13 mai 2014

Nhập nhằng?

Theo Dân News
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
btyy
Ngay sau cuộc biểu tình ngày 11/5, có vài ý kiến cho rằng việc vừa chống Trung Cộng, vừa đòi tự do cho người yêu nước là loại “nhập nhằng”. Tôi thấy mình cần viết ra ở đây vài dòng về ý này.

Tôi tin trong chiến thuật của một cuộc biểu tình, việc gom nhiều mục đích trong một lần có thể là chưa hợp lý, thậm chí có thể là sai lầm thời điểm. Uyển chuyển và thông minh là điều được trân trọng. Nhưng miệt thị “nhập nhằng” là không đúng, và thật đáng xấu hổ cho suy nghĩ này.



Nếu nói là “nhập nhằng”, xin hãy nhìn vào Nhà nước với chiến thuật nhập nhằng vừa kêu gọi mọi người một lòng xuống đường chống TQ, vừa tới nhà nhiều người luôn chống TQ để ngăn chận họ.
btdc
Yêu nước và kêu gọi nhìn nhận những người bị cầm tù oan khuất vì yêu nước, không thể gọi là nhập nhằng!
Miến Điện sẽ chẳng bao giờ có dân chủ thật sự khi tuyên bố mở cửa nhưng vẫn giam lỏng bà Aung San Suu Kyi.
Nam Phi sẽ không bao giờ tự do nếu tuyên bố giải thể chế độ Aparthied, nhưng tiếp tục cầm tù Nelson Mandela.
Tạm không nhắc đến những người đang bị cầm tù chỉ là phần tạm thời nín nhịn cho việc lớn trước mắt, nhưng chắc chắn không thể bỏ qua, nếu gọi là minh bạch trong việc đoàn kết một lòng chống giặc.
Tự mình làm ngơ, tự mình hài lòng với 2 chữ “nhập nhằng” là phản bội và khốn nạn với những người đi đầu chống giặc, nhất là đối với những kẻ hôm nay được chút ơn huệ tự do, vỗ ngực anh hùng và gọi kẻ khác là “nhập nhằng”.
Nhiều năm trước khi báo chí nói đến TQ xâm lược, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã đứng trước Nhà Hát Lớn Sài Gòn giăng biểu ngữ tố cáo Bắc Kinh. Anh đang ở trong tù.
Trước khi mọi người vỗ tay hát bài xuống đường, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình… đã hát câu chống ngoại xâm. Giờ thì những người đó cũng đang ngồi tù.
Và còn nhiều người như vậy nữa, đang bị quên lãng trong làn sóng hãnh tiến được phép, làn sóng kiêu hùng nhưng hết sức đậm đà chất vong ân bội nghĩa.
Một dân tộc tử tế không thể viết lại chữ hy sinh bằng chữ “nhập nhằng”. Một quốc gia không bao giờ có đủ sức mạnh chung nhất, khi tự mình chia rẽ bằng 2 chữ “nhập nhằng”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh