22 mai 2019

Phản kháng Thiên An Môn và vài Bài học cho Dân chủ hoá ở Việt Nam


Nguyễn Quang A, DĐXHDS, Việt Nam



Phản kháng Thiên An Môn là một cách gọi ngắn gọn của một phong trào xã hội toàn quốc kéo dài bảy tuần mà đã lan ra khắp Trung Hoa đại lục trong năm 1989. “Vào ngày 17 tháng Tư, hai ngày sau khi Hồ Diệu Bang chết, các sinh viên ở Bắc Kinh đã xuống đường. Trong bảy tuần, những cố gắng to lớn của dân chủ hoá Trung Quốc đã trải qua một chu kỳ nhanh của sự huy động, sự phân cực, sự đối đầu đẫm máu, và sự đàn áp” [Đới Tình-Dai Qing]. Nhìn lại các cuộc Phản kháng Thiên An Môn sau 30 năm chúng ta có thể học một số bài học để noi theo hay để tránh ở nơi khác. Trong bài này tôi thử lựa ra vài hồi phản kháng và xem xét chúng dưới ánh sáng của “dân chủ hoá sôi động,” một khung khổ được Donatella del Porta đề xướng gần đây, để hiểu kỹ hơn quá trình phản kháng sinh viên năm 1989 và đặc biệt vì sao chúng đã thành công trong việc huy động nhưng rốt cuộc đã thất bại dẫn đến vụ thảm sát 4 tháng Sáu. Bài này thử rút ra vài bài học từ các cuộc phản kháng Thiên An Môn (và từ những sự huy động thành công hay thất bại khác cho dân chủ kể cả những huy động ở Đài Loan) mà đã ảnh hưởng đến việc hình thành một chiến lược trong năm 2013 cho dân chủ hoá ở Việt Nam. Chiến lược được tóm tắt ở cuối bài này.

I.                  MÔ TẢ

Tôi nghĩ là hữu ích để phân chia các đấu thủ thành vài nhóm ở những mức trừu tượng hoá khác nhau và phân định bảy tuần này thành vài pha theo các đấu thủ cụ thể.

Về phần các đấu thủ, sự phân chia thô nhất (ở mức P0) là chia họ thành những người cai trị và những người bị trị; một sự phân chia tinh tế hơn một chút (ở mức P1) gồm: a) một mặt các sinh viên và trí thức không thống nhất thử giành sự ủng hộ của phần còn lại dân chúng đại diện cho những người bị trị; và mặt khác những người cai trị gồm b) một phái lãnh đạo theo đường lối mềm với Triệu Tử Dương đứng đầu; c) một phái cứng rắn với Lí Bằng đứng đầu; và d) Đặng Tiểu Bình, người ra quyết định cuối cùng, (và các Đảng viên lão thành khác) ở giữa mà sự ủng hộ của họ các phái b) và c) cố gắng để giành được. Bởi vì Đặng Tiểu Bình là một nhà cải cách thực sự về mặt kinh tế nhưng rất bảo thủ trong lĩnh vực chính trị, phái nào kiếm được sự ủng hộ của ông sẽ thắng và phái kia thua. Đặng Tiểu Bình đã luôn cứng rắn đối với các cuộc phản kháng sinh viên như được nhiều hành động của ông trong quá khứ minh hoạ, kể cả thái độ gần đây nhất của ông đối với các cuộc biểu tình sinh viên trong tháng Mười Hai 1986 mà đã đẩy nhanh quyết định của ông để sa thải Hồ Diệu Bang vào ngày 4 tháng Giêng 1987.

Về phân định thời gian, chúng tôi theo Đới Tình [Dai 1999] (bà đã phân quá trình thành 5 pha từ quan điểm của các trí thức và sinh viên, các pha của chúng tôi là tương tự nhưng bám sát những quyết định thật sự của những người cai trị mà những thông tin đó từ Hồi ký của Triệu năm 2009 đã không có cho Đới mười năm trước 1999). Việc phân định thời gian này lựa ra những sự kiện cho thấy một cách sống động động học và các cơ chế mà [Donatella 2014] đã tổng hợp thành một khung khổ lý luận từ những kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước khác:

1.    Pha đầu tiên, từ 17 tháng Tư đến chiều tối 23, trong tuần đầu tiên khi Triệu Tử Dương, Tổng bí thư ĐCSTQ chịu trách nhiệm quản lý việc sinh viên phản kháng. Vào ngày 19 tháng Tư, tờ Điểm tin Kinh tế Thế giới (một tờ báo khai phóng ở Thượng Hải) và tạp chí Quan sát Mới đã cùng nhau tổ chức một hội thảo chuyên đề về tưởng niệm Hồ Diệu Bang. Vào ngày 22 tháng Tư các sinh viên đã tổ chức lễ tưởng niệm riêng của họ cho Hồ Diệu Bang ở quảng trường Thiên An Môn trong khi quốc tang chính thức đang diễn ra tại Đại Lễ Đường. Ba sinh viên đã quỳ trên các bậc cửa lên Đại Lễ Đường dâng sớ đòi đối thoại với chính phủ. Thái độ của các nhà chức trách đã kiềm chế chưa từng thấy.

