Theo Blog Thụy My RFI
Nhà báo Phạm Chí Dũng (áo trắng, ở giữa, trong đoàn biểu tình ngày 11/05/2014. |
Thụy
My :
Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Một ngạc nhiên thú vị : phát hiện ra anh
đang đi ở hàng đầu trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc ngày hôm nay 11/05/2014
trước Bưu điện TPHCM. Đây là tấm ảnh đầu tiên trong một loạt ảnh minh
họa cho bài tường thuật về cuộc biểu tình này của báo Thanh Niên online. Chắc là anh có khá nhiều cảm xúc về cuộc biểu tình này ?
Phạm Chí Dũng : Một cuộc xuống đường đầy cảm
xúc! Cảm xúc sống động và đầy đủ nhất của tôi không chỉ là bầu không khí biểu
tình phản kháng Trung Quốc của người dân, vì thực ra không khí này đã đột biến
từ năm 2011 rồi. Nhưng đây là lần đầu tiên phát tiết một sự ăn khớp nhịp nhàng
và cảm thông, chia sẻ giữa báo chí nhà nước với hoạt động dân chủ của giới trí
thức và dân chúng, liên quan đến sự kiện luôn bị đảng và chính quyền xem là đặc
biệt “nhạy cảm” này.
Không chỉ
các trang mạng truyền thông xã hội như Dân Làm Báo, Dân Quyền, Dòng Chúa Cứu
Thế, Tễu… đưa tin và hình ảnh trực tiếp về cuộc biểu tình ngày 11/5, mà các báo
nhà nước như Pháp Luật TP.HCM, Thanh Niên online… cũng liên tục và sôi nổi cập
nhật và tường thuật về diễn biến và không khí cuộc biểu tình này. Trước đó, có
thông tin là Ban Tuyên giáo trung ương đã cấm báo chí trong nước không được đưa
tin về cuộc biểu tình, coi đây là hoạt động không được pháp luật thừa nhận và
làm ảnh hưởng đến “Bạn vàng”.
Thế nhưng tinh thần đồng điệu và đồng cảm của giới
báo chí nhà nước đã khiến cho tình cảm đồng vị dân tộc chưa bao giờ được tôn
bật như lúc này. Ngay khi
một nhóm chỉ mười mấy người bắt đầu giương băng-rôn, biểu ngữ và hô khẩu hiệu
đả đảo Trung Quốc tại Nhà hát Thành phố, hàng chục phóng viên báo đài đã tràn
đến ghi âm, ghi hình. Không khí phấn khích ngay lập tức đã lan ra, khiến đám
đông dường như quên bẵng cuộc mít-tinh hình thức có sự can thiệp chỉ đạo của
chính quyền thành phố trên các bậc thềm Nhà hát lớn.
Cuộc
biểu tình diễn ra thế nào, thưa anh?
Chỉ sau ít
phút đi từ Nhà hát lớn, túc số biểu tình đã vọt lên đến hàng trăm người. Nhiều
bạn trẻ từ đám đông mít-tinh và hai bên đường đã ngay lay lập tức hòa mình vào
dòng người tuần hành. Chị Thiều Thị Tân, một cựu tù Côn Đảo mà tôi tình cờ gặp
lại sáng nay, đã chuẩn bị sẵn loa phóng thanh. Chị làm cho tôi ngạc nhiên vì
không chỉ hát tiếng Pháp rất hay, cựu nữ sinh trường Marie-Curie hơn sáu chục
tuổi này vẫn còn giữ được phong độ và kinh nghiệm của những năm tháng đấu tranh
trong chốn lao tù. Giọng chị sang sảng và lôi cuốn đám đông, khiến cho cuộc
tuần hành mau chóng tuôn trào ý nghĩa “xuống đường”.
Quả là
xuống đường! Từ Nhà hát lớn, chúng tôi đi ngược chiều đường Đồng Khởi và cứ thế
tiến về Nhà văn hóa Thanh niên và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc. Ngoài chị Thiều
Thị Tân, những người đi đầu có thể kể đến nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa từ Đà Lạt
về Sài Gòn, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Huy Đức, và cả một nhân vật phản biện
đặc biệt của “lề phải” mà người dân vẫn nhớ còn là “ông hội đồng Khoa”. Chưa
hết đường Đồng Khởi, con số tuần hành đã lên đến ít nhất 300-400 người.
