27 juin 2014

‘Đại cục’ và ván cờ cân não Biển Đông

Theo BBC
Nguyễn Lễ
26-06-2014
Dương Khiết Trì đã rời Hà Nội nhưng không rõ ‘đại cục’ mà ông nói nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam có ở lại.
Chinese State Councilor Yang meets Vietnamese Communist Party's General Secretary Nguyen in Hanoi
Ông Dương Khiết Trì (trái) nói về ‘đại cục’ khi Việt Nam
Tới Hà Nội, ông Dương nói ‘rất coi trọng quan hệ với Việt Nam’ và muốn khuyên nhủ ‘đứa con lạc lối’ hãy trở về, theo lời lẽ trên báo Trung Quốc.
Rõ ràng Bắc Kinh không có ý nhượng bộ về giàn khoan nhưng lại không muốn cái giàn khoan đó đẩy Hà Nội ra khỏi vòng cương tỏa của mình.
Một lần nữa, ông Dương lại nhắc nhở Hà Nội về đại cục.


Vẫn là đồng chí?

Ông Dương đến Việt Nam với tư cách đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước truyền thông quốc tế, cả chủ lẫn khách đều gọi nhau là ‘đồng chí’.
Nhưng đã lôi nhau ra nói trước mắt bàn dân thiên hạ thì còn đồng chí nỗi gì?
Các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể sợ mất tình cảm với Trung Quốc chứ Trung Quốc thì rất thẳng thừng.
Khi chính thức tung ra các bằng chứng cho thấy chính quyền Bắc Việt từng ‘thừa nhận Tây Sa của Trung Quốc’, cốt là để Việt Nam khó ăn khó nói trước quốc tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hẳn phải hiểu họ đẩy nhà chức trách Việt Nam vào thế khó trước người dân của họ.
Đã thủ sẵn ‘đồ chơi’ trong tay, họ đợi khi Việt Nam lên tiếng quyết liệt về chủ quyền Hoàng Sa thì mới tung ra để Việt Nam muối mặt.
Trong cuộc đấu cân não trên Biển Đông, Trung Quốc đang làm chủ tình hình. Họ điềm tĩnh, xem tình hình và ra đòn chính xác.
Trong khi đó thì Việt Nam chạy vạy khắp nơi, thậm chí nhờ đến sự lên tiếng của những nước như Ai Cập và Chile.
Một tuần sau đó, Việt Nam phản đòn bằng cách tập hợp báo chí quốc tế tại Hà Nội để trưng ra bằng chứng chủ quyền của mình.
Tuy nhiên, nếu người Việt xem việc chính quyền Quảng Đông nói Hoàng Sa không thuộc quyền quản lý của họ hồi năm 1898 là bằng chứng thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam bao nhiêu thì dân Trung Quốc cũng nghĩ công hàm Phạm Văn Đồng đã làm sáng tỏ chủ quyền của họ bấy nhiêu.
Đó là chưa nói Quảng Đông chỉ là chính quyền một tỉnh còn văn bản chính thức do thủ tướng ký có đầy đủ giá trị pháp lý của một quốc gia.
Mà không chỉ một văn bản này, Trung Quốc còn nói với thế giới rằng ‘các chính quyền liên tục của Việt Nam trước năm 1974 (Bắc Việt) luôn thừa nhận Tây Sa là của Trung Quốc’.
Bắc Kinh thừa hiểu đây là ‘tình đoàn kết vô sản’ của Hà Nội đối với họ vào lúc đó. Nhưng họ vẫn thừa cơ chộp lấy để biến thành con dao đâm lại Hà Nội.
Có điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt lợi ích quốc gia dân tộc của họ lên trên hết, còn chính quyền Bắc Việt chỉ nên tự trách mình đã không tỉnh táo như họ mà thôi.
Với lại, do Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quyền lãnh đạo không có ai phản biện nên những sai lầm nghiêm trọng như thế này vẫn không bị phát hiện và ngăn chặn.
Nhưng lần này, đòn nặng tay của Trung Quốc dường như đã làm Hà Nội bừng tỉnh.
Chừng mấy năm trước, ai có thể nghĩ rằng sẽ có ngày chính quyền Hà Nội trân trọng Việt Nam Cộng hòa ‘đã giữ chủ quyền’ và nhờ ‘đế quốc Mỹ’ lên án người ‘đồng chí’ Trung Quốc?

Tương quan lực lượng

Dẫu sao đi nữa toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam đã được huy động ở mức độ chưa từng thấy để đấu tranh với Trung Quốc.
Trung ương Đảng, Quốc hội, Thủ tướng và mới đây là Chủ tịch nước đều đã lên tiếng. Các nhà ngoại giao Việt Nam tranh thủ mọi diễn đàn; đại sứ tại các nước cũng được huy động; họp báo quốc tế liên tục ở Hà Nội; hệ thống truyền thông đưa tin Biển Đông hàng ngày; còn trên thực địa tàu chấp pháp Việt Nam không ngày nào không đối đầu với tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên trước một đất nước khổng lồ, tiềm lực hùng mạnh, quyết tâm vô bờ thì cơ hội Việt Nam đến đâu?
Người Việt Nam ai cũng rất yêu nước. Nhưng lòng yêu nước không phải của riêng người Việt.
Người dân Trung Quốc vốn một lòng tin sắt đá vào chủ quyền Tây Sa, Nam Sa cũng sẽ sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của họ.
Việt Nam có lịch sử ngàn năm chống lại phong kiến phương Bắc nhưng hai trận hải chiến với Trung Quốc trong thế kỷ trước, cả Bắc Việt hay Nam Việt Nam đều thua.
Khi Trung Quốc vẽ cái lưỡi bò đó để ôm hết Biển Đông trước mặt Việt Nam, rõ ràng họ đã quá coi thường người dân Việt.
Có mặt ở Việt Nam cách nay không lâu, tôi đã nghe từ radio phát bài vọng cổ ‘Nam quốc sơn hà nam đế cư’ ở một tỉnh miền Tây; tôi đã thấy một sạp bán dừa ven đường ở Sài Gòn dán khẩu hiệu đòi Trung Quốc rút giàn khoan; tôi cũng nghe nỗi bức xúc với Trung Quốc từ một bà nội trợ mà trước giờ chỉ quan tâm đến đề đóm…

