Theo RFA nguyenhuuvinh's blog
Trước ngày Trung Cộng đưa giàn khoan khổng lồ vào thềm lục địa Việt Nam như vào chỗ không người, nhà cầm quyền CSVN đã kịp thời bắt giam một Blogger nổi tiếng: Ông Nguyễn Hữu Vinh (tức là Anh Ba Sàm) – Người đã từng đặt lên hàng đầu các hoạt động của mình những tâm huyết về việc bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc, quyết không khoan nhượng với bọn cướp nước và bán nước.
Cũng như nhiều người đã bị bắt vì điều luật 258 quái gở mà nhân loại đang lên án, ông Nguyễn Hữu Vinh – Ba Sàm - và cộng sự của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị khởi tố vì “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Người ta tự hỏi: Ở Việt Nam đã có quyền tự do dân chủ rồi sao? Làm sao có thể lợi dụng một cái mà người ta chưa thấy? Chứng minh ư? Chỉ riêng điều luật quái gở này đã là minh chứng hùng hồn rằng cái gọi là “Quyền tự do, dân chủ” chưa hề tồn tại.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và J.B Nguyễn Hữu Vinh tại lễ cầu siêu cho ông Lê Hiếu Đằng
Thật khôi hài trong những vụ án kiểu này. Ở những vụ án đó, người dân biết vì sao nạn nhân bị bắt, lý do gì để chịu án, chịu tù đày, còn tội ư? Đơn giản thôi, những điều luật vô hình, vô tượng, chung chung và trừu tượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự suy diễn của nhà cầm quyền thì khi nào cũng có thể vận dụng để đưa công dân vào tù.
Cho đến nay, việc bắt giữ đã kéo dài 4 tháng, nhưng vụ án như rơi vào một ngõ cụt, những thông tin về nạn nhân cứ như hũ nút, cứ ngỡ như là nếu hở ra, thì có thể quả đất nổ tung. Tự do ngôn luận đã bị bóp nghẹt mặc do những lời kêu la, những điều vô lý cứ ngang nhiên tồn tại và những kiến nghị, phản đối của xã hội, của thế giới, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cứ như bị điếc. Việc bắt cứ bắt, việc giam cứ giam không cần biết công luận, chẳng cần biết lòng dân – Một cách hành xử điển hình trong mọi chế độ độc tài.
Trước tình hình đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam với chức năng ngôn sứ của mình, đã cất nhiều tiếng nói, nhiều hành động để lên tiếng cho những quyền cơ bản của con người. Nhưng dường như tất cả đều bị hội chứng “cùn, điếc” bỏ qua.
Tối nay, tại nhà thờ Giáo xứ Thái Hà, giáo xứ đã tổ chức Thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho Quyền tự do ngôn luận đang bị chà đạp và đặc biệt là cầu nguyện cho ông Nguyễn Hữu Vinh ( Anh Ba Sàm)bvà bà Nguyễn Thị Minh Thúy là nạn nhân mới nhất dám cất lên tiếng nói của mình.
Thánh lễ trang nghiêm được cử hành vào hồi 20h với khoảng 4000 giáo dân Thái Hà và nhiều nơi quy tụ về tham dự. Tham dự Thánh lễ còn có nhiều nhân sĩ, trí thức, anh chị em dấn thân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và đặc biệt là những người yêu mến Sự thật – Công lý không phân biệt tôn giáo hay thành phần.
Cử hành Thánh lễ và trong bài giảng của mình, linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã nêu bật những nguyên lý, giáo lý của Giáo hội qua các thời kỳ luôn bảo vệ những quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Linh mục cũng nêu rõ trách nhiệm của mọi giáo dân là phải cất lên tiếng nói của mình, ủng hộ những người có tiếng nói cho mọi người, để ánh sáng sự thật được soi tỏ.
