27 mai 2019

Đến lượt các hiệp hội tiêu chuẩn công nghệ cắt quan hệ với Huawei

 
Danh sách đơn vị công nghệ tẩy chay Huawei ngày càng dài thêm - Ảnh: CNET
Ngày 24.5 có ba tổ chức tiêu chuẩn công nghệ cắt đứt quan hệ với Huawei, nối dài danh sách đơn vị hưởng ứng chiến dịch tẩy chay tập đoàn Trung Quốc do chính quyền Mỹ khởi xướng.


Hiệp hội SD (SDA) bỏ tư cách thành viên của Huawei. Liên minh Wi-fi (Wi-Fi Alliance) thông báo tạm thời hạn chế cho Huawei tham gia hoạt động của họ. Tập đoàn Trung Quốc tự nguyện rút khỏi Hiệp hội công nghệ bán dẫn (JEDEC).

SDA là tổ chức đặt ra các tiêu chuẩn cho thẻ nhớ dùng trong nhiều loại thiết bị điện tử khác nhau. Liên minh Wi-fi xây dựng tiêu chuẩn và cấp chứng nhận cho loại công nghệ không dây này. Còn JEDEC chịu trách nhiệm phát triển hệ tiêu chuẩn liên quan đến ngành vi điện tử.

SDA cùng Liên minh Wi-fi đều tuyên bố động thái họ vừa thực hiện nhằm tuân thủ lệnh cấm do Mỹ ban hành trước đó.

Mất tư cách thành viên SDA có nghĩa Huawei sẽ không còn có thể cung cấp sản phẩm sử dụng nhãn hiệu SDA chính thức và mất quyền tham gia xây dựng tiêu chuẩn trong tương lai. Hoạt động lập tiêu chuẩn của Liên minh Wi-fi, JEDEC cũng vắng mặt tập đoàn Trung Quốc.

Sản phẩm Huawei hiện tại vẫn dùng được thẻ SD cùng MicroSD. Chưa rõ tác động lớn đến mức nào, hãng này thời gian qua đã ra thẻ nhớ Nano (NM) riêng.

Ba tổ chức nêu trên là đơn vị mới nhất hưởng ứng chiến dịch tẩy chay sau khi chính quyền Mỹ tung đòn cấm vận: cấm công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông sản xuất bởi đơn vị gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đồng thời cấm Huawei lẫn 70 chi nhánh mua linh kiện từ nhà cung cấp Mỹ nếu không có sự chấp thuận từ chính quyền.

Trong số đơn vị “quay lưng” với Huawei có 2 cái tên nổi bật là Google và ARM. Vì Google không còn cho Huawei truy cập các bản cập nhật hệ điều hành Android cùng hàng loạt dịch vụ độc quyền (bắt đầu thực thi từ ngày 19.8) nên sản phẩm tương lai của hãng không thể dùng nhiều ứng dụng phổ biến như YouTube hay trình duyệt Chrome.

ARM là công ty thiết kế chip nổi tiếng. Ngoài Apple thì nhiều hãng điện thoại khác đều phải mua bản quyền thiết kế từ ARM để tạo nên chip riêng cho mình (như chip Kirin của Huawei). Mất đối tác quan trọng như vậy khiến khả năng tự phát triển chip của tập đoàn Trung Quốc bị đặt nghi vấn.

Hứng chịu khó khăn từ nhiều phía, hai tổ chức phân tích Phú Bang và Strategy Analytics dự đoán lượng điện thoại Huawei giao đi sẽ giảm tới 1/4. Cụ thể năm 2019 giảm trong khoảng 4 -24%, năm 2020 giảm 23%. Nguy cơ điện thoại hãng này biến mất khỏi thị trường quốc tế đang hiển hiện.


Trung Quốc dùng luật an ninh mạng trả đũa Mỹ?

Theo dự thảo “Các biện pháp đánh giá an ninh mạng” được Cơ quan An ninh mạng Trung Quốc công bố ngày 24.5, những đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng - bao gồm công ty khai thác viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ tài chính - phải đánh giá rủi ro an ninh quốc gia trước khi mua sản phẩm hay dịch vụ nước ngoài.

Chuyên gia Samm Sacks thuộc tổ chức nghiên cứu New America cảnh báo: “Trung Quốc có thể sử dụng quy định trong dự thảo chặn việc mua hàng Mỹ trên cơ sở an ninh, đáp trả lệnh cấm tương tự từ Mỹ trước đó”.

Dự thảo không liệt kê rõ ràng như thế nào bị xem là rủi ro an ninh mà chỉ đề cập vài ví dụ như rò rỉ, mất cắp, chuyển nhượng xuyên biên giới dữ liệu quan trọng hay đe dọa an ninh chuỗi cung ứng.

Nhà phân tích Nick Marro thuộc tổ chức The Economist Intelligence Unit (EIU) nhận xét chính sự mập mờ nêu trên tạo điều kiện cho giới chức Trung Quốc tùy tiện thực thi theo cách họ muốn, làm cho áp lực tuân thủ quy định mà các doanh nghiệp nước ngoài phải chịu là rất lớn.


Cẩm Bình (theo CNET, Engadget, SCMP)