Trần Đức Anh Sơn
Theo FB Trần Đức Anh Sơn
Thưa các Facebookers quan tâm về vấn đề HOÀNG SA - TRƯỜNG SA:
Sau
khi hội thảo quốc tế HOÀNG SA - TRƯỜNG SA: SỰ THẬT LỊCH SỬ kết thúc,
nhiều bạn hỏi tôi: “Kết quả hội thảo như thế nào?”, “Kết luận của bác về
hội thảo thế nào?”… Tôi không có nhiều thời gian để trả lời chi tiết,
vả lại cũng có nhiều đài báo, nhất là VTV đưa tin rồi, tôi chỉ tạm tóm
lược thế này:
1. Hội thảo rất hay, rất
thú vị và bổ ích. Nếu chúng ta biết lắng nghe những lời tư vấn của các
học giả quốc tế thì sẽ có nhiều “hướng mở” hữu dụng để đối phó với Trung
Quốc trong tình hình căng thẳng hiện nay. Theo những gì tôi nghe được ở
trong hội thảo và ở những cuộc trao đổi bên ngoài phòng họp, thì các
học giả quốc tế đều khuyến khích Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa,
coi đây là giải pháp hòa bình thích hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Kiện ra tòa nào? Bao giờ kiện? Thì họ cũng có gợi ý cho chúng ta: nên
kiện như Philippines đang kiện, buộc Trung Quốc phải giải thích về
“đường lưỡi bò”, cho rằng “đường lưỡi bò” này đang gây hại cho tự do
hàng hải, tự do đánh cá, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền
tài phán của Philippines (và của Việt Nam trong trường hợp Việt Nam khởi
kiện). Ngoài ra, ngư dân Việt Nam có thể khởi kiện ngay việc Trung Quốc
đâm chìm tàu cá của họ theo khoản 2 điều 20 của quy chế Tòa án quốc tế
về Luật biển, vì UNCLOS đã có quy định rất chặt chẽ để bảo vệ quyền đánh
cá của ngư dân. Tòa án quốc tế về Luật biển là tòa án quốc tế duy nhất
cho phép các chủ thể không phải là nhà nước có thể khởi kiện đối với các
tranh chấp liên quan đến cách hiểu và áp dụng UNCLOS. Ngư dân Việt Nam
nên tận dụng cơ hội này.
2.
Nhiều học giả cho rằng chúng ta phải chấp nhận Trung Quốc là một thế
lực đang lớn mạnh không ngừng và không thể tẩy chay họ. Chúng ta phải
sống chung với họ, phải “chơi” với họ, nhưng phải “chơi” một cách khôn
ngoan để tránh bị họ o ép càng nhiều càng tốt. Muốn vậy, phải tìm kiếm
sự liên minh, không phải là liên minh quân sự mà liên minh về chính trị,
ngoại giao, liên minh trên trường quốc tế, để ép “con sư tử tham lam”
này phải tuân thủ theo luật lệ quốc tế. GS. Jerome A. Cohen nói (đại ý):
Trung Quốc bây giờ rất hung hăng và bạo ngược, nhưng họ sẽ không thể
hung hăng bạo ngược mãi hoài vì nếu cứ làm thế thì họ sẽ bị cả thế giới
cô lập. Thế giới sẽ tập hợp lại để đối phó với “con sư tử ngông cuồng”
này và sẽ lùa dần nó vào cái rọ pháp lý quốc tế để buộc nó phải tuân thủ
luật lệ. Ông kể rằng trước đây ông đã từng nói chuyện với Chu Ân Lai
nhân một vấn đề liên quan đến tranh chấp biên giới, khuyên Trung Quốc
tìm đến vai trò của Liên Hiệp Quốc để hòa giải. Lúc đó Chu Ân Lai nói
rằng: Trung Quốc không quan tâm đến LHQ vì nó chả giải quyết được gì.
Nhưng về sau thì Trung Quốc thay đổi dần chính sách coi thường các tổ
chức quốc tế này, nhất là dưới thời Đặng Tiểu Bình. Đặc biệt, sau khi
Trung Quốc tham gia vào WTO thì họ đã đi phải đi vào khuôn phép quốc tế,
từ từ nhưng không thể không theo vì nếu không sẽ bị thua thiệt. GS.
Cohen cũng nói rằng thời kỳ hung hăng của Trung Quốc chỉ kéo dài khoảng 8
năm rưỡi nữa là kết thúc (hàm ý nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình sẽ kết
thúc) và thế hệ lãnh đạo mới sẽ phải thay đổi để có thể sống chung với
thế giới. Một học giả khác khi trao đổi bên lề với tôi đã nói: Hiện giờ
Trung Quốc là một thứ “barbarian” (kẻ man rợ, thô lỗ), chưa tiệm cận
được với những chuẩn mực của thế giới văn minh nên chúng ta phải “giáo
hóa” những kẻ man rợ này bằng các thể chế pháp lý quốc tế và đưa dần họ
vào khuôn khổ của văn minh.
3. Trong hội
thảo cũng có vài ý kiến mong chờ sự xoay trục của Mỹ sang châu Á, coi đó
sẽ là nhân tố có tác dụng kìm hãm sự hung hăng, bạo ngược của Trung
Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng cho dù chính sách xoay
trục của Mỹ trở nên thực tế hơn trong thời gian tới, nhưng các nước
ASEAN vẫn chia rẽ, hoặc Việt Nam vẫn do dự, ngại ngần liên minh với Mỹ
và các quốc gia khác như Nhật, Ấn, Phi, Úc… để làm đối trọng với Trung
Quốc thì Trung Quốc vẫn cứ hung hăng và uy hiếp các láng giềng ASEAN và
đe dọa VN. Họ nói: “Muốn nhảy tango, cần phải có hai người”. Hàm ý đã rõ
cả rồi.
4. Trong các comment trong phiên
thảo luận, có ý kiến cho rằng những thư tịch cổ và bản đồ cổ sẽ không
giúp ích nhiều trong các phiên tòa quốc tế về vấn đề tranh chấp chủ
quyền vì tòa chỉ xem xét các hồ sơ, bản đồ trong những điều kiện đặc
biệt. Tôi đã đăng đàn để bày tỏ quan điểm của mình rằng: nếu không có
các hồ sơ chủ quyền được hình thành từ các nguồn thư tịch và bản đồ này,
thì trước tiên, thế hệ người Việt hiện nay sẽ không hiểu cha ông mình
đã từng đổ mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền
đối với Hoàng Sa - Trường Sa như thế nào? Mà một khi đã không hiểu thì
người ta sẽ thờ ơ, sẽ không thể hiện lòng yêu nước và sẽ không sẵn sàng
đấu tranh vì chủ quyền của đất nước. Hệ quả ấy sẽ rất nguy hiểm. Mặt
khác, Trung Quốc đã chuẩn bị “hồ sơ chủ quyền” của họ từ thập niên 1970
và đã xây dựng “hồ sơ” này rất bài bản, công phu, đã viết thành Sách
Trắng để chống lại chúng ta trên mặt trận “chủ quyền lịch sử” trước đây.
Và mới đây Trung Quốc còn đem những tài liệu trong hồ sơ đó nộp lên
Tổng thư ký LHQ để chống lại Việt Nam. Vì thế, Việt Nam cần phải chuẩn
bị hồ sơ chủ quyền một cách khoa học, khách quan và bài bản để đối phó
với Trung Quốc trên mặt trận này. Đồng thời những hồ sơ này sẽ cho dư
luận thế giới thấy Trung Quốc đã ngụy tạo hồ sơ của họ, đã ngụy biện chủ
quyền như thế nào? Nhiều học giả sau đó đã tán thành quan điểm của tôi.
Tóm lại, tôi thấy hội thảo vừa qua là cần
thiết, hữu ích vì đã đánh giá đúng tình hình thực tế và tư vấn cho chúng
ta những ý kiến rất quan trọng và thiết thực để đối phó với Trung Quốc.
Đó là đánh giá của cá nhân tôi. Ai muốn tranh luận, xin cứ nêu ý kiến.
Tôi sẽ feedback sau ngày 28/6, sau khi tham gia một hội thảo về Địa chí
Khánh Hòa ở Nha Trang vào tuần tới.
Trân trọng.
Dưới đây là một số hình ảnh về hội thảo vừa qua:
T.Đ.A.S.