Sau thánh lễ, một cuộc thắp nến thật sốt mến và cảm động đã được tiến hành, hàng ngàn ngọn nến đã được thắp sáng theo lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, xin cho những quyền cơ bản của con người được thực thi, cầu nguyện cho những nạn nhân trong chốn tù đày được thấy ánh sáng công lý. Buổi cầu nguyện cũng cầu cho nhà cầm quyền Hà Nội biết tôn trọng những quyền con người của công dân, biết lắng nghe tiếng nói của người dân khi lãnh đạo đất nước.
Trong Thánh lễ và trong buổi thắp nến, giáo dân cũng đã dâng lời cầu nguyện cho các Thương Binh, Liệt sĩ không kể từ chế độ nào, những người đã hi sinh thân mình và xương máu cho quyền độc lập, tự do của Tổ Quốc và quyền được sống của con người Việt Nam.
Thân nhân của Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là bà Lê Thị Minh Hà đã nói lên sự xúc động của mình về sự quan tâm của cộng đồng Dân Chúa nói chung và các đấng bậc trong Giáo hội cũng như các nhân sĩ, trí thức đối với chồng bà, người đã dấn thân cho tiếng nói của sự thật được thực hiện.
Hà Nội, Ngày 27/7/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Phụ lục I: Một số hình ảnh Thánh lễ cầu nguyện:
Phụ lục II: Bài Giảng của Linnh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong trong Thánh lễ:
Bài giảng thánh lễ Cầu cho Công lý và Hòa bình
(27/7/2014)
Hôm nay, theo thông lệ, chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Chủ đề của buổi cầu nguyện hôm nay là cầu nguyện cho nhà cầm quyền Hà Nội tôn trọng các quyền mà Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, đã ban cho con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận; cách riêng chúng ta cầu nguyện cho Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự của ông, những nạn nhân mới nhất của nhà cầm quyền Hà Nội. Ông bị bắt một cách oan ức vì đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ các quyền con người, cách riêng lên tiếng bảo vệ biển dảo quê hương trước nguy cơ bị xâm lược bởi người láng giềng xấu tính Bắc kinh.
Thật là trùng hợp, khi ngày chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cho tự do ngôn luận đang tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng tại Việt Nam, chúng ta được phụng vụ kể lại cho nghe câu chuyện về Vua Salomon.
Trình thuật chúng ta nghe đọc hôm nay, trích trong chương 3 sách Các Vua quyển I. Sau khi kế vị Vua cha là Đa-vít, sau khi bình yên các phe phái chống đối, Salomon – lúc đó ông khoảng 20 tuổi, đã tới Gíp-ôn để dâng lễ tế Thiên Chúa. Đêm hôm đó, ông được Chúa hiện ra trong mộng và hứa sẽ ban cho ông điều ông xin. Thật lạ lùng, trong tư thế một vị Vua còn non nớt, trẻ trung, thiếu kinh nghiệm, Salomon đã không xin cho mình “được sống lâu, hay giầu sang, cũng không xin thắng được kẻ thù”, nhưng ông đã xin cho mình một “tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân và một tâm hồn biết phân biệt phải trái”. Chính vì lời xin này mà Đức Chúa đã khen ông rằng “trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng và sau ngươi cũng không có ai bì kịp” và Thiên Chúa đã ban cho ông cả những điều ông không xin.
Chúng ta biết, trong lịch sử dân Do Thái, không có triều đại nào cường thịnh như triều đại của Vua Salomon, đến nỗi, Nữ hoàng Sa-ba đã phải đến học hỏi sự khôn ngoan của ông. Nhiều công trình kiến trúc văn hóa còn được lưu truyền sử sách tới tận bây giờ.
Chúng ta tự hỏi, điều gì đã làm nên một Salomon, làm nên một đế chế, một triều đại Salomon hùng mạnh? Kinh thánh cho chúng ta câu trả lời “vì Salomon đã không xin giầu sang, xin binh hùng tướng mạnh, nhưng ông đã xin cho mình biết lắng nghe Chúa, lắng nghe dân để cai trị dân và biết phân biệt đúng sai để thi hành”
Thật là đẹp! Thật khôn ngoan! Chúng ta biết, trong Thánh kinh, linh đạo lắng nghe là một linh đạo vừa cũ vừa luôn mới mẻ. Con người phải biết nghe theo Thượng đế, nghe tiếng nói của Người trong tạo thành, trong các trật tự của tự nhiên, đặc biệt là nghe theo tiếng lòng của dân chúng. Người lãnh đạo phải biết nghe dân và yêu dân, nhờ đó họ mới trở thành người lãnh đạo tốt.
Có thể nói, theo cái nhìn của Kinh thánh, đối với một người lãnh đạo nói chung, dù là lãnh đạo một gia đình, lãnh đạo một nghiệp đoàn, lãnh đạo một nhóm hay rộng hơn là lãnh đạo một đất nước, điều căn bản và quan trọng làm nên sự thành công đó chính là người ta phải biết lắng nghe và biết phân biệt phải trái, đúng sai: lắng nghe trời, người, lắng tiếng gọi của giang sơn, gấm vóc, tiếng gọi của quê hương, hay tiếng than van của dân chúng, để đọc ra những dấu chỉ thời đại, nhờ đó mà có những cách hành động thích hợp để xây dựng một gia đình, một tổ chức, một thể chế vững mạnh.
Tuy nhiên, chúng ta biết, để có thể lắng nghe điều quan trọng phải biết tôn trọng người khác. Nói cách khác, việc lắng nghe đòi người lãnh đạo phải tôn trọng các quyền cơ bản của người dân trong đó có quyền tự do ngôn luận. Có thể nói, một quốc gia hùng mạnh, phát triển là một quốc gia trong đó các quyền của con người được bảo đảm và người dân được tự do bày tỏ những quyền cơ bản ấy trong trật tự công ích và trong những bó buộc của luật tự nhiên.
Đối với Giáo hội Công giáo chúng ta, bảo vệ các quyền con người là một bổn phận và trách nhiệm quan trọng, đến độ:
“Những hành động cố ý vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc phổ quát của nhân quyền, cũng như các lệnh truyền thi hành các hành động ấy, đều là tội ác. Chấp hành mệnh lệnh cách mù quáng không đủ để bào chữa cho những ai tuân hành các lệnh đó. Do đó, việc tiêu diệt một dân tộc, một quốc gia hoặc một nhóm thiểu số phải bị kết án như một tội trọng. Luân lý đòi chúng ta phải chống lại các mệnh lệnh diệt chủng” (Số 2313, Sách Giáo lý Công giáo).
Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế Ánh sáng Muôn dân (Gaudium et Spes) đã mạnh mẽ lên án những hành vi kỳ thị con người và coi đó như hành vi chống lại ý định Thiên Chúa. Công đồng viết: “Mọi hình thức kỳ thị liên quan tới các quyền căn bản của con người, dù dựa trên phái tính, chủng tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, đều phải vượt qua và bãi bỏ, như là trái với ý định của Thiên Chúa” (29.2)
Cũng vậy, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, trong bài diễn văn đọc tại Hội thảo Quốc tế về Nhân quyền, do Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình” tổ chức tại Roma từ ngày 14-16/11/1988, đã mạnh mẽ nhắc nhở các tín hữu phải hành động để đề cao phẩm giá con người. Ngài viết: “Dù ở vùng đất nào, hay nền văn hóa nào, thì người ta cũng đều ý thức rằng kỳ cùng giá trị quý giá nhất, đó là con người. Con người đáng trọng như thế vì nó có khả năng về tự do…Các xã hội có bổn phận thực thi nhân quyền, vì sự cao cả của con người phát sinh do việc Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng, đã yêu thương con người đặc biệt, khi cho nó “làm người thợ chính để hoàn thành chính mình hoặc tự chuốc lấy thất bại (Đức Phao-lô VI, Thông điệp Phát triển các Dân tộc, số 15). Giáo hội cho rằng, sứ mệnh thiết yếu của mình là tuyên dương phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Giáo hội biết rằng con người đó được Chúa yêu thương đến nỗi Chúa Giê-su đã đến cứu chuộc. Vì thế, Ki-tô hữu nhất thiết phải hành động để đề cao phẩm giá mà con người tiếp nhận được nơi Đấng tạo hóa, và hiệp lực với người khác để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người.”
