25 mai 2019

Cải cách Tư pháp: Phần 1- DÂN ĐEN TRƯỚC PHÁP ĐÌNH

Nguyễn Đăng Quang
Nguyên Đại tá Bộ Công an


Lời nói đầu: Đã hơn thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang tiến hành một công cuộc cải cách rất quan trọng nhưng lại không được quảng bá mạnh mẽ. Đó chính là cuộc Cải cách Tư pháp! Công cuộc đổi mới này có trọng tâm là cải cách ngành Tòa án, lấy Tòa án làm trung tâm trong quá trình Cải cách Tư pháp nhằm sớm đưa nước ta trở thành Nhà nước Pháp quyền độc lập! Nhưng đã trên 10 năm qua, công cuộc cải cách này không được làm triệt để, thành quả thu được chẳng là bao, dẫm chân tại chỗ! Mặc dù là người ngoại đạo, song tôi mạnh dạn góp đôi điều để thúc đẩy công cuộc Cải cách Tư pháp mà nhiều người nói hình như đã bị ngành Tòa án, Kiểm sát  và CQĐT lãng quên!


 *****

Ngày 28/8/2018 vừa qua, Tòa án Nhân dân Quận 2 Tp. HCM mở phiên tòa xét xử vụ một công dân ở Thủ Thiêm là ông Lê Văn Lung kiện Chủ tịch UBND quận 2 (Tp. HCM) đã ra ra quyết định cưỡng chế trái phép, phá sập ngôi nhà gia đình ông đang ở tại số 9 đường Trần Não. Ông Lung cho biết, vụ việc này ông đã khởi kiện từ trên 5 năm trước. Khi thụ lý, Tòa đã 2 lần mời các bên liên quan có mặt tại Tòa để đối chất, nhưng cả 2 lần, phía bị đơn là UBND quận 2 đều không thèm có mặt! Nay, vụ động trời Thủ Thiêm vỡ lở, Tòa án Quận 2 mới sực nhớ vụ kiện này và quyết định mở phiên xét xử vào sáng ngày 28/8/2018.

Theo lịch, 8 giờ sáng phiên tòa khai mạc. Nguyên đơn Lê Văn Lung cùng hàng trăm dân oan Thủ Thiêm và nhiều phóng viên báo chí có mặt đông đủ để tham dự và theo dõi phiên tòa. Nhưng mãi đến 9h20’, không thấy HĐXX xuất hiện, Hội thẩm nhân dân cũng không có mặt, đại diện phía bị đơn là UBND Quận 2 cũng không thèm cử ai đến, còn luật sư bào chữa cho bên bị cũng mất hút! Tòa phải tuyên bố đình hoãn phiên xử sang ngày 19/9/2018 tới! Qua việc hoãn phiên tòa này, người dân không chỉ cảm thấy bức xúc, mà còn cảm nhận rõ một điều là phía bị đơn (UBND quận 2) coi thường pháp luật, đồng loạt vắng mặt không cần lý do, buộc Tòa phải hoãn phiên xử! Trong phiên xử tới đây, nhiều người dự đoán, không loại trừ khả năng Tòa Quận 2 sẽ lại tìm lý do nào đó để hủy phiên xét xử tới!

Việc hủy bỏ phiên xử này mang lại cảm nhận cho người dân Thủ Thiêm là Tòa án Quận 2 đã coi thường luật pháp! Song một cảm nhận rõ hơn là các quan chức nhà nước (cụ thể là Chủ tịch UBND Quận 2) rất coi khinh Tòa! Điều này thể hiện ngay từ việc trước đây họ không thèm đến Tòa đối chất cho đến việc họ không thèm có mặt tại phiên xét xử hôm 28/8 vừa qua! Không rõ Tòa án Quận 2 có nhận ra điều này không và tại sao họ lại cam chịu? Trong một nhà nước pháp quyền, Đảng ta không nên để Tòa coi thường dân cũng như các quan chức lại xem khinh Tòa như vậy! Nếu không kịp thời ngăn chặn và chấn chỉnh các trường hợp này, tôi e rằng, sự ổn định xã hội và giá trị quyền lực ắt sẽ lâm nguy!

