30 juillet 2014

Trung Quốc "bật đèn xanh" cho ngư dân chiếm ngư trường biển Đông



 
Nguồn: Theo LD
 

 
    Tàu cá 11202 của TQ giống tàu đã đâm chìm tàu cá Việt Nam, đậu ở cảng Đông Phương do Reuters chụp hôm 18.7.

Phóng viên John Ruwich (Hãng thông tấn Anh Reuters) đã đến đảo Hải Nam tìm hiểu chính sách của Chính phủ Trung Quốc (TQ) khuyến khích ngư dân của họ đi đánh cá xa bờ ở các vùng biển của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Phóng viên Reuters cũng đã nhìn thấy những chiếc tàu cá của TQ mà ông cho là giống với các tàu xuất hiện trong băng hình đâm chìm tàu cá Việt Nam. Dưới đây là lược dịch bài viết.


Chính phủ đứng sau ngư dân


Báo chí chính thức TQ cho biết, đến cuối năm 2013, TQ đã lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu trong nước sản xuất cho hơn 50.000 tàu cá. Hệ thống này giúp ngư dân TQ liên lạc trực tiếp với hải cảnh TQ nếu gặp thời tiết xấu hoặc tàu tuần tra Việt Nam, Philippines khi đi đánh cá trên biển Đông. Ở đảo Hải Nam - cửa ngõ của TQ ra Biển Đông, các thuyền trưởng tàu cá chỉ trả không quá 10% chi phí hệ thống này. Chính phủ TQ trả phần còn lại. Đây là một dấu hiệu cho thấy TQ ngày càng tăng trợ giúp cho ngư dân của mình, để họ lấn sang vùng biển Đông Nam Á tìm ngư trường mới.

Các thuyền trưởng tàu cá ở cảng Đại Môn cho biết, chính quyền Hải Nam khuyến khích ngư dân ra khơi ở các vùng biển mà các nước khác đã tuyên bố và thực thi chủ quyền. Trợ giá nhiên liệu của chính phủ sẽ giúp thực hiện các chuyến đi đó. Điều đó khiến tàu cá TQ - cả tàu tư nhân nhỏ bằng gỗ lẫn các tàu cá thương mại của các công ty đã niêm yết chứng khoán - có mặt trên tuyến đầu của một điểm “nóng” ở Châu Á.

Các giải thích về sự quyết liệt của TQ trên biển Đông thường tập trung vào ý nghĩa chiến lược của tuyến đường biển này, hoặc vào mục tiêu của TQ nhằm tăng sản lượng dầu khí. Ít người nhắc đến tầm quan trọng của hải sản trong bữa ăn của người TQ – một vài chuyên gia cho biết. Báo cáo của Tổ chức Nông - Lương thế giới năm 2014 cho biết, mức tiêu dùng cá trên đầu người ở TQ là 25,1kg năm 2010, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 18,9kg.

 
Thủy hải sản đóng vai trò thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của người Trung Quốc. Ảnh: China Whisper

 
“Sản phẩm cá rất quan trọng với lối sống TQ. Tôi cho rằng đây là yếu tố mà mọi người chưa đánh giá đúng khi xem xét các xung đột và tranh chấp trên biển Đông” - Alan Dupont, giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales của Australia - nhận xét. “Có thể thấy rõ là đội tàu cá của TQ được khuyến khích ra khơi ở các vùng biển các nước khác tuyên bố chủ quyền. Tôi cho rằng điều đó đã trở thành chính sách chứ không chỉ là vấn đề cơ hội và chính phủ khuyến khích đội tàu cá ra khơi như thế vì các lý do địa chính trị lẫn lý do kinh tế và thương mại”.

“Nắm đấm” trên biển Đông

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, TQ ngày càng hay "giơ nắm đấm" trên biển Đông. TQ đã đưa tàu sân bay duy nhất của họ ra biển Đông lần đầu tiên vào cuối năm 2013. Một số hành động của TQ đã rung hồi chuông báo động với các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông khác và bị Mỹ chỉ trích, chẳng hạn việc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam.

Vài tuần sau khi nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tới thăm Đại Môn - chuyến thăm mà báo chí TQ gọi là chuyến thăm bất ngờ. Ở đây, ông nói với ngư dân TQ rằng, chính phủ sẽ làm nhiều hơn để bảo vệ ngư dân khi đánh cá trong các vùng biển các nước khác tuyên bố chủ quyền.

Một số ngư dân nói rằng, chính quyền Hải Nam khuyến khích họ đi đánh cá ở tận Trường Sa, cách Hải Nam tới 1.100km. Thuyền trưởng tàu cá mà Reuters tiếp xúc cho biết, ông ta đã nhiều lần đến vùng biển này. Theo một ngư dân, các thuyền trưởng nhận được trợ giá xăng dầu cho mỗi chuyến đi như vậy. Mỗi động cơ 500 mã lực thì thuyền trưởng có thể nhận trợ giá từ 2.000-3.000 nhân dân tệ (320-480USD) mỗi ngày. Một thuyền trưởng khác xác nhận, chính quyền ủng hộ đánh bắt cá trên biển Đông.

Một nghiên cứu của Cơ quan Hải dương quốc gia TQ tháng 10.2012 cũng cho biết, nguồn cá ở dọc bờ biển TQ đang suy giảm. “Giờ đây tôi có thể nói rằng, việc cạnh tranh nguồn cá là nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa TQ và các nước trong khu vực” - Zhang Hongzhou, nghiên cứu sinh Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) - nói.

Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty thủy - hải sản Sơn Đông - với doanh số hằng năm 150 triệu USD - đã tuyên bố hạ thủy 8 tàu đánh cá mới, mỗi tàu dài 55m, ở thành phố cảng Đông Phương trên đảo Hải Nam. Công ty này nói hành động này là đáp ứng “lời kêu gọi của chính phủ về phát triển biển Đông và bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Công ty sẽ nhận được 2 triệu nhân dân tệ (322.500USD) tiền “nâng cấp” cho mỗi chiếc tàu.

Website của thành phố Đông Phương liệt kê 2 tàu 11209 và 11202 cùng 6 tàu khác chính là 8 tàu mới của Công ty Sơn Đông. Còn ở cảng Đông Phương, phóng viên Reuters đã nhìn thấy một số tàu cá Sơn Đông thả neo, trong đó có cả 2 tàu 11209 và 11202. Cả 2 tàu này giống chiếc tàu TQ tấn công xuất hiện trong video mà ngư dân Việt Nam ghi lại được. Một số nhân viên của Sơn Đông đã bao vây phóng viên Reuters và chất vấn tại sao anh ta lại hỏi về 2 chiếc tàu cá này, rồi họ dẫn anh ta đến cảnh sát và anh ta bị giữ ở đồn mất một lúc.