20 juin 2014

Dương Khiết Trì và Ted Osius gửi thông điệp gì cho Việt Nam?


Theo RFA

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

06192014-maclam.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
000_Hkg9950512-600.jpg
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (P) tiếp Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội hôm 18/6/2014
AFP photo


Trong chuyến công du tới Việt Nam lần này ông Dương Khiết Trì Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc đã mang đến những tuyên bố mà theo báo chí ngoại quốc tường thuật, có nội dung nước lớn rất rõ rệt. Trong khi đó ứng viên vào chức tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là ông Ted Osius điều trần trước Thượng Viện Mỹ cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ nên xem lại việc tháo dỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Mặc Lâm đặt câu hỏi về cả hai vấn đề này với TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hòa Lan.



Cuộc gặp không kết quả

Mặc Lâm: Thưa TS, ông Dương Khiết Trì đã có mặt tại Hà Nội và những lời tuyên bố của ông ấy được báo chí ngoại quốc loan tải xem ra không một chút gì có ý nghĩa ngoại giao cả. Ông là người trong ngành ngoại giao ông nghĩ sao khi ông Dương Khiết Trì đứng tại Hà Nội lại nói rằng Việt Nam phải chấm dứt việc gây rối và làm lớn chuyện giàn khoan của Trung Quốc?
TS Đinh Hoàng Thắng: Qua những thông tin mới nhất chúng tôi thấy chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì không mang lại một đột phá nào cả. Bởi vì trước khi ông Dương sang thì Bộ ngoại giao đã có một cuộc họp báo quốc tế và ý kiến nhận xét về cuộc họp báo này tương đối mạnh mẽ nhất từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan đến bây giờ. Bên cạnh đó ngay cả trước khi ông Dương sang thì phía Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng đã nói, đã khẳng định lập trường của họ từ trước tới nay rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc. Cho nên đối với hai sự việc đầu tiên diễn ra như vậy thì tôi không hy vọng gì vào chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì có thể giải quyết được gì trong vấn đề giàn khoan.
Trong trường hợp này thì một câu của người Châu Âu hay nói: “No new is good news” không có tin gì tốt cả. Nghĩa là Việt Nam vẫn giữ lập trường từ trước tới nay rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam và mọi chứng cứ do Trung Quốc đưa ra kể cả 5 chứng cứ mới nhất mà những người chưa am hiểu tình hình thì cho rằng Trung Quốc có lợi thế, nhưng 5 chứng cứ đó hoàn toàn có thể bác bỏ, hoàn toàn có cơ sở cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý để bác bỏ 5 chứng cứ đó của Trung Quốc.
Vì vậy ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam ai cũng biết là ông ta có hai mục đích, một là để đe dọa Việt Nam và hai là để mua chuộc Việt Nam. Tôi nghĩ cả hai mục đích này ông ta không thể thành công. Bởi vì đây là lúc, là thời điểm mà nhà nước và xã hội công dân, giữa chính phủ và nhân dân đang tiến đến một điểm gặp nhau vì mục đích tối thượng là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là những cái không thể đánh đổi với bất cứ điều gì.
Mặc Lâm: Thưa ông trong vài tuần gần đây vấn đề đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế đã được dư luận tranh cãi rất nhiều về các mặt thuận lợi và bất lợi của nó. Ông là người có quan tâm đến vấn đề này theo ông khả năng thành công của Việt Nam là bao lớn?
TS Đinh Hoàng Thắng: Việc Việt Nam quyết định đưa Trung Quốc ra tòa là một quyết định không dễ dàng gì, đó là tôi nói đứng về mặt nhà nước. Đứng về mặt lịch sử thì hiển nhiên Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và điều này đã có đầy đủ chứng lý, bằng chứng trong lịch sử.
Tuy nhiên do hoàn cảnh khách quan đặc biệt do hai cuộc kháng chiến mà có thể giữa hai nhà nước, hai đảng có những thỏa hiệp, những static, gọi là thỏa hiệp mang tính chiến thuật. Bên Việt Nam vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước còn bên kia thì vì mục đích tận dụng tối đa cuộc kháng chiến của Việt Nam để mang ra với thế giới, mỗi bên nó có yêu cầu của mình nên sinh ra một số thỏa hiệp. Những thỏa hiệp ấy có liên quan đến vấn đề biển đảo và do đó bây giờ về phía Việt Nam cũng có những điều khó ăn khó nói.
Tuy nhiên nếu Việt Nam nhận thấy được, về mặt nhà nước, đây là một khúc quanh, một bước ngoặt thì nhà nước hoàn toàn có thể chủ động với đội ngũ luật sư, luật gia của Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài kể cả những người yêu chuộng Việt Nam, yêu chuộng hòa bình công lý, hoàn toàn có thể xây dựng bằng được hồ sơ để đưa Trung Quốc ra tòa về hai phương diện thủ tục và nội dung pháp lý.

Thông điệp từ Đại sứ Hoa Kỳ

Mặc Lâm: Cũng trong lĩnh vực ngoại giao, ứng viên tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Phó Giáo sư Ted Osius đã điều trần trước Thượng Viện Mỹ với gợi ý là Hoa Kỳ nên tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu Hà Nội cải thiện tình trạng nhân quyền. Là một nhà ngoại giao ông có nhận xét gì về gợi ý này thưa ông?
TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi nghĩ cái công bố của ông tân đại sứ Mỹ sắp được bổ nhiệm, đối với chúng tôi là những người quan sát tình hình thì chúng tôi thấy đây là một dấu hiệu rất tích cực từ chính phủ Hoa Kỳ. Bởi vì như chúng ta đã biết cái yêu cầu này, tức là được mua vũ khí sát thương của Mỹ, đã được Việt Nam đưa ra từ nhiều năm qua nhưng chưa được đáp ứng vì vần đề dân chủ nhân quyền.
Nhưng có lẽ hơn ai hết về phía chính phủ Mỹ trong khoảng hai tháng nay đã thấy rất rõ những bước cải thiện cụ thể của Việt Nam về vấn đề dân chủ nhân quyền cho nên tôi nghĩ phát biểu của ông tân đại sứ là có cơ sở. Cơ sở vì ông ấy là người hiểu hơn ai hết những biến chuyển mới nhất, những chuyển động mới nhất trong quan hệ Việt Mỹ và tôi cho rằng phát biểu của ông ấy mặc dù phát biểu cho Thượng viện Mỹ nhưng thông điệp đó cũng gửi cho phía Việt Nam và tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt lành.
Bởi vì như chúng ta quan sát trên bình diện rộng hơn trong những ngày này, ngay cả với Iran mà Mỹ vẫn có thể tính đến sự hợp tác quân sự để chặn đứng phiến quân Sunni vậy thì không có lý do gì, không một cản trở nào có thể làm cho quan hệ Việt Mỹ phải đẩy lùi trở lại. Quan hệ này chỉ có thể phát triển lên vì lợi ích cả hai nước cũng như lợi ích của khu vực và toàn cầu.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.