2.    Pha thứ hai, từ tối 23 tháng Tư, khi Triệu đi xe lửa hướng tới Bắc Triều Tiên cho một cuộc viếng thăm nhà nước đã định trước từ 24 đến 29 tháng Tư, đến cuối ngày 29 tháng Tư khi Triệu quay lại Bắc Kinh. Vào chính tối 23 tháng Tư, Lí Tích Minh và Trần Huy Đồng của Thành Uỷ Bắc Kinh đã yêu cầu Vạn Lí (chủ tịch Quốc hội và KHÔNG phải một uỷ viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, BTV), để triệu tập một cuộc họp BTV để nghe báo cáo của họ. Vạn Lí đã chuyển yêu cầu của họ cho Lí Bằng, vì Lí Bằng đã tạm thời chịu trách nhiệm về các hoạt động BTV trong khi Triệu ở nước ngoài. Ngay vào tối hôm sau, 24 tháng Tư, Lí Bằng đã triệu tập một cuộc họp BTV. Cùng hôm đó tại Thượng Hải, Điểm tin Kinh tế Thế giới  đã đăng một phóng sự chi tiết về hội thảo ngày 19 tháng Tư của họ bất chấp cảnh cáo kiểm duyệt của Thành Uỷ Thượng Hải. Và vào ngày 25 tháng Tư, Lí Bằng và Dương Thượng Côn đã báo cáo cho Đặng Tiểu Bình về cuộc họp BTV, Đặng Tiểu Bình ngay lập tức đã đồng ý gán nhãn các cuộc biểu tình sinh viên là “chống-Đảng, động loạn chống-xã hội chủ nghĩa” và đề xuất giải quyết tình hình nhanh chóng. Phái cứng rắn đã kéo được Đặng Tiểu Bình về phía họ. Lí Bằng đã phát tán các nhận xét của Đặng Tiểu Bình vào chính tối hôm đó cho tất cả các cán bộ ở mọi mức và đã lệnh cho Nhân dân Nhật báo đăng một bài xã luận cực kỳ cứng rắn trên số ngày 26 tháng Tư. Tại Thượng Hải, vào cùng ngày 26 tháng Tư, Bí thư Thành uỷ Giang Trạch Dân đã sa thải Khâm Bổn Lập tổng biên tập của Điểm tin Kinh tế Thế giới và đã đóng cửa tờ báo, gây ra những cuộc phản kháng giữa các nhà báo khắp cả nước. Lí Bằng đã hy vọng rằng xã luận Nhân dân Nhật báo sẽ đe doạ các sinh viên nhưng thay vào đó nó đã khiến họ tức giận đến mức sẵn sàng xuống đường để bày tỏ ý kiến của họ bởi vì họ đã được pha đầu tiên cổ vũ hết sức và được đưa tin toàn cầu. Cuộc biểu tình ngày hôm sau, 27 tháng Tư, mười đến mười lăm ngàn sinh viên, và nhiều dân cư hơn rất nhiều (hàng trăm ngàn người) đã xuống đường biểu tình. Bị bất ngờ, Lí Bằng đã cảm thấy áp lực để yêu cầu Viên Mộc, người phát ngôn của Quốc Vụ Viện, Hà Đông Xương, Viên Lập Bổn và  Lục Vũ Trừng để tổ chức một cuộc đối thoại với các đại diện sinh viên từ 16 đại học Bắc Kinh và các trí thức độc lập vào ngày 29 tháng Tư.

3.     Pha thứ ba, từ 30 tháng Tư đến 17 tháng Năm. Sau khi quay về Bắc Kinh, Triệu Tử Dương đã cố gắng tìm hiểu những gì đã xảy ra khi ông không ở Bắc Kinh và đã thử hết sức để quản lý các cuộc phản kháng sinh viên. Vào ngày 1 tháng Năm, Triệu đã đề xuất tại một cuộc họp Ban Thường Vụ Bộ Chính trị rằng Bộ Chính trị lệnh cho Uỷ Ban Kỷ luật Trung ương và Bộ Giám sát mở một cuộc điều tra các thành viên gia đình ông vì những cáo buộc tham nhũng nhằm đáp lại các đòi hỏi của sinh viên để chống tham nhũng, chống ưu ái cho các quan chức. Vào ngày 3 tháng Năm Triệu đã thảo luận với Vạn Lí, chủ tịch Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội, về các cuộc biểu tình sinh viên. Vạn đã hoàn toàn đồng ý với Triệu; ông cũng đã thử thuyết phục những người khác để thay đổi giọng của xã luận 26 tháng Tư. Vào ngày 4 tháng Năm, Triệu Tử Dương đã trình bày bài phát biểu của ông cho các đại biểu Ngân hàng Phát triển Á châu kêu gọi giải quyết cuộc biểu tình sinh viên “trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ và luật.” Các sinh viên đã trở lại các lớp học của họ. Vào ngày 6 tháng Năm, Triệu đã thảo luận với Hồ Khởi Lập (uỷ viên BTV) và Nhuế Hạnh Văn (bí thư của Ban Bí thư TW), ông “đã đề xuất rằng cần chú ý khi soạn thảo luật báo chí mới để nới lỏng những hạn chế về tường thuật tin tức, các bài xã luận, và bình luận” theo những đòi hỏi của sinh viên cho quyền tự do báo chí. Và vào ngày 9 tháng Năm “Hồ Khởi Lập đã tập hợp các nhận xét của Triệu thành một thông báo được phân phát cho các tổ chức báo chí sau khi Triệu đã soát lại và chuẩn y.” Vào ngày 10 tháng Năm, cuộc họp Bộ Chính trị đã quyết định rằng việc tổ chức các cuộc thảo luận với mỗi nhóm dính líu đến các cuộc biểu tình sẽ là một con đường lý tưởng để giải quyết các vấn đề của các sinh viên. Vào ngày 12 tháng Năm “Hồ Khởi Lập và Nhuế Hạnh Văn tại một cuộc họp đã thông báo cho các lãnh đạo của các tổ chức báo chí Bắc Kinh về sự đối thoại. Vào lúc đó, hơn một ngàn người từ các tổ chức báo chí Bắc Kinh đã ký một kiến nghị và đã xuống đường phản đối.” Do các nhà chức trách chấp nhận loại thái độ này, các sinh viên ở tất cả các đại học ở Bắc Kinh đã chấp nhận để tuyên bố ngừng bãi khoá. Trật tự xã hội về cơ bản đã được khôi phục. Vào ngày 13 tháng Năm, hai ngày trước cuộc viếng thăm chính thức của Gorbachev và kế hoạch của các sinh viên lợi dụng cơ hội để lại biểu tình, Triệu Tử Dương đã trình bày một bài phát biểu để thuyết phục các sinh viên đừng “quấy rầy các cuộc đàm phán quốc tế của nhà nước và gây tổn hại cho Thượng đỉnh Trung-Sô.” Các sinh viên đã chẳng hề đáp lại lời khẩn cầu của Triệu, họ đã vào Quảng trường Thiên An Môn để tổ chức một cuộc toạ kháng và một tuyệt thực, hàng trăm trong số họ đã bắt đầu tuyệt thực. Cuộc chiếm Quảng trường đã bắt đầu. Các cố gắng của các đồng minh của Triệu, Diêm Minh Phúc và Lí Thiết Ánh để thương lượng với các sinh viên vào ngày 14 tháng Năm đã thất bại. Diêm thậm chí đã ra Quảng trường vào ngày 16 tháng Năm nhằm thuyết phục các sinh viên chấm dứt tuyệt thực, nhưng cũng đã thất bại.

