Luật sư Ngô Ngọc Trai/BBC
Ảnh bên:Ông Nguyễn Thanh Chấn đã phải chịu oan ức trong nhiều năm
Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông này đã
phải khai nhận một tội mà mình không hề phạm. Vậy ông Chấn có phải đã
bị bức cung nhục hình hay không, và có câu hỏi là lấy đâu ra chứng cứ
chứng minh hành vi bức cung nhục hình?
Quy định của luật
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có thể
hình dung số lượng các vụ án có tình trạng bức cung nhục hình ở Việt
Nam là vô cùng lớn. Số trường hợp bị nhục hình thì không dám chắc nhưng
nạn bức cung có khả năng xảy ra ở 100% các vụ án.
Vấn nạn bức cung phổ biến lớn rộng như thế không phải do một vài sai
phạm nghiệp vụ mà nó có nguyên nhân từ chính sự cho phép của luật. Điều
này có vẻ vô lý, luật nào cho phép được bức cung? Nhưng sự thực đúng là
như thế.
Bộ Luật Tố tụng Hình sự đã quy định nghiêm cấm
mọi hình thức truy bức nhục hình, tức là chỉ chấp nhận những lời khai tự
nguyện. Nếu bị cáo không tự nguyện khai báo thì thôi, không được sử
dụng bất kỳ thủ pháp nghiệp vụ nào buộc người ta phải khai, vì luật cấm
mọi hình thức truy bức.
Nhưng Bộ Luật Hình sự lại có điều luật xử phạt
tù đối với hành vi từ chối khai báo, theo đó Điều 308 quy định về tội từ
chối khai báo đã viết rằng: "Người nào từ chối khai báo hoặc trốn tránh
việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể bị phạt tù từ ba
tháng đến một năm".
Lý do chính đáng ở đây là gì? Để tự bảo vệ tính
mệnh và tự do của mình có phải là một lý do chính đáng không? Trường hợp
nào mà bị cáo chẳng có lý do chính đáng là tự bảo vệ mình? Như thế thì
trường hợp nào bị cáo cũng phải có quyền từ chối khai báo chứ?
Tại sao bị cáo lại phải nói ra những điều mà nó
chính là chứng cứ để người ta kết tội lại mình? Có ai là người tự nguyện
trong việc này?
Dọa nạt bỏ tù người ta nếu không chịu tự nguyện khai báo, đó chẳng phải là một hình thức bức cung thì là gì?
Như thế, chính quy định của luật đã tạo ra tình
trạng bức cung nhục hình. Quy định như thế đã tạo cho điều tra viên tính
hợp pháp về mặt luật pháp để bức cung, và giải thoát cho họ mặc cảm tội
lỗi về mặt đạo đức nếu có. Và đó là lý do vì sao vấn nạn bức cung phổ
biến ở hầu như 100% các vụ án.
Vấn đề của năng lực
Quy định của luật lệch lạc như thế không phải nhà làm luật không biết, mà họ có lý do để duy trì điểm mâu thuẫn vô lý đó.
Sự vô lý của luật thực ra là hệ quả phản ánh
thực tế năng lực thực thi pháp luật của hệ thống tư pháp Việt Nam. Về
mặt nghiệp vụ nếu không buộc được bị can khai báo thì điều tra viên
không có đủ khả năng để xét đoán sự việc và điều tra nghi phạm.
Hoạt động điều tra là lần theo manh mối dấu vết
tội phạm, mà muốn làm được điều này thì phải có khả năng xét đoán, ngoài
ra cần có trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác điều
tra.
Nhưng ở Việt Nam thì cả hai vấn đề này đều
thiếu, điều tra viên thì kém năng lực, thế mạnh chủ yếu dựa vào việc áp
chế người khác, thể hiện qua việc bắt bớ giam cầm, bức cung nhục hình
buộc phải khai nhận. Về mặt trang thiết bị máy móc thì có lẽ cũng còn
thiếu sự đầu tư nhất định.
