11 juin 2015

Hiện trạng đất nước – Những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII (Kỳ 3)

Nguyễn Trung



Hiện trạng đất nước – Những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII (Kỳ 3)

Lời tác giả:

Kính thưa bạn đọc,
Hiện trạng đất nước, và những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đấy là nội dung chủ yếu trong phần đối thoại giữa một bên là đại diện lãnh đạo của đất nước, và một bên là đại diện giới doanh nhân và trí thức. Cuộc đối thoại này là phần chót và cũng là phần kết của tiểu thuyết “Lũ”.

Vì tính chất thời sự nóng bỏng của những vấn đề hệ trọng đang diễn ra – cụ thể là: (1) Tình hình mọi mặt của đất nước đặt ra đòi hỏi gay gắt phải cải cách thể chế chính trị; (2) ĐCSVN nắm quyền tuyệt đối và toàn diện, nhưng đang tha hóa và bất cập nghiêm trọng; (3) Trung Quốc đang từng giờ lấn chiếm biển Đông bằng đẩy mạnh xây dựng những căn cứ quân sự nổi trên các đảo và bãi chiếm của ta ở Hoàng Sa và Trường Sa, để quyết thực hiện đường lưỡi bò bằng sức mạnh quân sự, đồng thời can thiệp ngày càng nguy hiểm bằng các phương tiện kinh tế và chính trị vào nội tình nước ta, với hệ quả gây ra cho nước ta là trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên chưa bao giờ nước ta bị uy hiếp hiểm nghèo như hôm nay.

Vì 3 lý do như vậy, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn phần đối thoại này trong tiểu thuyết “Lũ”. Thiết tha mong mỏi cả nước, trước hết là các đảng viên ĐCSVN còn tâm huyết với đất nước, cùng suy nghĩ.

Hà Nội, 07 – 06 – 2015




            Nghe đến đây, vị đại diện lãnh đạo đấm bàn thình thình. Rồi ông đột nhiên đứng bật dậy, tay chỉ thẳng vào Yến, một thôi một hồi:

-                      Phản động! Bắt! Công an đâu? Bắt ngay! Bắt ngay! … Nói như thế là cực kỳ phản động! Không cho phép lợi dụng đối thoại để tuyên truyền phản động lật đổ chế độ!... Phản động như thế đừng có hòng… 

Hội trường nổ tung tiếng phản đối vị đại diện lãnh đạo, nhiều người đứng hẳn dậy hét lớn. Riêng khu vực cánh nhà báo và các viên chức nhà nước ngồi, mặt đất vẫn phẳng lặng giữa cái chợ vỡ. 

Vị cách mạng lão thành phải đứng dậy. Ông kéo vị đại diện lãnh đạo ngồi xuống, rồi đưa cả hai tay lên trời vãn hồi trật tự: 

-                      Bình tĩnh! Bình tĩnh! Tôi yêu cầu mọi người bình tĩnh! Đây là đối thoại, tất cả chúng ta phải bình tĩnh!...

Hội trường nhao nhao ủng hộ ý kiến vị lão thành cách mạng. Chờ sự yên lặng quay trở lại, vị lão thành cách mạng nói tiếp:

       Tôi thấy bà Yến nói lên nhiều phê phán quyết liệt. Đúng sai thế nào rồi đây sẽ mổ xẻ. Nhưng đến giờ tuyệt nhiên chưa thấy bà nói về giải pháp. Mời bà đi thẳng vào yêu cầu này.

Yến đứng dậy, nói tiếp:

       Xin cảm ơn vị lão thành cách mạng. Tôi xin tiếp tục.

