Nguyễn Hưng Quốc: " lãnh tụ thường xuất hiện TRONG và VỚI chứ không phải TRƯỚC quá trình tranh đấu; nói cách khác, chúng ta phải tranh đấu trước, từ đó, sẽ xuất hiện một hoặc một vài cá nhân nổi bật lên đóng vai lãnh tụ thay vì chờ đợi có lãnh tụ rồi mới xuống đường tranh đấu."
Joshua Wong, một trong những người đứng đầu phong trào bãi khóa tại Hong Kong. |
Lâu nay, những người quan tâm đến
tình hình chính trị thường than thở là điều thiếu nhất, và do đó, cần nhất,
trong quá trình tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam là vấn đề lãnh tụ: Chúng ta
chưa có một gương mặt và một tên tuổi nổi tiếng được cả nước cũng như quốc tế
biết đến và ngưỡng mộ như Nelson Mandela ở Nam Phi trước đây hoặc Aung San Suu
Kyi ở Miến Điện hiện nay.
Đành là đúng. Hiển nhiên đó là một
điều đáng tiếc. Nhưng từ sự đáng tiếc ấy mà đâm ra bi quan lại là một sai lầm.
Có hai lý do chính: Một, trên thế giới, trong thời gian vừa qua, xuất hiện một
số phong trào tranh đấu cho dân chủ mà không hề có lãnh tụ nào cả (ví dụ tiêu
biểu nhất là các cuộc xuống đường lật đổ các chế độ độc tài tại Trung Đông và Bắc Phi vào đầu
năm 2011); và hai, lãnh tụ thường xuất hiện TRONG và VỚI chứ không phải TRƯỚC
quá trình tranh đấu; nói cách khác, chúng ta phải tranh đấu trước, từ đó, sẽ
xuất hiện một hoặc một vài cá nhân nổi bật lên đóng vai lãnh tụ thay vì chờ đợi
có lãnh tụ rồi mới xuống đường tranh đấu.
Đằng sau sai lầm ấy là một sai lầm
khác: phần lớn chúng ta hình dung lãnh tụ là những tên tuổi lớn, theo nghĩa,
một, có tuổi tác; hai, có bằng cấp cao; và ba, được xã hội cũng như quốc tế
biết và kính trọng.
Những quan niệm sai lầm ấy không
những phổ biến ở những người bình thường mà còn xuất hiện ở cả những nhà hoạt
động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam: Ở họ, tôi thấy nhiệt tình và can đảm
thì có thừa, nhưng vẫn có cái gì đó như thiếu tự tin: Họ vừa hoạt động vừa loay
hoay chờ đợi lãnh tụ. Nhiều lần, tôi cứ tự hỏi: Tại sao lãnh tụ lại không phải
là họ, chính những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam nhỉ? Nói cách
khác, tại sao lãnh tụ lại không phải là một Nguyễn Phương Uyên hay một Đinh Nguyên Kha hay bất
cứ một ai đó nhỉ? Họ trẻ quá hoặc còn thiếu kinh nghiệm quá ư?
Những thắc mắc ấy có thể được trả
lời qua kinh nghiệm của Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) tại Hong Kong hiện nay.
Sinh ngày 13 tháng 10, 1996, Joshua
Wong có một thân hình khá gầy gò, khuôn mặt hơi choắt, gò má hóp, đôi kính cận
dày, trông có vẻ như một học sinh trung học hơn là một sinh viên năm thứ nhất ở
đại học. Khuôn mặt ấy còn trẻ hơn cả Nguyễn Phương Uyên lúc cô xuất hiện với
chiếc áo sơ mi trắng trước toà án tỉnh Long An vào ngày 16 tháng 5, 2013. Trẻ
hơn bất cứ một người hoạt động nào được biết đến ở Việt Nam lâu nay. Trẻ đến độ
khiến mọi người phải kinh ngạc trước khi khâm phục.