Biểu tình đã không chỉ xảy ra ở Bắc Kinh, mà ở các thành phố lớn khác nữa. Thí dụ,  “ở Thành Đô, điểm ngoặt của phong trào đã đến vào những giờ đầu của ngày 16 tháng Năm, khi hơn một ngàn cảnh sát đã ẩu đả với khoảng hai trăm sinh viên, đánh chúng bằng gậy và dây lưng để thử dọn sạch quảng trường... hành động này đã kích phong trào, thậm chí có được sự ủng hộ từ các nhà chức trách đại học, những người trước đó đã khoá cổng trường để cản sinh viên tham gia các cuộc biểu tình.” [Lim 2014, p. 184]

Về phần các sinh viên, được cổ vũ bởi những sự huy động của vài tuần đầu tiên, các đòi hỏi của sinh viên đã leo thang, đề xuất đối thoại với các quan chức, và hơn nữa, đòi truyền hình trực tiếp trên TV.  Sau đối thoại 29 tháng Tư, và sau quyết định của cuộc họp Bộ Chính trị 10 tháng Năm  Diêm Minh Phúc, một Bí thư của Bộ Chính trị và một đồng minh của Triệu, đã ra Quảng trường để thương lượng với các lãnh tụ sinh viên mà không có kết quả; Diêm và Lí Thiết Ánh (một uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách giáo dục) đã tổ chức một cuộc đối thoại vào ngày 14 tháng Năm với các trí thức (có cả Đới Tình) và các lãnh tụ sinh viên nhưng nó đột ngột bị ngừng khi một nhóm sinh viên từ Quảng trường đến và đòi chấm dứt đối thoại bởi vì nó đã không được truyền hình trực tiếp. Vào ngày 16 tháng Năm, trên Quảng trường Diêm đã tự nộp mình như một con tin để chứng tỏ tính chân thực của lòng tin của ông rằng mọi vấn đề sẽ mau chóng được giải quyết. Các sinh viên lại muốn chính phủ đầu hàng.

Vào ngày 17 tháng Năm Triệu đã xin gặp riêng Đặng Tiểu Bình, khi ông đến nhà Đặng Tiểu Bình vào chiều hôm đó, hoá ra là Đặng đã triệu tập tất cả các uỷ viên khác của BTV Bộ Chính trị và Dương Thượng Côn đến họp. Quyết định được đưa ra để áp đặt quân luật. Triệu nói sẽ khó cho ông với tư cách Tổng bí thư để thực hiện quân luật. Triệu Tử Dương de facto đã bị loại.

Đánh giá pha này, Đới Tình đã nói rõ, “Tại điểm này đã vẫn chưa có đủ bằng chứng để có thể giải thích vì sao trong bối cảnh này một số lãnh tụ sinh viên cấp tiến lại đã gây ra tình hình leo thang. Và hơn nữa, đã sử dụng các phương pháp cực đoan, một cuộc tuyệt thực. Từ 13 đến 17 tháng Năm, những người cực đoan đã khăng khăng về các điều kiện mà các nhà chức trách đã chẳng bao giờ có thể chấp nhận. Họ đã đánh bạc với cuộc sống của những người trẻ, và không chịu nhường bước, ngay cả với yêu cầu tối thiểu của chính quyền, tức là, tạm thời trả lại và nhường Quảng trường Thiên An Môn cho công việc quốc gia chào đón Tổng thống Gorbachev” [Dai 1999]. Vào tối ngày 17 tháng Năm, Triệu đã đi thăm các sinh viên tuyệt thực phải nằm ở bệnh viện.

