26 juin 2014

Chuyên gia phản ứng với đề xuất của Formosa


Hùng Lê
Thứ Tư,  25/6/2014, 16:25 (GMT+7)








Một góc công trường của Formosa. Nguồn ảnh: Hải quan Online
(TBKTSG Online) - Đề xuất của nhà đầu tư Đài Loan Formosa về việc lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với những ưu đãi vượt quá khuôn khổ luật pháp và chính sách ưu đãi hiện hành đã gặp phản ứng của các chuyên gia là những người từng làm trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư cũng như trong ngành thép.


Theo báo Hải Quan, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã gởi công văn số 1406022/CV-FHS tới Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đưa ra đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với những điều kiện ưu đãi đặc biệt xây dựng riêng cho doanh nghiệp này.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đây là một đề xuất không bình thường của nhà đầu tư và nó không phù hợp với khung pháp luật của Việt Nam hiện nay. Điều đó đòi hỏi Chính phủ phải có cách xử lý rất đặc biệt. Nếu như xử lý cho trường hợp này thì những trường hợp khác sẽ như thế nào? "Tôi thấy cần phân tích thận trọng sự thiệt hơn của các đề nghị này và phải có phản biện của các chuyên gia, nhà kinh tế", ông Doanh nói và nêu câu hỏi: "Lý do biện minh cho việc xử lý đặc biệt đó có xứng đáng không?"
Câu hỏi đặt ra phải chăng sau "biến cố quậy phá vào tháng 5" rồi, nhiều kiến nghị của Formosa Hà Tĩnh đã được giải quyết dẫn đến việc nhà đầu tư này "lấn tới" đưa ra những "yêu sách" không phù hợp? Ông Doanh cho rằng Vũng Áng vừa rồi cũng có những khó khăn nhất định, nhưng không phải vì vậy mà Chính phủ dễ dãi chấp nhận những đề nghị của nhà đầu tư.
"Trong điều kiện khó khăn hiện nay, các nhà đầu tư có xu hướng nâng cao yêu cầu của họ lên. Do đó, Chính phủ cần phải hết sức thận trọng trước những đề xuất của nhà đầu tư," ông Doanh nói. Bản thân ông Doanh cho rằng Formosa đưa ra đề xuất trên là những đặc lợi, đặc quyền không có căn cứ.
Cũng không đồng tình với đề xuất của nhà đầu tư Formosa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc có thành lập đặc khu hay không và đặt nó ở đâu là quyền quyết định của Chính phủ khi cân nhắc về lợi ích chung của nền kinh tế, chứ không thể theo yêu cầu đề xuất của một nhà đầu tư như Formosa.
Khi nhà đầu tư này vào Việt Nam đồng nghĩa đã chấp nhận là một dự án đầu tư bình thường rồi, thế mà giờ đây lại muốn nơi mình đầu tư trở thành đặc khu. Bà Lan cho rằng Chính phủ không nên căn cứ theo đó mà xem xét. Vì nếu đáp ứng theo yêu cầu của nhà đầu tư này thì về lâu dài Việt Nam cũng sẽ phải giải quyết những kiến nghị tương tự của những nhà đầu tư lớn khác. Như vậy, vô hình chung Việt Nam sẽ có nhiều đặc khu.
Một nền kinh tế không thể có quá nhiều chuyên biệt trong từng lĩnh vực như vậy.
Về ưu đãi đầu tư cũng vậy, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, cái gì cũng có ngưỡng của nó. Khi vào Việt Nam nhà đầu tư chấp nhận được hưởng những ưu đãi thế nào thì nên theo đó mà thực hiện, không thể đỏi hỏi thêm. "Đòi ưu đãi tăng thêm là không hợp lý và đòi bảo hộ thì càng không đúng, bởi Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài là để hội nhập toàn cầu tốt hơn. Hội nhập đó không thể bằng dạng bảo hộ được", bà Lan giải thích.
