19 juillet 2014

Hải Dương 981: Hãy đi và đừng quay lại!

Theo RFA

Nam Nguyên, phóng viên RFA

namnguyen07182014.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
hd-981-305.jpg
Giàn khoan HD của Trung Quốc và các tàu bảo vệ trong vùng biển Việt Nam, ảnh chụp tháng 7 năm 2014.
AFP



Sự kiện Trung Quốc loan báo rút giàn khoan Hải Dương 981 sớm một tháng khỏi vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, cho dù vì bất cứ lý do nào thì cũng làm giảm bớt căng thẳng do chính Trung Quốc gây ra trên biển Đông. Tuy vậy đã có một sự trùng hợp nhiều ý nghĩa, trận bão Rammasun Thần Sấm dự báo đi qua vùng biển Hoàng Sa và việc ngày 10/7/ 2014 Thương Viện Hoa Kỳ ra Nghị quyết 412 về Biển Đông, trong đó có việc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Biển Đông khôi phục nguyên trạng.



Áp lực quốc tế?

Sau khi Tân Hoa Xã đưa tin về việc giàn khoan Hải Dương được rút về vì đã hoàn thành khoan thăm dò và đã tìm thấy dầu khí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những phản ứng nhanh chóng, chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại, hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam, hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển Việt Nam.
TS Phạm Chí Dũng, thành viên sáng lập Hội Nhà Báo Độc Lập từ Sài Gòn nhận định:
Trung Quốc để đổi lấy quan hệ thương mại 600 tỷ đô la hàng năm với người Mỹ, họ không dám mạo hiểm leo thang gây thêm xung đột ở Biển Đông nữa.
-TS Phạm Chí Dũng
“Lý do chính ở đây, theo tôi  đó là áp lực từ cộng đồng quốc tế. Tại sao áp lực về cộng đồng quốc tế trong thời điểm này lớn đến thế đối với Trung Quốc, trong khi tôi cho là Việt Nam không còn nằm ở giao diện chính trên bản đồ chính trị của thế giới. Tại vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của Hoa Kỳ và của người Úc. Chính vì vậy mới có chuyện thượng viện Hoa Kỳ thông qua một Nghị quyết về Biển Đông và đặt quyền lợi Hoa Kỳ lên cao nhất. Vì nếu như Trung Quốc có thể gây hấn với Việt Nam thì Trung Quốc cũng có thể gây hấn với hàng loạt Quốc gia trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á như Philippines; sau đó có thể là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn nữa đường lưỡi bò của Trung Quốc có thể lè lưỡi liếm luôn cả nước Úc. Chính vì vậy người Mỹ cần phải lên tiếng và có lẽ là sự lên tiếng bức thiết không thể chậm trễ hơn. Trung Quốc để đổi lấy quan hệ thương mại 600 tỷ đô la hàng năm với người Mỹ, họ không dám mạo hiểm leo thang gây thêm xung đột ở Biển Đông nữa.”
Theo TS Phạm Chí Dũng, cách thức tuyên bố của những người trong Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Việt Nam là không phù hợp thực tế và  bao biện không cần thiết khi cho đó là một thắng lợi ngoại giao, thắng lợi vì đường lối chính sách của Việt Nam.

vietnam-ships-2-may-2014-305.jpg
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (phải) sử dụng súng nước tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 03 tháng 5 năm 2014.

Một thời gian báo chí do nhà nước Việt Nam quản lý, đưa nhiều tin bài về khả năng Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Công ước Luật Biển 1982. Tuy vậy đã không có thông tin về việc Việt Nam đang chuẩn bị vụ kiện như thế nào, thu thập tài liệu chứng cớ ra sao. Các chuyên gia nhận định rằng trong vụ giàn khoan Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp song phương và không muốn Việt Nam quôc tế hóa. Việc Trung Quốc rút giàn khoan một tháng sớm hơn dự định có thể khiến Việt Nam giảm quyết tâm về vấn đề khởi kiện. TS Phạm Chí Dũng nhận định:
“Tôi e rằng đó cũng là một cái cớ để Việt Nam không kiện Trung Quốc, cũng giống như cái cớ tránh bão Rammasun để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam. Hai bên đều có những nguyên cớ cả, thậm chí trong chừng mực nào đó những nguyên cớ được coi là sắp đặt và tôi cũng không hoài nghi là Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc. Tại vì thực sự nhà nước Việt Nam chưa bao giờ quyết tâm kiện Trung Quốc ra tòa và tôi cũng không dám chắc là bộ hồ sơ kiện Trung Quốc như là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được hoàn chỉnh tới đâu. Tôi còn sợ rằng bộ hồ sơ đó gần như chưa được hoàn chỉnh gì cả. Đó là một vấn đề thuộc về thể diện, sĩ diện và kể cả liêm sỉ của nhà nước Việt Nam.”