4.             Pha thứ tư, từ 18 tháng Năm đến cuộc đàn áp cuối cùng của quân đội. Triệu trên thực tế đã bị những người theo đường lối cứng rắn bỏ qua. Ngày 18 tháng Năm, Thủ tướng Lí Bằng, Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh Lí Tích Minh và thị trưởng Trần Huy Đồng (những người bảo thủ cứng rắn) cũng như Diêm Minh Phúc, Lí Thiết Ánh (các nhà cải cách) đã tổ chức một cuộc gặp với các lãnh tụ sinh viên (Wu’erkaixi [Ngô Nhĩ Khai Hy], Vương Đan và  Hùng Diễm). Lí Bằng đã coi cuộc gặp không như một cuộc thương lượng giữa hai bên và đòi các sinh viên chấm dứt tuyệt thực và đã đối xử các sinh viên như “những đứa trẻ con.” Và cuộc gặp đã kết thúc mà không có kết quả nào bởi vì Lí Bằng đã không coi các lãnh tụ sinh viên như các đối thác thương lượng như họ đòi hỏi. Vào ngày 19 tháng Năm, biết trước những gì sẽ xảy ra cho các sinh viên, Triệu đã ra Quảng trường để làm cố gắng cuối cùng của ông nhằm thuyết phục các sinh viên rời Quảng trường ngay lập tức và vô điều kiện. Mắt đẫm lệ, ông đã không thể nói với những người trẻ quanh ông nhiều hơn. Những gì ông nói đã chỉ là, quá muộn cho tôi để gặp các bạn. Và tôi là một người già, các bạn, các bạn trẻ phải lo cho mình, bởi vì các bạn có một tương lai tươi sáng. Nhưng các lãnh tụ sinh viên đã không đáp ứng. Đó đã là sự xuất hiện trước công chúng cuối cùng của Triệu. Vào ngày 19 tháng Năm, một cuộc họp BTV Bộ Chính trị đã được tiệu tập để công bố quân luật, Triệu được yêu cầu chủ toạ cuộc họp đó nhưng ông đã từ chối tham dự. Vào ngày 20 tháng Năm, quân luật được công bố công khai. Việc này lần nữa lại đã huy động quần chúng. Binh lính bị các công dân chặn không vào được thành phố để thi hành quân luật. Sự bế tắc kéo dài hơn mười ngày, quân luật đã trở nên không có hiệu lực và điều này đã cổ vũ ngày càng nhiều người tham gia biểu tình.  “Nhân dân đã dũng cảm đương đầu với quân đội—sử dụng chẳng gì ngoài thân thể họ và mưu kế của họ—và họ đã chiến thắng. Đối với các sinh viên, đấy đã là một chiến thắng lớn, một dấu hiệu rằng phong trào của họ đã trở thành một phong trào quần chúng” [Lim 2014, p. 13].

Mặc dù trên thực tế đã bị gạt sang bên lề, Triệu Tử Dương đã thử cứu vãn tình thế bằng việc gửi một bức thư cho Đặng Tiểu Bình vào ngày 18 tháng Năm, bằng việc nói với vài người để gọi Vạn Lí về nước từ một cuộc viếng thăm nhà nước chính thức ở nước ngoài và đã thuyết phục cho một cuộc họp Uỷ Ban Thường Vụ Quốc hội hay một cuộc họp Bộ Chính trị, tất cả những cố gắng này đã đều vô ích. Thực tế ông đã bị giam lỏng, và đã nghe tiếng súng nổ dữ dội vào đêm 3 tháng Sáu từ nhà ông. “Vào ngày 2 tháng Sáu, cố gắng cuối cùng của các nhà cải cách, các đại diện của con trai cả của Đặng Tiểu Bình đã thử khuyên các sinh viên để bắt đầu rút lui và rồi Đặng trẻ đã nói ông sẽ làm hết sức mình để dùng lý lẽ thuyết phục cha ông đừng sử dụng vũ lực. Một cách không ngờ, nó cũng đã không mang lại thành công. Vào nửa đêm 3 tháng Sáu, các xe tank đã tiến vào Quảng trường. Bốn người ôn hoà, một ca sĩ, một giáo viên, một học giả, và một biên tập viên, với sự đi cùng của một bác sĩ, đã đi ra và đã đạt một thoả thuận với quân đội, một sự rút lui không điều kiện vào một thời điểm định trước. Các lãnh tụ cực đoan đã không ngăn họ lần này và lần nữa họ đã nhận được sự giúp đỡ trong việc chạy trốn. Đấy đã là ngày bi thảm nhất trong lịch sử chính trị thế kỷ thứ hai mươi của Trung Quốc.” [Dai 1999].



Có nhiều phân tích về các cuộc phản kháng Thiên An Môn, thí dụ, [Lim 2014] và [Donatella 2014] đặc biệt những phân tích của Craig Calhoun được Donatella trích dẫn rộng rãi. Các cơ chế trong  dân chủ hoá sôi động, mà đã được Donatella tổng hợp (xem Bảng 2.1 của bà, trang 64) không chỉ từ trường hợp Trung Quốc mà từ nhiều trường hợp khác như Đông Đức, Tiệp Khắc, Tunesia, Ai Cập và nơi khác, là rất hữu ích. Các cơ chế nhận thức, xúc cảm và quan hệ cũng như việc định khung dân chủ và sự huy động các nguồn lực là khá rõ trong bảy tuần huy động này ở Trung Quốc [Donatella 2014, p. 64-65, 134-137, 304]. Tất cả các cơ chế nhân quả và các sự định khung cũng như sự huy động nguồn lực hay sự tạo ra nguồn lực này mang tính động và tương tác với các hành động của các đối thủ (những người cai tri) mà luôn luôn không rõ cho những người biểu tình và có thể gây ra những đánh giá sai. Về nhiều phân tích hơn xem các công trình được nhắc tới ở trên và các dẫn chiếu trong đó. Sự mô tả ngắn gọn ở trên cũng thử làm nổi bật các cơ chế đó và quá trình leo thang từ cả hai phía.



   II.         VÀI BÀI HỌC

Chúng tôi thử rút ra vài bài học từ các cuộc phản kháng Thiên An Môn, cũng như từ các cố gắng dân chủ hoá ở nơi khác, mà có thể xác đáng cho quá trình dân chủ hoá ở Việt Nam.

Cuộc đấu tranh bất bạo động cho dân chủ hoá là một cuộc đấu tranh dài, khó khăn và gian khổ. Thành công hay thất bại của nó phụ thuộc vào nhiều nhân tố (kể cả các nhân tố ngẫu nhiên). Chúng ta có thể phân biệt các nhân tố (không ngẫu nhiên) này thành hai loại: các nhân tố tương đối ổn định (theo nghĩa chúng thay đổi chậm), như các điều kiện cấu trúc, các nguồn lực hành động, các giá trị thịnh hành, (xem [Welzel, 2013, tr. 45-46]), và các nhân tố (hay các phần của chúng) mà có thể thay đổi nhanh hay sinh ra trong quá trình huy động, đặc biệt trong pha mạnh mẽ, như các quan hệ và các cơ chế nhận thức, xúc cảm và quan hệ (xem, [Donatella 2014, p. 27-65]. Chúng ta gọi các nhân tố loại trước là các nhân tố cấu trúc (kể cả các kỹ năng tổ chức và lãnh đạo) và các nhân tố sau là các nhân tố hợp trội (emergent) [Donatella 2014, p. 32].

Chúng ta nhận thấy rằng dân chủ hoá có vẻ có nhiều khả năng thành công hơn trong những trường hợp nơi các nhân tố cấu trúc là thuận lợi hơn (hay diễn đạt một cách hình tượng các điều kiện nền này là đủ cao) trong cả dân chủ hoá sôi động (eventful democratization) hay hiệp ước tham gia (participatory pact) do đám đông dẫn dắt và trong chuyển đổi dân chủ được thoả ước (pacted transition) do elite dẫn dắt [Donatella 2014, p. 16]. Tuy vậy, nếu các điều kiện cấu trúc là ít thuận lợi hơn (không đủ cao) thì dân chủ hoá sôi động có khả năng thất bại giữa các điều kiện khác như nhau.

Theo Donatella del Porta “ở Trung Quốc, bất bạo động đã thất bại trong các cuộc biểu tình Quảng trường Thiên An Môn do đối lập thiếu các liên minh; thay vào đó, những sự chia rẽ đã tăng lên với sự thiếu tác động đòn bẩy cho sự ủng hộ từ nước ngoài, và chế độ đã duy trì sự kiểm soát quân đội. Trong khi tính kiên cường thực ra đòi hỏi các cấu trúc phân tán (phi tập trung), mà, là dân chủ hơn, tăng cường ý thức đối lập mặc dù cho phép sự điều phối, các cố gắng để áp đảo bởi một phần có kết quả ngược lại.” [Donatella 2018, tr. 8]. Đánh giá này phù hợp với đánh giá của Đới Tình, “Những người biểu tình về cơ bản đã có cơ hội nhiều lần để rút lui mà không có được bất kể lợi lộc lớn nào nhưng cũng chẳng có sự mất mát khủng khiếp nào. Và phẩm giá của họ cũng đã có thể được duy trì. Nhưng phong trào đã tuột khỏi vòng kiểm soát rồi. Nhiều tổ chức đã được thành lập lúc này, và một vài trong số chúng đã xem xét để lấy (công đoàn) Đoàn kết như danh hiệu của chúng. Tính đến ý định của các nhà chức trách và chuẩn bị tương lai riêng của họ, các lãnh tụ cực đoan đã chỉ áp dụng cường độ xúc cảm cao nhất trong cuộc nói chuyện của họ với chế độ, mà đối với những người vẫn tiếp tục ở lại trên Quảng trường đã giống như đổ dầu vào lửa.”  

Các tổ chức xã hội dân sự đã hiếm hay các nhóm sinh viên độc lập đã chỉ được thành lập trong thời gian các cuộc biểu tình, đã không có các tổ chức độc lập giữa các công nhân, các trí thức hay các mảng khác của dân cư bởi vì ĐCSTQ đã cấm nghiêm ngặt sự hình thành của các tổ chức hay các nhóm phi chính thức như vậy.

Sau khi Triệu trên thực tế bị loại bỏ và những người theo đường lối cứng rắn đã kéo được Đặng Tiểu Bình sang phía họ, những kẻ cai trị đã thống nhất. Nói cách khác, các điều kiện cấu trúc (kể cả kỹ năng tổ chức, kinh nghiệm lãnh đạo) đã không thuận lợi cho dân chủ hoá.

Các sinh viên đã thử bắt chước Đoàn Kết Ba Lan đòi đối thoại nhưng đã không có lực lượng đối lập nào đứng sau họ như trong trường hợp Ba Lan.

Một bài học cực kỳ quan trọng từ các cuộc phản kháng Thiên An Môn hay ở Phillipines (và nhiều trường hợp khác như hiện thời ở Algeria, Sudan hay Venezuela) là, quân đội đóng một vai trò cốt yếu, và các chính sách để thuyết phục quân đội, để lôi kéo chúng (binh vận 兵運) là quan trọng trong huy động cho dân chủ và để “quốc hữu hoá” quân đội trong pha củng cố dân chủ.

Cuộc tranh luận về tiết chế (moderation debate) cũng đáng xem xét. Tiết chế từ lâu đã được xem như thuận lợi cho chuyển đổi dân chủ  (democratic transition) [Donatella 2014, tr. 9, 197-198]. Tuy vậy, có nhiều trường hợp đã chứng minh rằng sự cấp tiến hoá (hay sự gây gổ) là hữu ích trong dân chủ hoá sôi động  [Donatella 2014, p. 9, 199-200], Nancy Bermeo [trong Anderson 1999, tr. 120-136]. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải xem xét sự tiết chế vs sự cấp tiến hoá (moderation versus radicalization) từng trường hợp một hay trong những pha khác nhau của dân chủ hoá (trong pha chuẩn bị cho chuyển đổi những sự gây gổ đã xuất hiện hầu như trong mọi trường hợp, nhưng trong giai đoạn chuyển đổi ngắn sự tiết chế có thể tạo các cơ hội tốt trong chuyển đổi được thoả ước do elite-dẫn dắt và thoả ước tham gia do quần chúng dẫn dắt, cũng như trong dân chủ hoá sôi động (mà có thể thành công hay thất bại). Tôi nghĩ rằng chúng ta phải xem xét các cuộc phản kháng Thiên An Môn hoặc như chúng đã xảy ra trong pha chuẩn bị của dân chủ hoá (tức là sự chuyển đổi đã chưa xảy ra ở Trung Quốc và trong trường hợp đó sự cấp tiến hoá của các sinh viên đã là có thể biện minh được) hay như trong một chuyển đổi thất bại (và trong trường hợp này sự cấp tiến hoá có thể dẫn đến thất bại).  

Những bài học thành công của sự huy động Thiên An Môn trong năm 1989 là rất hữu ích, nhưng các bài học về sự thất bại của nó cũng đáng xem xét để tránh những cạm bẫy như vậy.



III.         MỘT CHIẾN LƯỢC CHO DÂN CHỦ HOÁ Ở VIỆT NAM

Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia (đặc biệt Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau. Trước khi thảo luận một chiến lược cho dân chủ hoá ở Việt Nam, hãy để tôi quay lại một sự phát triển sớm của Việt Nam vào đầu thế kỷ trước.

Có thể bạn chưa bao giờ nghe về Phan Châu Trinh. Ông sinh ngày 9 tháng Chín 1872, và qua đời vào ngày 24 tháng Ba 1926.  Từ 1905 đến 1907 ông đã bày tỏ những ý tưởng của mình về đấu tranh bất bạo động cho dân chủ và dân quyền (các quyền con người) ở Việt Nam mà tôi sẽ quay lại muộn hơn. Các cuộc bạo động chống-thuế đã nổ ra ở miền Trung Việt Nam trong năm 1908. Bất chấp sự thực rằng Phan Châu Trinh đã kiên trì về các phương pháp bất bạo động, ông đã bị vu cáo kích động công chúng tham gia nổi loạn và ông đã bị bắt và bị kết án tử hình. Do sự can thiệp của Ligue des Droits de l’Homme (Liên đoàn các Quyền Con người) án tử hình đã được thay đổi thành chung thân và muộn hơn thành quản thúc tại gia trong một làng, rồi ông được thả trong năm 1910 và bị trục xuất sang Pháp. Từ tháng Tư 1911 ông đa sống lưu vong mười bốn năm. Ông đã trở lại Saigon năm 1925 và đã mất vào ngày 24 tháng Ba 1926.

Các ý tưởng của Phan Châu Trinh để đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền có thể được trình bày lại ngắn gọn trong 5 khẩu hiệu (chính sách hay chiến lược) của ông mà chúng tôi, Diễn đàn Xã hội Dân sự (DĐXHDS), đã lấy làm của mình:



1.     (Một chiến lược để) Xây dựng Dân chủ (gồm):

2.     Thực thi Dân Quyền

3.     Chấn hưng Dân Khí

4.     Nâng cao Dân Trí

5.     Cải thiện Dân Sinh



Phan Châu Trinh đã là một nhà tư tưởng tân tiến đến kinh ngạc về hiện đại hoá. Hãy bắt đầu với các chính sách thứ tư và thứ năm của ông kể từ dưới lên: “Cải thiện Dân Sinh” và “Nâng cao Dân Trí”. Chúng đã không chỉ là các tư tưởng của ông, mà bản thân ông cùng các bạn đã bắt đầu một chương trình để đưa chúng vào thực tiễn. Bằng việc lập các trường học, các hiệp hội, các công ty và cổ vũ những người khác làm vậy, ông đã nêu gương cho những người khác bằng việc cổ vũ nhân dân tạo ra cái gọi là “các nguồn lực hành động”, có thể nói như vậy, mượn ngôn ngữ của lý thuyết hiện đại hoá mới: nguồn lực vật chất (thiết bị, các phương tiện, và thu nhập), nguồn lực trí tuệ (sự hiểu biết, các kỹ năng, và thông tin) và nguồn lực kết nối (các mạng trao đổi và giao diện liên lạc) ở mức cơ sở, căn bản [Welzel 2013, tr. 46].

Trong một tiểu luận gần đây [Nguyen 2017], tôi đã ánh xạ các ý tưởng của Phan Châu Trinh hơn một thế kỷ trước vào các ý tưởng của các lý thuyết tân hiện đại hoá. Tôi đã cho thấy rằng các chính sách thứ tư và thứ năm của Phan tương ứng với “các nguồn lực hành động” của lý thuyết tân hiện đại hoá ở mức cơ sở và rằng các giá trị được chính sách thứ ba của Phan, “Chấn hưng Dân Khí” tạo ra, tương ứng với các giá trị giải phóng trong mức văn hoá, động cơ thúc đẩy, tiếp theo của lý thuyết đó, các giá trị này thúc đẩy và cổ vũ các hoạt động phong trào xã hội (ở một mức trên về hành động, được bày tỏ bởi chính sách thứ hai “Thực thi Dân Quyền”). Và các hoạt động phong trào xã hội về “Thực thi Dân Quyền, tức là bạn (và mọi người) cứ thực hiện các quyền đó của mình mà không đợi bất kể ai (chính quyền, đảng cầm quyền hay bất cứ tổ chức hay cá nhân nào khác) cho phép bạn làm việc đó trong cuộc sống hành ngày. Cách sống chủ động này gây ra các áp lực liên tục lên các nhà chức trách để cung cấp các đảm bảo pháp lý cho (hay thể chế hoá về)  các quyền tự do và đảm bảo rằng các quyền tự do đó được tôn trọng trong đời sống hàng ngày, tức là, các quyền tự do đó là các quyền được hưởng hay các quyền công dân ở mức trên cùng (sự trao quyền đó là bản chất của dân chủ hoá mà có thể được thực hiện từng phần ngay cả trong lòng của một chế độ độc tài và thậm chí cũng phải được thực hiện trong các nền dân chủ trưởng thành vì số các quyền con người là vô tận). Xã hội dân sự dày, sống động và bao gồm (inclusive) này là cốt yếu không chỉ trong quá trình dân chủ hoá dẫn tới sự chuyển đổi dân chủ, mà cả trong sự củng cố dân chủ nếu sự chuyển đổi đã xảy ra.