Ở góc độ từng là nhà quản lý và xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng Hà Tĩnh có vị trí chiến lược quan trọng của khu vực Đông Dương cũng như giao thông kết nối hai miền Bắc-Nam. Do đó, Chính phủ cần rất thận trọng với đề xuất của nhà đầu tư. Bởi việc hình thành đặc khu và trong đặc khu thành lập ban quản lý trực thuộc Văn phòng Chính phủ như đề xuất của Formosa theo ông Thắng là điều không thể. Vì như thế, ngay cả chính quyền địa phương nơi có đặc khu này cũng không thể có bất cứ can thiệp nào và công tác quản lý của nhà nước sẽ khó thực hiện.
Ông Thắng cho rằng những đề xuất của Formosa không có trong khung pháp lý về thu hút đầu tư của Việt Nam theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần thận trọng với những đề xuất của nhà đầu tư, nếu không sẽ phá vở khung pháp lý đã đặt ra.
Trong khi đó, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, cho rằng việc đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép của Formosa là rất không khả thi và bản thân ông nhìn nhận đây là điều Chính phủ cần cân nhắc rất kỹ bởi vị trí của khu kinh tế này rất quan trọng cả về phát trển kinh tế cũng như an ninh chính trị.
Theo ông Cường, dù đây là dự án đầu tư có quy mô vốn lớn và có thể sẽ đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhưng bản thân ngành thép không phải là ngành đặc thù cá biệt quan trọng hoặc là ngành công nghiệp công nghệ cao để nhất thiết phải thành lập một đặc khu. Cũng như các chuyên gia khác, ông Cường cũng phản đối đề xuất của nhà đầu tư đòi hỏi trong đặc khu thành lập ban quản lý, trực thuộc Văn phòng Chính phủ.
Với đặc khu này, Formosa còn đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...
Theo ông Cường, thực tế trước đây Formosa cũng đã có những kiến nghị đề xuất được hưởng những ưu đãi tương tự cho dự án, nhưng Chính phủ đã bác bỏ hoàn toàn. Khi đó, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội ngành thép Việt Nam cũng quan tâm đến tính khả thi của dự án, ông Cường có trực tiếp hỏi nhà đầu tư này vì sao lại đề xuất những ưu đãi mà khó có thể đạt được, hay Formosa đề xuất nhằm kéo dài hoặc trì hoãn việc triển khai đưa dự án vào hoạt động?
Ông Cường cho biết ở thời điểm đó, chủ đầu tư quả quyết rằng họ đã bỏ nhiều tiền đầu tư cho dự án thì không thể rút lui hoặc dừng thực hiện. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư này thì "chúng tôi đã cắt tóc thì phải gội đầu". Với câu trả lời đó, ông Cường cho rằng có khả năng dựa vào tình hình hiện nay, nhà đầu tư cứ đề xuất những quyền lợi về mình để nếu được giải quyết thì tốt.
Hội nghị Trung ương 8 - khóa XI đã có chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo đề án phát triển 2 đặc khu kinh tế Vân Đồn và Bắc Vân Phong đã trình Chính phủ phê duyệt, riêng đề án đặc khu Phú Quốc vẫn đang trong quá trình hoàn tất. Mới đây, Quảng Ngãi là tỉnh mới nhất có ý định xin phép lập đặc khu kinh tế ngay tại địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chỉ nên có 1-2 đặc khu kinh tế để vừa làm vừa rút kinh nghiệm vì trên thế giới, mô hình này đang thất bại
Không phải đến nay Việt Nam mới đặt vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế. Từ năm 1979, đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập với mục tiêu chính là phát triển công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí nhưng đến năm 1991, đặc khu kinh tế này chấm dứt hoạt động để thành lập địa danh hành chính mới là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do mô hình đặc khu không đem lại lợi ích khác biệt. Sau đó, Việt Nam đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế ven biển với 18 khu được quy hoạch. Trong đó, 15 khu đã được thành lập trên tổng diện tích hơn 54.000 ha.