Vì tình hình thực tế như vậy cho nên khi soạn
luật người ta đã lần lựa đưa vào hay bỏ ra các quy định như thế nào để
phù hợp với năng lực thực tế của cơ quan điều tra.
Tức là nhà làm luật đã không được tự do thoải mái đứng hẳn về phía các chế định pháp lý văn minh tiến bộ.
Hệ quả là có những quy định luật mang tính nửa vời, vừa tỏ ra tiến bộ, nhưng xét kỹ lại là lổng hổng.
Tại sao luật không quy định bị cáo được quyền
giữ im lặng và chỉ đồng ý khai báo khi có sự tham gia của luật sư bào
chữa, như vậy sẽ đảm bảo tiệt nọc tình trạng bức cung nhục hình? Mà lại
chỉ quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, trong khi cả
hai lối quy định cũng chỉ nhằm một mục đích là đảm bảo những lời khai
phải là tự nguyện?
Hệ thống tư pháp Việt Nam có nhiều lỗ hổng có thể bị lợi dụng? |
Đây là một chế định pháp lý văn minh tiến bộ để bảo vệ các quyền tự
do dân chủ của công dân, không thể không đưa vào luật. Nhưng các nhà làm
luật đã sử dụng xảo thuật để vừa tỏ ra tôn trọng chân giá trị vừa tìm
cách đáp ứng đòi hỏi thực tế của hoạt động điều tra trong khi giải thoát
cho mình khỏi mặc cảm tội lỗi ở khâu làm luật.
Các nhà soạn luật hẳn đã tự biện minh rằng,
chúng tôi đã quy định nghiêm cấm mọi hình thức bức cung nhục hình rồi,
còn thực hiện như thế nào là do thực tế và đó là trách nhiệm của cơ quan
điều tra.
Họ đã bỏ qua tình hình thực tế về điều kiện giam
giữ người và quy trình làm việc không bị giám sát của cơ quan điều tra.
Thực tế như vậy cộng hưởng với quy định lập lờ nửa vời của luật đã dẫn
đến vấn nạn bức cung nhục hình phổ biến rộng khắp.
Cho nên vấn nạn bức cung nhục hình phải giải quyết ở khâu soạn luật chứ không chỉ giải quyết ở khâu thực thi pháp luật.
Các nhà soạn luật cũng tìm cách để xoa dịu hậu
quả của tình trạng bức cung nhục hình bằng cách đưa vào chế định rằng
nếu thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải sẽ được đánh giá là tình tiết
giảm nhẹ để giảm mức án cho bị cáo.
Việc này cũng giúp lấp liếm đi tình trạng bức
cung của cơ quan điều tra. Có những vụ án bị cáo ban đầu chối bay chối
biến, sau khi bị bức cung nhục hình thì đã khai nhận hành vi phạm tội,
đến khi xét xử lại được đánh giá là thành khẩn khai báo và được giảm án.
Biết bao nhiêu vụ án đã như vậy, nhưng chẳng mấy ai thắc mắc là vì đâu bị cáo thay đổi lời khai từ chối tội sang nhận tội.
Vấn đề niềm tin
Vấn nạn bức cung nhục hình không chỉ phản ánh
năng lực trình độ của cán bộ điều tra mà nó còn phản ánh nhận thức lệch
lạc của những người giải quyết án, bao gồm cả kiểm sát viên, thẩm phán,
luật sư.
Ở Việt Nam lâu nay người ta đặt rất nặng vấn đề
chứng cứ và yêu cầu việc xử án phải theo chứng cứ. Nhận thức này xem qua
thì cho đó là lối làm việc khách quan khoa học đảm bảo tính chắc chắn
và thực ra thì việc đòi hỏi phải có chứng cứ là tốt và đương nhiên.
Nhưng nó sẽ là sai lầm nếu coi chứng cứ là vấn đề duy nhất khi giải quyết một vụ án.
