Thiện Tùng
Bút ký
Bút ký
Đứng trên đê cao nhìn xuống, cái nhà nhỏ càng nhỏ, thấp lè tè
dưới mặt đất. Hết nhảy đường đứt nầy đến đường đứt khác, Tín trước Tùng sau,
men theo bờ ruộng về hướng nhà bà Hai, một cơ sở nuôi dưỡng lực lượng cách mạng
trong thời kháng chiến chống Mỹ ở xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Ảnh minh họa |
Vừa đi Tín thỏ thẻ với Tùng: Nhà bả hồi đó rộng
lớn cỡ nào như anh đã biết, bây giờ chỉ vậy đó thôi, một cái nhà khiêm tốn, hay
nói đúng hơn là cái chòi. Sau khi anh bị thương chuyển đi rồi, quân đội Việt
Nam Cộng hòa thường xuyên càn quét vào vùng nầy, họ lùng sục trong địa hình rồi
đốt sạch nhà cửa xung quanh. Họ cho rằng xóm nhà nầy là chỗ Việt Cộng dựa dẫm.
Khi đốt, họ không cho chữa, không cho lấy đồ đạc ra, đợi cháy rụi hết họ mới
chịu rút đi, chủ nhà chỉ còn than trời, trách đất.
Sau vụ đốt nhà đó, cả nhà bà Hai, mỗi người chỉ còn một bộ đồ
dính thân và một cây me bị lửa tạt sém hết nửa thân, hiện giờ nó cố gượng sống
với những ngày tàn bên cạnh một khổ chủ.
Đến nơi, Tín rón rén bước vào nhà, vỗ tay đánh động rồi hỏi
ngay:
– Bộ bịnh sao nằm chèo queo vậy bà ? .
– Gió bấc lạnh thấu xương, nằm co cho ấm .
Bà Hai ghé mắt sát rồi đấm vào lưng Tùng nói:
– Mồ tổ mầy, bị thương rồi biệt luôn, tao tưởng mầy theo ông bà
rồi chớ! Bây giờ mầy ốm, tóc bạc lỗ chỗ khác xưa nhiều. Nếu gặp ngoài đường,
không ai nói, tao sẽ mặt lạ với mầy ! .
– Đã hơn 30 năm rồi còn gì – Tùng nói.
Lũ nhỏ ùa vào, chúng há hốc miệng nhìn chòng chọc vào Tùng và
Tín. Bà Hai nhìn lũ trẻ nói: Lũ con thằng Dững đó đà, vừa trai vừa
gái bốn năm đứa lủ khủ. Nhà thằng Dững ở kế bên tao, nhà thằng Dừa ở kế bên
thằng Dững – một dải, ba mẹ con ở khít đeo. Nay tụi nó đi cắt lúa trả công cho
người ta ở kinh dưới, gần nhà con Bê.
Thấy Tùng và Tín đứng xớ rớ, bà Hai giục mấy đứa nhỏ về nhà xách
ghế. Mấy đứa nhỏ vụt chạy đi, bà lẩm bẩm: Cái giường xệu xạo
thế nầy, nếu hai đứa bây chất lên nữa sập ngay, thanh tre mà hả họng hả hầu hết
rồi !.
Mấy đứa nhỏ xách ghế tới, chui vào chỗ Tùng và Tín rồi ra cửa
đứng tiếp tục nhìn vô. Bà Hai nói như lịnh: Hai đứa ngồi ghế đi,
còn lũ nhỏ ra ngoài chơi, đừng đứng cửa nhìn vào không nên!.
Lũ nhỏ vừa dợm chạy, Tùng gọi giựt chúng lại, thay vì gói bánh
xâm- banh định cho má Hai, cho lũ trẻ tội nghiệp nầy. Tùng vừa chìa gói bánh
ra, bà Hai hước lấy, miệng lẩm bẩm: Để tao chia, không
thì chúng giành ăn móc họng với nhau bây giờ !.
Tùng đưa gói bánh cho bà Hai cũng là lúc mấy đứa nhỏ đổi hướng
nhìn, nãy giờ chúng nhìn Tùng, bây giờ chúng đổ xô
nhìn má Hai, đúng hơn là chúng nhìn theo gói bánh. Chúng dõi theo coi Bà chia
có đồng đều không.
Bà chia đều mấy cái cho mỗi đứa rồi đuổi chúng đi, trông chúng
chỉ vừa lòng với hiện tại. Bao nhiêu bánh còn lại bà gói để trên nắp lu. Thứ
bánh xốp xộp, mỗi đứa chỉ có mấy cái thấm vào đâu, tráng mép đã hết
Câu chuyện người lớn vừa bắt đầu, lũ trẻ lại tràn vào, nhìn dáo
dác rồi bu quanh cái lu, mắt đổ dồn vào gói bánh còn lại. Thấy vậy, Tùng mở
toạc gói bành ra nói: Các cháu cùng ăn đi, hết thôi rồi ra
ngoài chơi.
Lũ trẻ bao tròn cái lu, miệng nhai tay bốc, trong chốc lác đã
hết sạch ký bánh mà xem mòi chưa thấm. Một đứa nắm tóm miếng giấy
trút vào miệng vớt vát những miếng bánh vụn rồi cùng vọt ra sân, trả lại sự yên
lặng cho người lớn.
– Lũ mất dạy!…– bà Hai nói với vẻ bực bội.
– Sao lại mất dạy, bảo đi lấy ghế chúng chạy đi ngay,
ngoan đó chớ. Có lẽ chúng đói và thèm nên mới tươm tướp như vậy. Con nít, đừng chấp
nhứt chúng trong việc ăn uống bà ơi?! – Tín nói đỡ cho lũ trẻ, xả căng.
Bà hai nói với vẻ bực bội: Con nhỏ bự đầu nhứt
trong đám, đã 14 tuổi rồi mà nó ăn vụng không nói được. Mỗi ngày tao nấu một
lon gạo, ăn sáng, số còn lại để chiều, thế mà nó cứ lỏn vào ăn hết. Đi đâu tao
đều khóa cửa lại, nhưng nhà nầy khóa cửa ăn thua gì, dừng lá xé, vạch vách chui
vào thôi. Tao nói thứ gì ăn được hễ để hở là nó ăn, giữ mèo còn dễ hơn giữ nó.
Tao nói nó ăn vụng thành tật rồi ! …
Bà Hai càng nói Tùng càng lường được nỗi khó khăn túng quẩn của
gia đình và sự bất hạnh của lũ trẻ. Con những gia đình khá giả, bánh bao, sữa…
mà chúng còn không chịu ăn uống, còn phùng thẩy. Tín nói đúng, do đói, do thèm
nó mới đòi ăn. Đòi không được phải tự đi kiếm, nếu kiếm ngoài đường không có
thì vào nhà, không cho thì lén lấy, ăn vụng chớ có chi là lạ?. Chúng nó chưa
trưởng thành, đang như những con chim non, việc ấm no phụ thuộc vào ông bà, cha
mẹ. Sao người lớn không tự trách mình mà lại trách chúng?!. Tùng muốn giãi bày
cảm nhận của mình như thế với bà Hai, nhưng sợ bà giận, cuộc viếng thăm mất
vui, không trọn vẹn. Tùng lờ chuyện lũ nhỏ, sang chuyện khác:
– Sao bà cất nhà hẹp té, thấp lè tè, vào ra phải khòm, nếu không
lá xốc vào mắt chớ chơi đâu?!.
– Tháng trước gió sập, mới cất lại tốn 200 lá xé vừa lợp vừa
dừng. Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu. Tiền bạc eo hẹp, nhà nhỏ cất cao coi sao được.
Tao với còn không tới mái kia mà.
Tín bật cười khan. Bà Hai hỏi:
– Tao nói thế không đúng sao mầy cười ?
– Nói là nói người khác, chớ bà đi khòm cái đầu gần sát đất mà
xốc cái nỗi gì. Đúng là nhà bà vào lòn ra cúi – cùng cười.
– Dượng Hai mất hồi nào ? – Tùng hỏi.
– Khi tụi bây rút đi khỏi vùng nầy, nhà bị đốt, ổng sinh ra bịnh
khùng khùng điên điên, đi tầm bậy tầm bạ rồi mất tích luôn, kiếm hoài không được,
hết tiền hết bạc, riết oải, lâu lắm rồi bặt tăm bặt tích không biết còn sống
hay chết… Biết sao giờ, tao lập bàn thờ, lấy ngày ổng đi lần chót làm ngày giỗ.
Bây thấy đó, có hình hẹo gì đâu. Năm chúng đốt nhà cháy cả giấy Căn cước. Sau
đó xin làm giấy lại, bọn làng đú vời, ghét bỏ ở lậu luôn. Thằng Dững lớn thây
cho nó vào du kích, đụng trận thương tích đầy mình, hiện giờ nó “nắng
không ưa, mưa không chịu, nhác gió, kỵ mù sương”.
– Bà ở một mình rồi sống bằng cách nào ? – Tùng hỏi.