Thưa các quý vị, trong tình hình nguy hiểm và bế tắc hiện nay, cả nước đang xôn xao chung quanh câu hỏi: Theo Trung Quốc thì mất Đảng, theo Mỹ thì mất chế độ, theo ai bây giờ?
Một đất nước có hai nghìn năm lịch sử, một dân tộc anh dũng chống ngoại xâm mà hôm nay phải hỏi mình như thế hả trời đất?! – Yến gần như hét lên, nắm cả hai tay giơ lên cao như đang hỏi trời và hỏi cử tọa.
– …Hỏi phải theo ai? Như vậy, thực lòng tôi không hiểu tổ quốc chúng ta bây giờ đang ở đâu?
Tôi xin lỗi được phép nhận xét: Chính sự phân vân này, đặc biệt là trong cả giới trí thức, cho thấy đến nay chúng ta đang trở nên hèn yếu và mất phương hướng đến nhường nào! Cách đặt câu hỏi như thế càng cho thấy hình như chúng ta hôm nay vẫn chưa học được bao nhiêu từ hai bài học đẫm máu. Thiếu sót này nguy hiểm lắm. Bởi vì, dù là theo ai, mà ta không phải là chính ta, thì bao giờ người theo cũng chỉ là con tốt trên bàn cờ cho người chơi cờ sử dụng. Kinh nghiệm cay đắng của bảy mươi năm qua là như vậy.
Xin thưa: Số phận của đất nước ta được định đoạt không phải ở chỗ theo ai, mà là ở chỗ ta phải là chính ta và phải có năng lực và phẩm chất tập hợp được sự hậu thuẫn của cả thế giới cho sự nghiệp của nước ta nói riêng và cho lẽ phải nói chung. Đấy mới là con đường sống. Nếu bản thân ta không tự đứng lên là một người có nhân cách và bản lĩnh, có lẽ sống và dám sống, mà cứ dặt dẹo như một tên nghiện hút xì-ke ma túy, hỏi rằng ta sẽ tự sống sao được, và ai sẽ chơi với ta?
Xin thưa, dứt khoát không thể gửi nhà cho Tàu hoặc Mỹ giữ hộ được. Cũng chẳng có Tàu hay Mỹ nào chịu làm lính đánh thuê giữ nhà cho ta đâu ạ.
(Tiếng vỗ tay ran lên)
Thưa các quý vị, – Yến nói tiếp – … hàng chục năm nay, nhìn vào hiện trạng đất nước, các đảng viên thuộc ba thế hệ trong đại gia đình của chúng tôi cứ phải hỏi nhau: Để đất nước chúng ta suy yếu và tha hóa mọi mặt như hôm nay, những hy sinh tổn thất của cả dân tộc ta trên chặng đường bảy mươi năm qua, trên chặng đường bốn mươi năm qua có đáng hay không?
Tôi còn nghĩ rằng: Để đất nước lâm vào tình cảnh như hôm nay không một đảng viên nào, từ đảng viên thường đến Tổng bí thư, có quyền nói trước dân tộc là mình vô can! Kể cả tôi đang đứng trước mặt các quý vị! Tôi muốn nhấn mạnh điều nghiêm trọng này trước khi nói suy nghĩ về giải pháp.
(Hội trường vỗ tay nhiệt liệt tán thành và cổ xúy Yến)

       Thưa các quý vị, thế giới hôm nay không mảy may quan tâm dân tộc ta đang phải mang trên mình những vết thương gì trong quá khứ, và hiện tại đang yếu kém ra sao. Thế giới hôm nay chỉ nghiêm khắc đặt ra cho nước ta những đòi hỏi và thách thức.

Trung Quốc hôm nay cũng chẳng dành cho nước ta sự chiếu cố nào về hoàn cảnh hay quá khứ bang giao giữa hai nước, mà chỉ đặt nước ta đứng trước vấn đề: Hoặc là anh đủ sức trở thành đối tác được tôi tôn trọng, hoặc là anh dặt dẹo cam chịu tôi khuất phục làm thuộc hạ? Chấm hết ạ!
Thưa các quý vị, thế giới khắc nghiệt hôm nay nói chung và Trung Quốc siêu cường Đại Hán đang lên nói riêng chỉ đặt ra cho nước ta câu hỏi duy nhất: Tồn tại hay không tồn tại – với tính cách là một quốc gia độc lập có tự trọng và được tôn trọng?
Cuộc sống quyết liệt của đất nước hôm nay cũng chẳng dành cho dân tộc ta giây phút chờ đợi nào, để “ta tự xử lý ta với nhau” cho xong mọi chuyện trong quá khứ đã, trước khi ta bắt tay vào công việc đối xử với cả thế giới và tìm cách sống được bên cạnh Trung Quốc. Có phải như thế không ạ?
Hơn nữa, tình trạng tay trái chém tay phải giữa ta với ta như đã xảy ra trên chặng đường đất nước đã đi bảy thập niên qua và bốn mươi năm qua đang hằn sâu trong tâm thức một bộ phận dân tộc cách nghĩ và mối quan hệ “có mày không tao”.
Hiểm nguy hơn nữa, hiện nay trong lòng đất nước vẫn đang tồn tại một đồng minh đầy quyền lực nhưng giấu mặt, đang vô ý thức hay có ý thức dung dưỡng tiếp trên thực tế sự chia cắt dân tộc đã xảy ra từ cách đây bảy mươi năm.
Xin thưa: Kẻ đồng minh đầy quyền lực và giấu mặt này hôm nay có tên gọi là kiên định độc lập dân tộc phải gắn với chủ nghĩa xã hội!
(Hội trường lao xao một lúc…)

       …Tư duy này hôm nay khét lẹt đến mức quy kết: Không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước!