Vậy mà chính người thiếu niên 17
tuổi lại làm cả guồng máy lãnh đạo đông đảo, hung hãn và mạnh mẽ ở Bắc Kinh
phải lo lắng. Hệ thống tuyên truyền nhà nước ở Trung Qu ốc không ngớt vu khống
và bôi xấu Joshua Wong. Họ xem anh như một phần tử quá khích, kẻ kích động quần
chúng, một nhân vật nguy hiểm của chế độ không những chỉ ở Hong Kong mà còn ở Trung Qu ốc nói chung: Ai cũng
biết Hong Kong chỉ là một phần của Trung
Qu ốc, bất cứ phong trào dân chủ nào tại Hong Kong, nếu thành
công, cũng đều có ảnh hưởng dây chuyền đến các địa phương khác trong nội địa Trung Qu ốc.
Chưa hết, người thiếu niên ấy, mặc
dù chỉ mới 17 tuổi, đã có một bề dày tranh đấu nhiều năm, ngay từ năm 2011, lúc
Joshua mới 14 tuổi. Ngày ấy, cùng với một người bạn học, Ivan Lam (Lâm Lương Ng ạn), Joshua
thành lập một phong trào gọi là Học Dân Tư Triều (Scholarism) nhằm tranh đấu
chống lại âm mưu chính trị hoá giáo dục của Trung Qu ốc tại Hong Kong. Phong trào, với lực lượng
nòng cốt trên 300 học sinh và sinh viên, vào năm 2012, tổ chức các cuộc biểu
tình có lúc lôi kéo đến 100,000 người tham dự, khiến, cuối cùng, chính quyền Trung Qu ốc phải bãi bỏ âm mưu
nhồi sọ học sinh Hong Kong ấy.
Suốt mấy năm vừa qua, Joshua Wong
không ngừng hoạt động, thường xuyên post bài lên facebook (với hơn 200,000
người theo dõi thường xuyên), trả lời các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông
các nơi, hơn nữa, còn viết cả cuốn sách nhan đề Tôi không phải là anh hùng (I
am not a Hero). Trẻ, nhưng Joshua Wong có khả năng lý luận mạch lạc và chặt
chẽ, một khả năng diễn đạt hùng hồn và lôi cuốn, có thể đánh bại nhiều đối thủ
lớn tuổi, học thức cao và dày dặn kinh nghiệm chính trị tại Hong Kong.
Joshua Wong được xem là một “lãnh
tụ”, một nhà hoạt động kiểu mới của thời đại liên mạng (wired activist), lúc
nào cũng cầm điện thoại di động trên tay để nói chuyện với người này, thuyết
phục người khác, viết và post bài lên facebook. Joshua có những tuyên bố rất ấn
tượng, chẳng hạn, “cải cách chính trị là một vấn đề nòng cốt của mọi vấn đề”
hay “Học sinh sinh viên đến đứng ở tuyến đầu của mỗi thế kỷ” hay “Chúng ta
tranh đấu cho mục tiêu [dân chủ] mà không cần phân tích khả năng thành công bởi
vì nếu nghĩ quá nhiều đến điều đó, bạn sẽ không dám dấn thân làm gì cả”.
Giới quan sát cho một trong những
thành công lớn nhất của Joshua Wong là đã thức tỉnh được đông đảo học sinh và
sinh viên tại Hong Kong, những người thường hờ hững và dửng dưng trước các vấn
đề chính trị. Nhiệt tình của anh, như một ngọn lửa, làm bùng cháy ý thức dấn
thân của bạn bè cùng thế hệ.
Khi các phóng viên bày tỏ sự ngạc
nhiên trước tuổi tác của Joshua Wong, anh nói: “Đúng là không phải là chuyện
thường thấy một học sinh 15 tuổi lãnh đạo một phong trào quần chúng chống lại
chính quyền một cách hoà bình […] Chỉ ở Hong Kong, chuyện ấy mới xảy ra”. Rồi
Joshua Wong kể, một cách tự tin, mới rồi, một học sinh 12 tuổi xin tham gia vào
phong trào của anh.
Niềm tự hào của Joshua Wong hoàn
toàn chính đáng. Nhưng những gì xảy ra ở Hong Kong cũng có thể xảy ra ở những
nơi khác. Kể cả Việt Nam. Đã đành hoàn cảnh khác, nhưng lòng khao khát dân chủ
và ý chí tranh đấu để được sống như một con người thì ở đâu cũng giống nhau.