Trong vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, khi
nêu ra vấn đề cần xử lý các điều tra viên về tội bức cung nhục hình thì
có ý kiến thắc mắc là lấy đâu ra chứng cứ chứng minh việc bức cung nhục
hình?
Đây thực ra là một nhận thức sai lệch nghiêm
trọng của không chỉ người dân mà cả các chuyên gia về luật, mà từ đó góp
phần tạo nên vấn nạn bức cung nhục hình.
Chúng ta biết rằng chứng cứ nhằm để chứng minh,
chứng minh nhằm để thuyết phục, vậy nếu sự việc đã đủ sức thuyết phục
rồi, sự thật đã hiển nhiên rồi thì không cần phải chứng minh nữa và
không cần chứng cứ.
Ông Chấn nếu không bị bức cung nhục hình thì tại
sao lại nhận một tội mà mình không hề phạm? Mà cái tội đó nào có nhẹ
nhàng gì, nếu bố ông Chấn không phải là liệt sĩ nên ông Chấn được giảm
án thì có lẽ ông đã bị tử hình rồi.
Việc ông Chấn bị bức cung nhục hình là điều không còn có thể tranh cãi nữa.
Mặc dù không hề có chứng cứ nhưng chúng ta có thể xác quyết bằng niềm tin.
Niềm tin nội tâm
Trong lĩnh vực tư pháp có một khái niệm là “niềm
tin nội tâm”. Niềm tin này là cơ sở xét đoán của mọi người tham gia vào
hoạt động xét xử. Cả điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư
đều phải dựa vào niềm tin nội tâm để xét đoán sự việc.
Bởi vì tất cả những người này dù thế nào đi nữa
thì họ cũng không phải là bị cáo, họ không thể chắc chắn bị cáo có phải
là hung thủ hay không. Cho nên khi quy kết buộc tội hay bào chữa gỡ tội
chỉ có thể dựa vào niềm tin nội tâm.
Niềm tin nội tâm được tạo thành từ những hiểu
biết về vụ án thông qua các tài liệu chứng cứ, qua nghiên cứu hiện
trường, hồ sơ vụ án, thông tin về nhân thân bị cáo …
Ở Việt Nam lâu nay, khi xét xử người ta ít sử
dụng đến niềm tin nội tâm, và khái niệm niềm tin nội tâm chỉ nằm gọn hạn
hẹp trong các nghiên cứu về học thuật. Lý do có lẽ vì niềm tin là thành
tố có tính tôn giáo trong khi chính thể hiện tại là vô thần.
Thay vì xét xử dựa vào niềm tin nội tâm trong đó
chứng cứ chỉ là một thành tố tạo thành (ngoài chứng cứ còn cần trình độ
kinh nghiệm để tạo nên niềm tin xét đoán), việc xét xử hiện nay đặt
nặng vào chứng cứ, chứng cứ thế nào không quan trọng, miễn là phải có
chứng cứ.
Nếu giải quyết án cứ phải có chứng cứ rõ ràng
thì chỉ cần một người phán quyết là đủ, cần gì phải hội đồng nhiều
người, và cũng chỉ cần một lần xét xử là được cần gì phải qua hai cấp?
Cái lối xét xử đặt nặng chứng cứ mà không dựa
vào niềm tin nội tâm sẽ không lý giải được là dựa vào đâu mà người ta có
thể tuyên án trong khi vụ án có cả chứng cứ kết tội và chứng cứ gỡ tội.
Vì nhận thức như thế nên trong lối làm việc
người ta phải tìm ra bằng được chứng cứ. Luật cũng phụ họa cho việc này
khi bỏ qua đòi hỏi về tính khách quan đã quy định lời khai của bị can
cũng là chứng cứ.
Và khi gặp khó khăn trong các lối điều tra khác thì dễ dàng nhất là tiến hành bắt giam bức cung buộc bị can phải khai báo.
Đó là lý do vì sao tình trạng bức cung nhục hình tràn lan như hiện nay.