Nhiều người lãnh đạo lúc nào cũng hô to phải trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội, mặc dù ngay cả người cao nhất của Đảng cũng phải thừa nhận chưa biết đến cuối thế kỷ 21 này chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào!
Xin thưa các quý vị:  Chính cái tư duy này là một trong những tác nhân trực tiếp đang chủ động góp phần làm sâu sắc thêm hận thù, khoét sâu thêm vết thương dân tộc, nhất là mỗi lần vào dịp ngày Ba mươi Tháng Tư đến!
(Hội trường chao đảo như nứt toác, như có luồng điện xung mạnh đột ngột chạy qua. Vị lão thành cách mạng nét mặt chăm chú đến tột độ. Vị đại diện lãnh đạo hai bàn tay trở thành hai quả đấm siết chặt trên mặt bàn, hai môi bặm vào nhau…)
Thưa các quý vị,  – Yến tiếp tục – … làm sao có thể bắt dân yêu nước thì nhất thiết phải yêu chủ nghĩa xã hội của Đảng như đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của đất nước được ạ?
… Về hòa giải dân tộc, xin cho phép tôi lưu ý các quý vị: Đất nước chúng ta trong thế giới hôm nay và bên cạnh Trung Quốc như thế này, hoàn toàn không cho chúng ta thời giờ trang trải sòng phẳng ân – oán, đúng – sai giữa ta và ta với nhau trong bảy mươi năm qua đâu các vị ạ… Xin hãy vì tổ quốc của chúng ta không bao giờ được phép nhắm mắt trước thực tế này!
Và giả thử có làm được cái việc trang trải bằng cách chúng ta xóa sổ lẫn nhau cho đến người cuối cùng đi nữa, cũng không bao giờ trang trải hết nổi với nhau đâu. Có phải thế không ạ?
Đây là sự thật đầy oan khiên đang chặn đứng con đường dẫn tới hòa giải dân tộc. Đây chính là sự thật bây giờ mỗi người Việt Nam chúng ta phải nhìn thẳng vào! Yêu nước, thương dân tộc mình, thì chỉ còn mỗi con đường phải đối mặt với sự thật này để quyết vượt lên quá khứ.
Phải nhìn thẳng vào những thách thức, những đòi hỏi đang đặt ra cho đất nước, để mỗi chúng ta vượt lên chính mình, thực hiện cho bằng được hòa giải dân tộc.
Cho nên, hòa hợp dân tộc hoàn toàn không phải chỉ nhằm mỗi mục đích xóa hận thù cũ, khép lại quá khứ, để dĩ hòa vi quý! Hoàn toàn không phải chỉ có thế! Mà nhất thiết phải đi xa hơn nhiều! Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, dân tộc ta không thấp kém đến nỗi chỉ vướng víu loay hoay với nhau trong những khó khăn tình cảm vụn vặt như vậy khi xảy ra bi kịch bất hòa dân tộc, mà còn luôn luôn biết vượt lên tất cả, vì đại nghĩa… Lấy bao dung, lấy đại nghĩa để vượt lên quá khứ. Thậm chí, nếu có xảy ra đổ vỡ nào trong lòng đất nước sức con người chưa làm sao hàn gắn ngay được, thì lấy khoan dung, lấy kiên định vận dụng sự trợ giúp của thời gian!.. Một dân tộc trưởng thành thì phải có văn hóa và bản lĩnh hành xử như thế.
Thưa các quý vị, tôi xin phép nhấn mạnh: Hòa hợp dân tộc hôm nay trước hết là để nhìn lại mọi yếu kém của chính mỗi bản thân chúng ta, dù là bên này hay bên kia, là tự giác ngộ chính ta.
Hòa hợp dân tộc như vậy là để tự đứng lên giải phóng chính ta khỏi cái ngu dốt về thiên hạ và thế giới.
Hòa hợp dân tộc như vậy là để giác ngộ cho bằng được những cái còn thấp kém của chính bản thân mỗi chúng ta trong việc ý thức và bảo vệ  lợi ích tối cao của quốc gia, cũng như để hiểu được con đường xây dựng nên những giá trị tạo ra sự phát triển của quốc gia.
Cho nên, hòa hợp dân tộc như vậy trước hết và duy nhất là để ta phải trở thành chính ta trong thế giới này, đồng lòng nhất trí cùng nhau tạo dựng bằng được một Việt Nam ta là chính ta và dám dấn thân cùng thế giới! 
Vị lão thành cách mạng đột nhiên giơ tay:

       Tôi xin lỗi chen ngang hỏi một câu: Bà Yến nói về hòa giải dân tộc như thế có khác gì bắt dân tộc ta phải sám hối! Bà dám đòi dân tộc phải sám hối có phải không?

Yến:

       Xin thưa, thực lòng tôi không dám ạ. Nhưng nếu quý vị coi việc tự nhìn nhận lại mình để thực hiện bằng được hòa giải dân tộc là việc sám hối, tôi xin phép tán thành với tất cả tâm nguyện việc sám hối như thế.

Đúng là dân tộc ta đang cần việc sám hối như thế. Để biết đau, biết nhục, biết cái hèn kém của mình. Để nhất quyết phải tìm một con đường sống khác. Nhất thiết phải như thế ạ.
Tóm lại: Hòa hợp dân tộc hôm nay trước hết là để quyết cùng nhau hun đúc trí tuệ và ý chí để trở nên một dân tộc trưởng thành không gì chia cắt và lung lạc được, tạo ra cho dân tộc mình sức mạnh đứng được trong thế giới khắc nghiệt hôm nay, với tính cách là một thành viên có tự trọng và được tôn trọng trong cộng đồng quốc tế.
Xin hãy đem tất cả trí tuệ và nghị lực xây dựng hòa hợp dân tộc như thế, bắt đầu từ xóa bỏ độc quyền yêu nước, từ thực thi dân chủ và tự do, từ bảo đảm công khai và minh bạch trong toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Tinh hoa và trí tuệ của cả nước lúc này hơn bao giờ hết có nghĩa vụ dồn sức thực hiện bằng được hòa giải dân tộc như thế, để nhờ đó có ý chí và trí tuệ đổi đời số phận đau thương của đất nước đã bị giam hãm gần hai thế kỷ nay trong nghèo nàn, lạc hậu, và hiện nay vẫn đang bị trói buộc tiếp trong nô dịch, tụt hậu và lệ thuộc!
Không có hòa giải dân tộc như thế, dứt khoát không thể đổi đời nước ta thành một nước phát triển, để có độc lập – tự do – hạnh phúc, để thoát được ách nô dịch của Trung Quốc.
Tổ quốc Việt Nam của chúng ta hôm nay xứng đáng có một hòa hợp dân tộc như thế, và phải như thế! – Yến càng nói càng sôi nổi.

(Cả hội trường đứng dậy vỗ tay rầm rầm…)
Giáo sư Hoàng Quốc Túy:

       Xin cảm ơn bà Yến, tôi hoàn toàn tán thành. Bây giờ cho phép tôi nói rõ thêm về chiến tranh hay hòa bình trong các mối quan hệ liên quan đến Trung Quốc trong cục diện thế giới hôm nay.

[1] Tìm xem “Appeasement Policy” trên Google – Wikipedia.
Xin thưa, như một phản ứng tự nhiên trước những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, không phải ngẫu nhiên trong giới chính khách và học giả trên thế giới hiện nay bỗng dưng rộ lên chuyện nghiên cứu lại những bài học của lịch sử về các nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới II. Cuộc thảo luận này kết luận: Chính sách xoa dịu (appeasement policy) [1] mà Anh và Pháp vào những năm 1930s đã tiến hành, với hy vọng sẽ ngăn chặn được cuồng vọng của Hitler, đã hoàn toàn thất bại. Kết quả đạt được là nước Đức của Hitler được khuyến khích tiến nhanh hơn nữa vào chiến tranh thế giới II, Áo và Tiệp Khắc là hai nước bị “thí” đầu tiên cho phát xít Đức. Cuộc thảo luận này cũng nhắc lại bài học lại lịch sử nhục nhã của thống chế Philippe Pétain, người đứng đầu chính phủ Pháp bấy giờ [2] đã chủ trương đầu hàng và câu kết với Hitler, cốt mong cho nước Pháp được yên thân. Nhưng cái mà Pétain đạt được là nước Pháp vẫn không thoát khỏi bàn tay đẫm máu của nước Đức Hitler. Sau đó Pétain bị nước Pháp chiến thắng phát xít Đức kết án tử hình, nhưng vì tuổi già, nên được hưởng án tù chung thân. Cũng trong cuộc thảo luận này, người ta nhắc lại sự thỏa hiệp của Liên Xô bằng cách “thí” Balan cho Đức qua hiệp ước Molotov – Ribbentrop ký ngày 23-08-1939. Nhưng bước đi ngoại giao này cũng không cứu được Liên Xô thoát nổi họa xâm lăng của phát xít Hitler. Cuộc thảo luận trên thế giới hôm nay cũng nêu ra những bài học tương tự như vậy đối với chủ nghĩa phát xít Nhật.

[2] Gọi là chính phủ Vichy (1940 – 1944), vì đặt thủ đô Pháp ở vùng này.
[3] Vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc giáp ranh với Áo, 1938 bị sáp nhập vào nước Đức Quốc xã do chính sách xoa dịu của thủ tướng Anh Neville Chamberlain.
Các chính khách và học giả trên thế giới đi tới kết luận: Thế giới ngày nay không được phép để tái diễn một loại chính sách xoa dịu như thế đối với Trung Quốc hôm nay, dù bất kỳ dưới hình thức nào. Thế giới hôm nay lại càng không thể coi Biển Đông là Sudetenland
3[3] là vật tế thần dâng hiến cho Trung Quốc, với ảo tưởng làm dịu được tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Đơn giản là nếu chấp nhận để cho Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận để cho Trung Quốc khống chế hoàn toàn con đường thông thương huyết mạch qua eo Malacca chiếm khoảng phần nửa lưu lượng vận chuyển hàng hóa toàn thế giới! Thế giới đặt câu hỏi: Con đường tơ lụa trên biển triều đại Tập Cận Bình đề xướng liên quan đến chuyện này như thế nào? Chưa nói đến Biển Đông đang được Trung Quốc coi là kho nhiên liệu sống còn cho tương lai siêu cường Trung Quốc!
Đặc biệt nguy hiểm, đến nay Trung Quốc đã xây xong bảy căn cứ quân sự trên các đảo thuộc Hoàng Sa của ta mà Trung Quốc đã chiếm trong các năm 1956 và 1974, trên 7 đảo Trường Sa của ta mà Trung Quốc đã chiếm năm 1988, dựng lên cái Trung Quốc gọi là Vạn Lý Trường Thành trên Biển Đông. Trên thực tế, đấy là một chiến lũy trên biển án ngữ toàn bộ vùng biển nước ta, đồng thời nhằm từng bước khẳng định bằng vũ lực đường lưỡi bò 9 vạch, mở rộng dần việc kiểm soát trên thực  tế toàn Biển Đông. Trung Quốc đang tính thời điểm cho việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Giới lãnh đạo Trung Quốc từ Tập Cận Bình trở xuống, không dưới một lần gọi những hành động này nằm trong phạm vi chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc, khẳng định lập trường này của Trung Quốc trên Biển Đông rắn như đá, không thể thay đổi được… Họ đang cân nhắc thời điểm thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở vùng này…
Trong chính giới Trung Quốc, đặc biệt là cánh diều hâu, có nhiều ý kiến cho rằng phương Tây hiện nay chưa ra khỏi suy thoái kinh tế. Trong khi đó sau chiến tranh Iraq, Mỹ bây giờ mới quay trở lại châu Á nên chưa kịp bén chân và đang bị phân tán vì bận bịu tứ tung, sắp tới lại có bầu cử nữa… Vì thế lúc này là thời cơ cho Trung Quốc cần chớp lấy. Nguy cơ đụng độ trên biển hay chiến tranh lấn chiếm biển đảo vì vậy trở nên thường trực, giới quân sự Mỹ đã nhiều lần cảnh báo. Trên thực tế Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự mới nghiêm trọng ở vùng biển Hoa Đông, ngày 20-11-2013 đã lập vùng nhận dạng phòng không (AIDZ) ở đây bao gồm cả vùng trời đảo Senkaku thuộc về Nhật mà Trung Quốc đang đòi, và vùng trời bãi đá ngầm Socotra thuộc Hàn Quốc mà Trung Quốc đang tranh chấp. Không phải ngẫu nhiên hợp tác quân sự Mỹ – Nhật và hợp tác quân sự Mỹ – Philippines được nâng lên cấp độ mới để ứng phó. Hơn nữa nội tình Trung Quốc đang có nhiều chuyện rối ren cần phải hướng sự bùng nổ ra bên ngoài.
Chiến tranh lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, hoặc giữa Trung Quốc và Nhật trên Biển Đông tuy là một khả năng tiềm tàng, nhưng Trung Quốc phải suy tính nhiều, vì hỏa lực còn thua kém của mình, vì nhiều thứ khác, mặc dù Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội Trung Quốc phải chiến thắng bất kỳ cuộc chiến tranh cục bộ nào. Nhưng đối với các nước nhỏ trong vùng, trong đó có nước ta, từ 1956 đến nay, Trung Quốc sẽ liên tục lấn tới.
Thưa lão đồng chí và vị đại diện lãnh đạo, đương nhiên Mỹ không chịu khoanh tay ngồi yên. Việc Mỹ trở lại châu Á hiện nay là quyết liệt. Thực tế này cho thấy câu chuyện chiến tranh và hòa bình trong khu vực chúng ta trước hết là câu chuyện của mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ, và câu chuyện mối quan hệ giữa Trung Quốc và cả thế giới còn lại. Vấn đề Trung Quốc – Biển Đông về nhiều mặt cũng là vấn đề của thế giới!
Toàn bộ thực tế trình bày trên đặt ra cho Việt Nam đòi hỏi: Muốn giải quyết những xung đột trong quan hệ Việt – Trung, đặc biệt là trong vấn đề Trung Quốc –  Biển Đông, Việt Nam phải đứng vững trên đôi chân của mình và phải tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới. Chưa nói đến so sánh lực lượng Việt – Trung cũng đòi hỏi nước ta phải có cách tiếp cận vấn đề như vậy. Nghĩa là, nước ta nếu chỉ có chính nghĩa không thôi thì cũng chưa đủ, mà còn phải có các phẩm chất và giá trị tập hợp được cả thế giới tiến bộ đứng về phía ta, như bà Yến đã lưu ý các quý vị… – xin đặc biệt nhấn mạnh như vậy.
Thực tế 65 năm quan hệ Việt – Trung cũng cho thấy mọi cam kết song phương đạt được giữa hai nước liên quan đến độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia chưa một lần nào bảo toàn được lợi ích quốc gia của ta, mà thường là chỉ mang ý nghĩa một chặng dừng chân để tạo cơ hội mới cho Trung Quốc lấn tới bước tiếp theo.
Thưa các quý vị, chiếm đoạt vùng lưỡi bò là ý đồ chiến lược thường trực của Trung Quốc, đang được vận hành theo kiểu thế giới đặt cho cái tên là “cắt các lát xúc-xích salami” – nói theo ngôn ngữ Việt đại thể là xà xẻo dần từ miếng. Họ giành giật từng thời cơ, lấn chiếm từng bước, quyết thực hiện đồng bộ các biện pháp kinh tế – chính trị – quân sự, luôn luôn chủ trương thực hiện các bước đi đã đề ra càng sớm càng tốt!
Năm 2008 Trung Quốc đã thẳng thừng mặc cả với Mỹ chia đôi Thái Bình Dương, lấy đảo Hawaii làm mốc, nửa phía Đông là phần của Mỹ, nửa phía Tây là phần của Trung Quốc, dĩ nhiên Mỹ không thể chấp nhận. Gần đây Trung Quốc lại đưa ra ý kiến mới: Tốt nhất là Mỹ nên dành toàn bộ Đông Dương cho Trung Quốc, để Mỹ quay về giữ phần còn lại của ASEAN!  Đương nhiên chấp nhận sự chia chác như thế cũng có nghĩa siêu cường Mỹ chấp nhận tự sát, điều này chắc chắn là không thể!
Điều đã xảy ra là mọi hy vọng về một đồng thuận Mỹ – Trung (G2) được Obama khởi xướng khi lần đầu tiên bước vào Nhà Trắng mong kéo Trung Quốc đi chung với trật tự thế giới để kiềm chế Trung Quốc đã thất bại. Trục xoay Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay là phương án thay thế. Tàu chiến và máy bay Mỹ trong phạm vi vùng biển và vùng trời quốc tế bắt đầu thường xuyên tìm cách tiếp cận với các căn cứ nổi Trung Quốc xây dựng trên các đảo chiếm ở Biển Đông để khẳng định tự do thông thương theo luật quốc tế và UNCLOS 1982, phía Trung Quốc xua đuổi ráo riết. Giới nghiên cứu chiến lược của Mỹ đang khuyến khích thượng viện Mỹ sớm thông qua UNCLOS 1982 để tăng thêm cơ sở pháp lý quốc tế cho hoạt động của Mỹ tại vùng này. Căng thẳng đang tăng lên từng ngày.
Có thể phán đoán: Mỹ và đồng minh chắc chắn không thể để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông và uy hiếp toàn vùng. Mỹ sẽ cùng với đồng minh của họ chốt đến cùng chiến tuyến phía Bắc Biển Đông là Nhật Bản và Hàn Quốc, chiến tuyến phía Nam bắt đầu từ Philippines – mà làm như thế sẽ là giữ được vùng biển Đông Nam Á và bảo toàn được sự hậu thuẫn lẫn nhau trong liên minh với Úc, Ấn Độ… Mỹ chủ trương không tham gia vào việc tranh chấp biển đảo giữa các bên trên Biển Đông, nhưng kiên trì lập trường phải tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm tự do thông thương trên biển quốc tế.
Bước đi quan trọng nhất giữa Mỹ và đồng minh là Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ việc Nhật sửa đổi điều 9 của Hiến pháp, gỡ bỏ mọi hạn chế ràng buộc cuối cùng có liên quan đến chiến tranh thế giới II để Nhật có khả năng cùng với các đồng minh khác tham gia toàn diện vào các vấn đề quốc phòng và an ninh trong khu vực và có thể mở rộng ra cả ASEAN.
Cũng như hầu hết các quốc gia khác – vì rất nhiều lý do địa kinh tế và địa chính trị, Mỹ đương nhiên không muốn Việt Nam rơi vào vòng tay Trung Quốc. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ một Việt Nam phát triển mạnh và dân chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia và độc lập của mình. Mỹ đang làm tất cả đẩy mạnh thực hiện mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Vấn đề dân chủ và quyền con người là những vấn đề nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Mỹ, do chế độ chính trị của Mỹ đòi hỏi như vậy, không nên đơn giản hay cố tình xem đấy chỉ là những thủ đoạn diễn biến hòa bình.
Có thể nói trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình vì một nước Việt Nam phát triển và dân chủ, Việt Nam dấn thân đến đâu, sẽ nhận được sự hợp tác và hậu thuẫn của Mỹ đến đấy. Mỹ nói thẳng, sự hợp tác của Mỹ không nhằm thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam, vì Mỹ coi đấy là vấn đề thuộc chủ quyền và thuộc nội bộ tự thân sự phát triển của Việt Nam. Đây không chỉ là một tính toán khôn ngoan, mà còn là kinh nghiệm rất đắt của chính bản thân Mỹ. Kinh nghiệm này bắt đầu trở thành một nguyên tắc đối ngoại của Mỹ thời Obama.
Ví bằng, với những lý do nào đấy, giả thử Việt Nam chịu khuất phục đầu hàng Trung Quốc, đi hẳn với Trung Quốc. Mỹ sẽ coi đấy cũng chỉ là câu chuyện của Việt Nam, rồi Việt Nam sẽ phải tự rút ra bài học cho mình như đã từng được nếm trải trong quá khứ, nhân dân Việt Nam sẽ tự giải quyết công việc của mình. Trong trường hợp này, vị thế của Mỹ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không hề yếu đi. Thậm chí trong trường hợp này, các đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể sẽ chủ động liên kết chặt chẽ hơn nữa với Mỹ, để chặn đứng sự gia tăng bành trướng của Trung Quốc. Chí ít xu thế trong khu vực chống Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn, vì không thể nào chấp nhận sự bành trướng hiện nay của Trung Quốc.
Xin thưa các quý vị: Không bao giờ Trung Quốc có thể làm được vai trò lãnh đạo thế giới, cho dù một khi trở thành nền kinh tế lớn nhất đi nữa. Bởi vì tư duy và văn hóa Trung Quốc và chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán tự loại bỏ khả năng này: Văn minh nhân loại ngày nay không thể chấp nhận Khổng giáo và văn hóa mục tiêu biện minh cho biện pháp.