Khi đoàn
biểu tình tiến đến Nhà văn hóa Thanh niên, rất nhiều bạn trẻ rải rác chờ quanh
khu vực đó từ sáng sớm đã lập tức gia nhập vào dòng người. Tôi nhận ra nhiều
khuôn mặt quen thuộc trong những lần biểu tình chống Trung Quốc trước đây, hồn
nhiên, đầy hăng hái và ít nhiều trải nghiệm. Nhưng cũng còn nhiều khuôn mặt
mới. Thậm chí trong số đó, tôi còn nhận ra vài ba gương mặt quen thuộc của
những bạn trẻ hoạt động trong giới cán bộ Đoàn. Tất nhiên, nếu chỉ xét về biểu
hiện, người ta có thể xem những bạn trẻ này là “biểu tình cuội”. Song tôi lại
không cho là như vậy, bởi tôi nhìn thấy ánh mắt hừng hực của họ và một biểu lộ
tha thiết muốn tham gia biểu tình thật sự chứ không phải nhằm “phá đám”.
Những
gương mặt và những ánh mắt ấy tôi đã chứng kiến trong cuộc mít-tinh phản đối
Trung Quốc do Mặt trận Tổ quốc và Hội Luật gia TP.HCM tổ chức vào buổi chiều
ngày 10/5 tại Nhà văn hóa Thanh niên.
Theo
quan sát của anh thì cuộc mít-tinh của chính quyền ra sao?
Tất cả
tinh thần “cực lực phản đối” của giới chức chính quyền đã chỉ diễn ra
trong một hội trường đóng kín với máy lạnh chạy hết công suất và đã kết thúc trong
vỏn vẹn có 30 phút, sau bốn, năm bài tham luận bằng giấy và không ít cái ngáp
dài cùng cặp mắt nhắm nghiền. Thế nhưng chi tiết có thể đặc tả là mỗi khi diễn
giả nào nói mạnh mẽ đôi chút về thái độ phản kháng đối với Trung Quốc, hội
trường lại vang lên tiếng vỗ tay.
Chúng ta
nên biết rằng cuộc mít-tinh ngày 10/5 được chính quyền TP.HCM tổ chức và giám
sát chặt chẽ từ nội dung đến thành phần tham dự. Những người tham dự phải là
“lực lượng nòng cốt” và phải có thẻ mới được vào dự. Thế nhưng tình cảm chất
chứa bên trong của mỗi con người thì lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Thái
độ quá nhu nhược và còn bị coi là đớn hèn của tầng lớp cầm quyền ở Việt Nam đã
khiến cho ngay một người dân nhịn nhục giỏi nhất cũng phải cảm thấy hổ thẹn,
còn những người không mang tâm tư khuất phục thì không thể chịu đựng nổi.
Xuống
đường! Trong đoàn biểu tình sáng 11/5 đã hiện ra nhiều khuôn mặt hừng hực bạn
trẻ, rất có thể có cả những bạn đã tham dự cuộc mít-tinh của chính quyền. Họ đi
đầu, với cờ tổ quốc, la khản cả giọng và có cảm giác như chỉ cần một hiệu lệnh
đủ thực tâm, những bạn trẻ đó có thể cầm súng tiến ngay ra mặt trận để chiến
đấu với kẻ gây hấn Trung Quốc.
Có
lẽ thái độ nhu nhược của chính quyền Việt Nam trước Trung Quốc đã phải trả giá?
Tháng
5/2014 đã ghi nhận một sự kiện vô cùng đặc biệt: chưa bao giờ kể từ cuộc chiến
tranh biên giới năm 1979, Nhà nước Việt Nam lại phải chấp nhận một cuộc biểu
tình và xuống đường công khai như thế này, cho dù trước đó chính quyền vẫn muốn
làm theo cách họ là chủ động tổ chức mít-tinh và cùng lắm là cho biểu tình,
nhưng lại là độc quyền biểu tình, tương tự như triết học độc quyền yêu nước của
họ.
