09 mai 2015

Chương trình giáo dục bây giờ giống như cái cây bị đục- đẽo- đắp nhiều chỗ


NGÂN HIẾU

"Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình là bỏ hết các loại hồ sơ hình thức như sổ theo dõi chất lượng, nhận xét, thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng, dự giờ, thao giảng, các cuộc thi tốn nhiều thời gian công sức của cô và trò…để học sinh vui mà học, giáo viên vui mà dạy; chú trọng việc tuyển dụng đầu vào các trường sư phạm thật sự có chất lượng mới có thể đổi mới thành công."



Tôi là một giáo viên trong nghề 32 năm, trong đó có 15 năm là quản lý trường tiểu học tại huyện Bảo Lâm, một huyện miền núi của tỉnh Cao Bằng.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là vấn đề tôi rất quan tâm và theo dõi thường xuyên trên báo.

Một điều thuận lợi là trường tôi có tham gia cả chương trình hiện hành, hai chương trình thử nghiệm là chương trình tiểu học mới Việt Nam (VNEN) từ lớp 2 đến lớp 5 và Tiếng Việt 1 công nghệ.

Vì vậy khi đọc những ý kiến về đổi mới chương trình, sách giáo khoa của các nhà khoa học, của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, tôi thấy Thứ trưởng nhắc đến chương trình TV1 Công nghệ và sách Hướng dẫn học trong chương trình VNEN, đồng thời cho biết sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi của các nhà giáo.

Với vị trí của một nhà giáo dạy tiểu học đang thực hiện hai chương trình sách giáo khoa thử nghiệm và đã dạy chương trình cũ, chương trình hiện hành nhiều năm tại địa bàn nông thôn miền núi, tôi xin mạnh dạn nêu những suy nghĩ của mình về đổi mới chương trình sách giáo khoa bậc tiểu học.

Khi dạy chương trình cũ (trước chương trình hiện hành), tôi thấy chương trình rất chặt chẽ, nhưng phương pháp thì nặng về truyền thụ một chiều, thày đọc trò ghi, không phát huy tính tích cực chủ động của học sinh.

Học sinh học một buổi và giáo viên (số lượng giáo viên thường là một người/lớp) được dành một buổi để soạn bài, đọc kỹ nội dung chuẩn bị cho buổi dạy học sau. Thời đó không có hoặc có rất ít học sinh ngồi nhầm lớp vì học sinh học kém đều được cho ở lại lớp.

Trong năm học chủ yếu có hai cuộc thi: thi giáo viên dạy giỏi và thi (hoặc biểu diễn) văn nghệ thể thao chào mừng 20/11.

Để khắc phục tính thụ động, phát huy tính tích cực học tập của học sinh, ngành giáo dục đã đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa và phương pháp với khẩu hiệu “Lấy học sinh làm trung tâm” “Phát huy tính tích cực học tập của học sinh”.

Việc thay sách và tập huấn phương pháp được triển khai rất quy mô, bài bản, tất cả các giáo viên đứng lớp đều được đi tập huấn tại tỉnh, trong 5 năm thay sách lần lượt từ lớp 1 đến lớp 5.

Và để dạy học sinh phát triển toàn diện, có nhiều giáo viên tiểu học được đi học “chuyên sâu” để dạy “chuyên sâu” âm nhạc, mĩ thuật, thể dục.

Khi có đủ giáo viên các môn chuyên sâu thì học sinh được học cả ngày và đương nhiên giáo viên cũng đi trường cả ngày, không còn thời gian 1 buổi để chuẩn bị bài như trước.

Giáo viên được bố trí 4 đến 5 giáo viên dạy một lớp theo môn, mỗi cô vào lớp một lát (chính xác là 35 đến 40 phút/tiết).

Vì đi trường cả ngày, dạy cả sáng chiều nên giáo viên chuyển sang “soạn bài” copy (viết tay và sau này là bằng máy), chưa kể các loại sổ sách khác đem về tối làm.

Và để học sinh phát triển toàn diện nên trong giai đoạn thực hiện chương trình hiện hành này, bùng nổ các cuộc thi, các loại sổ sách như chúng ta được biết đến qua các bài viết gần đây mà điển hình là sổ sách theo dõi chất lượng học sinh theo TT30.  