Song Trung Quốc thực sự đang là một cường quốc khu vực dồi dào bạo lực, nhưng vô cùng đói khát giấc mơ Trung Hoa, luôn luôn hành xử mềm hoặc rắn theo nguyên tắc (maxime, Grundsatz) mục tiêu biện minh cho biện pháp, đang uy hiếp áp đảo các nước nhỏ.
Có thể nhận định, Việt Nam không quan trọng đối với Mỹ đến mức nếu “mất” Việt Nam vào tay Trung Quốc ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này sẽ suy giảm hoặc suy sụp.
Nhưng xin thưa, nếu việt Nam không thực hiện được hợp tác toàn diện với Mỹ, gần như sẽ đồng nghĩa Việt Nam không thể cùng đi được với cả thế giới. Khỏi phải nói, nếu xảy ra như vậy, Việt Nam sẽ suy yếu và lép vế như thế nào trong quan hệ Việt – Trung, khiến Việt Nam sẽ chỉ còn đường bó tay cam chịu thuần phục Trung Quốc, làm quân cờ cho Trung Quốc, thậm chí có lẽ Việt Nam sẽ không đủ tiêu chuẩn để được Trung Quốc đối xử như Bắc Triều Tiên!
Thưa các quý vị, chúng ta cũng không thể bỏ qua một thực tế quan trọng khác: Mỹ và Trung Quốc có nhiều vấn đề phụ thuộc lẫn nhau, hiện đang tránh đụng độ trực tiếp với nhau. Thực tế này có nghĩa là trong một bối cảnh nhất định nào đó, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng một nước thứ ba nào đó bị một trong hai bên Mỹ / Trung bán đứng, mặc cả, đổi chác, đẩy ra làm bung xung chống bên kia, hoặc “thí” cho bên kia… Từ sau chiến tranh thế giới II cho đến hôm nay, đã nhiều lần các thế lực cường quốc chọn nước thứ ba làm trận địa giải quyết xung đột lợi ích trực tiếp giữa họ với nhau. Nhất là nước ta xin đừng lúc nào quên thực tế đầy máu và nước mắt này trong bốn cuộc chiến tranh đã trải qua ở thế kỷ trước (kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh của Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc nước ta, chiến tranh Campuchia). Cho đến nay, không dưới một lần phía Trung Quốc thẳng thừng đòi Mỹ không được nhúng mũi vào chuyện Trung Quốc tranh chấp biển đảo trong khu vực.
Thưa các quý vị, kịch bản Trung Quốc mong muốn nhất, và cũng đang được tiến hành thành công nhất đối với nước ta là: Duy trì một Việt Nam èo uột và phụ thuộc, cam chịu giữ đại cục, 4 tốt và 16 chữ, tiếp tục củng cố những gì Trung Quốc đã cướp được, và từng bước thực hiện quyền kiểm soát trên thực tế cái “lưỡi bò”.
Thưa các quý vị, lật đi lật lại mọi vấn đề, đặt ra mọi tình huống, tôi vẫn cứ phải quay lại kết luận: Tình hình hiển nhiên đòi hỏi nước ta phải có một chế độ chính trị đủ mạnh, thực hiện được hòa giải dân tộc để phát huy được tối đa sức mạnh quốc gia, đồng thời huy động được hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình. Đấy là cái bất biến ứng vạn biến nước ta đang thiếu. Đấy là cái dĩ bất biến nhất thiết nước ta phải có trong bối cảnh thế giới hôm nay. Cải cách chế độ chính trị hiện nay vì thế trở thành đòi hỏi tất yếu. Không làm được như vậy, Đảng dù có cam kết hàng nghìn hàng vạn lần với nhân dân “lãnh đạo Đảng và Nhà nước này không bán nước!” cũng chỉ là sáo rỗng.
(Tuy được nhắc nhở phải yên lặng, nhưng cử tọa vẫn không sao tránh khỏi bàn tán râm ran. Giáo sư Túy lại phải chờ một lúc)
Xin đặc biệt nhấn mạnh, trên thế giới hầu như hiếm có quốc gia nào điên khùng ủng hộ khát vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Chắc chắn cũng rất hiếm có như thế một quốc gia nào trên thế giới lại mong Việt Nam rơi vào vòng tay ôm ấp của siêu cường Trung Quốc. Vì vậy cũng phải đánh giá đúng tầm: Lợi ích quốc gia thiêng liêng của ta và tình hình khu vực này sẽ ra sao, phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh hay sự nhu nhược của chính nước ta.
Bài học tháng Hai năm Bảy chín (02-1979) cho thấy Trung Quốc rất tàn ác, nhưng không phải ta không xử lý được.
Sự kiện giàn khoan HD 981 tháng 5-2014 là cái “test” mới nhất cho thấy Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được, nên buộc phải rút sớm trước một tháng.
Bởi vì Việt Nam rất quyết liệt bảo vệ chủ quyền của mình, thế giới lên án nghiêm khắc hành động phi pháp của Trung Quốc.
Phải rút sớm một tháng, vì Trung Quốc lo rằng chế độ chính trị của ta sẽ không thể kiểm soát nổi sự phản kháng quyết liệt của nhân dân ta, khiến Trung Quốc có thể sẽ mất chỗ đứng đã tạo dựng được ở Việt Nam.
Phải rút sớm một tháng, để đi những nước cờ mới thâm hiểm hơn: chia rẽ nội bộ lãnh đạo Việt Nam và làm cho dư luận thế giới mỏi mệt.
Phải rút sớm một tháng, vì nếu quá thô bạo, sẽ khuyến khích hình thành sớm ở đây một vành đai chống Trung Quốc rất bất lợi…
Trong khi đó Trung Quốc đang có trong tay khoảng bốn nghìn tỷ đô-la dự trữ để theo đuổi những chính sách thâm nhập khác của “củ cà rốt” không kém phần nguy hiểm đối với cả thế giới. Cái gọi là Ngân hàng Đầu tư phát triển hạ tầng Châu Á (AIIB) và con đường tơ lụa trên biển ra đời vì mục đích này, và phải thừa nhận “củ cà rốt” thường hấp dẫn được các con thỏ!
Liên quan đến vấn đề chiến tranh và hòa bình trên Biển Đông, tôi muốn đặc biệt lưu ý hai vị:

