Hải Châu
GS Carl Thayer phát biểu tại cuộc hội thảo (Ảnh: HC) |
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu có tên tuổi trên thế
giới dự hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử” tại Đà
Nẵng đã phản bác luận điệu của Trung Quốc liên quan đến “Công thư Phạm
Văn Đồng 1958”
Theo GS Carl Thayer (nguyên GS Học viện
Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á), Công ước Liên hợp
quốc về Luật biển (UNCLOS) không chấp nhận yêu sách lịch sử hay sự biện
minh lịch sử như là yếu tố quyết định trong việc xác định chủ quyền đối
với các cấu trúc biển và các vùng biển.
Luật pháp quốc tế hiện đại cũng không
chấp nhận sự phát hiện mang tính lịch sử đối với các đảo, tính gần gũi
của các cấu trúc biển với đất liền, hay việc bao gồm các cấu trúc biển
đó trong những tấm bản đồ do quốc gia phát hành, coi đó là bằng chứng
đầy đủ để hỗ trợ cho một yêu sách chủ quyền.
“Luật pháp quốc tế đòi hỏi một quốc gia
yêu sách chủ quyền phải chứng minh việc chiếm hữu và quản lý liên tục” -
GS Carl Thayer nhấn mạnh. Từ đó, ông cùng nhiều học giả dự hội thảo đã
khẳng định, nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ
quyền hoà bình, liên tục đối với Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17 -
18. Dưới thời thực dân, Pháp đã nhân danh Việt Nam thực thi chủ quyền
đối với hai quần đảo này và khi rút khỏi Việt Nam thì Pháp đã bàn giao
lại quyền quản lý cho Việt Nam
Trong khi đó, diễn giả Leszek Buszynski
đến từ Trường An ninh quốc gia, Đại học Quốc gia Úc nêu rõ: “Theo các
quan điểm hiện đại trên thế giới, Biển Đông chưa bao giờ là lãnh thổ của
Trung Quốc. Đó là một khu vực ở rất xa lục địa và thực sự không phải là
một phần của đế chế Trung Quốc”.
“Việt Nam đã chiếm hữu hiệu quả, lâu dài
và thực thi chủ quyền hoà bình, liên tục đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh họ
chiếm hữu hai quần đảo này trước khi dùng vũ lực đánh chiếm phi pháp
Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm thuộc Trường Sa năm 1988” – GS Carl
Thayer nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Ferrier (Đại
học Paris 2, Pháp) cũng khẳng định: “Nghiên cứu về lịch sử chiếm đóng
quần đảo Hoàng Sa cho thấy dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế, Trung
Quốc chưa hề thực hiện “chiếm đóng hiệu quả, liên tục và bình thường”
cho tới sau cuộc tấn công và chiếm đóng trái phép năm 1974. Việc chiếm
đóng và triển khai quân sự của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế
(sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp), không thể hợp lý hóa việc
Trung Quốc thay thế quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.
“Nghị định thư cấp Tỉnh” năm 1921 hoàn toàn vô giá trị!
Jean-Pierre Ferrier chỉ rõ: “Mặc dù
chiếm đóng kéo dài đã 40 năm nhưng cơ sở của việc chiếm đóng vẫn không
có gì thay đổi và không có gì khác để hỗ trợ, tăng cường hoặc thiết lập
bất kỳ giả định nào về chủ quyền của Trung Quốc!”. Bên cạnh đó, ông cũng
nêu rõ: “Chiếm đóng quân sự là chưa đủ để hợp thức hóa chủ quyền. Vẫn
còn thiếu ít nhất một yếu tố thứ hai trong việc xác minh chủ quyền bằng
lịch sử và đó là sự nhận thức của công chúng”.
Từ góc nhìn này, Jean-Pierre Ferrier xác
quyết: “Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động chính thức
nào đáp ứng theo quan điểm của luật pháp quốc tế. “Nghị định thư cấp
Tỉnh” năm 1921 là không đủ, bởi tác giả không phải là chủ thể luật quốc
tế; và nghị định này hoàn toàn mang mục tiêu kinh tế (cấp phép khai thác
phế thải chim biển, nguồn phốt pho trên quần đảo – PV)!”.
Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Ferrier (trái) trả lời báo chí trong khuôn khổ cuộc hội thảo |
Theo ông Jean-Pierre Ferrier, ngày
2/4/1921, Thống đốc Quân sự Quảng Đông ra tuyên bố chủ quyền đối với
Hoàng Sa khi ban hành nghị định về vấn đề này trong Tạp chí chính thức
của tỉnh. Ông cho rằng: “Nhà cầm quyền chỉ định việc thiết lập chủ quyền
của một hòn đảo cần có đủ thẩm quyền để làm việc đó, và sau đó thì chủ
quyền mới được thực thi”.
Từ đó Jean-Pierre Ferrier đặt vấn đề:
“Vì sao chúng ta không loại bỏ hoàn toàn tuyên bố chủ quyền của Thống
đốc Quân sự Quảng Đông khi ông ta ban hành nghị định về vấn đề này trong
Tạp chí chính thức của Tỉnh ngày 2/4/1921?”.
Nhà nghiên cứu đến từ Đại học Paris 2 giải thích: “Ông
ta tuyên bố việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào đảo Hải Nam mà không có
một cơ sở mang tính hiệu lực nào (không có sự chiếm hữu của một “nhà
đương cục” Tỉnh, mặc dù có thể những ngư dân đảo Hải Nam, như ngư dân từ
các nơi khác, đã đôi lúc tạt vào vài giờ đồng hồ); hay cơ sở quốc tế
nào (thể hiện qua việc Quảng Đông không tồn tại trên bình diện quốc
tế)!”.
Về “Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958”
Theo ông Jean-Pierre Ferrier, “đã không
có một lời phản đối hay ủng hộ nào từ cộng đồng quốc tế đối với Nghị
định thư cấp Tỉnh 1921 của Thống đốc Quân sự Quảng Đông, mà cho dù có
thật sự diễn ra thì hành động đó có lẽ cũng không tồn tại mục tiêu nhất
định hay thu hút sự quan tâm rộng rãi!”.
Từ sự phân tích đó, trước những luận
điệu bám vào “Công thư Phạm Văn Đồng 1958” để bịa ra việc Việt Nam bỏ
Hoàng Sa và thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này,
Jean-Pierre Ferrier nói: “Vào thời điểm
đó và cho tới thời điểm thống nhất Việt Nam năm 1975, ông Phạm Văn Đồng
không có quyền tài phán nào đối với quần đảo Hoàng Sa, mà lúc đó trực
thuộc Đà Nẵng của Việt Nam Cộng hòa (VHCH).
GS Erik Franckx trả lời phỏng vấn Infonet khi xem triển lãm "Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” |
GS Erik Franckx (Đại học Tự do Brussel -
Bỉ; thành viên Tòa trọng tài thường trực) tiếp tục nêu quan điểm về các
"bằng chứng lịch sử": “Bản đồ rất quan
trọng nhưng không có giá trị pháp lý cuối cùng và duy nhất nếu nó không
được đính kèm với những tài liệu ký kết giữa hai nước, các quốc gia và
các tổ chức quốc tế có liên quan. Nghĩa là một văn bản luật. Còn nếu bản
đồ chỉ đứng một mình, ví dụ như bản đồ do NXB này xuất bản năm đó, năm
kia cũng là những tư liệu, chứng cứ quan trọng nhưng không phải có giá
trị pháp lý cuối cùng”.
Tuy nhiên khi PV Infonet đặt tiếp câu
hỏi: “Vậy ông nhận định thế nào về “Công thư Phạm Văn Đồng 1958”? thì GS
Erik Franckx trả lời: “Cần tìm hiểu và đọc công thư này một cách hết
sức cẩn thận. Vì nội dung chính của nó thực ra là nói về lãnh hải 12 hải
lý mà Trung Quốc tuyên bố chứ không phải là nói về vấn đề chủ quyền đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó chúng ta nên diễn giải
vấn đề theo tinh thần đó”.
Vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Trong khi đó, GS Carl Thayer khẳng định "Bức
thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc không đề cập tới Hoàng
Sa hay Trường Sa, cũng như không hề thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc
đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1958, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH)
vẫn hy vọng thống nhất Việt Nam theo các điều khoản chính trị của Hiệp
định Geneva 1954, còn VNCH duy trì sự hiện diện liên tục ở nhóm Nguyệt
Thiềm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) từ năm 1956 tới tháng 1/1974”.
Ông nhắc lại "sự phản đối của Chính phủ
Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (PRG) ngay sau khi Trung
Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và sau đó (ngày 26/1 và 14/2/1974), PRG
không những là một bên ký Hiệp định hòa bình Paris mà trước khi Việt Nam
chính thức thống nhất năm 1975 thì PRG là người đứng đơn cùng với
VNDCCH tham gia và trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Sau khi thống
nhất, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trở thành quốc gia kế thừa và
tiếp tục chính sách của PRG liên quan đến biển Đông”.
Đọc thêm
'Còn tranh cãi' công hàm Phạm Văn
Đồng
Từ tháng Năm, một văn bản ngoại giao cũ lại được Việt Nam và Trung Quốc
nhắc đến trong khi quan hệ trở nên căng thẳng vì vụ giàn khoan Hải Dương 981.
Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn
Đồng nhằm phúc đáp công hàm về chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc của Thủ tướng
Trung Quốc Chu Ân Lai.
Văn bản này lại được Trung Quốc nêu ra để khẳng định chủ quyền với Hoàng
Sa, trong lúc Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng bác bỏ.
Quan điểm Trung Quốc
Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/6, khi liệt kê các “bằng chứng”
về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc, dẫn lại văn bản này.
Trên China Daily, một nhà nghiên cứu, Wu Yuanfu, nói Việt Nam “Việt Nam chỉ
thay đổi lập trường sau khi thống nhất Bắc-Nam năm 1975 và kể từ đó luôn cố
diễn giải sai lệch và chối bỏ lập trường chính thức đã được nêu rõ trong công
hàm”.
Còn Trần Khánh Hồng, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại
Trung Quốc, lại nói văn bản cho thấy “chính phủ Việt Nam công nhận quần
đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”.
Trung Quốc còn đưa ra một số luận cứ khác để nói Việt Nam trước những năm
giữa thập niên 1970 đã “luôn công khai và chính thức công nhận” Hoàng Sa
thuộc về Trung Quốc. Nhưng như tác giả Ling Dequan viết trên China Daily,
hai bằng chứng “quan trọng nhất” cho sự thừa nhận của Việt Nam là công hàm 1958
và Tuyên bố của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 09/05/1965 liên quan
tới vùng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam.
Việt Nam phản bác
Sau nhiều năm tránh nhắc về Công thư 1958, Việt Nam đã nhiều lần công khai
bác bỏ giá trị của văn bản này kể từ khi xảy ra căng thẳng hồi tháng Năm, và
gọi đây là "công thư".
Hôm 23/5, tại cuộc họp báo ở Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc
gia, Trần Duy Hải, nói khi văn bản của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Trung
Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa đang được quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa.
“Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập
tới Hoàng Sa Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa
và Trường Sa.”
“Bạn không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được. Vậy
nên điều đó càng khẳng định công văn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có
giá trị pháp lý,” theo ông Hải.
Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên
giới Chính phủ, nói: “Trong công thư đó, Việt Nam chỉ ủng hộ tuyên bố lãnh hải
12 hải lý của Trung Quốc thôi, không hề nhắc tới chủ quyền của Trung Quốc đối
với hai quần đảo này.”
