Bây giờ là những ngày ngày cuối tháng 4 lịch sử. Lịch sử hôm qua đầy thương đau, và hôm nay cũng không khác mấy...
Đến giờ này, ai cũng biết Uỷ viên Bộ
Chính trị, Bí thư thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, đang đứng trước nguy cơ có thể
phải nhận một án kỉ luật liên quan đến trách nhiệm của ông khi còn là chủ tịch
Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hôm thứ 5 đã
kết luận, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu trong việc góp
vốn vào Ocean Bank, việc đầu tư xây dựng các nhà máy xơ sợi, xăng sinh học;
chịu trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư dàn trải;
thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm
lãnh đạo PVN, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp...
Trước đó, suốt từ cuối 2016 đến nay,
trên facebook, có những cá nhân cho rằng, ông Đinh La Thăng là nguyên nhân gây
ra những khoản thất thoát, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, phải chịu trách nhiệm về
những dự án đầu tư không hiệu quả, trong đó có dự án đầu tư nhiên liệu sinh
học, dự án hợp tác khai thác dầu ở Venezuela.
Việc xử lý ông Đinh La Thăng, đến hôm
nay đang ở bước đề xuất xem xét kỉ luật của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Hình
thức kỉ luật ra sao sẽ phải chờ Hội nghị Trung ương 5 quyết định bằng bỏ phiếu.
Trong trường hợp sau khi có quyết định kỉ luật, ông Đinh La Thăng sẽ rời vị trí
Bí thư thành uỷ TP.HCM hay không thì phải chờ Bộ Chính trị họp rồi quyết định.
Đến giờ, nhiều thông tin cho rằng, ông Thăng sẽ phải rời vị trí ấy.
Những cơ sở để dẫn đến đề nghị kỉ luật,
hầu hết báo chí đã đưa tin đầy đủ. Cũng đã có facebooker thay mặt toà tuyên án
Đinh La Thăng. Tôi không lấy mất thời gian của các anh chị đang đọc bài viết
này bằng việc nhắc lại những thông tin mà mọi người đều đã biết. Tuy nhiên, tôi
sẽ cung cấp thêm một số thông tin mà báo chí và các facebooker khi kết án ông
Đinh La Thăng, vì lý do nào đó mà không thông tin chi tiết.
Đầu tiên là về dự án hợp tác khai thác
dầu khí ở mỏ Junin-2 tại Venezuela. Vốn đầu tư của dự án khoảng 1,8 tỉ USD,
trong đó phía Việt Nam góp 40%. Khi mới chỉ giải ngân được một phần thì dự án
phải dừng lại vào năm 2014 do những bất ổn về chính trị, tình hình lạm phát
không thể kiểm soát và chênh lệch quá lớn giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá chợ
đen ở Venezuela.
Chính vì phải dừng dự án, chưa biết khi
nào có thể thực hiện được nên có ý kiến cho rằng ông Đinh La Thăng phải chịu
trách nhiệm về việc chôn tiền ở Venezuela. Thực tế, đây không phải là dự án
mang dấu ấn của cá nhân Đinh La Thăng. Khai thác dầu khí ở mỏ Junin-2 chính xác
phải gọi là dự án tiêu biểu cho cái gọi là "ngoại giao dầu khí" của
Việt Nam với Venezuela.
Cụ thể như sau:
Việc hợp tác khai thác mỏ Junin-2 được
ký kết vào ngày 20-11-2008 nhân chuyến thăm chính thức Venezuela của chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết.
Trong thời kỳ đàm phán để chuẩn bị đầu
tư, cứ 2-3 tháng lại có một đoàn của Tổng bí thư (lúc ấy là ông Nông Đức Mạnh),
chủ tịch nước, phó Thủ tướng... sang Venezuela và làm việc với đại diện đại
diện PVN.
Việc đàm phán hợp đồng khai thác Junin-2
không phải chỉ cá nhân Đinh La Thăng hay PVN quyết định, mà các đàm phán thuộc
tầm Chính phủ. Ông Hoàng Trung Hải lúc bấy giờ là phó Thủ tướng đã 4 lần sang
Venezuela đàm phán.
Dự án khai thác mỏ Junin-2 cũng đã được
Quốc hội phê duyệt. Chủ tịch Quốc hội lúc ấy là ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ.
Nhiều đại biểu Quốc hội khi ấy giờ chắc cũng nắm những vị trí cao trong bộ máy
chính quyền.
Ngày 29-6-2010, hợp đồng thành lập và
quản lý công ty liên doanh khai thác và nâng cấp dầu tại mỏ Junin-2 được ký kết
tại Venezuela cũng có sự chứng kiến của đại diện Chính phủ Việt Nam là phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải, cùng đại các bộ ngành ngoại giao, công thương, kế hoạch
và đầu tư... (Hình 1).
Đó chỉ là một trong những ví dụ cho
thấy, chỉ nói chung chung việc thất thoát của một dự án với cá nhân ông Đinh La
Thăng là chưa đủ, nếu không xem xét đầy đủ các khía cạnh và vai trò của ông
Thăng cũng như các cá nhân khác, đặc biệt là phải đặt trong bối cảnh ngoại giao
dầu khí.
Quay trở lại đề xuất kỷ luật, ông Đinh
La Thăng phải chịu trách nhiệm vì là người đứng đầu. Đây là lần hiếm hoi khái
niệm trách nhiệm người đứng đầu được sử dụng quyết liệt.
Với cơ chế được tiêu tiền không phải của
mình, thì thật khó để tìm kiếm được một doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả,
cũng thật là khó để tìm thấy một doanh nghiệp không làm sai, nếu không có những
đặc quyền. Nhưng, dù chúng ta có nói PVN phá hoại, thì cũng phải nhìn nhận thực
tế là suốt nhiều năm ròng rã, ngành dầu khí phải làm cả nhiệm vụ kinh tế, chính
trị, ngoại giao. Họ phải gánh cho GDP của cả đất nước này. Ví dụ vào năm 2011,
PVN đóng góp tới 26% GDP, và năm 2010 là 24%. (Hình 2).
Tôi không bình luận gì về việc kỉ luật
một quan chức trong hệ thống chính quyền. Trong thể chế chính trị này, khi bản
kê khai tài sản của quan chức là tài liệu mật, thì tôi chẳng tin có một quan
chức nào liêm khiết. Và thể chế kinh tế này, khi một cá nhân ngồi vào vị trí
quản lý kinh tế thì có lẽ họ đã là một tội phạm dự bị khi cần!?
Khi xem tivi phát thông tin về đề nghị
xử lý trách nhiệm Đinh La Thăng, bỗng dưng tôi chợt nhớ, ông này này đã từng
lớn tiếng phản ứng và trảm nhà thầu Trung Quốc và phía Mỹ, Nhật đều có chỉ dấu
chọn ông Thăng chứ không phải những cá nhân khác trong chính quyền Hà Nội.
Nhưng, xét về trách nhiệm người đứng
đầu, thì PVN đã là gì, nếu so với tương lai của cả dân tộc này?
(Còn tiếp...).