Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
Cuộc gặp đầu tiên theo Luật Tiếp Công Dân vừa diễn ra tại Hà Nội giữa Bộ trưởng Văn Phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính Phủ và một số người dân khiếu kiện nhiều nơi trên cả nước.
Động thái đó có ý nghĩa gì và có mang lại tin tưởng các vụ việc bất công dẫn đến khiếu kiện dai dẳng lâu nay có thể được giải quyết hay không?
Bình mới, rượu cũ?
Luật Tiếp Công dân được chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 25 tháng 11 năm ngoái và bắt đầu có hiệu lực từ ngày đầu tháng 7 vừa qua.
Một động thái thực thi Luật Tiếp Công dân được tiến hành là bộ trưởng chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, ông Nguyễn Văn Nên và tổng thanh tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh đồng chủ trì buổi tiếp công dân vào ngày 22 tháng 7 tại Trụ sở Tiếp Công dân của Trung ương Đảng và Nhà Nước ở Hà Nội.
Báo chí trong nước gọi đó là lần đầu tiên có cuộc gặp như vậy theo Luật Tiếp Công dân như tựa đề của bải viết của phóng viên Từ Nguyên trên mạng VNEconomy ‘Lần đầu tiên dân được “kêu oan” với bộ trưởng’.
Chỗ ông Tranh thì chúng tôi không thể tin nữa, vì chính ông vào thẳng Dak Nong gặp tôi và bà Đặng Thị Luận, gia đình 3 liệt sĩ, nhưng đến bây giờ cũng không chịu giải quyết gì hết!
-Bà Hồng LOAN
Tuy nhiên theo những người dân phải đi khiếu kiện lâu nay thì nhân vật Huỳnh Phong Tranh đối với họ không lạ gì vì ông này không chỉ ngồi ở Hà Nội mà cũng vào tận địa phương của họ để xem xét vụ việc. Nhưng rồi cuối cùng thì đâu cũng vào đấy. Bà Hồng Loan, một dân oan ở Dak Nong, cho biết:
“Chỗ ông Tranh thì chúng tôi không thể tin nữa, vì chính ông vào thẳng Dak Nong gặp tôi và bà Đặng Thị Luận, gia đình 3 liệt sĩ, nhưng đến bây giờ cũng không chịu giải quyết gì hết!”
Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh là người hồi trung tuần tháng tư năm ngoái từng lên tiếng phát biểu tại cuộc họp ‘Nâng cao hiệu quả tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ các kỳ họp của trung ương Đảng và quốc hội’ rằng tại Hà Nội và Sài Gòn có nhiều đoàn khiếu kiện đông người quá khích mang màu sắc chính trị. Ông kêu gọi tiến hành cưỡng chế họ.
Tiến sĩ Phạm Đi thuộc Học Viện Hành Chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong bài viết trên mạng báo Pháp luật Thành phố, vào ngày 24 tháng 7 có bài viết trong đó thừa nhận nhiều nơi vẫn còn xem những người dân khiếu nại là những cái gai, hạt sạn trong công tác quản lý, là những tác nhân gây ra mất an ninh trật tự và có trù dập đối với những người khiếu kiện như thế.
Hứa hẹn!
Một nhóm dân oan có mặt tại buổi tiếp hôm ngày 22 tháng 7 ở Hà Nội là những giáo dân tại Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng. Một người cho biết lại nội dung mà nhóm nêu ra với hai viên chức cao cấp chính phủ về trường hợp của họ:
“Trong buổi tiếp dân đó bà con trình bày ngắn gọn 3 ý kiến: thứ nhất là yêu cầu được bố trí tái định cư tại chỗ bởi vì đất ở Đà Nẵng nơi bà con đang ở bị bán cho doanh nghiệp để phân lô, bán nền; thứ hai nói đến việc cưỡng chế: hiện có 30 căn nhà tại giáo xứ Cồn Dầu đã bị đập phá, nên phải giải quyết để bà con ổn định cuộc sống; thứ ba là vấn đề an sinh xã hội- đất đai, ruộng nương.
Cuối cùng một vấn đề mấu chốt là ông Trần Thanh Cát, người tuyên bố tự thiêu; ông này nói với ông bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và ông chánh thanh tra Huỳnh Phong Tranh nếu không giải quyết tái định cư thì ông sẽ chết tại đó. Nhưng ông bộ trưởng và chánh thanh tra nói rằng vự việc của bà con chúng tôi sẽ đề đạt lên thủ tướng chính phủ, chứ không thể quyết định được. Chính phủ sẽ lập một đoàn thanh tra liên ngành vào thanh tra trực tiếp tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, rồi sẽ trả lời cuối cùng cho bà con: được hay không.”
