Phạm Chí Dũng
Vẫn chỉ “mong muốn sớm kết thúc”
Rất nhanh, thời gian đã trôi đến gần giữa năm 2015. Song thân phận TPP cho
Việt Nam vẫn hầu như chưa có gì gọi là cải số.
Ngày 22 Tháng Tư, nghĩa là sát thời điểm kỷ niệm “40 năm ngày giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước”, một cuộc tiếp xúc về đề tài đáng thất vọng trên
đã diễn ra tại Hà Nội giữa ông Michael Froman, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, và
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trước đây, ông Dũng cũng đã gặp ông Froman vài lần tại New York và Hà Nội
với đề nghị “linh hoạt” để Việt Nam nhận được quy chế thị trường đầy đủ.
Vào lần này, âm giọng của ông Dũng vẫn không có gì thay đổi so với những lần gặp trước: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc lại đề nghị của chính phủ Việt Nam trong cuộc gặp giữa thủ tướng và Tổng Thống Barack Obama mới đây là mong muốn trong quá trình đàm phán TPP, Hoa Kỳ chia sẻ với một thực tế là nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ở trình độ thấp và đang trong quá trình chuyển đổi nhằm vừa bảo đảm có một hiệp định cân bằng lợi ích, vừa có các linh hoạt cần thiết, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam”.
Rõ là chính giới ít học của Việt Nam vẫn còn xa mới hiểu được người Mỹ. Kết
thúc cuộc gặp trên là chi tiết đáng thất vọng nhất: “Ông Michael Froman bày tỏ
hy vọng và tin tưởng hai bên sẽ sớm kết thúc đàm phán TPP”.
Khác với lần gặp gần nhất của giới đại diện thương mại Mỹ tại Việt Nam với
lời hứa hẹn “sẽ thông qua trong nửa đầu năm 2015”, lần này đã không có bất kỳ
manh mối về thời điểm nào được hé lộ.
Nguyên do rất cơ bản của tình trạng quá trễ muộn trên là theo một nguồn tin
đáng tin cậy từ Hoa Kỳ, cho tới nay Việt Nam chưa đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào
để trở thành “nền kinh tế thị trường đầy đủ”.
Rào cản kép
Về nguyên tắc, để được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, Việt Nam
phải tuân thủ năm tiêu chí do EU và Mỹ đòi hỏi: Phải hết sức minh bạch; Tuân
thủ nhà nước pháp quyền, quy định pháp luật đã đề ra; Tiền tệ ổn định; Đối xử
công bằng với doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư
nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam phải bảo đảm không có tình
trạng chi tiền một cách không chính thức hay mập mờ.
Song hậu quả gần như không thể trốn tránh là tất cả những gì cần phải minh
bạch lại bị giới quan chức đàm phán Việt Nam diễn giải một cách mơ hồ, mập mờ
hoặc giấu biệt. Bằng chứng hiển nhiên nhất là từ trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc
Khánh cho đến cố vấn cao cấp của đoàn Việt Nam – nguyên Bộ Trưởng Thương Mại
Trương Đình Tuyển – đều chưa bao giờ công bố với báo chí về một thành tích nào
của chính phủ Việt Nam cho bất kỳ tiêu chí nào để đạt “quy chế thị trường đầy
đủ”, cho dù cũng chưa bao giờ họ đánh mất vẻ lạc quan cố ý trên gương mặt trả
lời phỏng vấn.
Trong khi viễn cảnh TPP dành cho Việt Nam vẫn mịt mù sương khói, quyền đàm
phán nhanh TPP (TPA) dành cho tổng thống Mỹ lại đang bị AFL-CIO, công đoàn lớn
nhất ở Mỹ, phản ứng khá quyết liệt, cho dù Thượng Viện nước này vừa đưa ra khả
năng sẽ cho phép ông Obama có được TPA.
TPA được hiểu là định chế thúc ép các thượng nghị sĩ bỏ phiếu hoặc là thông
qua hoặc là bác bỏ hiệp định, chứ không thể đề nghị các sửa đổi. Một ngày trước
cuộc gặp giữa ông Froman và ông Dũng ở Hà Nội, chủ tịch AFL-CIO đã kêu gọi Quốc
Hội Mỹ không trao quyền mở rộng cho Tổng Thống Barack Obama để thương lượng các
hiệp định tự do mậu dịch, đặc biệt hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Ông Richard Trumka, chủ tịch AFL-CIO, đã đưa ra lời kêu gọi như trên khi ra
điều trần trước Thượng Viện Mỹ: “Từ quá lâu rồi, các quyết định thương mại vẫn
được đưa ra trong vòng bí mật. Sự bí mật chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi chính
trị và kinh tế của thành phần lãnh đạo, chứ không phải là cho quyền lợi của
thành phần trung lưu tại Mỹ”.
Có khá nhiều và thậm chí còn đầy đủ lý do để giới chức đảng lẫn chính phủ
Việt Nam đủ cảm thấy mệt mỏi trên con đường đeo đuổi hiệp định TPP từ năm 2006
đến nay. Sự thật có thể mô tả là nếu không vì nền kinh tế đang chìm trong thế
khốn quẫn mà có thể gây ra vô số phản ứng xã hội đe dọa “sự tồn vong của đảng,”
hầu như chắc chắn chẳng có lãnh đạo cao cấp nào của Việt Nam mong ngóng đến một
hiệp định thương mại mà khác hẳn với quy chế WTO, sẽ khó mà đoán định được lợi
ích dành cho cá nhân và các tập đoàn gia đình của họ là ra sao.
Trong khi đó, ngay trước mắt lại đang tiến gần một bất lợi khác cho Việt
Nam: vào đầu Tháng Năm sẽ diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt tại Hà Nội.
Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền Việt Nam vẫn hầu như chưa đáp ứng điều kiện
cơ bản nào do Mỹ đòi hỏi, cho dù Hà Nội thừa biết nhân quyền là trở ngại lớn
nhất khiến Việt Nam chưa thể vào được TPP.
“Không nhân quyền, không TPP”
Chỉ một tù nhân lương tâm – tín đồ Hòa Hảo thuần túy Mai Thị Dung – được
phóng thích vào giữa Tháng Tư là quá ít ỏi nếu so sánh với danh sách dài thườn
thượt tù nhân chính trị mà Hà Nội đang giam cầm, thậm chí chỉ đáp ứng một phần
nhỏ danh sách đòi trả tự do mà phía Hoa Kỳ mạn phép đưa ra.
Bước vào thời điểm gần giữa năm 2015, những thành viên có thẩm quyền trong
chính giới Hoa Kỳ có lẽ hoàn toàn hiểu rằng bối cảnh này là khác xa với thời
gian cùng kỳ vào những năm 2012-2013 trở về trước. Từ giữa năm 2014, phong trào
kiên định “không nhân quyền, không TPP” đã dội lên trong cả hai viện thuộc Quốc
hội Mỹ, lôi kéo đến ít nhất 2/3 số thượng nghị sĩ Mỹ tham gia hưởng ứng. Chỉ ít
lâu sau sự xuất hiện của phong trào này, thái độ của chính phủ Obama đối với
Việt Nam đã thay đổi đáng kể: Từ nhân nhượng và mềm dẻo đã chuyển sang cứng rắn
và yêu sách hơn khá nhiều.
Những tin tức mới nhất từ Mỹ, chứ không phải Việt Nam, càng khiến cho vở
diễn TPP đậm màu bi kịch: Với việc hình thành nghiệp đoàn lao động độc lập là
điều kiện tiên quyết mà Hoa Kỳ đòi hỏi chính quyền Việt Nam, và nếu phía Việt
Nam không muốn thỏa mãn điều kiện này cùng cơ chế cởi nới hơn về quyền tự do
tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí, thậm chí ngay cả khi tổng thống Mỹ
được quốc hội nước này trao cho quyền đàm phán nhanh, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn có
thể “gác” lại trường hợp Việt Nam khi xem xét nội dung đàm phán Mỹ-Việt đã thỏa
thuận về TPP.
Tức người Mỹ vẫn có thể thỏa thuận TPP với các quốc gia khác mà không có
Việt Nam. Hoặc TPP vẫn có thể được thông qua chính thức với một ghế dự bị dành
cho quốc gia cứng đầu về thành tích cải thiện nhân quyền.
Chuyến công du được tung hô
Tuy nhiên, vật trao đổi song phương ngay trước mắt không chỉ là TPP. Một
chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu đảng, ông Nguyễn Phú Trọng, trước khi
ông mãn nhiệm sẽ có giá trị lớn về mặt tinh thần cá nhân và phe đảng trị.
Chuyến đi dự kiến này đã được giới chức ngoại giao Việt Nam ra sức vận động
từ đầu năm 2014 và gần đây còn được chính Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang
“chuẩn bị” một cách chu đáo trong chuyến tiền trạm của ông Quang đến
Washington, DC, vào giữa Tháng Ba.
Thế nhưng vẫn nên để trống một giả thiết: Nếu chuyến công du Hoa Kỳ của ông
Trọng không diễn ra như đề xuất từ phía Việt Nam thì sao?
Không khí từ Washington, DC, vào thời gian này dường như đang phản chiếu
sắc thái không được tươi tắn lắm của người Mỹ nếu tiếp đón ông Trọng. Thậm chí
còn có những thông tin cho biết có thể sẽ không xảy ra cuộc thù tiếp nào của
Tổng Thống Barak Obama dành cho người không phải là nguyên thủ Việt Nam.
Sự kiện ấn tượng nhưng cũng có thể việt vị không kém là vào Tháng Ba, giới
tuyên giáo đảng đã sôi nổi tung hô cùng rộng rãi loan báo cho giới truyền thông
nhà nước về chuyến đi Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, thậm chí còn kiêu
ngạo đến mức “Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chọn đi Trung Quốc hay đi Mỹ trước”?
Kết quả là ông Trọng đã đi Bắc Kinh “chào” Tập Cận Bình trước. Còn chuyện
đi Mỹ vẫn được mặc định bởi giới tuyên giáo và ngoại giao sốt sắng như sự đã
rồi. Tình hình như thế dẫn đến một hệ quả rất khó tránh: Nếu chuyến đi này
không diễn ra, hoặc diễn ra không đúng ý đồ của giới lãnh đạo Việt Nam, “uy tín
trên trường quốc tế” của Việt Nam sẽ mang tai tiếng đến thế nào. Và cả vai trò
của tổng bí thư lẫn người kế vị do ông giới thiệu nữa.
Cũng bởi phương trình ngang dọc ẩn số như thế, cuộc đối thoại nhân quyền
Việt-Mỹ vào đầu Tháng Năm đang trở nên một sự kiện đặc biệt, có khả năng đóng
vai trò cái chốt đóng – mở đối với việc ông Trọng có đi Mỹ hay không, và nếu đi
sẽ được tiếp đón ra sao.
P.C.D