Nhân đây, xin nêu lên 3 trường hợp điển hình xảy ra trong việc truy tố và xét xử của ngành Tư pháp nói chung, Tòa án nói riêng đối với người dân thường để công luận thấy thực trạng luật pháp lâu nay đã bị quan chức nhà nước coi thường và dẫm đạp lên ra sao?

1-Vụ “Cướp bánh mỳ” xảy ra ở quận Thủ Đức (Tp. HCM). Đó là vụ 2 thiếu niên vì đói bụng mà cướp 2 ổ bánh mỳ trị giá 45.000 VNĐ, liền bị bắt giam, rồi bị đưa ra truy tố trước pháp luật và chịu mức án nghiêm khắc là 8 và 10 tháng tù giam vì “tội cướp giật tài sản”! Xin nhắc lại là tù giam chứ không phải án treo! Tội nghiệp cho 2 đứa nhỏ này, chúng chưa có tiền án, tiền sự, và đây là lần đầu chúng vi phạm pháp luật!

2- Vụ “Trộm 2 con vịt” xảy ra ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Đó là 3 chàng nông dân kém am hiểu luật pháp ngồi nhậu ngoài cánh đồng. Đang cao hứng thì hết “mồi”, thế là họ bắt trộm 2 con vịt hàng xóm đem nướng để tiếp tục cuộc vui! Họ liền bị bắt và bị đưa ra Tòa với tội danh “cướp tài sản công dân”! Cả 3 nông dân ít học này đều chưa có tiền án, tiền sự, lại có nhân thân tốt, chỉ do sốc nổi nhất thời mà phạm tội! Cả 3 đều hối lỗi, tự giác khắc phục hậu quả (bồi thường 2 triệu VNĐ) và được nạn nhân bãi nại. Ấy vậy pháp luật của ta không tha. Dù họ đã nhận tội và “hợp tác tốt” với CQĐT, nhưng ra tòa họ vẫn bị tuyên một bản án đanh thép, “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”! Kẻ thì 5 năm tù giam, 2 kẻ kia mỗi kẻ 4 năm tù giam, tổng cộng là 13 năm ngục tù cho 3 chàng nông dân trộm 2 con vịt hàng xóm!

3- Vụ “Tử hình Hồ Duy Hải”: Tôi xin nói kỹ hơn một chút về vụ án này. Vụ án mạng xảy ra ở Bưu cục Cầu Voi (Thủ Thừa, Long An) đêm 13/1/2008 làm 2 nữ nhân viên bị sát hại dã man. Trong các vụ án giết người, cướp của thì chứng cứ quan trọng bậc nhất là dấu vân tay của hung thủ để lại tại hiện trường và trên các hung khí gây án. Ở vụ án này, CQĐT thu được nhiều dấu vân tay của hung thủ, nhưng không có dấu vân tay nào của Hồ Duy Hải! Bản kết luận giám định 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An khẳng định: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. 

Ngay khi án mạng xảy ra, CQĐT Công an Long An triệu tập 20 nghi can. Sau khi sàng lọc, Ban chuyên án “khoanh” 4 nghi can có dấu hiệu đáng ngờ nhất, trong số này Nguyễn Văn Nghị được xác định là nghi can số một. Ba nghi can kia là 3 thợ kim hoàn tạm trú tại địa phương. Cả 4 nghi can đều quen biết 2 nạn nhân và đều có mặt tại hiện trường trong tối xảy ra vụ án. Nhưng không rõ vì sao, CQĐT lại trả tự do cho 4 nghi can trên, trong đó có Nguyễn Văn Nghị. Thế rồi hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Ban Chuyên án triệu tập 1 nghi can mới là Hồ Duy Hải để hỏi về tội cá độ bóng đá, nhưng lại đọc lệnh bắt và truy tố Hải về tội danh “thủ phạm giết hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi”! Ba tuần sau, ngày 11/4/2008, Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An xác định dấu vân tay để lại trên hiện trường không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Vậy các dấu vân tay này là của ai trong số những nghi can có mặt trong đêm xảy ra trọng án? Đây là tình tiết hết sức quan trọng, sao CQĐT không công bố? Với phương châm “Không bỏ lọt tội phạm, không bắt oan người ngay”, “Trọng chứng hơn trọng cung”, thiết nghĩ, CQĐT, Viện KSND và TAND tỉnh Long An phải trả lời câu hỏi trên! 



