23 juin 2014

Dùng tất cả mọi biện pháp chưa?

Theo Người Buôn gió


Trong vấn đề nổi cộm ở biển Đông,nhà cầm quyền Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn từ hành động đến lời nói để lấn át Việt Nam. Không nhừng gia tăng cường độ khiêu khích nghiêm trọng, thậm chí là dùng đến cả vũ lực để đe nẹt Việt Nam.
 Từ phía nhân dân Việt Nam đã có nhiều tiếng nói đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải có động thái mạnh. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố kiên trì dùng mọi biện pháp hòa bình để giữ chủ quyền. Trong tuyên bố của mình, nhà cầm quyền Việt Nam theo đuổi hướng đi tuyên truyền với thế giới hành động phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc, thể hiện mình là nước yêu chuộng công lý , hòa bình, thân thiện để dư luận thế giới bênh vực.
Cứ hãy cho ở vị trí của nhà cầm quyền Việt Nam, lựa chọn đó là giải pháp phù hợp với họ lúc này đi.
Vậy thử nhìn xem, họ ( nhà cầm quyền Việt Nam ) đã làm hết sức mình trong việc dùng công lý, hòa bình, thân thiện để lấy lòng dư luận quốc tế chưa.?
 Một cách tiến bộ về truyền thông thì trên trang website của báo VNN đã có mục chuyển ngữ sang tiếng Anh về vấn đề biển Đông.
Trong chuyến đến VN của bộ trưởng ngoại giao TQ Dương Khiết Trì mới đây. Các lãnh đạo của VN đã có những tuyên bố ( tạm gọi ) là bày tỏ quan điểm dứt khoát về vấn đề khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nỗi khi trở về nước, Dương Khiết Trì đã không cần che dấu những quan hệ mờ ám trong lịch sử trước đó của hai nước, để gọi VN là đứa con hoang hãy quay đầu trở lại duy trì quan hệ trước đây như cũ với Trung Quốc.
Chính phủ, nhà nước Việt Nam đã có những tuyên bố tương đối rõ ràng. Về phía Đảng thì ông Nguyễn Phú Trọng tuy không có vẻ hài lòng với TQ, nhưng ông Trọng trên cương vị cao nhất của Đảng vẫn kêu gọi vì quan hệ đại cục hai nước anh em, mong TQ xem xét. Còn quốc hội của ông Nguyễn Sinh Hùng thì né tránh việc ra nghị quyết bằng cách giải thích quy trình của nghị quyết là phải có trình tự.
Vậy có thể nói, có một góc nào đó của các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa dùng hết biện pháp hòa bình, đó là những lãnh đạo cao cấp chủ chốt ở bộ phận mình quản lý, chưa có phát biểu chính kiến rõ ràng trong vấn đề biển Đông. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Sinh Hùng giữ quyền chủ tịch quốc hội và đặc biệt ông Phùng Quang Thanh đại diện Việt Nam trong diễn đàn quốc tế Shang rila đã hạ thấp tình hình biển Đông thành mâu thuẫn nhỏ giữa hai nước anh em.
 Trong các biện pháp tuyên truyền hòa bình, thì biện pháp để dân chúng biểu tình phản đối hành vi xâm lược của TQ là một biện pháp rất gây ấn tượng với quốc tế. Thế nhưng chỉ vì yếu kém trong nghiệp vụ an ninh, dẫn đến những cuộc biểu tình bạo động ở Bình Dương, Hà Tĩnh. Đi đến quyết định ngăn cấm biểu tình trong nước. Nếu nhà cầm quyền Việt Nam không kiểm soát được những cuộc biểu tình, phải dùng đến biện pháp cực đoan là ngăn cấm, thử hỏi làm sao có thể giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.