Đáng tiếc, trong hơn một thế kỷ qua Việt Nam đã không theo chiến lược khôn ngoan của Phan và ngày nay chúng ta vẫn chịu đau khổ dưới chế độ độc tài Cộng sản. Chúng tôi thử trình bày lại chiến lược đó và bổ sung nó với 9 nguyên tắc để hình thành một chiến lược mạch lạc và cố kết phù hợp với thời đại của chúng ta.

Phan Châu Trinh đã là một chiến sĩ bất bất bạo động kiên định và nhất quán cho dân chủ và các quyền con người. Ông đã chấp nhận các phương pháp bất bạo động ngay từ 1905, cùng thời như Mahatma Gandhi (1906); Phan đã trẻ hơn Gandhi 3 tuổi. Sự trùng hợp này có thể không phải là một sự ngạc nhiên, tôi nghĩ, bởi vì cả hai vị đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các ý tưởng bất bạo động của các tư tưởng Ấn Độ được bày tỏ vài ngàn năm trước, trong các giáo lý của Buddha được truyền bá chẳng hạn bởi Dalai Lama và thầy Thich Nhất Hạnh trong thời đại chúng ta.

Bất bạo động là một trong những nguyên tắc chỉ đạo các hành động của chúng ta trong xã hội dân sự Việt Nam nói chung, và nhất là trong DĐXHDS.

Chiến lược của chúng ta cho dân chủ hoá ở Việt Nam gồm 5 chính sách được nhắc tới ở trên và 9 nguyên tắc sau.

Chúng tôi, DĐXHDS, tuân theo 9 nguyên tắc (hay các giá trị cốt lõi) trong cuộc đấu tranh để biến đối chế độ toàn trị ở Việt Nam thành một nền dân chủ đích thực một cách hoà bình. Chín nguyên tắc này là:



1.      Tính hợp pháp: DĐXHDS và các thành viên của nó hoạt động một cách hợp pháp, tôn trọng các luật, không đấu tranh chống lại nhà nước. Tính hợp pháp được hiểu ở đây như sự tuân thủ các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, hiến pháp, các luật và các quy chế khác của nhà nước không mâu thuẫn với các quy định cao hơn (theo thứ tự nghiêm ngặt được Hiến pháp và các luật Việt Nam quy định rõ: các hiệp ước quốc tế, hiến pháp, các luật, các nghị định của chính phủ, các thông tư của các bộ chuyên ngành). Nói cách khác, tính hợp pháp bao gồm cả sự bất tuân đối với những quy định của nhà nước mà mâu thuẫn với quy định ở mức cao hơn, theo thứ tự từ cao xuống: các hiệp ước quốc tế, hiến pháp, các luật, …

2.      Tính tự trị: tất cả các thành viên của DĐXHDS có các quyền và các nghĩa vụ ngang nhau trong hoạt động của DĐXHDS, không ai có thể yêu cầu một thành viên làm cái thành viên đó không muốn. Mỗi thành viên (hay nhóm thành viên) hành động một cách tự trị với tính sáng tạo của mình, sáng kiến của mình theo cách riêng của mình nhằm để đạt được mục tiêu của DĐXHDS, nhưng phải chấp nhận các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc của DĐXHDS và điều này không loại trừ các hoạt động cùng nhau.

3.      Tên thật: tất cả các thành viên của DĐXHDS sử dụng tên thật trong các hoạt động của DĐXHDS; bút-danh, nghệ-danh là có thể chấp nhận được nếu nó có thể nhận diện rõ người có bút danh hay nghệ danh ấy. Không tên-giả hay tên-sai nào được chấp nhận trong các hoạt động của DĐXHDS. Việc giữ tính chính trực là một đòi hỏi tối quan trọng.

4.      Tính công khai: DĐXHDS là mở và hoạt động công khai. Chẳng cần giấu giếm thứ gì. Việc này cũng áp dụng cho mỗi thành viên trong các hoạt động của DĐXHDS.

5.      Bất bạo động: DĐXHDS và các thành viên của nó tôn trọng triệt để bất bạo động. Bất bạo động có hai khía cạnh. Thứ nhất, DĐXHDS và các thành viên của nó không sử dụng bất kể phương tiện bạo lực nào để đạt mục tiêu của nó. Thứ hai, DĐXHDS và các thành viên của nó sử dụng tất cả các biện pháp bất bạo động và pháp lý trong các hoạt động của họ và cùng nhau với những người hay các tổ chức khác để thuyết phục những người chủ trương bạo động để họ từ bỏ chính sách bạo động của họ nhằm ngăn chặn các hành động bạo lực của bất cứ ai hay tổ chức nào. Bạo lực cũng gồm lời nói xấu, hận thù, các hình thức khác kích động bạo lực, ... và phải bị loại trừ.