Về sách giáo khoa, thay đổi khó hiểu nhất là ở phân môn Tập làm văn. Học sinh được học, ôn luyện riêng phần mở bài, hôm khác học, ôn phần kết bài…Rồi lỗi tại cô giáo nên học sinh không viết được bài văn ra hồn.

Khi thấy chất lượng học sinh đi xuống Bộ Giáo dục đã có nhiều điều chỉnh như “giảm tải”, “lồng ghép, tích hợp” sách giáo khoa và nội dung dạy học.

Hồi đó chúng tôi thường nói vui với nhau là chương trình giáo dục bây giờ giống như một cái cây, bị đục đẽo nhiều chỗ (giảm tải) và đắp vào nhiều chỗ (lồng ghép, tích hợp).

Mỗi lần giáo viên soạn bài hoặc cán bộ kiểm tra phải rải quanh mình mấy cuốn sổ để đối chiếu. Và vì sổ sách nhiều như vậy nên các cán bộ quản lý cũng bị cuốn vào, vô tình không còn thời gian để kiểm tra chất lượng học sinh.

Tiếp theo, do phương pháp dạy học chưa đảm bảo phát huy tích cực của học sinh, ba năm học vừa qua, ngành giáo dục đã triển khai thí điểm hai chương trình dạy học của tiểu học là TV1 Công nghệ (của Giáo sư Hồ Ngọc Đại- đã được dạy thử nghiệm nhiều năm trước) và chương trình Tiểu học mới Việt Nam.

Hai chương trình có cách dạy trái ngược nhau

Về chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ. Cá nhân tôi rất tôn trọng Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tôi nhận thấy tình cảm, tâm huyết của Giáo sư đặt trọn vẹn vào chương trình này, nói như các cụ ta “cá chuối đắm đuối vì con”.

Tuy kiến thức không thay đổi nhưng Giáo sư đã thiết kế ra cách dạy và học khác hoàn toàn từ trước tới giờ, mang nặng dấu ấn rất riêng của Hồ Ngọc Đại. 

Tài liệu thiết kế cũng lồng rất nhiều “văn nói” của Giáo sư,  VD: Các bạn đồng nghiệp lưu ý! Học lớp một là cơ hội để em có ý thức tường minh về Tiếng Việt, cả âm lẫn nghĩa.

May sao, lần đầu tiên học Tiếng Việt ở trường, em được luyện phát âm thật chuẩn từng âm vị.

Nếu kiên trì luyện từ lớp này tiếp lớp khác, cứ kiên trì làm liên tục, thì trong chừng 100 năm nữa, cả nước sẽ nói giống nhau. (tr10, thiết kế Tiếng Việt 1 tập 3)

Liệu đó có phải là một trong những điểm chưa ổn của chương trình vì theo suy nghĩ đơn giản của tôi, đã là một chương trình khoa học giáo dục thì không thể mang nặng tính chủ quan cá nhân mà phải là khách quan khoa học.

Với quan điểm của Công nghệ học, cách gọi cũng thay đổi, VD: cung cấp vật liệu: Tháp mười đẹp nhất bông sen… Về phương pháp, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã thiết kế tài liệu (giáo án) sẵn cho giáo viên, giáo viên không soạn bài mà chỉ việc học thuộc tài liệu theo kiểu “cầm tay chỉ việc” khi lên lớp. Sau một thời gian, giáo viên đã hoàn toàn phụ thuộc vào tài liệu hướng dẫn.

Theo quan điểm của Giáo sư “làm ba năm thì thạo nghề…đạt hết công suất thiết kế, mở vở Em tập viết lớp 1- thì “mười em như một”.

Khi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cách dạy quá khó, giáo viên khác dạy thay sợ “làm” không giống sẽ lúng túng cả cô và trò, Giáo sư đã trả lời: phải khó thì ta (giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ) mới có giá…

Vì vậy, khi giáo viên khác vào dạy thay cũng không dạy được môn Tiếng Việt,  phụ huynh muốn kèm con càng không thể được. Các giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ thực sự trở thành “thợ dạy của thầy Đại” đúng nghĩa.

Về nội dung dạy học, “thầy Đại nói” (trích nguyên văn lời giáo viên) chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ “chân không về nghĩa”, tức là khi học sinh học ghép âm vần thành tiếng mới thì không cần tạo nên tiếng có nghĩa, miễn là học sinh… ghép thành tiếng và đọc được tiếng.

Ví dụ: vần uau, học sinh ghép và đọc, cô ghi lên bảng: nhuau, tuau, thuau, buau… và ghép được với 6 thanh; hoặc vần uyu: tuyu, tuỷu, nhuỷu, thuỷu…vần oan: loan, loản, boản, thoản, nhoản…ghép được với 6 thanh.

Trong sách học sinh không có những từ như vậy, nhưng sách hướng dẫn dành cho “thợ dạy” thì có rất nhiều: boe, choe, đoe, khõe, khọe, buê, chuê, guê, muê, phuê, khuễ…(tr 34 Thiết kế Tiếng Việt 1 tập 3)

Khi tôi không đồng ý với giáo viên việc học sinh đọc, ghép được tiếng không có nghĩa mà giáo viên vẫn ghi lên bảng rồi cho học sinh luyện đọc lại thì giáo viên trả lời “thầy Đại bảo chương trình này chân không về nghĩa”.

Vậy nếu học sinh viết “cùng nhuau” cô có nhận xét đúng không? Trả lời  “thầy Đại bảo…”

Về quan điểm cá nhân, tôi không tán thành việc khuyến khích học sinh hào hứng tự ghép và đọc những tiếng không có nghĩa như ở trên, dù học kiến thức nào, chương trình nào cũng phải đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Về chất lượng học sinh, gần hết năm học, tôi có tham khảo ý kiến của đa số giáo viên dạy thành phố và tại địa phương, câu trả lời là  “được”. Tôi có tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh, họ cũng công nhận con học tốt môn Tiếng Việt.

Nhưng những học sinh yếu thì rất khó để kèm vì phương pháp dạy học Công nghệ khác hẳn với phương pháp hiện hành. Những học sinh yếu đó là do các em ra học muộn, đi học không đều, bị mất bài.

Vì vậy, theo tôi, nếu để dạy chương trình Tiếng Việt 1 Công nghệ thì cần có các điều kiện:

- Có hai giáo viên/lớp (để dạy đúng phương pháp, tránh lúng túng cho giáo viên và học sinh khi một giáo viên nghỉ và có giáo viên dạy lại bài bị mất cho những học sinh nghỉ học)

- Đảm bảo học sinh đi học đều. (Muốn vậy học sinh cần được học cả  ngày và có hỗ trợ ăn trưa, vì trong học kỳ một, các tiết học thường bị kéo dài, thậm chí sang cả buổi chiều trong khi học sinh vẫn phải học Toán, Tự nhiên xã hội, Đạo đức, Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công.)

- Khắc phục nội dung dạy học “chân không về nghĩa”, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Về chương trình VNEN

Tài liệu hướng dẫn học (SGK) từ lớp 2 đến lớp 5 được thiết kế 3 trong 1 (bao gồm sách giáo khoa, sách giáo viên, vở bài tập) với mục đích nhằm dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh.

Vì vậy mỗi bài học đều nêu rõ mục tiêu, mỗi hoạt động học đều có các logo hướng dẫn để học sinh tự thảo luận theo nhóm, tự học hoặc tự rút ra kiến thức, giáo viên chỉ là người hỗ trợ khi cần thiết, không giảng bài.

 

Khi tập huấn triển khai chương trình, bao giờ cũng nhấn mạnh: phương pháp phải phù hợp đối tượng học sinh.

Nhưng khi thực hiện thì có những chuyên viên sở, phòng rất cứng nhắc, thậm chí yêu cầu giáo viên đang dạy minh họa phải nhắc lại, nói lại câu nói theo mình.

Tôi thấy, sau 3 năm thực hiện chương trình, kết quả rõ rệt nhất là học sinh mạnh dạn, sôi nổi, tích cực, chủ động hơn trong các hoạt động tập thể do các em được tự quản.

Tuy nhiên về phương pháp và kết quả học tập của học sinh thì chưa đạt được như mục tiêu của chương trình đề ra.