– Số ruộng hồi trước tao chia cho thằng Dững, thằng Dừa, chừa
lại 3 công, tao đâu làm nổi, cho thằng Dững mướn, mỗi năm nó chung cho tao 12
giạ lúa, đủ ăn trong năm. Ngặt nỗi, năm nào thất mùa, thằng Dững nó không chung
hoặc chung không đủ thì gay. Nó không có mà đòi cái gì, nó là con không lẽ tao
đi thưa gởi nó coi sao được, chửi mắng nó chi cho thêm mỏi miệng.
Như sực nhớ, bà Hai hỏi: “Hai đứa bây có
biết thằng Mười Kỷ không, nó làm chức gì đó lớn lắm ở Bến Tre. Hồi chống Mỹ,
gánh nó ra vô nhà tao ấp lẫm. Cách đây mấy tháng, tao sang Bến Tre tìm
thăm nó. Người ta chỉ chỗ nó làm việc, khi đến cổng lính gác không cho vô. Tao
tự xưng là người thân của thằng Kỷ. Họ báo vào trong, lát sau thằng Kỷ cho
người ra cổng rước tao vô tận dinh. Gặp tao nó đâu có nhớ, nói tới nói lui nó mới
nhận ra tao – đúng là thằng mau quên.. Lâu mới gặp nhau, thăm hỏi chưa cạn lời,
nó báo bận đi họp hành gì đó. Nó nhét vào túi tao ít tiền và cho xe đưa tao ra
đến bến xe. Sau khi nghe tao kể việc đi thăm thắng Kỷ, thằng Dững cũng mò qua
bên ấy, nhậu quậy sao đó, bị thằng Kỷ rầy. Từ đó đến nay nó thụt luôn không dám
bén mảng qua bên ấy nữa”.
Tín lẹ miệng: “Ổng Mười Kỷ một thời làm bí thư
tỉnh ủy Bến tre, tụi nầy còn lạ gì về ông ấy. Nghe đâu ổng đã về hưu, cất nhà
giống cái chùa ở cạnh cầu Gò Đàn, ngoại ô thị xã Bến Tre, bên bờ sông Cái
Cối…”.
Bà Hai lại khoe: Mấy thằng cán bộ sống
sót trong chiến tranh, đang làm việc ở Chợ Gạo nầy, có đứa nào không biết tao.
Có lần tụi nó kéo đến đây thăm tao. Chúng nó nói, bà lớn tuổi ở một mình không
nên, chú Dững là thương binh, chúng tôi sẽ đề nghị trên cấp cho bà cái nhà tình
nghĩa, nếu không được cũng trợ cấp cho chú Dững khoảng 10 triệu đồng để sửa nhà
chú ấy cho đàng hoàng hơn rồi rước bà qua đó ở cho có mẹ có con. Tụi nó nói tao
nghe cũng phải. Nhưng đến nay chưa thấy gì, có lẽ còn lo cho những người khó
khăn hơn gánh tao. Tao lo là lo cho thằng Dững, thằng Dừa, chớ còn tao thì yên
bụng rồi, đã mua được cái thọ dưỡng già – đang gởi bên nhà thằng Dững. Tao ăn
chay trường, gạo có sẵn, chỉ mua đậu hủ, nước tương về “tẩn lịm” với ba trái
đậu bắp, đậu rồng, cà chua… trồng quanh nhà là xong việc.
Tùng nhìn bà Hai, cười, nói: Bà ăn chay riết chắc
chết sớm, còn đeo chi xâu chuỗi lòng thòng cho thêm nặng?!.
Bà hai cúi mặt giây lâu rồi đứng dậy nói: “Hai đứa ngồi
chơi, tao qua coi thằng Dững, thằng Dừa về chưa”.
Bà Hai đi rồi, Tín kéo ghế lại gần, ghé miệng nói nhỏ vào tai Tùng:
– Tôi đã bị rồi…, vậy là bả giận anh rồi đó !.
– Tao làm gì bả giận ?
– Anh phê bả ăn chay và đeo chuỗi chớ còn gì !
– Tao nói thế không phải sao ? – đâu lẽ chỉ vậy mà bả giận!.
