03 juin 2017

39 người Việt làm việc bằng 1 người Nhật


Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần- Ảnh minh họa
      
“Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực”. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo về cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam do Bộ Công thương vừa tổ chức. 



Cụ thể năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần. So với các nước đang phát triển trong khu vực thì Malaysia cao gấp 6,5 lần, Thái Lan và Phi-lip-pin cao gấp 1,5 lần.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo bình quân đầu người. Đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.

Trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần- Ảnh minh họa



Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã chỉ ra những điểm nghẽn lớn khiến tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam chậm và chưa thực sự bền vững. Ví dụ tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng.

Đóng góp của công nghệ đối với năng suất nhân tố tổng hợp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp, chỉ xấp xỉ 10%, của toàn nền kinh tế là 29%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ở cùng giai đoạn như: Ấn Độ (49%), Thái Lan và Philippine (70%), Malaysia (64%), Indonessia (37%) hay Trung Quốc (39%).

"Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như dệt may, da giày, điện tử, hóa chất...Đây là các khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Chính vì vậy, công nghiệp Việt Nam đạt thành tích lớn về quy mô xuất khẩu, nhưng thực chất giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng", ông Hưng phân tích.



Nguồn : Theo PLO