Tường An
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh (trái) tại nhà riêng sau khi ra tù. |
Sau ba năm bị giam cầm qua nhiều trại tù khác nhau, nhà hoạt động
công đoàn trẻ tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh vừa được trả tự do hôm thứ Sáu 27
vừa rồi. Từ Paris, thông tín viên Tường An của Đài Á Châu Tự Do đã có
cuộc phỏng vấn đặc biệt với Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, mời quý vị theo dõi:
Vì quê hương đất nước
Đỗ Thị Minh Hạnh, người tù nhân lương tâm, nhà hoạt động công đoàn vừa được trả tự do ngày 27 tháng 6 năm 2014.
Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt ngày 23 tháng 2 năm 2010 cùng với hai người
bạn đồng hành là và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, cô bị
tuyên án 7 năm tù trong phiên phúc thẩm ngày 18 tháng 3 năm 2011. Lúc đó
cô vừa tròn 26 tuổi.
Trong hơn ba năm trời, Hạnh đã bị chuyển đi 5 trại giam : Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai và Thanh Xuân.
Cuộc đời hoạt động của Hạnh không có những dấu chấm xuống hàng. Nó là
một chuỗi dài tất bật khi cô nhìn quanh chỉ thấy những người nghèo khổ
và bất công xã hội. Cuối năm 2003, khi mơ ước vào trường đại học luật
không thành, Hạnh chuyển qua học Công Nghệ thông tin, rồi cao đẳng kinh
tế. Dùng kiến thức tin học của mình để tìm hiểu thêm về thực trạng quê
hương. Những đêm gục đầu khóc bên bàn vi tính cũng là lúc Hạnh trải lòng
cùng bạn bè trên các diễn đàn tranh đấu về tinh thần yêu nước, về những
hiểm họa Trung Quốc mà cô đã nhận thức rất sớm.
Theo bạn bè và những người thân thuôc, Hạnh rất thương người: khi còn
trẻ cô thường hỗ trợ vật chất cho bạn học. Không dừng lại ở những hoạt
động nhân đạo, năm 2005, Hạnh đã bắt đầu dấn thân hơn nữa khi ý thức
được chỉ có tự do dân chủ mới đem lại công bằng xã hội. Trong Nam, Hạnh
gặp kỹ sư Đỗ Nam Hải, Tạ Phong Tần. Ra Trung gặp linh mục Nguyễn văn Lý,
linh mục Phan Văn Lợi. Lặn lội ra Bắc gặp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang,
và tại đây, lần đâu tiên trong đời. người con gái nhỏ bé đã bị nếm mùi
của bốn bức tường lao lý.
Tháng 4 năm 2009, cùng với hai người bạn trẻ khác, Hạnh đã lặn lội
lên cao nguyên Đắc Nông để chụp những bức ảnh đầu tiên của khu Bauxit
Nhân Cơ. Cô cũng đã tiếp tay chuyển tải thông tin từ trong nước cho các
cơ quan truyền thông hải ngoại.
Cuối năm 2009, Hạnh đã bán tất cả tài sản nhỏ bé của mình để cùng
người bạn trai là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng sang Mã Lai tham dự đại hội kỳ 2
của Ủy Ban Bảo Vệ người lao động Việt Nam. Chuyến đi để lại cho Hạnh và
cho những người thương yêu Hạnh vô vàn kỷ niệm.
Trở lại Việt Nam, Hạnh cùng Hùng và Chương đã đi vào những nhà máy,
tìm gặp và giúp đỡ cho công nhân về quyền lao động, rải tờ rơi đòi quyền
lợi cho công nhân, giúp đỡ các công nhân tổ chức đình công . Đỉnh điểm
của các cuộc biểu tình này là cuộc đình công của hơn 10.000 công nhân
tại công ty giầy gia Mỹ Phong, Trà Vinh.
Ngày 23/2/2010, khi Hạnh về Di Linh để làm giấy chứng minh nhân dân,
chuẩn bị thi lớp trung cấp kế toán thì bị bắt. Và để trả giá cho giấc mơ
công đoàn là cái án 7 năm tù dành cho người con gái mang tên Đỗ Thị
Minh Hạnh. Hai người bạn đồng hành là Hùng cũng bị kết án 9 năm tù và
Chương 7 năm tù.
Vui mừng đoàn tụ
Vừa trở về nhà ở Di Linh tối ngày 28 tháng 6, nơi mà Ba Hạnh và những
người thân đang tụ tập để chờ đón cô, Hạnh cho biết nỗi vui mừng của
mình:
“Dạ, con mới đi về, còn hơi mệt, nhưng vui nên cái mệt mình cũng
quên đi hết rồi. Nói chung thì mệt thì có mệt, nhưng mọi thứ đi qua hết
rồi. Bây giờ con chỉ muốn hăng say được nói chuyện với những người mà
con yêu thương thôi.”
Trong thời gian ở tù, Hạnh đã phải chịu nhiều chứng bệnh khác nhau:
đau khớp xương, tai bị ù, và nhất là gần đây, khám phá khối u từ trong
ngực. Hạnh nói về sức khoẻ hiện tại của cô:
“Sức khoẻ của con nói chung thì hôm bữa đi khám, người ta nói có 2
cái nang ở ngực, nhưng mà nói là không có vấn đề gì nên chắc con cũng
nghĩ là không sao đâu ạ, họ nói cũng lành tính thôi. Về khám, nếu bác sĩ
giỏi thì lấy ra, nếu không thì để đó, sau này nó tan được thì tan chứ
nó không phát triển.”
Trong gia đình, Hạnh là một đứa con có hiếu, ngoài xã hội, cô là một
người bạn tốt và trong tù, cô tận tình săn sóc cho những người bạn đồng
cảnh ngộ nhưng kém may mắn hơn mình, hỗ trợ về tinh thần cũng như vật
chất và động viên họ trong những ngày khốn khó, trong đó phải kể đến chị
Mai thị Dung và những người bạn tù khác. Cô nói:
“Nói chung giúp thì cũng có nhiều chứ không phải chỉ trường hợp
đó, có những người bạn nữa, động viên, giúp đỡ cho những người bạn sống
tốt hơn chứ không thể nào sống đi xuống được, không để những cái tiêu
cực làm đi xuống được, phải sống phấn đấu hơn.”
Ngoài những tổ chức Việt Nam như Mạng Lưới Nhân quyền, Lao Động Việt,
Quỹ Tù Nhân Lương Tâm, BPSOS, VETO, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân khác
tiếp tay bằng cách này hay cách khác vận động cho tự do của Hạnh.
Bên cạnh đó, các tổ chức Nhân quyền quốc tế: Human Right Wacht,
Amnesty International, Fredom Now cũng đã thúc dục cho quá trình trả tự
do cho Hạnh. Đầu năm 2014, 11 dân biểu Mỹ và giữa tháng 5, 7 dân biêu Úc
đồng ký tên gửi thư cho các vị nguyên thủ Việt Nam kêu gọi trả tự do
ngay lập tức cho Hạnh. Cuối tháng 5 vừa qua, 153 dân biểu Mỹ cũng đã gửi
thư cho đại diện thương mại Hoa Kỳ yêu cầu tổ chức này lên tiếng đòi
trả tự do cho nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh.
Dân biểu Mỹ Christ van Holland và dân biểu Đức Sabine Bätzing-Lichtenthäler đã nhận đỡ đầu cho Đỗ thị Minh Hạnh.
Dân biểu Frank Wolf đã gọi Hạnh là một người “đặc biệt can đảm” và
ông hãnh diện vì cô ấy đã tranh đấu cho quyền lao động của công nhân.