6.      Khoan dung: nguyên tắc để chấp nhận và tôn trọng các ý kiến khác nhau, đặc biệt các ý kiến của các thiểu số, phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

7.      Chân thật: Tất cả thông tin cần được kiểm tra chéo nhằm đảm bảo rằng nó chính xác nhất có thể. Sự bóp méo, sự làm giải, sự giả mạo, những lời nói dối là không thể chấp nhận được.

8.      Sự tin cậy: Tin cậy lẫn nhau là một nguyên tắc quan trọng. Nó không khuyến khích bất cứ thủ tục nào hay biện pháp nào gây ra sự nghi ngờ. DĐXHDS không sợ sự xâm nhập của bất kể lực lượng nào (kể cả những người cộng sản và các lực lượng an ninh). Tư cách thành viên của họ thậm chí được hoan nghênh nếu họ chấp nhận các mục tiêu, các giá trị và các nguyên tắc của DĐXHDS như bất kể thành viên nào khác.

9.      Đoàn kết: tinh thần đoàn kết được duy trì trong các hoạt động của các nhóm cũng như của DĐXHDS như một toàn thể; đoàn kết với các nhóm hay các tổ chức khác, nhất là khi một thành viên của các nhóm đó hay bất kỳ ai khác bị sách nhiễu hay bị ngược đãi.



DĐXHDS, được thành lập ngày 23 tháng Chín 2013 bởi những người đã ký Kiến nghị 72, không phải là một tổ chức có thứ bậc, nó là một mạng phẳng, một mạng tự-tổ chức chia sẻ những giá trị, các nguyên tắc và mục tiêu chung. Nó khuyến khích sự chồng lấn, tức là một người có thể là thành viên của nhiều nhóm. Nói cách khác, nó thử là một mạng ô dù (umbrella network) của các mạng  được kết nối một cách lỏng lẻo. Và chiến lược cho dân chủ hoá ở Việt Nam nêu trên được DĐXHDS công bố  trong năm 2013.

Không cần phải nói, rằng trong mục tiêu, các giá trị, và các nguyên tắc nêu trên ta có thể thấy nhiều đặc tính của các tổ chức xã hội dân sự ở các nước cộng sản trước kia ở đông và trung Âu và nơi khác trên thế giới, kể cả của các tổ chức trong khu vực của chúng ta [Hsiao 2006].

Chúng tôi nghĩ tình hình hiện tại của chúng tôi khá giống tình hình của Đài Loan trong nửa đầu của những năm 1980 trước chuyển đổi dân chủ của nó. Khi đó đảng cai trị ở Đài Loan, Quốc Dân Đảng, đã là một đảng Leninist và nền kinh tế của Đài Loan đã là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn là một đảng Leninist và nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa từ ít nhất 15-20 năm nay. Chúng tôi đã học những kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia ở Đông Âu cũng như những kinh nghiệm từ Đài Loan, Hàn Quốc, Phillippines để trình bày chiến lược được nêu ở trên.

Tóm lại, một chiến lược khả thi cho dân chủ hoá ở Việt Nam là để phát triển một xã hội dân sự dày, sinh động và bao hàm với 5 chính sách và 9 nguyên tắc được nêu ở trên nhằm để gây áp lực liên tục lên các nhà chức trách và buộc họ dân chủ hoá (qua các cuộc thương lượng hay qua một sự đoạn tuyệt).



TÀI LIỆU THAM KHẢO



[Anderson 1999], Lisa Anderson (ed.), Transitions to Democacy, Columbia University Press, 1999, bản tiếng Việt 2015.

[Dai 1999], Đới Tình, Thiên An Môn in Perspective: Ten Years Later, panel presentation at COMMUNISM'S NEGOTIATED COLLAPSE: THE POLISH ROUND TABLE TALKS OF 1989, TEN YEARS LATER. A Conference at the University of Michigan, April 7-10, 1999; bản tiếng Việt 2013.

[Donatella 2014], Donatella della Porta, Mobilizing for Democracy: Comparing 1989 and 2011, Oxford University Press, 2014; Bản tiếng Việt 2019, Huy động cho Dân chủ: So sánh 1989 và 2011.

[Donatella 2018] Donatella della Porta, Teije Hidde Donker, Bogumila Hall, Emin Poljarevic and Daniel P. Ritter, Social Movement and Civil War: When Protests for Democacy failed, Routlege, 2018; Bản tiếng Việt 2018, Phong trào Xã hội và Nội chiến: Khi các cuộc phản kháng cho Dân chủ thất bại.

[Doorenspleet 2019]*, Renske Doorenspleet, Rethinking Value of Democracy, Palgrave Macmillan, 2019.

[Hsiao 2006], Hsin-Huang Michael Hsiao (ed.),  Asian New Democracies: The Philippines, South Korea and Taiwan Compared, Taiwan Foundation for Democracy, 2006. Bản tiếng Việt, 2015.

 [Lim 2014]* Luisa Lim, The People’s Republic of Amnersia – Tienanmen Revisited, Oxford University Press (2014).

[Nguyen 2017], Nguyễn Quang A, “Phan Châu Trinh và Thuyết hiện đại hoá mới

[Welzel 2013] Christian Welzel Freedom Rising: Human Empowerment and the Quest for Emancipation (Cambridge University Press, 2013.) Bản tiếng Việt, 2017, Tự do đang Lên

[Triệu 2009], Prisoner of the State: the secret Journal of Premier Triệu Tử Dương Simon & Scuster (2009), pp. 3-87. Bản tiếng Việt 2019, Hồi Ký Triệu Tử Dương



(Với ngoại lệ của hai cuốn sách này*, bảy cuốn được nhắc tới ở trên cộng cả tá cuốn khác về dân chủ hoá là sẵn có bằng tiếng Việt như một cố gắng để Nâng cao Dân Trí.)