Thực tế ‘đá banh’
Bà Hồng Loan từ Dak Nong cho biết diễn tiến tình hình khiếu kiện của những dân oan riêng lẻ như bà:
“Trung ương chỉ đạo về tỉnh giải quyết, nhưng tỉnh có giải quyết đâu. Ví dụ 10 phần thì họ chỉ trả một phần thôi. Bây giờ bằng Tổ quốc Ghi công họ cũng đâu có trả, nhà cửa tan nát hết rồi, cũng khổ!”
Ngay tại Hà Nội, vụ việc đất đai bị địa phương thu hồi cho dự án nhưng bỏ hoang suốt mấy năm qua ở phường Dương Nội, quận Hà Đông vẫn không giải quyết thỏa đáng vì Thanh tra Chính phủ ra quyết định sai trái. Anh Trịnh Bá Phương, con trai của hai ông bà Trịnh Bá Khiêm và Cấn Thị Thêu bị bắt từ ngày 25 tháng tư đến nay do đấu tranh bảo vệ đất cho biết:
Trung ương chỉ đạo về tỉnh giải quyết, nhưng tỉnh có giải quyết đâu. Ví dụ 10 phần thì họ chỉ trả một phần thôi.
-Bà Hồng Loan
“Cuộc giữ đất cha ông của nhân dân chúng tôi đến nay đã 6 năm trời vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ có thành lập một đoàn thanh tra liên ngành về gặp trực tiếp nhân dân Dương Nội chúng tôi, rồi họ đưa ra Kết luận 1078. Thế nhưng trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có 6 điều, thì nhân dân chúng tôi phản đối 5 điều. Thanh tra Chính phủ làm việc mang tính chất bao che cho việc cướp đất, không khách quan. Đến nay, nhân dân chúng tôi gần hai năm nay yêu cầu Thanh tra Chính phủ ra đối chất vối nhân dân chúng tôi, nhưng họ bặt tăm không ra đối chất.
Cho đến nay họ không tôn trọng quyền dân chủ của người dân, quyền của chúng tôi bị vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt trong ngày 25 tháng tư vừa rồi họ đã đàn áp và bắt 7 người dân vô tội, trong đó có bố mẹ tôi. Riêng trường hợp mẹ tôi họ đánh ngất và cho vào bao tải, đưa lên xe cứu thương; hai tiếng sau từ xe cứu thương họ chuyển sang xe tù chở về trại giam. Hành động như thế là họ đã xâm phạm vào quyền con người, xâm phạm việc tước đoạt tư liệu sản xuất, xâm phạm quyền tự do lựa chọn việc làm, mưu cầu hạnh phúc của nhân dân chúng tôi. Theo Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc thì họ xâm phạm vào ba điều đó.”
Người giáo dân Xứ Cồn Dầu tại Đà Nẵng cũng nói về trường hợp của họ:
“Tất cả những việc làm từ trước đến giờ, từ thành phố cho đến trung ương đều có lấp lửng và vòng vèo, cho nên không biết ‘cục diện’ của bà con được giải quyết thế nào. Bà con rất ưu tư chỗ đó. Từ hồi đó đến giờ cứ nói qua, nói lại, vòng vèo: thanh tra nói về thành phố, thành phố trả lời không được.
Hiện tại thành phố vẫn ra nói thẳng với tổng thanh tra, với trung ương là họ làm đúng. Như vậy không biết vụ việc sẽ xảy đến thế nào?!”
Mức độ tin tưởng không cao!
Tương tự như trình bày của người giáo dân Xứ Cồn Dầu, nhiều vụ khiếu kiện lâu năm khác cũng tương tự như thế, tức ý kiến yêu cầu giải quyết của trung ương không hề được địa phương đếm xỉa gì đến.
Những người dân oan cho biết họ đang phải sống trong tình thế tuyệt vọng, nên phải nuôi hy vọng dù rằng cũng chẳng mấy tin tưởng vụ việc đất đai của họ được giải quyết thỏa đáng.
Theo tiến sĩ Phạm Đi để Luật Tiếp Công dân có hiệu quả thì cần phải có 3 công khai. Đó là công khai ngày tiếp dân, công khai đối tượng được tiếp và công khai kết quả sau những lần tiếp dân đó.