 Chỉ vài chục cảnh sát ở Berlin dẫn đường cho hàng ngàn người Việt Nam biểu tình từ trung tâm thành phố diễu hành đến trước đại sứ quán TQ mà không hề có đáng tiếc nào xảy ra. Ở Ba Lan, ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đều tương tự như vậy. Trong khi đó ở VN với đội ngũ cảnh sát, an ninh, cựu chiến binh, thanh niên đoàn viên, phụ nữ...hùng hậu lại để xẩy ra biểu tình bạo động như ở Bình Dương, Hà Tĩnh đã là đáng trách. Nhưng vin vào đó để không cho biểu tình tiếp tục càng đáng trách hơn. Nó nói nên sự yếu kém quản lý của VN, cũng như sự chưa hết mình,  chưa quyết tâm dùng hết biện pháp của nhà cầm quyền. Nếu sau sự việc Bình Dương, Hà Tĩnh nhà cầm quyền VN vẫn tiếp tục cho biểu tình và đảm bảo được trật tự. Đấy sẽ là điểm sáng thể hiện bản lĩnh của nhà cầm quyền. Cũng là cho quốc tế thấy nhân dân VN yêu chuộng hòa bình, phản đối ôn hòa. Vụ việc Bình Dương, Hà Tĩnh không phải bản chất của người VN.
 Cấm biểu tình sau cuộc bạo động như vậy, vừa vô tình cho thế giới nhận lầm người VN hiếu chiến, vô kỷ luật. Vừa làm mất đi tính chính nghĩa của một biện pháp tuyên truyền. Đây cũng là một điểm nữa mà nhà cầm quyền Việt Nam đã không làm hết sức mình trong cái gọi là '' dùn mọi biện pháp hòa bình để tuyên truyền, đấu tranh ủng hộ dư luận''.
Một cách nữa rất hiệu quả và ấn tượng với dư luân quốc tế và dễ làm, nhưng dường như nhà cầm quyền VN đã bỏ lơ cơ hội lấy thiện chí của quốc tế.
Đó là thả một số tù nhân lương tâm. Nhất là những người đã từng bày tỏ chính kiến mạnh mẽ với hành vi xâm lược của TQ. Như Nguyễn Hữu Vinh, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Lê Thị Phương Anh....một số thanh niên Công Giáo từng tham gia biểu tình chống TQ.
Việc thả những người này, là một tín hiệu mạnh mẽ không kém gì thông điệp của bất cứ cuộc biểu tình nào hay phát biểu của một lãnh đạo cao cấp nào. Trọng lượng của việc thả những người này chắc chắn sẽ gây tiếng vang với quốc tế, lấy được thiện cảm của họ về quan điểm kiên quyết của VN trong đấu tranh giữ chủ quyền. Cũng như là cái tát đích đáng cho TQ thấy VN sẵn sàng làm tất cả để giữ được chủ quyền. Một người như Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng được thả về không điều kiện là thông điệp với TQ rằng VN không không ngại khơi dậy tinh thần dân tộc để làm đối trọng giữ chủ quyền.
Đồng thời việc thả những người này , cũng làm giảm áp lực đòi hỏi nhân quyền của các nước tiến bộ. Việt Nam vửa cải thiện về mặt nhân quyền, vừa bày tỏ quyết tâm giữ chủ quyền qua hành động thả những người tiêu biểu cho ý chí chống TQ xâm lược này. Cũng tranh thủ được tình cảm của những người bất đồng chính kiến trong việc kêu gọi đoàn kết giữ vững chủ quyền.
Nếu xét theo luận điểm '' Việt Nam kiên trì dùng mọi biện pháp hòa bình để giữ vững chủ quyền ''. Rõ ràng chỉ kể sơ sơ vài điều đã thấy nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa làm hết mọi biện pháp. Thực hiện những điều nêu trên không phải là việc khó, đòi hỏi tốn xương máu. Nhưng nếu không làm, thì trông mong dư luận quốc tế và người dân ủng hộ là một điều '' viển vông '' trong việc dùng '' tất cả biện pháp hòa bình để giữ chủ quyền''.