Việt nam đang đàm phán với các nhà chế tạo châu Âu và Hoa Kỳ để trang bị hiện đại hóa không lực vốn từ trước tới nay lệ thuộc vào Nga.REUTERS/Lee Jae-Won/Files |
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ hung
hăng trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Việt Nam đã kín đáo đàm phán với
nhiều nhà cung cấp Châu Âu và Hoa Kỳ để đặt mua thêm phương tiện, từ chiến đấu
cơ, máy bay tuần tra biển, cho đến phi cơ không người lái không vũ trang. Hãng
tin Anh Reuters đã tiết lộ thông tin này vào hôm nay, 05/06/2015, trong một bài
điều tra đặc biệt.
Đối với Reuters, trong toàn cảnh khu vực hiện nay, một khi lực lượng không quân Việt Nam được nâng cấp, quân đội Việt Nam sẽ trở thành một trong những lực lượng hùng mạnh nhất Đông Nam Á.
Cho dù các cuộc đàm phán để tìm mua máy bay được phía
Việt Nam giữ kín, nhưng thông qua các tập đoàn sản xuất, người ta đã được biết
là Việt Nam đã thảo luận với hãng máy bay Saab của Thụy Điển, tập đoàn châu Âu
Eurofighter, bộ phận sản xuất vũ khí của Tập đoàn Châu Âu Airbus và hai công ty
Mỹ Lockheed Martin và Boeing.
Các nguồn thạo tin từ các tập đoàn Âu Mỹ xác nhận rằng
trong những tháng gần đây, họ đã nhiều lần đến Việt Nam, cho dù trước mắt, chưa
có hợp đồng nào được đúc kết.
Giảm bớt tình trạng
lệ thuộc vào vũ khí Nga
Theo hãng Reuters, Việt Nam như muốn tăng cường ngành
không quân của mình theo hai hướng song song, vừa hiện đại hóa đội máy bay, vừa
giảm lệ thuộc vào một nguồn cung cấp chính là Nga.
Một nhà cung cấp vũ khí phương Tây nhận định rằng Hà
Nội đang muốn thay thế đội chiến đấu cơ gồm hơn 100 chiếc MiG-21 của Nga đã trở
thành cũ kỹ, và đã đặt mua hơn một chục chiến đấu cơ Su-30 để bổ sung cho đối
máy bay Su-30 sẵn có và Su-27 thuộc thế hệ trước.
Nha cung cấp phương Tây này khẳng định : « Chúng tôi ghi
nhận được nhiều tín hiệu cho thấy là Việt Nam muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào
Nga. Quan hệ hữu nghị ngày càng chặt với Mỹ và châu Âu sẽ giúp Việt Nam
làm được điều đó ».
Đối với Reuters, sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan
HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 05/2014, Việt
Nam đã nhận thức thêm rằng mình cần phải ưu tiên nâng cao năng lực tuần tra và
giám sát biển, bên cạnh những khả năng khác. Phương tiện giám sát từ trên không
đã trở nên rất cần thiết.
Các phương tiện
giám sát biển và cảnh báo sớm
Theo một nguồn tin có kiến thức trực tiếp về các
cuộc đàm phán, Việt Nam đang chú ý đến các phi cơ của tập đoàn Thụy Điển Saab,
đặc biệt là loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư Gripen E, và loại Saab 340 hay 2000
gồm hai động cơ phản lực thích hợp cho nhiệm vụ tuần tra trên biển và cảnh báo
sớm trên không.
Nhiều nguồn tin khác cũng cho biết là Việt Nam đã mở
đàm phán về loại chiến đấu cơ Typhoon của Eurofighter, cũng như là F/A-50 do
Tập đoàn Mỹ Lockheed và tập đoàn Hàn Quốc Aerospace Industries đồng sản xuất.
Riêng Lockheed thì cũng đã thảo luận với Việt Nam về
loại phi cơ Sea Hercules, phiên bản dùng để tuần tra trên biển của máy bay vận
tải C-130 nổi tiếng của tập đoàn này. Cạnh tranh với Lockheed là Boeing, rất
muốn bán cho Việt Nam loại phi cơ tuần thám trên biển của mình.
Theo hãng Reuters, trong những năm gần đây, Việt Nam
cũng đã từ từ tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào vữ khí Nga khi mua thủy phi
cơ Twin Otter của Canada, và máy bay tuần tra hàng hải CASA C-212 của Airbus
Defence cho lực lượng cảnh sát biển và máy bay vận tải C-295 cũng của Airbus.
Một nguồn tin từ tập đoàn châu Âu cho biết là Airbus Defense đang đàm phán với
Việt Nam về việc trang bị các hệ thống tuần tra biển và cảnh báo sớm trên không
cho các chiếc C-295.
Nguồn: Theo RFI