Theo Book Hunter
Tuy nhiên, đến giờ mọi tranh luận đã đi đến chỗ ra ngoài phạm vi học thuật mà nghiêng sang vấn đề chính trị. Sau bài phản biện đó, ông Viện trưởng Viện Dân tộc học Vương Xuân Tình đã có lời đính chính trên Văn hóa Nghệ An. Các bạn có thể đọc tại đây
Để tránh biến Văn hóa Nghệ An thành nơi đấu đá tranh chấp, Book Hunter xin đưa tiếp Lời cảm ơn của Book Hunter với ông Viện trưởng Viện Dân tộc học, cũng như là lời kết cho cuộc bút chiến này để tập trung cho những việc thiết thực và có ích hơn.
Lời cảm ơn ông Viện trưởng viện Dân tộc học
Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn ông Vương Xuân Tình đã lên tiếng xác minh thông tin một cách rõ ràng về nội tình cuộc bút chiến giữa ông Tạ Đức và ông Bùi Xuân Đính xoay quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt người Mường”. Sau nữa, tôi xin gửi lời xin lỗi tới ông Vương Xuân Tình và Viện dân tộc học vì những hiểu lầm do phát ngôn của tôi trên bài “Đôi lời khi đọc lời đề nghị của PGS.TS Bùi Xuân Đính về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt người Mường” “ có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của Viện Dân tộc học.
Trong bài viết đó, tôi có nói rằng: “Ngay khi buổi Seminar tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp để thảo luận các vấn đề xoay quanh cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” bị hoãn tổ chức một cách không rõ ràng vì “lý do trục trặc kỹ thuật” và được nghe kể về buổi phản biện công trình này tại Viện Dân tộc học tôi đã thấy rằng Nhà nghiên cứu Tạ Đức sẽ không có nhiều cơ hội để lên tiếng trình bày rõ ràng quan điểm của mình trong cuốn sách này trên các kênh chính thống.”. Tôi xin đính chính : trong câu nói này, tôi không có ý định công kích viện Dân tộc học, mà chỉ muốn nêu lên một thực trạng trong giới học thuật hiện nay là việc kéo bè cánh để gây ảnh hưởng trong dư luận cũng như trong nội bộ giới nghiên cứu. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Viện dân tộc học, chắc hẳn không cần phải nói nhiều thì bất cứ độc giả nào cũng hiểu. Tôi cũng nói rõ trong bài viết của mình rằng tôi “nghe kể” về sự việc ở Viện Dân tộc học, mà lời kể thì chắc hẳn ông viện trưởng đã biết, không tránh khỏi “tam sao thất bản”. Tuy nhiên, việc diễn đạt gây ra hiểu lầm này hoàn toàn là do lỗi ở tôi, và tôi muốn xin lỗi Viện Dân tộc học về sự thiếu sót của mình.
Bên cạnh đó, tôi xin cảm ơn ông viện trưởng vì hai điều ông đã giúp các độc giả như tôi:
- Một là, ông đã giúp tôi và nhiều độc giả xác minh được rằng người can thiệp khiến buổi Seminar ở Trung tâm văn hóa Pháp về cuốn “Nguồn gốc người Việt người Mường” bị hủy bỏ, chính là PGS.TS Bùi Xuân Đính. Đây là thông tin rất quan trọng với những độc giả hào hứng đến Trung tâm văn hóa Pháp buổi hôm ấy rồi thất vọng ra về. Với những người ở bên ngoài ngành như tôi, không thể nào biết được những thông tin như ông đã đề cập:. “Việc PGS.TS Bùi Xuân Đính gọi điện thoại và gửi thư đề nghị Trung tâm Văn hóa Pháp hoãn cuộc trình bày của nhà nghiên cứu Tạ Đức chỉ là thể hiện chính kiến riêng, không liên quan tới Viện Dân tộc học. Cá nhân tôi khi biết thông tin này, cũng chia sẻ suy nghĩ với ông Bùi Xuân Đính: “Việc trình bày ở Trung tâm Văn hóa Pháp là quyền của anh Tạ Đức”. “
- Hai là, ông đã khẳng định một cách chắc chắn cho công chúng biết rằng Viện Dân tộc học không hề dính dáng đến cuộc tấn công của ông Bùi Xuân Đính vào ông Tạ Đức. Việc này rất có ý nghĩa! Sự khẳng định này của ông Vương Xuân Tình cho biết rằng ông Bùi Xuân Đính không hề đại diện cho Viện Dân tộc học, và cuộc công kích này hoàn toàn mang tính chất cá nhân. Hơn thế nữa, lời khẳng định của ông cho những công chúng trẻ như chúng tôi niềm tin rằng chúng tôi vẫn có thể tin vào những Viện hàn lâm của Việt Nam như Viện dân tộc học về trình độ chuyên môn cũng như thái độ công bằng và tôn trọng tri thức.
Tôi nghĩ rằng để có môi trường học thuật nghiêm túc, chúng ta cần phải tìm mọi cách để ngăn chặn những hành vi như ông Bùi Xuân Đính đã làm vừa qua. Không thể bằng chính kiến của một cá nhân nào đó, dù cá nhân ấy có học hàm học vị cao đến mấy mà khiến cho một sự kiện văn hóa phải bị hủy bỏ! Những trường hợp như thế không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của Viện Dân tộc học, mà còn mất uy tín của giới học thuật chính thống, nghiêm trọng hơn là làm suy giảm niềm tin của tác giả độc lập và các công chúng như chúng tôi với các cơ quan có thẩm quyền. Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là đối mặt với âm mưu bành trướng của Trung Quốc, một mối quan hệ tin cậy giữa nhà nước và người dân cần phải được củng cố chắc chắn. Nhưng chỉ cần một hành vi không chính đáng, thể hiện sự lạm quyền hay bất công của những người nắm giữ vai trò và trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước cũng sẽ khiến mối quan hệ này bị lung lay.
Để tránh những hiện tượng như vừa qua sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, tôi mong rằng không chỉ có Viện Dân tộc học mà cả những Viện hàn lâm khoa học khác trực thuộc hệ thống nhà nước có thể công khai thông tin về các sự kiện, hội thảo; thậm chí đưa các bản tham luận, biên bản sử dụng trong sự kiện, hội thảo ấy lên Internet (nếu có phần ghi âm hoặc ghi hình thì càng tốt). Những thông tin như vậy sẽ giúp chúng tôi học hỏi thêm kiến thức, phần nào đó cũng giúp chúng tôi nắm được tình hình thời sự trong giới học thuật. Ngoài ra, tôi cũng mong rằng các Viện hàn lâm khoa học có một cơ chế tốt hơn trong quản lý nhân sự để tránh trường hợp các thành viên tận dụng danh tiếng và uy thế của mình trong viện để phục vụ những mục đích cá nhân.
Tôi hi vọng trong tương lai, đội ngũ cán bộ khoa học trực thuộc các Viện hàn lâm khoa học sẽ thực hiện đúng vai trò của mình trong việc định hình nền học thuật nước nhà, tạo cơ hội cho những nhà nghiên cứu, những tác giả được phát huy khả năng và trí tuệ của mình. Tôi và nhóm Book Hunter cùng với nhiều nhóm hoạt động độc lập khác trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục vẫn hình dung về một tương lai tốt đẹp hơn cho giới học thuật, trong đó tương tác giữa các học giả và công chúng trở nên gắn kết và cân bằng, hỗ trợ nhau cùng đến gần với sự thật hơn.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn!