07 mai 2015

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bác bỏ dự luật tôn giáo


Cách nay 13 hôm, chính phủ Việt Nam yêu cầu các chức sắc lãnh đạo tôn giáo cho biết ý kiến về « dự thảo luật tín ngưỡng tôn giáo » mà kỳ hạn sau cùng là hôm nay 05/05/2015. Thời gian tham khảo ngắn ngủi này bị xem là một thủ đoạn « dân chủ giả hiệu ». Trong phần góp ý, Hội Đồng Giám Mục nhận định dự luật tín ngưỡng tôn giáo « vì chỉ quan tâm đến quyền lợi của chính quyền , đi ngược lại Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và xu thế tự do dân chủ, nên cần phải được viết lại ».
 

Trong một sáng kiến được xem là bất thường do bị chỉ trích vi phạm tự do tín ngưỡng, chính phủ Việt Nam yêu cầu các tổ chức tôn giáo đóng góp ý kiến về « Dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo ». Thời gian tham khảo chỉ có 13 ngày và hạn cuối phải trả lời là hôm nay 05/05/2015.
Trong thông cáo phổ biến ngày hôm qua và gửi Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như Trưởng ban tôn giáo chính phủ Phạm Dũng, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam « nhìn nhận thiện chí » của chính quyền, nhưng chỉ ra 14 thiếu sót của dự luật và đưa ra 3 đề nghị .
Theo Hội Đồng Giám Mục, cơ quan lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam, dự luật tôn giáo của nhà nước « chưa làm rõ mục đích của luật, không không hợp lòng dân, ý trời, không tôn trọng quyền lợi người dân, mà chỉ quan tâm đến quyền lợi của nhà cầm quyền ». Điều « thiếu sót quan trọng nhất » của dự luật là không công nhận sự tồn tại hợp pháp của tổ chức tôn giáo, quyền sở hữu và sử dụng tài sản của tổ chức tôn giáo.
Dự luật còn quá mơ hồ, tạo kẻ hở cho hành pháp lạm dụng quyền lực để áp đặt, cưỡng chiếm đất đai, can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo, từ việc tu hành, hoạt động cho đến đào tạo và điều này chỉ gây lo ngại và bất an cho người dân hơn là đem lại bình an.
Với nhận định « Dự thảo luật đi ngược lại Tuyên ngôn Nhân Quyền Quốc Tế và cả Hiến pháp Việt Nam », Hội Đồng Giám Mục tuyên bố không đồng ý dự luật tín ngưỡng, tôn giáo của chính phủ, yêu cầu soạn dự thảo mới cho hợp với xu thế tự do dân chủ và tầm vóc xã hội tiến bộ. Cuối cùng, Hội Đồng Giám Mục đề nghị dự thảo mới phải công nhận tư cách pháp nhân của các tôn giáo, và phải tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo.
Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói chung và của một số vị giám mục nói riêng được truyền thông quốc tế xem là can đảm.

Nguồn: Theo RFI