Theo Đất Việt
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh/ Đất Việt
Ảnh bên:Rất nhiều sản phẩm đang được độc quyền mà hầu hết người dân không biết
và không hiểu mình đã bỏ tiền ra trước đó thông qua thuế để”mua” các sản
phẩm dịch vụ này
Điện, nước, xăng, dầu là những mặt hàng thiết yếu nên dường như giá cả thế nào người sử dụng cũng phải chịu.
Độc quyền - đôi đũa thần
Theo
định nghĩa trong Wikipedia, kinh tế thị trường là nền kinh tế mà trong
đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá
trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Đối
với nền kinh tế Việt Nam nhiều ngành không hoạt động dựa trên nguyên
tắc này. Một số ngành như điện, xăng dầu, hàng không... của Việt Nam
dường như không hoạt động theo nguyên tắc này nhưng lại luôn muốn đòi
xác định giá bán cho người tiêu dùng (người dân và doanh nghiệp) theo
giá thị trường.
Điện, nước, xăng, dầu là những mặt
hàng thiết yếu nên dường như giá cả thế nào người sử dụng cũng phải
chịu. Các doanh nghiệp kiểu này luôn kêu lỗ trong khi không hề minh bạch
về hạch toán một cách tường minh cho người sử dụng và lương của những
ông/bà giám đốc thường là lương khủng so với mặt bằng chung của xã hội,
không ai phàn nàn gì nếu những người này quản lý tốt, minh bạch và cung
cấp cho thị trường những sản phẩm có giá trị.
Cách
làm kinh tế kiểu lương cao cứ nhận, lỗ đã có dân chịu thì ai làm cũng
được. Những doanh nghiệp kiểu này không cần xác định quan hệ giữa cung
và cầu, không cần mối quan hệ giữa giá trị và giá cả; dù sản phẩm của họ
có tốt hay không người sử dụng vẫn phải mua nếu không muốn “chết”.
Những
doanh nghiệp kiểu này độc quyền cả về mua và bán, việc chuyển giá khai
gian giá của sản phẩm đầu vào thường xảy ra trong các doanh nghiệp kiểu
này, từ đó dẫn đến hạch toán lỗ, chất lượng sản phẩm của những doanh
nghiệp độc quyền ra sao người dân và doanh nghiệp đều phải chịu. Việc
độc quyền này không chỉ xẩy ra với các ngành như điện, xăng dầu... mà ai
cũng có thể thấy mà còn rất nhiều các hoạt động độc quyền khác.
Theo
Hệ thống tài khoản Quốc gia (SNA) của LHQ mà Việt Nam đã áp dụng từ năm
1993 với quyết định số 183/TTg của Thủ tướng Chính phủ, phạm trù sản
xuất bao gồm cả các hoạt động quản lý Nhà nước, theo định nghĩa này thì
các sản phẩm dịch vụ của hoạt động quản lý Nhà nước cũng mang tính độc
quyền, thậm chí là cửa quyền.
Hoạt động của các cơ
quan này do tiền thuế của người dân (thuế trực thu và gián thu) và
nghĩa vụ của các cơ quan này là cung cấp những dịch vụ tương xứng với
tiền của dân bỏ ra “mua” sản phẩm của họ; quan hệ này thực chất đã trở
thành quan hệ giữa “xin” và “cho”’ hầu hết người dân không biết và không
hiểu mình đã bỏ tiền ra trước đó thông qua thuế để”mua” các sản phẩm
dịch vụ này.
Doanh nghiệp kêu lỗ - tiền đâu ông chủ sống như đế vương?
Một
nền kinh tế sẽ khó phát triển vô cùng khi vẫn tồn tại các hoạt động độc
quyền, giá cả không được xác định dựa trên mối quan hệ cung cầu và giá
trị sản phẩm.
Tính toán tỷ suất lợi nhuận trên
vốn của các loại hình doanh nghiệp trong những năm gần đây cho thấy tỷ
suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước
thấp nhất và có xu hướng ngày càng thấp.
Điều này
lý giải tại sao trong 2 năm gần đây khi tỷ lệ để dành/GDP và đầu tư/GDP
tương đương nhau nhưng nền kinh tế vẫn rất khan hiếm vốn? Và tại sao
các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nếu không là sân sau của các doanh
nghiệp Quốc doanh chết hàng loạt trong mấy năm gần đây?
Với
tỷ suất lợi nhuận như vậy không một doanh nghiệp ngoài Nhà nước nào làm
ăn ngay ngắn chịu được mức lãi suất trên 20% những năm trước đây và
khoảng 10% trong hiện tại.
Như vậy khi lượng kiều
hối và lượng tiền trong dân thực chất chỉ là “tiền tệ” không thành vốn
để đi vào sản xuất do các doanh nghiệp ngoài Nhà nước không có động cơ
đầu tư. Họ đầu tư mở rộng sản xuất để làm gì khi lãi suất huy động 7-8%
và lãi suất phải trả ngân hàng trên 10% trong khi tỷ suất lợi nhuân trên
vốn của họ chỉ là 1-2%?
Tỷ suất lợi nhuận sụt
giảm chính là do các loại chính sách đều mang tính “giật cục” đặc biệt
chính sách tiền tệ và chi phí vận chuyển tăng cao do giá bán năng lượng
của các doanh nghiệp độc quyền liên tục tăng do các doanh nghiệp độc
quyền về năng lượng luôn luôn kêu lỗ trong khi những ông/bà giám đốc của
những doanh nghiệp loại này có cuộc xa hoa như đế vương.
Như
vậy, người dân và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngoài việc đóng thuế
để nuôi các ông “vua” không ngai lại còn phải chịu mua những sản phẩm
độc quyền với giá cao và giá trị sản phẩm thế nào cũng phải chịu. Người
dân và doanh nghiệp tư nhân phải oằn lưng gánh chịu hậu quả của doanh
nghiệp độc quyền do quản lý kém cỏi, dốt nát và tham nhũng mang lại.