30 juin 2014

Đi dự một đêm thơ tại Berlin

Theo Người buôn gió


Lần đầu tiên mình đi dự một đêm thơ, thấy vui thật. Đêm thơ này là ra mắt tập thơ hay giới thiệu tập thơ gì đó mà kẻ ngoại đạo như mình không phân biệt nổi. Nhưng vì có anh Trần Mạnh Hảo chị Võ Thị Hảo đến dự, mấy anh chị em hẹn sau đó gặp nhau , đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là tập thơ này do ông Thế Dũng đứng ra xuất bản, có ông Sa Huỳnh biên tập.
Lão già Thế Dũng là một tay chơi lãng tử trong làng văn chương. Viết truyện, sách, làm thơ đủ kiểu. Thơ văn của lão được cái phảng phất tính tranh đấu vì quê hương, tính lão cũng phóng khoáng, ngang tàng. Đôi khi là ầu ơ kệ con mẹ đời, cái gì tao thích tao làm. Hôm nọ biểu tình người Việt ( cờ đỏ ) ở Berlin, lão Thế Dũng đọc bài thơ về biển đảo, đến câu gay gắt bị người nào đó định giật tờ thơ không cho lão ấy đọc. Lão ấy giằng lại và đọc tiếp như không.

Đứa khôn, đứa dại. Tóc bạc, tóc xanh…
Dù cộng sản hay không cộng sản
Hôm nay, ngày 11 tháng 05 năm 2014
Tất cả xuống đường biểu tình vì Nước
Chúng con dõng dạc hô vang:
Hoàng Sa-Trường Sa: máu thịt Việt Nam
 Sau khi viết chán chê đủ thứ, lão già Thế Dũng nhảy sang lĩnh vực xuất bản sách, lão có nhà xuất bản lấy tên là VPen. Cái việc xuất bản sách ở đất nước tự do như CHLB Đức này cũng không phải khó khăn gì về mặt thủ tục, giấy tờ nhiêu khê như ở Việt Nam. Nhà xuất bản Vpen của lão Thế Dũng cũng sản xuất ra một mớ sách đủ loại chính trị, văn chương, tản văn của tác giả là người nước ngoài, của một vài cá nhân người Việt và của cả lão ấy nữa. Mọi việc êm đềm cho đến một ngày kia, lão già Thế Dũng nổi hứng in tập thơ cho những kiều bào VN tại Đức, đặc biệt phần đông là các tác giả ở Berlin.
 Thế là kiện cáo nhau, đưa luật sư để tìm cách đưa nhau ra tòa.
Mình đọc tất cả các bài thơ, một cách kiên nhẫn. Thế mới biết ông Đỗ Trường tài, ông ấy kiên trì ngốn hết cả đống thơ của hơn 70 tác giả. Về thơ của tập này mình cũng chỉ có ý kiến sau.
Đây là nỗi lòng của người xa quê hương, người mà đã xa quê hương thì nỗi lòng nhiều lắm. Nhất là không phải dân chuyên môn, những bà con lao động, buôn bán lúc nhớ nhà tình cảm nảy sinh, cứ theo nỗi niềm xuống bút họa vần. Cho nên xét theo góc nào đó thì tập thơ được in ra là rất đáng khen. Vì nó là một sân chơi, một góc nhỏ khiêm tốn để người nào vô tình đọc hay nhà nghiên cứu xã hội nào tìm đọc thấy được tình cảm của những người Việt xa xứ. Nhiều bài thơ dung dị , chân chất như những lời nói trong câu chuyện tâm tình gặp nhau, không trau chuốt. Thậm chí là đôi khi có câu thơ còn mang vẻ lấy lại từ thi sĩ nổi tiếng. Nói đạo thơ thì chẳng phải, vì người làm thơ trong quá khứ đọc được bài thơ của thi nhân nào, rồi lúc cảm hứng tự dưng mang cái ý đó ra vào thơ mình một cách vô thức.
Nếu nói đây là những tuyệt phẩm giá trị văn học cao, đến mức phải kiện nhau thì nói thực là quá khó hiểu.  Việt Nam nhiều nhà thơ đến nỗi giờ các tác giả toàn bỏ tiền túi ra in để tặng sách cho bạn bè. Ngoài trừ một số nhà thơ có đẳng cấp thì không bàn đến. Cứ ra hiệu sách thì thấy thơ ở Việt Nam nhiều đến mức độ nào.
Thế nhưng tập thơ này của các tác giả không chuyên, lại sắp kéo nhau ra tòa. Thế mới vui.
Vui nhất là lý do để kiện nhau là bên nguyên cho rằng trong tập thơ này có nhiều bài có vấn đề về chính trị, chẳng hạn như nhiều bài ca ngợi  cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, ca ngợi Bác Hồ bị loại bỏ. Và bên nguyên đưa ra lý do là một tập thơ mà không có những thứ đó thì không xứng đáng đại diện cho người Việt ở Đức. Nói nôm na là đm thơ này đéo có tính Đảng, đéo đủ tư cách xuất bản. Một số người có thơ được một cái tổ chức gọi là Ban Chủ Nhiệm CLB thơ Berlin phản đối đòi đưa ra tòa vì không thống nhất giữa các tác giả với nhà xuất bản.
Nhưng vui hơn nữa là đấy chẳng phải lý do chính. Sứ quán VN cũng chẳng hơi đâu đi can thiệp sâu thế về một tập thơ của tác giả không chuyên, nhất là thơ nội dung cũng chẳng phê phán chửi bới chế độ gì, chẳng qua chỉ là nỗi lòng nhớ nhung quê nhà có nắng, có thu , có gió , có phố phường..thêm vài ba bài gợi lòng hướng về biển đảo. Chết đéo ai mà bọn sứ quán nhào vô làm gì cho rách việc. Tâm sự bà con xa quê thì cứ thả cho họ nhớ nhung, cần thì ca cải lương vọng cổ sến thấy cụ kỵ cũng được, còn hơn dân chúng học tập tư bản giẫy chết nói xấu chế độ XHCN tươi đẹp thì còn mệt hơn.
Thế nhưng vẫn kiện nhau, dù chẳng phải là tuyệt phẩm văn chương, chẳng phải là chống phá chế độ làm tác giá nảo bị liên lụy, dù an ninh văn hóa hải ngoại cũng chẳng gay gắt. Thế mới gọi là vui, thế mới là người Việt ở Đông Âu.
Hơn hai mươi năm sống ở nước Đức tự do, thiếu gì lý do mà mang cái lý do của anh cán bộ tuyên huấn, lý do thiếu tính Đảng ra để làm động lực đưa nhau ra tòa. Tòa Đức nào nó đi xử cái vụ mà tập thơ in ra tại Đức vì không có động lực chính trị là yêu Bác, yêu Đảng. Riêng cái thông báo của BCNCLB thơ Berlin đã thấy mùi đấu tố văn hóa của thời Hồng Vệ Binh.
Khi đọc bản thảo này, thay mặt các tác giả, Ban Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ Thơ Berlin đã có ý kiến như sau:
- Hình thức:Không duyệt hai lời mở đầu, giới thiệu của anh Thế Dũng và anh Sa Huỳnh cùng hai bài Phụ lục cuối sách của anh Thế Dũng với nội dung quảng cáo cho anh. Số lượng trang định in chỉ là nhiều nhất 162 trang như trong thư mời đã nói rõ. Nay số trang gấp ba lần!- Nội dung:Chọn lựa nhiều bài chưa đủ chất lượng. Không chấp nhận tuyển chọn các bài thơ có nội dung nhạy cảm một phía của các anh, những bài thơ dùng những từ ngữ tục tiũ, không thơ chút nào của anh Thế Dũng.Không chấp nhận việc các anh tự động gạt bỏ tất cả các bài nói về tình cảm với Bác Hồ, cũng như ca ngợi lòng yêu nước, sự hy sinh trong cuộc chiến tranh dành độc lập thống nhất đất nước… Cuốn sách như thế không thể mang tên Thơ Việt ở Đức. 
 Đây là một lý do để đưa nhau ra kiện, thêm một lý do nữa là bản quyền.
Lý do chính trị thì thật chả hợp với nước Đức tí nào, bới chuyện này ra tự nhiên làm xấu hổ về nền văn hóa bị kiểm duyệt tư tưởng ở Việt Nam cho người Đức xem, kiểu như vạch áo cho người xem lưng. Chắc đại sứ quán hay bộ văn hóa VN chả dại gì đứng đằng sau xúi giục việc như vậy.
Lý do thứ hai là bản quyền, thôi thì luật nước ngoài có luật nước ngoài, nói về lý thì cứ để các luật sư cãi nhau. Nói về tình thơ, thì những bài thơ của các tác giả không chuyên, thể hiện nỗi niềm của người xa xứ, in ra cho bạn bè, người thân đọc thấy bài thơ mình có trong tuyển tập thiết nghĩ còn đáng hơn chuyện bản quyền. Nói trắng ra nếu thơ đem bán liệu bán được bao nhiêu mà đòi bản quyền.?
Một lần nữa lại phải nói, thế mới vui. Không phải vì chính trị, không phải vì bản quyền ( tất cả lý do này chỉ là cái cớ ), nhưng người Việt sẵn sàng đi thuê luật sư để kiện nhau ra tòa vì một tập thơ mà giá trị của nó nếu bạn nào đủ kiên nhẫn đọc thì sẽ thấy.
Hay là đang có những âm mưu kinh doanh văn hóa, có những nhà đầu tư vào văn hóa với mộng lớn là ôm trọn tất cả những gì được gọi là sáng tác văn hóa của cộng đồng người Việt, để lập một dự án xin tài trợ của chính phủ Đức. Bọn tư bản giẫy chết này nó có cái hay, là khi một cộng đồng sắc tộc nào ở trên đất nước nó mà đông, phát triển đến mức nào đó, bọn tư bản giẫy chết sẵn sàng tài trợ tiền để cộng đồng sắc tộc đó có được tinh thần văn hóa của mình khi sinh sống ở đây. ?
Có thể là lý do ấy, mới bỏ tiền đi thuê luật sư thôi.
Vài hình ảnh về đêm ra mắt tập thơ.
chị Nga, phóng viên kiêm ca sĩ hát một bài hát quê hươngchị Nga, phóng viên kiêm ca sĩ hát một bài hát quê hương
lão Thế Dũng, giám đốc nhà xuất bản Vpen ( chắc lần sau cạch đến già những vụ xuất bản thế này )lão Thế Dũng, giám đốc nhà xuất bản Vpen ( chắc lần sau cạch đến già những vụ xuất bản thế này )
Nhà văn Trần Mạnh Hảo phiêu lãng ghé qua dự. Lần trước anh Hảo gặp mình ở Hà Nội, anh nói chúng ta ở vùng tạm chiếm. Còn lần này mình nói chúng ta đang ở Casablanca, nơi mà đủ thứ phe phái hội tụ.Nhà văn Trần Mạnh Hảo phiêu lãng ghé qua dự. Lần trước anh Hảo gặp mình ở Hà Nội, anh nói chúng ta ở vùng tạm chiếm. Còn lần này mình nói chúng ta đang ở Casablanca, nơi mà đủ thứ phe phái hội tụ.