01 juin 2020

TẠI SAO LUẬT ĐẤT ĐAI CỨ SỬA TỚI SỬA LUI HOÀI MÀ KHÔNG XONG?


Thảo Ngọc



Kể từ khi thành lập nhà nước CHXHCNVN đến nay, chưa có bộ luật nào cứ sửa đi sửa lại, sửa tới sửa lui hoài  như Luật đất đai mà đến nay vẫn không xong, và có lẽ chẳng bao giờ xong, nếu như nhà nước không chịu  công nhận quyền tư hữu về đất đai của người dân.

Đầu tiên là Luật đất đai năm 1987,quy định “Đất đai  thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”. Và cụm từ “Nhà nước giao đất” bắt đầu từ đây. Nghĩa là mảnh đất mà chúng ta đang ở, dù là do tổ tiên ông bà ta sử dụng bao đời nay, thì cũng đều do “nhà nước giao”, kể cả khi nhà nước này chưa ra đời.


Tồn tại được 5 năm, Luật đất đai năm 1993 lại ra đời. Từ đây, người dân được cấp mảnh giấy gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”(GCNQSDĐ). Và được nhà nước ưu ái ban cho 5 quyền:Là quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê. Trong đó việc người dân bán đất thì được gọi là “Chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Tồn tại được 4 măm, thì Lật đất đai sửa đổi năm 1998 lại  ra đời.Từ chỗ người sử dụng đất có 5 quyền, từ đây người dân được ban thêm 2 quyền nữa; Quyền góp vốn và quyền cho thuê lại.

Điều kinh khủng là: Luật sửa đổi năm 1998 mới in chưa ráo mực, thì “Luật đất đai sửa đổi năm 2001” lại ra đời. Cũng từ đây,cấp tỉnh và thành phố có quyền “giao đất cho tổ chức kinh tế”. Vậy là các quan tham vẽ ra những dự án nấp dưới vỏ bọc “các tổ chức kinh tế” để thực hiện việc cướp đất hợp pháp. Và những vụ cướp đất  như Thủ Thiêm, Dương Nội, Tiên Lãng, Kỳ Anh…đều bắt nguồn từ đây.

 Trên nguyên tắc, việc nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là rất chính đáng và được người dân đồng tình, ủng hộ. Nhưng thực tế diễn ra lại khác. Người ta thu hồi đất và đền bù cho dân với giá rẻ mạt. Sau đó bán lại cho các nhà đầu tư với giá gấp hàng nghìn lần giá đền bù. Đến nỗi người dân sau khi bị thu hồi hàng ngàn mét vuông đất, giá đền bù không thể mua nổi một nền đất sau khi “được quy hoạch”.

Và điều kinh khủng nữa lại đến. Luật đất đai năm 2003 lại được ban hành. Và sau 10 năm tồn tại, thì Luật năm 2003 được thay đôi bởi Luật năm 2013.

Từ đây trong Giấy CNQSD đất, được xác định thêm quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Và sau 7 năm tạm yên ổn thì Luật đất đai năm 2013  lại được sửa đổi.



Báo Pháp Luật TP.HCM ra hôm nay(30/5/2020) có bài: “Bộ TN&MT nêu 6 vấn đề sửa Luật Đất đai.”

Theo đó: “Luật đất đai năm 2013 bộc lộ nhiều bất cập”(1).



Bộ luật Dân sự quy định "Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu,quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu.”(2).



Nhưng theo Luật đất đai, mặc dù người dân đã được nhà nước công nhận “quyền sử dụng đất”. Nhưng  nhà nước vẫn không thừa nhận  quyền sở hữu về đất đai. Nghĩa là người dân không có quyền định đoạt về mảnh đất của mình?

Ở những nước văn minh thì các bộ luật được viết ra nhằm bảo vệ  quyền con người. Luật luôn đi trước thời đại hàng mấy chục năm,thậm chí là hàng trăm năm.

Tại Việt Nam thì ngược lại. Luật chỉ chạy theo công nhận và hợp thức hóa những gì đã và đang diễn ra trong thực tiễn xã hội mà thôi.

Về Luật đất đai: Dù chỉ mới “sáng chế” ra hơn 30 năm, nhưng  đến nay đã có 7 lần sửa tới sửa lui mà vẫn chưa hoàn thiện. Như kiểu đi vá víu cái áo lâu ngày  đã sờn rách do lạc hậu với thời cuộc mà không dám may áo mới cho phù hợp với xu thế của thời đại.



Điều trớ trêu là nhà nước công nhận quyền sử hữu tài sản gắn liền trên đất như ngôi nhà xây chẳng hạn, nhưng lại không công nhận quyền sở hữu miếng đất có ngôi nhà đó.

Trong đó cụm từ “Giải phóng mặt bằng” đã mang lại nhiều tai họa nhất cho người dân. Khi người dân đang sống yên ổn bao đời thì không cần ai đến “giải phóng” cả. Để rồi nhờ được “giải phóng”  mà  hàng ngàn hộ dân phải rời bỏ mảnh đất do cha ông để lại, phải trắng tay ra đứng đường như dân Thủ Thiêm, mà 20 năm người dân đi kiện mà không được giải quyết? Thực chất giải phóng là hình thức cướp đất trá hình.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã chỉ ra 10 hạn chế của hệ thống pháp luật đất đai hiện nay(3).

Mặc dù bao năm nay nhà nước huy động những bộ óc họ cho là thông thái nhất để hoàn thiện Luật đất đai.Nhưng làm luật theo kiểu “đo bò làm chuồng”, theo kiểu vá ruột xe, thủng đâu vá đó, mà không dám vứt mẹ cái ruột cũ rích đã nát bấy rồi, để thay rột mới vào, thì không bào giờ có hiệu quả.

Quyền tư hữu về đất đai là quyền cơ bản của con người được tạo hóa ban cho, cũng như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc vậy.

Dù có sửa hàng trăm lần đi nữa, nhưng nếu  không công nhận quyền tư hữu về đất đai của người dân thì sẽ không bao giờ bộ luật này được hoàn thiện.



Chú thích: