vẫn chưa được quan tâm đúng mức?
Người lãnh đạo phải “Lấy dân làm gốc”, công việc phải lấy “Cán bộ làm gốc”.
Đất nước chỉ có thể ngẩng cao đầu từ đôi chân tạo bởi hai cái “gốc” ấy.
Nếu có lúc nào đó “gốc cán bộ” được xem quan trọng hơn “gốc dân”, thậm chí là cao hơn “gốc dân” thì điều gì sẽ xảy ra?
Liệu có phải lúc đó thay vì tranh đua với thế giới trong các kỳ Olympic “chúng ta” sẽ tham gia Paralympic?

Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/gdvn-post204157.gd?bclid=IwAR1quVuTAMc3 w42NXrHMcJJv5eWk5o-mpJPcSiBqFiRWbdFsiTC1N41jBY
[2] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/nhom-loi-ich-dang-chuan-bi-de-doi-pho-voi-quyet-tam-cua-tong-bi-thu-post169537.gd


Xuân Dương