Nhưng sự
nhượng bộ của chính quyền đã cho thấy gần hai chục cuộc biểu thị, biểu tình
chống Trung Quốc của trí thức và người dân diễn ra ở Hà Nội và Sài Gòn từ năm
2011 đến nay hoàn toàn không phải là vô nghĩa. Còn hơn thế, mức độ gây hấn của
Trung Quốc đã bộc lộ sâu sắc về ý nghĩa xâm lược, đến nỗi chính quyền Hà Nội
đang cảm thấy cô đơn và sợ hãi hơn lúc nào hết.
Họ cô đơn
trước quốc tế vì nếu xảy ra một cuộc chiến tranh với Trung Quốc vào lúc này, sẽ
không còn bất cứ cường quốc nào trên thế giới ủng hộ họ. Họ càng cô đơn trước
dân chúng vì đã từ quá lâu họ đè nén quá nhiều các tầng lớn nhân dân bằng chính
sách sưu cao thuế nặng, bằng các nhóm lợi ích tham tàn và đàn áp thậm tệ những
người biểu tình chống Trung Quốc. Thế sợ hãi của chính quyền đang vào đúng vị
thế của kẻ ở chân tường. Vậy nên họ phải thay đổi phương cách tổ chức biểu
tình, cố thay đổi để ít nhất cũng vớt vát được phần nào niềm tin nơi dân chúng
và đồng thời hy vọng đạt mục đích cô lập “các thế lực thù địch”.
Thế
còn thái độ của nhân viên an ninh như thế nào, trước các "thế lực" bị coi là thù địch này, thưa anh?
Thực ra cuộc biểu tình ngày 11/5 đã cho thấy rõ ràng
là chẳng có thế lực thù địch nào hết. Tất cả đều đồng lòng, từ trí thức, sinh
viên, cựu chiến binh, báo chí, tôn giáo, dân oan đất đai… Ngay cả những nhân
viên an ninh luôn đi bên cạnh tôi cũng mang một dáng vẻ khác, với nét mặt thư
giãn hơn trước đây. Đôi khi tôi còn thấy vài nhân viên an ninh bên đường mỉm
cười có vẻ đồng cảm với tiếng hô của đám đông dưới lòng đường. Một số khác tỏ
ra ngượng nghịu. Trong khi đó, lần đầu tiên cảnh sát giao thông và lực lượng
thanh niên xung phong tỏ ra đặc biệt có trách nhiệm với đoàn biểu tình. Bất
chấp đoàn người đi ngược chiều lưu thông, mọi xe cộ đều được hướng dẫn rẽ sang
ngả khác.
Tôi cũng nhận ra biểu cảm có chút tế nhị ở một số
người quen của của tôi trong Thành ủy và vài sở ngành liên quan đến công việc
theo dõi biểu tình. Có người nói nhỏ với tôi rằng đến giờ họ chỉ xem việc theo
dõi hoạt động biểu tình như một nhiệm vụ không thể thoái thác. Ngoài ra, họ
hoàn toàn “vô cảm” với công tác này. Rõ là nhận thức và có thể cả con tim của
các viên chức nhà nước, nhân viên an ninh đã chuyển biến qua thời gian, ít nhất
cũng tách bạch được đâu là chuyện “âm mưu lật đổ chế độ” và đâu là lòng yêu
nước thực sự.
Trước đây đã có thời nhiệm vụ của anh còn đối
lập với những người biểu tình?
Năm 2009, khi còn làm công tác nội chính, hàng tuần
tôi đều phải “trực chiến”, có nghĩa là phải ra Nhà văn hóa Thanh niên và Công
viên 30/4 để quan sát động thái của đám đông. Đó là thời gian mà lần đầu tiên
tôi được tiếp xúc với đám đông biểu tình, lần đầu tiên nhận ra sự thật hùng hồn
nhiệt huyết trong ánh mắt của họ, lần đầu tiên nhìn thấy một trong những người
nhiệt thành nhất trong biểu tình chống Trung Quốc là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải -
người mà số phận run rủi để tôi nằm đúng bệ xi măng của anh, đi đúng đôi dép tổ
ong mòn vẹt của anh tại buồng giam 2C1, trại giam số 4 Phan Đăng Lưu (PA92) của
Công an TP.HCM vào tháng 10/2012.
Tất cả những cái đầu tiên đó đã làm cho tôi xác quyết
lại nhận thức của mình về tính chính nghĩa của nhân dân khi tôi còn chưa rời
khỏi ngành nội chính. Để vào năm 2011, tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên trên
“Lề trái” với bút danh Người Quan Sát, tất nhiên là viết lén. Viết về những
cuộc biểu tình chống Trung Quốc, về sự bối rối và sợ hãi ngay từ lúc đó của
chính quyền. Khi đó một số người dân chủ vẫn cứ tưởng bút danh đó là của nhà
báo Huy Đức.
Còn giờ đây, kỷ niệm đó đã trôi dạt vào dĩ vãng, nhưng
vẫn làm cho tôi cảm thấy bồi hồi khi nhìn thấy đám đông các bạn trẻ đang xuống
đường, hòa mình trong bài ca “Dậy mà đi” vang trời ngày hôm nay.
Thật là thú vị! Xin anh kể tiếp về diễn tiến của
cuộc biểu tình sáng 11/5
Đến 10 giờ sáng, đám đông đã lên đến hơn 2.000
người, một con số chưa từng có trước đây. Cùng lúc, hàng ngàn người dân ở Hà
Nội cũng đổ ra đường hòa nhịp với Sài Gòn. Hai đầu cầu làm nên một niềm vui khó
tả về tinh thần xuống đường hòa quyện và đồng nguyên. Nhiều người dân đi trên
đường cũng bắt đầu nhập đoàn, dắt xe máy đi cùng. Có cả những bé nhỏ mặt tươi
sắc nắng. Một người đàn ông mặt mũi đen nhẻm và áo cũng đen nốt, nhưng động tác
vô cùng quyết liệt lại trở thành người dẫn đầu đám đông. Rất thú vị! Những hình
ảnh như thế làm tôi nhớ lại cuộc Cách mạng tư sản Pháp vào thế kỷ 18, so sánh
cuộc xuống đường của nền cộng hòa Gaulois trong quá khứ và cuộc biểu thị của xã
hội dân sự Việt Nam hơn 200 năm sau đó.
Miên man trong dòng người, tôi cũng chợt nghĩ đến giới
lãnh đạo nước nhà. Quả thật, nếu họ chịu hiểu ra đôi chút về tình cảm đồng loại
thì có lẽ họ đã dám tham gia vào đoàn người này. Mấy ngày trước, tôi nghe
phong phanh thông tin là Bộ Chính trị họp liên tục và rất căng thẳng về vụ giàn
khoan 981 của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông, và cuối cùng
có vẻ chẳng ai quyết định được điều gì quan trọng, ngoài việc tiếp tục kéo dài
khẩu hiệu 16 chữ vàng và làm thế nào để đám đông Việt Nam không quá giận dữ với
Bắc Kinh.
Anh có ngạc nhiên hoặc có nhận xét gì về thái độ
thiếu quyết đoán như vậy của giới lãnh đạo?
Tôi không ngạc nhiên về lối tư duy như thế, và tất
nhiên mấy hàng rào chắn cùng lực lượng cảnh sát cơ động trước cung đường dẫn
đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cũng là lẽ thường tình, xảy ra một cách quá
thường tình trong một chế độ với năng lực quản lý tầm thường. Nhưng tôi chỉ
ngạc nhiên là vì sao cũng có thông tin vài ba vị lãnh đạo cao cấp nào đó của
đất nước muốn nhân dịp này lấy lòng dân và ngấm ngầm bất đèn xanh cho các cuộc
xuống đường, tuy nhiên họ lại không đủ bản lĩnh và quyết đoán để ít nhất dám
xuất hiện trước ống kính truyền hình hoặc tối thiểu trong một bài trả lời phỏng
vấn của báo chí nhà nước, về thái độ cần và phải có đối mặt với Trung Quốc.