Trong vụ án này, đương nhiên Ban Chuyên án (CQĐT) phải lấy mẫu vân tay của tất cả 20 nghi can, trong đó có nghi can số một Nguyễn Văn Nghị để xem ai là kẻ có vân tay “trùng” với dấu vân tay thu được tại hiện trường? Nếu Ban chuyên án không lấy dấu vân tay của Nguyễn Văn Nghị hoặc có nhưng lại không trưng cầu giám định, hoặc có giám định song lại không công bố kết qủa, thì đây là điều rất khó hiểu, không thể chấp nhận được! Vậy xin hỏi HĐXX căn cứ vào cơ sở khoa học và chứng cứ pháp lý nào lại tuyên Hồ Duy Hải là thủ phạm giết 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi? Chẳng phải Phòng Khoa học Hình sự CA tỉnh Long An đã khẳng định các dấu vân tay thu được tại hiện trường không phải là của Hải, thế thì tại sao lại tuyên tử hình Hồ Duy Hải? Đồng thời CQĐT không đủ cơ sở và bằng chứng khẳng định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra trọng án (13/1/2008).



 
(Ảnh chụp một bài báo về vụ án Hồ Duy Hải đăng trên tờ “Pháp luật & Đời sống”.)


Người viết bài này tạm thời chưa khẳng định Hồ Duy Hải bị bức cung hay nhục hình! Trong thực tế, đã có nhiều vụ án oan sai là do nghi can không chịu nổi đòn tra tấn, nhục hình mà buộc phải nhận tội. Vụ án oan sai chấn động dư luận Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang là một điển hình. Hoăc như vụ nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị tra tấn đến chết trong trại tạm giam của CA Tp.Tuy Hòa (Phú Yên) là một minh chứng!

Trong vụ án Bưu cục Cầu Voi, một tình tiết rất đáng ngờ, nhất thiết phải làm rõ. Đó là sau khi được CA Long An thả, nghi can số một Nguyễn Văn Nghị đã trốn biệt tích hơn 10 năm qua, đến nay không ai rõ Nghị trốn ở đâu? Nếu là CQĐT, tôi sẽ truy tìm bằng được Nghị để lấy điểm chỉ 10 ngón tay giám định xem có trùng với dấu vân tay thu được ở hiện trường vụ án không? Một khuất tất nữa là vì sao mọi thông tin, lời khai, bút lục của nghi can Nguyễn Văn Nghị, lại bị rút ra khỏi Hồ sơ vụ án. Vậy ai thực hiện việc này và nhằm mục đích gì? Trả lời câu hỏi trên, chỉ có thể là CQĐT tỉnh Long An mà thôi! Tại địa phương (Long An) suốt 10 năm qua có dư luận râm ran nghi can Nghị là cháu ruột một quan chức rất “bự” trong bộ máy công quyền Trung ương, và y còn có người chú dượng cấp rất to ở địa phương! Vậy thực hư việc này ra sao, rất cần được làm sáng tỏ để giải tỏa mối nghi ngờ này, kể cả dư luận nói rằng Hồ Duy Hải phải chết để thế mạng cho Nguyễn Văn Nghị!

 
(Tử tù Hồ Duy Hải trong phiên tòa sơ thẩm ngày 1/12/2008. Nguồn: Internet)



Trong vụ án Bưu cục Cầu Voi nói trên, có 4 cơ sở sau khẳng định Hồ Duy Hải KHÔNG phải là thủ phạm giết người:
1- Dấu vân tay để lại tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải.
2- Không có nhân chứng nào nhận diện Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án (13/1/2008).