“Phía Trung Quốc thì luôn luôn dùng các thủ thuật, thủ đoạn để gán ghép các
sự kiện lại với nhau nhằm giành lấy một sự công nhận mặc nhiên về chủ quyền ở
đây.”
Một nhà nghiên cứu trong nước, thạc sĩ Hoàng Việt, cũng cho rằng văn bản
này “mang một sự cam kết về mặt chính trị hơn là về pháp lý”.
“Đây cũng là một hình thức mà các nước xã hội chủ nghĩa thường hay sử dụng
để thể hiện tình đoàn kết trong tinh thần anh em trong phong trào vô sản quốc
tế.”
‘Một phần có lý’
Tuy vậy, trong giới nghiên cứu người Việt ở nước ngoài, có một số ý kiến
khác.
Một nhà nghiên cứu gốc Việt cho rằng Trung Quốc không hoàn toàn vô lý khi
viện dẫn lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, nhưng ông cho rằng đó chỉ
là một nửa sự thật.
Ông Dương Danh Huy, sống ở Anh và là một người Việt nghiên cứu về tranh
chấp biển đảo, nói với BBC hôm 20/6.
“Khó nói rằng lập luận Trung Quốc đã đưa ra từ thập niên 1980, mà ngày nay
họ đang đưa ra với thế giới một cách mạnh mẽ, về công hàm của ông Phạm Văn Đồng
và những hành vi bất lợi khác của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hoàn toàn vô
lý.”
“Sẽ chính xác hơn nếu cho rằng lập luận của Trung Quốc cũng có lý về một
nửa vấn đề.”
Ông Huy nói tiếp: “Nửa đó là giả sử như năm 1974 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
và Trung Quốc ra Tòa về Hoàng Sa, và Tòa phân xử, khả năng là Tòa sẽ công nhận
rằng vào năm đó danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với hai quần
đảo này yếu hơn của Trung Quốc.”
Nhưng, ông Huy cho rằng còn “một nửa khác của sự thật” mà Trung Quốc bỏ
qua.
“Đó là giả sử như năm 1974 Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc ra Tòa về Hoàng
Sa, và Tòa phân xử, khả năng là Tòa sẽ công nhận rằng vào năm đó danh nghĩa chủ
quyền của Việt Nam Cộng Hòa với quần đảo này mạnh hơn của Trung Quốc.”
“Do đó, phản biện của Việt Nam phải vận dụng nửa này của sự thật, tức là
phải vận dụng danh nghĩa chủ quyền mà Việt Nam Cộng Hòa đã duy trì, và cần lập
luận cho rằng khi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời năm 1976, quốc gia
đó đã thừa kế chủ quyền này.”
Ông Huy cho biết ông đã bày tỏ quan điểm này với các nhà nghiên cứu và
phóng viên trong nước. Ông cho rằng trong những thập niên qua Việt Nam cũng
biết rằng lập luận về Hoàng Sa, Trường Sa cần có ba điều. Thứ nhất, những tuyên
bố và hành động chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa phải có giá trị trong luật quốc
tế. Thứ nhì, CHXHNCVN phải thừa kế danh nghĩa chủ quyền mà Việt Nam Cộng Hòa đã
duy trì. Thứ ba, phải giảm thiểu giá trị trong luật quốc tế của công hàm của
ông Phạm Văn Đồng.
Ông Huy cho rằng thông thường thì điều thứ nhất đi đôi với việc trong quá
khứ Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, nhưng cho đến gần đây truyền thông Việt
Nam ít nói thẳng ra. Tuy vậy, trong năm nay đã có ít nhất ba bài trên báo Việt
Nam nói thẳng trong quá khứ Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia, và một số quan
chức và cựu quan chức Việt Nam trả lời phỏng vấn cũng nói rằng trong quá khứ
Việt Nam Cộng Hòa là một chủ thể trong luật quốc tế có chủ quyền lãnh thổ.
Theo ông Huy, “Chủ thể trong luật quốc tế có chủ quyền lãnh thổ là quốc
gia.”