Luật pháp và lợi ích

Riêng về lý lẽ chủ quyền, tôi nghĩ nếu Trung Quốc có chủ quyền đàng hoàng thì họ nên đấu tranh ngay thẳng để mọi người tâm phục khẩu phục thay vì cứ dùng thủ đoạn.
Để đối phó với Trung Quốc, con đường thông qua luật pháp quốc tế dường như là con đường khả dĩ nhất của Việt Nam hiện nay.
Thế nhưng lý lẽ và luật pháp liệu có bằng lợi ích quốc gia?
Luật pháp quốc tế ở đâu khi người dân Crimea tự ý trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga trong khi vùng đất này không chỉ của riêng người dân Crimea mà còn là một phần lãnh thổ của Ukraine?
Vậy mà khi đưa ra Liên Hiệp Quốc nhiều nước không phản đối. Việt Nam nằm trong số đó dù cũng không ủng hộ.
Vậy làm sao Việt Nam có thể mong chờ các nước ủng hộ ‘lẽ phải’ của mình khi mà nước nào cũng chỉ vì lợi ích của mình mà thôi?
Về phía Việt Nam, cả thủ tướng lẫn chủ tịch nước đều đề cập đến dùng ‘biện pháp pháp lý’. Chủ tịch Trương Tấn Sang trong phát biểu mới đây nói là sẽ sử dụng ‘khi cần thiết’.
Cùng lúc có dư luận ở Việt Nam đang sốt ruột muốn biết ‘khi cần thiết’ là lúc nào?
Khi công khai nói về biện pháp pháp lý, một mặt Hà Nội muốn cảnh báo Bắc Kinh họ có một con bài sẵn sàng chơi với Trung Quốc, mặt khác họ muốn trấn an người dân trong nước chính quyền có thể bảo vệ được chủ quyền.
Tuy nhiên, chính quyền có đủ thứ để cân nhắc chứ không nghĩ đơn giản như người dân.
Có đảm bảo thắng kiện? Có hiệu quả không? Hậu quả trong quan hệ với Trung Quốc?
Các chuyên gia đã chỉ ra dù Việt Nam có thắng kiện thì cũng không thể làm gì được cái giàn khoan. Trong khi đó, một khi đã đưa nhau ra tòa thì hai nước sẽ khó nói chuyện với nhau được nữa và Việt Nam sẽ hứng chịu thiệt hại từ những đòn trả đũa của Trung Quốc như họ đã làm với Philippines.
Với lại, dù là kiện về chủ quyền Hoàng Sa hay kiện giàn khoan thì Trung Quốc đều có vũ khí lợi hại là công hàm 1958 để nói rằng cả quần đảo và vùng biển họ khoan dầu đều ‘không tranh chấp’.
Giả sử Việt Nam mà thua kiện thì không biết lòng dân phẫn nộ với chính quyền đến mức nào?
Một chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam, thạc sỹ Hoàng Việt nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không dám chắc về ‘khả năng thắng của Việt Nam’ vì đây là vấn đề ‘cực kỳ phức tạp’.

Các nước có quan tâm?

Các nước chỉ can thiệp khi họ có lợi ích trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông.
Khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa, lúc đó Mỹ, Nga có lợi ích gì mà bảo vệ Việt Nam? Trong khi đó họ vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay các nước đều lo sợ tranh chấp Biển Đông leo thang thành xung đột thì tuyến đường hàng hải quan trọng sẽ bị gián đoạn.
Và liệu Trung Quốc có đảm bảo cho tàu bè qua lại nếu Biển Đông nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của họ?
Với nữa, một nước lớn có tham vọng lớn như Trung Quốc làm chủ được Biển Đông thì họ có dừng ở đó không?
Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về tự do hàng hải – rõ ràng nhằm vào mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Trong tình hình hiện nay, chỉ cần sơ sẩy một bước nữa, Việt Nam có nguy cơ mất hết.
Nếu sau này dù Việt Nam hay Trung Quốc để mất biển đảo vào tay đối phương thì oan tương sẽ kéo dài không dứt và hai dân tộc láng giềng sẽ hận thù nhau mãi không thôi.
Sẽ là viễn cảnh đau lòng nếu cuộc sống yên bình của người dân hiền lành, lương thiện, chăm chỉ tạo dựng hạnh phúc cho bản thân và gia đình ở hai nước lâm vào cảnh tan nát.
Muốn hóa giải can qua rất cần sự thấu hiểu lẫn nhau của người dân hai nước.
Người Trung Quốc thấu được nỗi uất ức của người dân Việt Nam còn người Việt Nam hiểu được niềm tin chủ quyền của người dân Trung Quốc mạnh mẽ như thế nào.
Trước mắt, cả Việt Nam và Trung Quốc đều không có lợi ích gì trong một cuộc xung đột trên Biển Đông nhưng về lâu dài khi lợi ích của hai bên đi đến chỗ quyết không thể nhượng bộ thì một cuộc đối đầu quân sự xem ra khó tránh khỏi.