Thực tế, các giờ giảng minh họa, nhất là khi có đại biểu cấp trên dự, đa số là “diễn”. Tuy chuẩn bị kỹ xong vẫn gượng ép, không tự nhiên, không “thật”. Học sinh cũng “tự học, tự thảo luận rút ra kiến thức” một cách giả tạo.

Chất lượng học tập không thể nói là cao hơn, thậm chí ở những lớp mà giáo viên không linh hoạt, chỉ “làm theo”, không dám điều chỉnh thì mặt bằng chung còn thấp hơn.

Về nguyên nhân, theo tôi, tài liệu hướng dẫn học (VNEN) tuy đã giảm tải hơn sách giáo khoa chương trình hiện hành nhưng nội dung vẫn còn nặng và chưa chọn lọc.

Vẫn thừa, nhồi nhét quá nhiều những kiến thức khó, chưa cần thiết học ở độ tuổi các em, nếu giáo viên có hướng dẫn thì cũng chưa chắc học sinh hiểu cả.

Nhưng nếu có hướng dẫn thì lại bị nhắc nhở “ lại giảng giải rồi, phải đảm bảo phương pháp, phải để học sinh tự học…”  

Ở những trường cán bộ quản lý cứng nhắc, giáo viên không dám giảng cả những kiến thức khó nên học sinh không nắm được bài.

Vì vậy, đổi mới sách giáo khoa theo thiển nghĩ của tôi, Bộ Giáo dục cần có một chương trình khung dựa trên chương trình sách giáo khoa cũ nhưng cần mạnh dạn cắt bỏ 2/3 kiến thức chưa cần thiết với học sinh tiểu học để tăng thời lượng cho các hoạt động thực hành để đảm bảo “học đi đôi với hành”, học đến đâu thực hành đến đó, học chắc đến đó và biết áp dụng trong cuộc sống.

Cần chú trọng khả năng tư duy, năng lực thực hành của người học qua việc dạy học sinh trong các tình huống cụ thể, trong môi trường cụ thể.

Đưa nội dung giáo dục kiến thức cơ bản liên hệ với thực tiễn, dạy học kết hợp với các hoạt động khác, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm.

Thông qua các hành vi ứng xử hàng ngày để tạo được môi trường học tập luôn mới mẻ với học sinh,  không còn hình thức học quanh năm tại chỗ, trong 4 bức tường chỉ với sách bút vở.

Ngoài kiến thức cơ bản trong SGK, trong chương trình cần chú trọng các hoạt động trải nghiệm thực tế, thông qua các hành vi ứng xử để đánh giá đạo đức, kỹ năng học sinh, không cần thiết phải có phần trải nghiệm ở nhà vì qua thực tế dạy thử nghiệm, nó không hiệu quả, chỉ là hình thức mà thôi.

Với những ý kiến cho rằng cần xã hội hóa viết sách giáo khoa tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng.

Ông cho rằng "Người dân vẫn than phiền ngành giáo dục hay lấy học sinh ra làm thí nghiệm, nếu xã hội hóa hoàn toàn việc viết sách giáo khoa (SGK) và Bộ Giáo dục không tổ chức biên soạn thì việc lấy học sinh làm thí nghiệm mới kinh khủng".

Một lý do nữa là trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên hiện nay chưa thể đáp ứng.

Chỉ với một TT30 (vài trang giấy) mà việc tập huấn, chỉ đạo và thực hiện đã loạn cả lên. Hơn nữa nếu các trường, các giáo viên có đủ năng lực để chọn sách thì cần gì phải xã hội hóa viết sách, sao không phải là chính những người dạy?

Khi đó chỉ cần Bộ Giáo dục có một khung chương trình cơ bản và các trường sẽ tự viết được nội dung dạy học theo khung đó.

Cuối cùng, tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình là bỏ hết các loại hồ sơ hình thức như sổ theo dõi chất lượng, nhận xét, thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng, dự giờ, thao giảng, các cuộc thi tốn nhiều thời gian công sức của cô và trò…để học sinh vui mà học, giáo viên vui mà dạy; chú trọng việc tuyển dụng đầu vào các trường sư phạm thật sự có chất lượng mới có thể đổi mới thành công.

  

NGÂN HIẾU
 
Nguồn: Theo GDVN