23 juin 2014

Quyền hiến định không thể bị tùy tiện cắt xén


Võ Trí Hảo (*)
Chủ Nhật,  22/6/2014, 09:15 (GMT+7)
 

 

 

 

(TBKTSG) - Quyền con người, quyền cơ bản của công dân (gọi chung là quyền hiến định) là một trong những nội dung đổi mới lớn nhất của Hiến pháp 2013.
Đằng sau việc thay đổi tên chương và đưa từ vị trí thứ năm lên vị trí thứ hai trong Hiến pháp là sự thay đổi tư duy: (1) Quyền hiến định không còn bị coi là sản phẩm ban phát của Nhà nước, ngược lại Nhà nước có được ngân sách là do nhân dân đóng thuế, Nhà nước có được quyền lập pháp là do cả cộng đồng thống nhất trao cho; (2) Quyền hiến định không phải là thứ có thể tùy tiện cắt xén bởi bất kỳ cơ quan nhà nước nào, mà việc hạn chế quyền hiến định phải tuân theo những nguyên tắc, mục đích nhất định và chỉ một số loại văn bản mới được phép hạn chế quyền hiến định.
Quyền hiến định có thể bị hạn chế bởi văn bản nào?


Nếu như Hiến pháp 1992 cho phép bất kỳ cơ quan nhà nước nào cũng có quyền can thiệp vào quyền hiến định, bằng mọi loại văn bản pháp luật bằng cách gắn thêm đằng sau mỗi quyền hiến định cái đuôi “theo quy định của pháp luật”, thì điều 14 khoản 2 Hiến pháp 2013 đã chỉ rõ phương tiện được phép hạn chế quyền hiến định:
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật (TG: của Quốc hội) trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Tuy nhiên, sáu tháng sau khi Hiến pháp có hiệu lực, vẫn còn rất nhiều trường hợp các quyền hiến định của công dân bị hạn chế không phải bằng luật mà bằng những văn bản dưới luật.
Xin đơn cử: quy định trong thời bình thí sinh trúng tuyển đại học vẫn phải nhập ngũ nếu có giấy báo nhập ngũ tại điều 1 khoản 1 Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT, ngày 22-1-2013 của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mặc dù quy định này không trái với điều 29 khoản 5 Luật Nghĩa vụ quân sự, nhưng đã thay đổi tập quán ưu tiên quyền học tập trong thời bình đã được xác lập gần 30 năm nay. Điều đáng nói, quy định này trực tiếp đụng chạm đến mối quan hệ giữa quyền học tập tại điều 39 Hiến pháp và nghĩa vụ quân sự tại điều 45 khoản 2 Hiến pháp.
Đây là một mối quan hệ rất quan trọng, ảnh hưởng tới quyền hiến định của hàng triệu thí sinh trúng tuyển đại học hàng năm, cần được minh định bằng luật, chứ không nên thay đổi quan hệ này chỉ bởi một thông tư.
Nghị định “không đầu” (1) có hợp hiến?
Theo điều 14 khoản 2 Hiến pháp 2013, quyền hiến định chỉ có thể hạn chế bởi luật; không thể dùng một nghị định để trực tiếp hạn chế một quyền hiến định.
Tuy nhiên, điều 14 khoản 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại cho phép dùng nghị định để thay thế luật, pháp lệnh, nếu đó là vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh. Điều này có nghĩa, Chính phủ có thể sử dụng điều 14 khoản 4 này để trực tiếp hạn chế quyền hiến định bằng nghị định mà không cần luật hay pháp lệnh, miễn rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép (2). Cắt xén quyền hiến định đến điểm nào thì phải dừng?
Quyền hiến định vô cùng rộng rãi, đẹp đẽ và lấp lánh, nhưng cũng vô cùng chung chung. Trong số này, có những quyền tự thân nó có thể đi vào cuộc sống ví dụ như quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên đa phần các quyền hiến định cần được thể chế hóa bằng luật để bảo đảm việc sử dụng quyền hiến định của người này không xâm phạm đến quyền hiến định của người khác; đặc biệt trong trường hợp có những cặp quyền hiến định tồn tại trong thế “cạnh tranh” lẫn nhau.
Điều này có nghĩa, sau khi ban hành luật để hạn chế, điều chỉnh các quyền hiến định, đối với một số loại quyền, cần được tiếp tục chi tiết hóa bởi các văn bản dưới luật. Mỗi một cấp, một lần ban hành văn bản hướng dẫn sẽ giống như một “nhát kéo”, mà quyền hiến định là tấm vải.
Nếu không có người “thợ may” thì tấm vải không trở thành quần áo hữu dụng nhưng “thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ”, những nhát kéo của “thợ may” sẽ không tránh khỏi sự tùy tiện, nếu không có tiêu chí giới hạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu quyền hiến định bị thu hẹp dần qua các nhát kéo (luật, nghị định, thông tư...) đến mức giá trị cơ bản của quyền hiến định không còn? Lúc đó quyền tự do hiến định sẽ mất hết ý nghĩa, giống như một điều khoản vô hiệu trong hợp đồng có thể khiến cho toàn bộ phần hợp đồng còn lại trở nên vô hiệu, nếu đó là “điều khoản cốt lõi”.
Ví dụ: nếu cấm nhà báo tường thuật lời của đại biểu tại Quốc hội hay lời của luật sư tại tòa án, thì quyền tự do ngôn luận đã bị hạn chế đến mức mất hết ý nghĩa.
Chính vì vậy, việc thể chế hóa, chi tiết hóa các quyền hiến định, ngoài việc phải phục vụ các mục đích tại điều 14 khoản 2 Hiến pháp, thì việc thể chế không được phép làm cho quyền hiến định mất ý nghĩa cơ bản, việc hạn chế quyền hiến định không được chạm vào vùng lõi của mỗi quyền hiến định.
Hay nói một cách hình tượng hơn, thì khi thân chủ là nhân dân giao tấm vải quyền hiến định quý giá của mình cho thợ may nhà nước với nhiệm vụ may ra chiếc quần âu tiện dụng, thì thợ may có quyền tùy nghi thiết kế, thêm túi, bóp ống, xẻ tà... nhưng không bao giờ được phép tùy tiện cắt xén đến mức “cái đũng quần âu không còn”.
Nếu pháp luật đặt ra quá nhiều điều cấm, đến mức hạn chế quyền tự do mà người dân thực tế được hưởng thì quyền hiến định đã mất hết ý nghĩa. Và nên nhớ, đằng sau mỗi lệnh cấm, luôn mở ra một cơ hội tham nhũng cho ai có quyền thực thi hay bỏ qua lệnh cấm cho một ai đó.
(*) Khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM
(1) Nghị định thông thường có một luật hay pháp lệnh ở bên trên để hướng dẫn, nhưng loại nghị định này không có cái gì ở trên đầu, nên được giới khoa học pháp lý gọi là nghị định không đầu.
(2) Nhân dân trao quyền lập pháp cho Quốc hội thì Quốc hội phải thực hiện, Hiến pháp không có điều khoản nào cho phép Quốc hội được tiếp tục trao quyền lập pháp cho cơ quan khác ngoài Quốc hội.