Thử thách nhiều hơn

Theo lời TS Phạm Chí Dũng, nhiều cựu tướng lĩnh, trí thức đã bày tỏ sự lo ngại về tương lai sắp tới giai đoạn hậu giàn khoan Hải Dương 981. Trình bày quan điểm cá nhân, TS Phạm Chí Dũng phát biểu:
“Tôi cũng nghĩ thời gian sắp tới sẽ là thời gian thử thách nhiều hơn. Tuy nó sẽ không diễn ra liên tục, sẽ có những giai đoạn lắng lại chẳng hạn như bây giờ tháng 7 chu kỳ lắng lại có thể từ 3 đến 4 tháng. Nếu tái hiện năm 2011, năm đó Trung Quốc gây hấn Việt Nam nổi cộm ở hai thời điểm tháng 6, tháng 7 và sau đó tới mốc thứ hai tháng 11 và kéo tới tháng 12 năm 2011. Năm nay cũng có thể lập lại chu kỳ như vậy, tháng 5 tháng 6 họ gây hấn và đến cuối năm lại có một đợt gây hấn mới.
TQ có thể thay chiến thuật giàn khoan bằng chiến thuật bắt ngư dân VN, bằng cớ nào đó đưa tàu cá tàu kiểm ngư, tàu hỗ trợ quân sự của họ vào vùng biển VN và bắt ngư dân đưa về TQ.
-TS Phạm Chí Dũng
Tuy nhiên chúng ta cũng cần hết sức thận trọng tại vì vừa rồi đã diễn ra những chuyện ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt giữ cực kỳ vô lý vô cớ đưa về Trung Quốc. Như vậy Trung Quốc có thể thay chiến thuật giàn khoan bằng chiến thuật bắt ngư dân Việt Nam, bằng cớ nào đó đưa tàu cá tàu kiểm ngư, tàu hỗ trợ quân sự của họ vào vùng biển Việt Nam và bắt ngư dân đưa về Trung Quốc. Lúc đó sẽ luôn luôn đẩy nhà nước Việt Nam vào tình thế căng thẳng và tạo ra sự rối loạn hỗn loạn nhất định đối với xã hội Việt Nam.”
TS Phạm Chí Dũng cảnh báo điều ông gọi là chiến thuật bắt người mà Trung Quốc có thể sử dụng ở Biển Đông. Và hơn thế nữa sử dụng ngay trên bộ ở các vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam. Nơi người dân Việt Nam vẫn qua lại biên giới để buôn bán, những người buôn bán tiểu ngạch và “cửu vạn” tức phu tải hàng cần hết sức thận trọng vì bộ đội biên phòng Việt Nam chắc không đủ lực lượng để bảo vệ tất cả mọi người.
Tối 16/7/2014 ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố rút giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam, Trả lời Kính Hòa Đài ACTD, TS Nguyễn Thanh Giang chuyên gia ngành địa vật lý ở Hà Nội phân tích 2 nguyên nhân Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn thời hạn dự kiến, thứ nhất để tránh bão, thứ hai Trung Quốc tuyên bố đã khoan trúng dầu và để tiến hành khoan thêm đến mức có thể khai thác được thì sẽ phải triển khai một kế hoạch khác nữa. TS Nguyễn Thanh Giang tiếp lời:
“Bây giờ họ hù rút tức là đã làm xong việc chuẩn bị cho ăn cướp ăn cắp và xâm lấn của họ rồi thì họ rút. Chứ không phải do chúng ta đưa mấy cái tàu, cái thuyền ra, rồi nói vài ba câu hô hoán mà họ rút, tôi nghĩ là không phải. Họ rút nhưng họ sẽ quay lại ở vịnh Bắc Bộ ở Hoàng Sa, Trường Sa cho nên muốn ngăn cấm họ không quay lại và ngăn cấm cái dã tâm xâm lược của họ thì phải đấu tranh quyết liệt hơn nữa và không chỉ bằng nội lực của mình, mà phải làm sao để mà tranh thủ được ngoại lực của quốc tế cộng vào nội lực Việt Nam để uy hiếp họ răn đe họ, thì mới ngăn cấm được âm mưu Đại Hán và âm mưu xâm lược của họ. Cụ thể tôi nghĩ phải nhanh chóng thiết lập được liên minh toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản trong đó có liên minh quân sự thì mới mong ngăn cấm được họ không trở lại.”
Theo dõi tin tức báo chí, nhà nước Việt Nam luôn khẳng định không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Trong số các quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam thì Trung Quốc được xếp hàng đầu và luôn luôn muốn Việt Nam phải nằm trong vòng ảnh hưởng, nếu không nói là chịu lệ thuộc. Phải chăng số phận đất nước Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện đã được an bài. Nhận định về vấn đề này, TS Phạm Chí Dũng phát biểu:
“Tôi sợ rằng trong những năm tới số phận sẽ an bài, vì sẽ không có một sự thay đổi lớn nào trong chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục và vẫn hy vọng vào chính sách đu dây của họ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. mặc dù thực chất từ tháng 5 vừa qua chính sách đu dây đó đã tan vỡ như bong bong xà phòng.
Tôi không hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ có một động thái khá đủ kiên quyết đối với Trung Quốc và càng không hy vọng rằng nhà nước Việt Nam có đủ quyết tâm để có được một mối quan hệ bền vững với Hoa Kỳ. Chính vì thế họ sẽ đưa họ vào một sợi dây thòng lọng và một bãi lầy, lúc đó mọi chuyện sẽ là chết dở không chỉ đối với chế độ cầm quyền mà còn cả đối với dân tôc Việt Nam.”
Tuy vậy TS Phạm Chí Dũng vẫn nhem nhóm hy vọng tình hình chính trị ở Việt Nam sẽ thay đổi trong tương lai. Một sự thay đổi đủ lớn, ông nhấn mạnh, để có thể đem lại hy vọng cho người dân rằng, những người cầm quyền sau này có đầu óc cải cách tiến bộ hơn, có tinh thần dân tộc hơn và cũng có chính sách đối ngoại phù hợp hơn trong đó biết phân biệt đâu là thù và đâu là bạn.