Trong Thông Điệp Hòa Bình trên Trái đất, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, kể ra tất cả những quyền cơ bản mà Thượng đế hay Tạo hóa ban cho con người, cũng là những quyền được nhắc tới trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc Ban hành năm 1948, trong đó, ngài viết: “Ai cũng có quyền được người khác tôn trọng nhân phẩm, thanh danh, quyền được tự do đi tìm chân lý, và trong phạm vi trật tự luân lý và công ích cho phép, được tự do phát biểu ý kiến, phổ biến tư tưởng, theo đuổi bất cứ nghệ thuật nào, và sau hết, được quyền theo dõi tin tức một cách khách quan” (số 3)
Kính thưa cộng đoàn,
Trong một khoảng thời gian hết sức eo hẹp của ngày lễ hôm nay, chúng ta không thể nói hết được mọi khía cạnh phong phú, thiêng liêng của “các quyền mà Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa ban cho con người” Chúng tôi chỉ xin gợi lại ở đây một chút nào đó lời dạy của Giáo hội về trách nhiệm và bổn phận của mỗi chúng ta “phải dấn thân và lên tiếng bảo vệ các quyền của con người”, trong đó có các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận; đặc biệt, trách nhiệm của mỗi giáo dân chúng ta trong việc bảo vệ những người vì bảo vệ các quyền của con người mà bị bắt giam cách trái pháp luật như anh Basam Nguyễn Hữu Vinh và rất nhiều các tù nhân lương tâm khác.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, như Salomon, biết lắng nghe dân để lãnh đạo dân và biết phân biệt phải trái, để cùng người dân phụng sự tổ quốc và dân tộc. Chúng ta cầu nguyện cho họ, hãy từ bỏ con đường sai lầm đầy sự hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản, để quay về với nhân dân với tổ quốc với đồng bào.
Ngày hôm nay chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho các liệt sĩ, các thương binh, những người đã vì lý tưởng và tự do, dù họ thuộc phe phái nào, đã ngã xuống với ước vọng bảo vệ tổ quốc; đặc biệt các liệt sĩ đã hy sinh tại Hoàng sa và Trường sa, các người mẹ già mất con đang sống cô quạnh những năm tháng cuối đời, xin cho tất cả được an ủi.
Còn đối với tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chúng tôi xin mượn lại lời của Đức cố Hồng y Désire Mercier, một triết gia, giáo sư Đại học Louvain, sau là Tổng Giám mục. Ngài trở thành nhà ái quốc và là điểm liên kết dân Bỉ trong chiến tranh. Giữa đống đổ nát của cuộc chiến, ngài đã viết một lá thư mục vụ gửi các tín hữu, để nói về những gì cần phải làm nhằm tái thiết đất nước. Ngài đã viết: “Điều đầu tiên trong những điều đầu tiên, đó là, mỗi ngày anh chị em hãy nhắm mắt lại và bước vào cung thánh linh hồn đã được thanh tẩy của anh chị em, hãy lắng nghe và nhận ra rằng, ở đó Thiên Chúa đang cư ngụ” (TGM Timothy Dolan, Bỏ Thầy Chúng con biết theo ai? Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ, O.P. dịch, tr. 25), bởi vì “Khi Thiên Chúa vắng mặt, thế giới sẽ hoang tàn, và mọi sự trở nên bất an, và tất cả đều hoàn toàn không mang lại sự mãn nguyện. Ngày nay, người ta thấy rõ rằng, một thế giới không Thiên Chúa sẽ kiệt quệ, sẽ trở thành một thế giới hoàn toàn thiếu vắng niềm vui.” (Hồng y Ratzinger, Muối cho Đời, Cerf 1997, tr. 32).
Thiết nghĩ, muốn thoát Trung, thoát Cộng, thì căn bản và quan trọng nhất là “thoát Tôi” để đi tới cái “Chúng ta” trong Chân lý.
Ngày 27/7/2014
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.