18 mai 2014

Sự thần phục vô điều kiện?


    Trần Phi Đông

    Liệu chính quyền Hà Nội có đàn áp biểu tình hôm nay, 18-5-2014? Cản trở thì đã rõ, nếu đàn áp họ sẽ phải trả cái giá vô cùng đắt mà ngàn năm sau cũng chẳng chuộc lại được.



    Hè 2011, 10 cuộc biểu tình chống sự gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc tại Biển Đông đã xảy ra hầu như mỗi cuối tuần. Chắc bị bạn vàng nhắc nhở, ngày 18-8-2011 chính quyền Hà Nội yêu cầu "chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát của người dân." Văn bản này đã chẳng ai dám ký mà văn phòng UBND T.P. Hà Hội chỉ đành đóng dấu treo. Bí thư thành ủy đảng CSVN,  chủ tịch UBND, giám đốc công an và nhiều quan chức thành phố Hà Nội đã tổ chức một cuộc "đối thoại" với đại diện của những người biểu tình.
    Ba năm sau, đầu tháng 5-2014, Trung Quốc trắng trợn kéo dàn khoan khủng HD-981 đến cắm ở vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 20 tổ chức XHDS kêu gọi biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn ngày 11-5-2014 chống lại nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lược. Các cuộc biểu tình này đã thành công, diễn ra ôn hòa và trật tự như hàng chục cuộc biểu tình khác cũng do các tổ chức dân sự tổ chức những năm trước. Nếu đàn áp cuộc biểu tình 11-5-2014, thì là tự sát vì điều đó chẳng khác gì tự tuyên bố "chúng tôi bán nước đây." Không những cuộc biểu tình không bị đàn áp mà tại Hà Nội còn có những người thuộc hội đoàn quốc doanh cũng tham gia và tìm cách lái cuộc biểu tình theo ý họ nhưng đã không thành.  Cũng hôm 11-5 đó tại Hội nghị thượng đỉnh Asean Thủ tướng Việt Nam đã có bài phát biểu cứng rắn nhất từ trước đến nay chống lại sự gây hấn của Trung Quốc. Báo chí chính thống đã đồng loạt đưa tin về bài phát biểu đó và các cuộc biểu tình.
    Hai ngày tiếp theo các cuộc biểu tình tự phát (hay có tổ chức?) của công nhân đã diễn ra với quy mô chưa từng có, nhưng đáng tiếc đã xảy ra một số vụ đập phá tại Bình Dương, Hà Tĩnh. Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tất cả những kẻ phá rối, đập phá trà trộn vào các cuộc biểu tình đều không phải là công nhân. Bọn chúng có vẻ rất có tổ chức, hoành hành mấy ngày mà lực lượng an ninh đã không phát hiện ra, đã không can thiệp để mặc chúng phá phách và gây ra tai họa cho hình ảnh và uy tín của Việt Nam. Chỉ sau khi hàng loạt nhà máy bị phá hoại họ mới bắt hàng loạt người, không rõ có bắt được bọn chủ nưu kích động và đập phá hay không. Ai là kẻ đứng sau bọn côn đồ này? Tại sao không nhà lãnh đạo nào lên tiếng nêu rõ quan điểm của chính quyền và trấn an các nhà đầu tư nước ngoài? Ban chấp hành trung ương Đảng CSVN họp từ 8-5 đến 14-5-2014 không rõ có bàn gì về những cuộc bạo loạn xảy ra ngày 12 và 13-5 hay không, nhưng đã có sự im lặng "chối tai." Rồi chỉ đến  chiều 15-5 tại Hải Phòng ông Thủ tướng mới nói về những sự cố đáng tiếc này và đã có công điện yêu cầu các bộ các địa phương "khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp, chủ động và kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật".
    Liệu nhà cầm quyền có lấy cớ này để cấm và đàn áp cuộc biểu tình sáng nay 18-5-2014? Cứ theo cái "khẩn trương..., vi phạm pháp luật" kể trên thì rất có thể.
     Thế là lại giống như 18-8-2011 (sao lại là ngày 18?) họ lại muốn cấm biểu tình rồi. Nhưng không thể cấm, vì cấm không những vi hiến mà còn lộ ra "chúng tôi bán nước đây" hay chúng tôi mượn lời của Gs. Ngô Bảo Châu  để nhắn ai đó rằng đúng chúng tôi "thần phục vô điều kiện" đây. Có lẽ vì thế họ không dám cấm. Ông Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chỉ "yêu cầu các tầng lớp nhân dân không tham gia tuần hành, biểu tình làm ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân Thủ đô, tác động xấu hoạt động du lịch và việc học sinh đang tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp các cấp, thi đại học". Thông điệp thế cũng đủ cho người họ muốn nhắn tới rồi.
    Hẳn những người biểu tình hôm nay, cũng như những lần trước, cũng sẽ giữ sự ôn hòa, trật tự. Và nếu họ vẫn đàn áp thì dẫu có vin bất cứ cớ gì thì cái mặt nạ cũng sẽ rớt xuống.