– Thôi ông ơi, để tôi kể cho ông nghe: Cách nay vài năm, bả
đến thăm tôi. Vợ tôi mua thịt cá làm cơm đãi bả. Khi dọn ra, bả nói tao ăn
chay, làm lỡ bộ. Trong khi chờ vợ tôi đi mua đồ chay, tôi vui miệng khuyên bả
nên ăn mặn để tăng sức và đừng đeo chi xâu chuỗi thêm nặng như anh nói. Cũng
như hôm nay, bả ngồi lặng thinh hồi lâu, buồn bã phân trần: Mầy
bảo tao bỏ xâu chuỗi khác nào bảo tao bỏ người thân của tao sao ! Người
thân tao đông lắm, trong đó có mầy. Tao không biết chữ, mỗi hột trong xâu chuổi
nầy là một đứa theo Cách mạng mà tao quen biết, tao coi chúng như những con
tao. Từ sau Tết Mậu Thân (1968), lũ nó lần lượt hy sinh, sợ không nhớ nổi, tao
làm cái gút ở giữa xâu chuổi, đứa nào hy sinh tao chuyển một hột về bên trái –
phía trái tim mình. Mỗi lần chuyển là mỗi lần tao rơi nước mắt và niệm Phật.
Tao ăn chay kỳ, niệm Phật tụi nó cũng chết. Tức mình tao ăn chay trường, niệm
Phật hàng đêm, ấy thế mà lũ con tao vẫn tiếp tục chết. Xem đây nầy, hơn phân
nửa số hột đã nằm bên trái.Tụi bây không biết đó chớ, ăn chay sướng ích gì, lúc
đầu không quen xót ruột lắm, ngủ nghê không được, mắt thâm quầng, nhưng riết
rồi nó cũng quen. Bây giờ, hễ hưởi mùi thịt cá là tao mắc ói. Đây là xâu chuỗi
bình thường, nó như bàn tính của người Tàu, nếu đem quăng nó bên đường chưa chắc
có ai thèm lượm. Ấy thế, có nó đỡ tẻ lạnh. Đêm đêm, tao lần từng hột chuỗi như
mò về quá khứ để mà nhớ mà thương… Ăn chay, lần chuỗi kiểu của tao như lần mò
xuống địa ngục chớ đâu phải tìm lên thiên đàng. Nói đến đó, bả nhìn vào em, rơm
rớm nước mắt. Em lặng cả người, cổ nghẹn, không cầm được nước mắt.
Thấy bà Hai về đến cửa, Tín ngưng kể, làm tĩnh, hỏi vói ra:
– Hai đứa nó về chưa ?
– Giờ chưa về đến chắc là “đụng trận” rồi. Hễ đụng trận thì còn
tính gì giờ giấc. Cũng đã tối rồi, trời sắp mưa, hai đứa về kẻo mưa đường trơn
trợt khó đi lắm.
Trước mặt bà Hai, Tùng ôn tồn:
– Do không hiểu, hồi nãy con vô tình nói về xâu chuổi, ăn
chay xúc phạm đến tình cảm riêng tư của dì, xin dì bỏ qua cho!. Đây là cái mền,
con tặng dì phòng lạnh, khi nào tiện tụi con trở lại thăm dì .
– Bộ thằng Tín nói gì với mầy? – Thì vậy đó…, Dì cám
ơn con.
Trên đường, Tùng tâm sự với Tín: Đúng là bà Hai nghèo
dưới mức đủ ăn, từ cái bàn thờ đến tất cả những vật dụng trong nhà không có gì
đáng. Chỉ cần đứng một chỗ trong nhà nhìn thấy không sót những gì bà có, đặc
biệt là không thấy dép ?!.
Với giọng trầm buồn, Tín phụ họa: Kẻ chết đuối không
thể vớt người chết trôi. Thôi thì từ nay mình cũng làm theo kiểu “lá rách ít
đùm lá rách nhiều”. Theo em, cái nghèo hiện nay đâu chỉ đeo đuổi bà Hai, nó đeo
đuổi bất cứ ai không còn đủ sức chạy đua với cuộc sống – kể cả tôi và
anh. Từ hữu sản biến thành vô sản thì dễ, ngược lại quá khó. Chẳng biết bọn
tham quan ngày nay, lòng nhân ái của họ chó ăn hết rồi sao?!. Thay vì phung phí
xây trụ sở, tượng đài, lăng tẩm…, để số tiền đó giúp cho dân nghèo, nhứt là
người có công trong kháng chiến như bà Hai thì tốt biết bao?.
Gió đổi chiều, mây đen sà xống thấp báo hiệu sắp có cơn mưa,Tùng
giục Tín cố lên. Khi hai người sóng vai, với giọng trầm buồn, Tùng tổng quát:
“Rốt
cuộc cũng chỉ thay đổi tập đoàn thống trị bóc lột nầy bằng tập đoàn thống trị
bóc lột khác mà thôi?!” -/
Mỹ Tho,
26/01/2016
T.T
--------
Văn Tuyển
– Hiệp hội Văn chương toàn
cầu.
Posted
on Tháng Một 26, 2016 by VietnamDaily.News in Bút ký, Thiện Tùng // 2 Comments