Carlyle A. Thayer
Trần Ngọc Cư dịch từ Việt Vùng Vịnh
Chúng tôi đang soạn một bản
đánh giá tình hình tranh chấp biển Hoa Nam [Biển Đông] và muốn biết ý
kiến của ông về việc cuộc đấu tranh chính trị bí mật bên trong Đảng Cộng
sản Việt Nam đã ngăn cản Việt Nam dùng biện pháp pháp lý đối với Trung
Quốc như thế nào.
CÂU HỎI 1: Đấu tranh nội bộ
giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam
đã cản trở việc Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế ngay cả trước
khi Bắc Kinh di chuyển giàn khoan. Ông có thể xác nhận điều này không
và ông sẽ chứng minh sự đánh giá của ông như thế nào?
TRẢ LỜI: Theo các nguồn tin
tại Hà Nội, trong sáu năm qua Việt Nam luôn luôn tính chuyện đưa Trung
Quốc ra tòa. Do hậu quả của cuộc khủng hoảng giàn khoan, Việt Nam đã cân
nhắc hai đường lối riêng biệt, một liên quan đến chủ quyền trên đảo
Hoàng Sa và một liên quan đảo Trường Sa. Sự kiện Việt Nam không chủ động
kiện Trung Quốc trước tiên mà cũng không hậu thuẫn Philippines trong
việc này là bằng chứng cho thấy phương án pháp lý không được đa số Bộ
Chính trị chấp nhận. Cũng nên lưu ý rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã
công khai tuyên bố mạnh mẽ về hành động pháp lý; ông nói rằng hành động
pháp lý sẽ tùy vào thời điểm. Tướng Phùng Quang Thanh nói ở cuộc Đối
thoại Shangri-La rằng lựa chọn pháp lý là biện pháp sau cùng. Ủy viên
Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Thiết Trì, trong chuyến sang Hà Nội gần
đây, đã lên tiếng răn đe Việt Nam không được dùng hành động pháp lý.
CÂU HỎI 2: Bây giờ Trung Quốc
đã di chuyển giàn khoan khá sớm so với hạn định cuối cùng là giữa tháng
Tám, ta có nên sòng phẳng mà nói rằng phe thân Trung Quốc đã thắng thế
không? Nếu đúng vậy, tại sao? Nếu không đúng vậy, tại sao?
TRẢ LỜI: Việc Trung Quốc rút
giàn khoan sẽ đưa đến kết quả là tức khắc giảm bớt căng thẳng. Trung
Quốc cũng sẽ rút luôn đoàn tàu gồm trên một trăm hạm thuyền của mình ra
khỏi vùng nước tranh chấp. Việc này sẽ tạo điều kiện để Việt Nam rút tàu
Cảnh sát biển và Lực lượng Kiểm ngư của mình về. Như vậy sẽ tạo cơ sở
cho các cuộc thương thuyết giữa Trung Quốc và Việt Nam để bàn về phương
hướng đưa các quan hệ song phương trở lại bình thường. Cái gọi là phe
thân Trung Quốc, hay những thành phần thỏa hiệp [accommodationists], sẽ
chống lại những hành động có thể làm các quan hệ với Trung Quốc trở nên
tồi tệ. Điều này có nghĩa là việc đưa Trung Quốc ra tòa và nâng cấp các
quan hệ với Mỹ không thể diễn ra trong một tương lai gần. Thủ tướng Dũng
có nguy cơ mất hậu thuẫn. Một hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng sẽ được
tổ chức để cứu xét các ưu, khuyết điểm của việc đưa Trung Quốc ra toà.
Phiên họp này sẽ đệ trình các đề xuất của mình lên Bộ Chính trị.
CÂU HỎI 3: Theo quan điểm của
phe thân Trung Quốc, những hậu quả làm phức tạp tình hình của việc xích
lại quá gần với Mỹ sẽ là gì? Còn theo quan điểm của phe thân Mỹ, việc
tiếp tục thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ có hại như thế nào về chính trị và
kinh tế?
TRẢ LỜI: Xích lại quá gần với
Mỹ sẽ đưa đến hậu quả là Việt Nam sẽ chịu những sức ép tiêu cực hay
thậm chí những trừng phạt kinh tế từ phía Trung Quốc. Xích lại gần với
Mỹ sẽ kéo theo việc đáp ứng một số đòi hỏi của Mỹ như phải có tiến bộ rõ
rệt về nhân quyền đồng thời đáp ứng những sức ép của Mỹ đòi tiếp cận
quân sự to lớn hơn đối với Việt Nam, như việc sử dụng Vịnh Cam Ranh. Gia
tăng các đợt ghé thăm của tàu hải quân Mỹ và các cuộc diễn tập quân sự
hỗn hợp.
Phái thân Mỹ thấy rằng việc
thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ hạn chế tự do hành động của Việt Nam và đặt
Việt Nam vào thế phải khuất phục và lệ thuộc Trung Quốc. Lệ thuộc ý thức
hệ sẽ giảm bớt các viễn ảnh cải tổ kinh tế tại Việt Nam.
CÂU HỎI 4: Việc rút giàn
khoan của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lên cuộc đấu tranh nội bộ của hai phe
như thế nào? Và cuối cùng sẽ kết thúc ra sao?
TRẢ LỜI: Việc rút giàn khoan sẽ mang lại kết quả là giảm bớt căng thẳng
và gia tăng khả năng có những cuộc đàm phán song phương cấp cao. Điều
này sẽ tạo ưu thế cho những thành phần muốn thỏa hiệp với Trung Quốc.
Cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng có thể sẽ leo thang trong tương lai vì
những bất đồng về thành quả ngắn hạn đối với lợi ích lâu dài.
CÂU HỎI 5: Tác động qua lại
giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ sẽ ảnh hưởng lên cung cách Việt
Nam xử lý các xung đột tương lai với Trung Quốc như thế nào?
TRẢ LỜI: Nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tục chia rẽ theo đường lối thân
Trung Quốc và thân Mỹ, điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ không thể nâng
cấp các quan hệ với Mỹ trong các lãnh vực an ninh và quốc phòng. Việt
Nam sẽ tiến hành rất thận trọng và ngập ngừng. Đối với các xung đột
tương lai với Trung Quốc, nhóm thỏa hiệp sẽ có hành động tự chế
[self-censor]. Họ sẽ phủ quyết bất cứ chính sách nào có thể làm phật
lòng Trung Quốc. Trên thực tế, họ sẽ hùa theo Trung Quốc, nghĩa là,
tránh chỉ trích Trung Quốc với kỳ vọng là Việt Nam sẽ được tưởng thưởng
về mặt kinh tế vì hành vi hữu hảo của mình. Vấn đề là, việc cùng chia sẻ
một ý thức hệ xã hội chủ nghĩa sẽ trói tay Việt Nam và hạn chế khả năng
hành động vì lợi ích dân tộc. Tóm lại, một cuộc tranh giành quyền lực
nếu còn tiếp tục giữa phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ trong Đảng Cộng
sản Việt Nam sẽ làm suy yếu khả năng theo đuổi các lợi ích dân tộc và
chống lại sức ép của Trung Quốc.
CÂU HỎI 6: Ông có nghĩ việc
Trung Quốc rút giàn khoan có liên quan đến việc Thượng viện Mỹ thông qua
một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc tuần qua và cuộc điện đàm giữa Tổng
thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình cách đây vài hôm?
TRẢ LỜI: Việc Trung Quốc rút
giàn khoan không trực tiếp liên quan tới nghị quyết của Thượng viện Mỹ
và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và Tập Cận Bình vì những quyết
định thuộc tầm cỡ này không thể đưa ra tùy hứng. Trung Quốc chắc đã
quyết định trước đó việc rút giàn khoan vì đã thu thập đầy đủ dữ liệu
thương mại và sẽ không mất mát gì do kết thúc các hoạt động thăm dò dầu
khí sớm hơn. Rõ ràng là, cơn bão Rammasun sắp đi qua có ảnh hưởng lên
quyết định rút lui sớm. Sau cùng, Trung Quốc còn phải cân nhắc chính
sách chiến lược của mình. Bắc Kinh đã đi sớm một bước để tạo ảnh hưởng
lên phiên họp rất quan trọng sắp đến của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam nhằm quyết định có nên đưa Trung Quốc ra toà án quốc tế và, có
thể, nên tìm kiếm các quan hệ gần gũi hơn với Mỹ hay không.
C. A. T.