Bởi điều đơn giản là Hội nghị trung ương 9 mà dường
như xoáy sâu vào vấn đề sắp xếp nhân sự đang diễn ra, và có thể đây là hội nghị
bản lề về nhân sự trên con đường dẫn đến đại hội đảng cầm quyền lần thứ 12 vào
năm 2016. Những vị quan chức cao cấp muốn tranh thủ tình cảm mị dân vẫn luôn
đánh mất cơ hội quý giá trong khi người dân còn chút trông đợi vào họ.
Bài học căn bản của công tác lấy lòng dân chúng, hay
nói thẳng tuột là mị dân, là dựa vào tình cảm dân tộc. Ở Trung Quốc, đó là tinh
thần tự tôn nước lớn. Còn với Việt Nam ,
lại là ý chí chống ngoại xâm mà đã hiện ra không biết bao nhiêu lần trong lịch
sử. Tất nhiên giới chính khách lão luyện về thủ thuật chính trị rất biết bài
học này. Nhưng có điều, cái khác biệt quá lớn giữa họ với giới chính khách
phương Tây là họ quá thiếu bản lĩnh về nghệ thuật mị dân. Thế nên cứ hết cơ hội
này đến cơ hội khác, tất cả đều trôi tuột qua, lòng dân ngày càng thất vọng và
càng sụp đổ, trong khi vị thế của giới quan chức chế độ cũng chẳng khá gì hơn.
Theo anh, làm thế nào để có được tinh thần mà
anh gọi là “đồng nguyên” của người dân Việt vào lúc này?
Cuộc biểu tình ngày 11/5, trùng với Ngày Nhân quyền
Việt Nam ,
đã trở thành một thành công ngoài mong đợi. Không chỉ là một cuộc xuống đường
đầy đủ ý nghĩa, đây còn là lần đầu tiên có sự hòa hợp của ít nhất giới truyền
thông nhà nước, còn gọi là “Lề phải”, với giới hoạt động dân chủ và tiếng lòng
chính đáng của nhân dân. Chắc chắn là vào mỗi giờ phút hiểm nguy của dân tộc,
tinh thần đồng nguyên lại giương cao, và tất cả những người còn lương tri đều
cần đến một ý chí đồng nguyên như thế để xử lý âm mưu ngoại xâm và giải quyết
luôn cả những mâu thuẫn khó có thể khắc phục với chính quyền.
Điều đó làm cho tôi có hy vọng là trong những tháng
năm tới, cùng với việc Đảng và Nhà nước buộc phải dần thừa nhận xã hội dân sự.
Các hoạt động dân sự tiêu biểu như xuống đường và biểu tình cũng được mở ra
rộng hơn, nhiều hơn và đa dạng hơn, không chỉ phản kháng Trung Quốc mà còn mang
tính phản biện đối với các bất công xã hội đang ngập ngụa đầy rẫy. Thu hồi đất
đai, ô nhiễm môi trường, những cái chết do công an bạo hành, hay trách nhiệm
của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về cái chết của hơn 50 người dân trong
nạn xả lũ thủy điện ở miền Trung vào cuối năm 2013, hoặc về trách nhiệm của bà
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến liên quan đến dịch sởi cùng cái chết của hơn
100 trẻ em Việt Nam… đều cần được xã hội dân sự và các cuộc xuống đường lên
tiếng, lên án mạnh mẽ và kịp thời.
Có như thế thì người dân mới có cơ hội để nói lên
tiếng nói thực sự từ lòng mình, quyền lợi của dân nghèo mới được vớt vát phần
nào. Và Luật biểu tình do Quốc hội hứa hẹn ban hành suốt hơn hai chục năm qua
mới có cơ hội ló dạng trong thời gian tới.
Xin vô cùng
cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã dành cho Thụy My cuộc phỏng vấn về cuộc biểu
tình hừng hực lửa của người dân Saigon
hôm nay.