       Chủ động giữ hòa bình cho nước ta trên Biển Đông trước hết có nghĩa nước ta phải đủ bản lĩnh làm nản lòng, chứ không phải khuyến khích, những tính toán chiến tranh của Trung Quốc đối với nước ta.

       Chủ động giữ hòa bình cho nước ta trên Biển Đông trước hết có nghĩa bất kể hành động lấn chiếm nào có vũ trang hoặc không vũ trang của Trung Quốc đối với các vùng biển đảo của nước ta sẽ vấp phải sự chống cự không khoan nhượng của cả nước ta, chứ không phải là chính quyền đem công an đi trấn áp dân yêu nước, chỉ để giữ “đại cục”!

       Chủ động giữ hòa bình cho nước ta trên Biển Đông còn có nghĩa nước ta sớm muộn phải đủ sức tạo ra bằng được tình hình Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược của nước ta đúng như tinh thần và nội dung của khái niệm này – đương nhiên không phải và không thể bằng cách ta “thuần hóa” cái bá quyền của Trung Quốc, mà chỉ có thể bằng cách nước ta phải vươn lên giầu mạnh, khiến cho Trung Quốc phải chấp nhận một Việt Nam được tôn trọng trong quan hệ song phương Việt – Trung. Đây là vấn đề trong tầm nhìn dài hạn, song lại phải bắt tay vào việc ngay từ hôm nay, nói cụ thể hơn nữa là từ cải cách chính trị Đại hội Đảng sắp tới cần đề ra.

Tôi xin phép diễn giải một cách nôm na nhưng khái quát mối quan hệ Việt – Trung nước ta nên lựa chọn. Đó là:
Ta không bao giờ có lợi ích chống Trung Quốc hoặc đi với ai chống Trung Quốc. Ta rất mong và luôn sẵn sàng làm hết sức mình đời đời có quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với Trung Quốc, đồng thời mối quan hệ song phương này nhất thiết không được phương hại đến bất kỳ nước thứ ba nào. Là quốc gia độc lập có chủ quyền, nhất là đòi hỏi phát triển của nước ta rất gay gắt, nước ta sẽ hợp tác hết mình với tất cả các đối tác mình có được cho mục tiêu chiến lược này. Dứt khoát vì lợi ích tối cao của quốc gia, dứt khoát vứt bỏ ý thức hệ, để thực hiện bằng được mục tiêu chiến lược này.
Trong trường hợp Trung Quốc xâm phạm lợi ích và chủ quyền quốc gia của ta thì ta quyết bảo vệ, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cả thế giới, kể cả Mỹ trong trường hợp tình hình đòi hỏi. Là láng giềng của Trung Quốc, ta hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác nếu có thể mọi bước đi đối ngoại của Trung Quốc phục vụ cho hòa bình, hợp tác và cùng phát triển. Nhưng nếu Trung Quốc có bước đi nào xâm phạm lợi ích chính đáng của các bạn bè ta hay gây tội ác với thế giới, nhất thiết ta phải lên án và cùng với cả thế giới bảo vệ lẽ phải. Đơn giản là vì thế giới không phải là một khu rừng của động vật hoang dã, nên mọi thành viên trong cộng đồng xã hội thế giới đều có trách nhiệm như nhau trong gìn giữ trật tự và bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Có dấn thân như vậy, nước ta mới trưởng thành và xây dựng được cho mình phẩm chất và khả năng tốt nhất là láng giềng tốt của Trung Quốc.
Thưa các quý vị, một nền ngoại giao như thế, đòi hỏi phải xây dựng trên nền tảng vững chãi của một nền nội trị trong một quốc gia tự do của một dân tộc tự do!
Nêu lên như thế, đủ biết Đảng đã lãng phí như thế nào bốn mươi năm đầu tiên của đất nước độc lập thống nhất.
Xin thưa các quý vị, sống bên cạnh Trung Quốc, lời nguyền địa lý chỉ cho phép nước ta lựa chọn một trong hai kịch bản để sống, đó là: Hoặc là cam chịu làm thân phận chư hầu của Trung Quốc, hoặc là vươn lên trở thành một quốc gia có tự trọng và được Trung Quốc tôn trọng, được bạn bè thế giới tin cậy, gửi gắm. Một Việt Nam tự do của dân tộc Việt Nam tự do!
Xin tạm dừng ở đây.
(Hội trường vỗ tay nhiệt liệt tán thành giáo sư Hoàng Quốc Túy)


(Còn tiếp)
N.T.