3- Không thu giữ được hung khí gây án, thế vào chỉ là “hung khí giả” được mua ở chợ để thế cho ”hung khí thật” không tìm thấy!

4- Hồ sơ Vụ án bị làm sai lệch; lời khai của bị cáo trong bản cung bị tự tiện sửa chữa, tảy xóa mà không có sự xác nhận của bị cáo.
Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc CA Tp.HCM, một trong 3 luật sư được gia đình bị cáo mời bào chữa, nhận định bản án tử hình của Hồ Duy Hải như sau:  “Bản án được xác lập theo một trình tự vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật tố tụng!”



Thật không thể hình dung nổi, đã sang Thế kỷ 21 rồi mà Tòa lại tuyên một bản án sơ đẳng và tàn nhẫn như vây?! Đã ở thời đại cách mạng 4.0, sao vẫn còn những phiên tòa ấu trĩ, sai sót đến phi lý như trên! Điều lạ lùng và cực kỳ khuất tất: cả 2 cấp tòa Sơ thẩm và Chung thẩm đều tuyên và y án tử hình Hồ Duy Hải, phớt lờ sự khẳng định của CQĐT là dấu vân tay thu được ở hiện trường vụ án không phải là của Hồ Duy Hải và chưa chứng minh Hải có mặt tại hiện trường nơi xảy ra trọng án! Người dân có quyền đặt câu hỏi: Vậy nguyên tắc xét xử ở đâu, CÔNG LÝ có đứng về phía dân lành không?



Xin nói rõ thêm, là sau phiên phúc thẩm ý án tử hình, gia đình và luật sư của tử tù Hồ Duy Hải đã 3 lần làm đơn kêu oan gửi tới 3 cơ quan tiến hành tố tụng là TANDTC, VKSNDTC và BCA:

1-“Đơn đề nghị giám đốc thẩm” (năm 2012): Nội dung chỉ ra những sai sót, mâu thuẫn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm. Đơn này đã bị  TANDTC và VKSNDTC bác bỏ, không chấp thuận.

2-“Đơn tố giác tội phạm” (tháng 5/2015): Nội dung tố cáo Nguyễn Văn Nghị (được xác định là

nghi can số 1, đã bỏ trốn biệt tăm sau khi được CQĐT thả) có nhiều dấu hiệu liên quan đến cái chết của 2 nữ nạn nhân xấu số ở Bưu cục Cầu Voi đêm 13/1/2008. Nhiều khả năng Nghị này chính là hung thủ đã giết hại dã man 2 nữ nạn nhân Bưu cục Cầu Voi.

3-“Đơn tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án” (tháng 6/2015): Nội dung chỉ ra những dấu hiệu và chứng cứ làm sai lệch hồ sơ vụ án. Nhiều lời khai, bút lục,... bị rút ra hoặc đưa vào hồ sơ vụ án gây bất lợi cho bị cáo dẫn đến việc truy tố, xét xử gây oan sai cho tử tù Hồ Duy Hải.



Song rất tiếc, 3 đơn trên không được chấp nhận và xem xét thấu đáo theo luật định. Một chi tiết rất khó hiểu, trong đơn tố giác tội phạm, gia đình Hồ Duy Hải ghi rõ: “Nguyễn Văn Nghị nhiều khả năng chính là hung thủ giết hại dã man 2 nữ nạn nhân”! Nhưng CQĐT đã không tìm được Nguyễn Văn Nghị (nghi can số 1 mà CQĐT đã xác định), thế vào lại đưa ra một người khác, tuy có tên là Nghị, nhưng lại là Nguyễn Hữu Nghị (không phải là người mà gia đình Hồ Duy Hải tố giác), để rồi kết luận Nghị này vô can, vì anh ta có chứng cứ ngoại phạm!?



*******

                                                                                                              

Hơn chục năm qua, Đảng và Nhà nước đã và đang tiến hành công cuộc Cải cách Tư pháp mà trọng tâm là cải cách ngành Tòa án để không xảy ra những vụ án oan sai, điển hình như các vụ Nguyễn Văn Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Đỗ Đăng Dư (Hà Nội), Ngô Thanh Kiều (Phú Yên), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) và gần đây là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), v.v... Muốn thực sự xây dựng Nhà nước pháp quyền, điều kiện tiên quyết là không thể thiếu vắng nền Tư pháp công minh, trong sạch, liêm chính, và trên hết là thượng tôn pháp luật, hay nói một cách khác dễ hiểu là phải có một nền Tư pháp tử tế!

                                                                    

Theo Điều 273 Bộ luật TTHS 2003 và Điều 371 Bộ luật TTHS 2015, khi có 1 trong 4 căn cứ theo quy định là đủ điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm. Vụ án Hồ Duy Hải này không chỉ có 1 mà có đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm! Điều này đã được Đoàn Giám sát của Quốc Hội về tình hình án oan sai, sau khi xem xét kỹ vụ án Hồ Duy Hải, ngày 20/3/2015, đã thống nhất gửi văn bản yêu cầu “kháng nghị giám đốc thẩm”! Không chỉ gia đình, mà cả 3 luật sư bào chữa và nhiều ĐBQH là thành viên của Ủy ban Tư pháp Quốc Hội cũng kiến nghị “kháng nghị giám đốc thẩm”! Song không hiểu lý do gì mà Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC vẫn lắc đầu từ chối, không chấp nhận “giám đốc thẩm” vụ án này?



Nhưng quả là đại phúc (dù chỉ là tạm thời) cho gia đình Hồ Duy Hải, trưa 4/12/2015, khi biết tin ngày 5/12/2015 sẽ thi hành án tử tù Hồ Duy Hải, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lập tức yêu cầu hoãn thi hành án. Mọi người thở phào nhẹ nhõm! Từ đó đến nay, đã 3 năm rưỡi rồi nhưng chưa có diễn biến gì mới. Tuy mới chỉ là hoãn thi hành án tử hình chứ chưa phải bản án tử hình đó được xét lại (giám đốc thẩm), nên tính mạng Hồ Duy Hải vẫn cồn bị treo lơ lửng và có thể bị thi hành bất cứ lúc nào!



Nếu TANDTC và VKSNDTC chấp thuận giám đốc thẩm vụ án này theo kiến nghị của gia đình và của 3 luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, đặc biệt là của Đoàn Giám sát của UBTV Quốc hội tháng 3/2015, điều này sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc Cải cách Tư pháp, giúp nước ta đẩy nhanh hội nhập với thế giới, làm cho xã hội ta công bằng hơn và tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nước ta sớm trở thành Nhà nước Pháp quyền, thực sự là của dân, do dân và vì dân! Và việc này cũng sẽ ít nhiều khôi phục lại lòng tin của nhân dân trên toàn quốc cũng như của người dân tỉnh Long An vào hệ thống TƯ PHÁP và CÔNG LÝ nước nhà!



Khoản 2 Điều 379 Bộ luật TTHS 2015 quy định thời hiệu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau: “Việc kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ thời điểm nào, kể cả trong thời điểm người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”. Với thời hiệu “Kháng nghị giám đốc thẩm” như trên, mặc dù 2 cấp có thẩm quyền vừa qua đã nói KHÔNG với kiến nghị này của Đoàn giám sát UBTV Quốc hội cũng như của gia đình và 3 luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải thì cũng không ngăn cản được mãi những đòi hỏi, yêu cầu đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải! Rồi đây thân nhân và các luật sư của Hồ Duy Hải sẽ tiếp tục yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm đến cùng để minh oan cho tử tù này, cho dù Hồ Duy Hải có bị hay chưa bị thi hành án tử hình!



                                                                                                                  Hà Nội, ngày 23/5/2019.

                                                                                                                                  N.Đ.Q.



Đón đọc:  Phần 2: “QUAN CHỨC và ĐẢNG VIÊN TRƯỚC PHÁP ĐÌNH”