Bích Diệp
Bích Diệp: "Nói về 3 tỷ USD trong năm qua mà người Việt đã bỏ ra để mua nhà ở Mỹ, chưa bàn đến chuyện “tiền chìm”, “tiền nổi”, rằng 3 tỷ USD kia xuất phát từ đâu, có nguồn gốc hợp pháp hay không, minh bạch hay không? Mà nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI trong một lần trả lời Dân trí, liệu rằng đây có đơn thuần chỉ là một kênh đầu tư hay một sự dịch chuyển khối tài sản của giới nhà giàu Việt đã và đang chuyển những giá trị của mình ra khỏi đất nước?"
Một sự kiện đáng chú ý vừa diễn ra ngày đầu tuần này đó là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tham dự tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sức nặng, vai trò ngày một lớn của khu vực tư nhân trong nền kinh tế và ở mặt khác, đó là sự coi trọng, lắng nghe của Chính phủ đối với khu vực kinh tế này.
Tại diễn đàn, các doanh nhân, chủ doanh nghiệp và các chuyên gia đề cập nhiều đến môi trường kinh doanh, mảnh đất thể chế, pháp lý để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Trong đó, liên quan đến thông tin người Việt Nam chuyển tiền sang Mỹmua nhà, ông Don Lâm, đại diện Quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng, con số thực có thể còn lớn hơn 3 tỷ USD/năm vốn đang khiến dư luận xôn xao gần đây.
Vị này đặt vấn đề: “Người Việt chi tới 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ, gửi 13-14 tỷ USD ra nước ngoài. Vì sao dòng tiền lại chảy ra nước ngoài? Số tiền đưa ra nước ngoài rất lớn có phải cho thấy doanh nhân chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, phát triển tại Việt Nam?”. Bởi theo ông, môi trường đầu tư của Việt Nam còn có nhiều rủi ro khiến giới doanh nhân chưa yên tâm.
Nói tại diễn dàn, bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, “rất cần suy nghĩ” và “cần xác định rõ nguyên nhân là gì”, mặc dù theo ông, trên khía cạnh tích cực thì con số 3 tỷ USD một phầncho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam là tự do.
Trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 30/7, nhà báo Tư Hoàng dẫn một thống kê của VCCI cho biết, với 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Việt Nam vẫn còn tồn tại tới 5.719 điều kiện kinh doanh. Ông Trần Hữu Huỳnh ở VCCI đã phải thốt lên rằng: “Tôi rà soát điều kiện kinh doanh từ khi làm Luật Doanh nghiệp năm 1999, khi tóc còn xanh, đến nay tóc đã bạc mà điều kiện kinh doanh vẫn sinh sôi nảy nở”.
Rõ ràng, Chính phủ và bản thân Thủ tướng đều đang nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế tư nhân phát triển. Người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh tinh thần của Hiến pháp, cần làm sao để mọi người dân đều được tự do trong kinh doanh, được làm những gì mà pháp luật không cấm.
“Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”, tại diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định: “Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”, “những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.
Thế nhưng thực tế ai cũng có thể thấy, những “giấy phép con”, “giấy phép cháu” vẫn muôn hình vạn trạng “mọc lên” trong đời sống kinh tế. Cơ chế xin – cho tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ công chức nhũng nhiễu, hạch sách, làm khó người dân, doanh nghiệp vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Không chỉ phải đối mặt với tham nhũng vặt, mà sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế còn bị “bóp méo” bởi sự ưu ái với “tư bản thân hữu”, bởicơ chế “sân sau” mà không ít quan chức đang tạo ra trong lĩnh vực mà mình quản lý. 12 đại án kinh tế bị đưa ra xét xử trong năm 2017 là một con số không hề nhỏ chút nào!
Cho nên, nói về 3 tỷ USD trong năm qua mà người Việt đã bỏ ra để mua nhà ở Mỹ, chưa bàn đến chuyện “tiền chìm”, “tiền nổi”, rằng 3 tỷ USD kia xuất phát từ đâu, có nguồn gốc hợp pháp hay không, minh bạch hay không? Mà nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI trong một lần trả lời Dân trí, liệu rằng đây có đơn thuần chỉ là một kênh đầu tư hay một sự dịch chuyển khối tài sản của giới nhà giàu Việt đã và đang chuyển những giá trị của mình ra khỏi đất nước?
“Việt Nam cần phải là đất nước để ai cũng muốn gắn bó trọn đời, yên tâm trao gửi sự nghiệp cho nhiều đời sau” – có lẽ không chỉ là mong muốn của riêng cá nhân ông Đậu Anh Tuấn mà có lẽ là nỗi niềm, trăn trở chung của hàng triệu trí thức và đồng bào trong và ngoài nước chúng ta.
Bích Diệp