Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng
'Đã đến lúc FB cần thay đổi'
Hôm 24/5, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, bình luận với BBC Tiếng Việt về động thái có liên quan tới Facebook ở Việt Nam từ quan sát và kinh nghiệm cá nhân, ông cho hay:
"Đã có khá nhiều người sử dụng Facebook đăng tải những ý kiến phản biện ôn hoà với chính quyền Việt Nam bị chặn bài, chặn chia sẻ, delete (xóa) bài, và khoá tài khoản tạm thời hay vĩnh viễn chỉ vì những "report" (báo cáo) tuỳ tiện.
"Mà ai cũng biết Việt Nam có một đội ngũ hàng chục ngàn "chiến sĩ" được gọi mỉa mai là "AK 47" suốt ngày theo dõi Facebook để làm cái việc "chúng khẩu đồng từ report" như thế.
"Bản thân tôi là một nạn nhân mới. Sau hằng chục năm tham gia Facebook, thậm chí đã đem lại quảng cáo lấy tiền cho Facebook, mà ngày 16/2 vừa qua, chỉ vì lên tiếng phản đối ngăn chặn tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma và gửi thư của 100 trí thức Việt Nam cho Tổng thống Mỹ, mà bị "report" là "tài khoản giả mạo"và bị mất tài khoản.
"Sau nhiều lần cung cấp I.D theo yêu cầu của Facebook, thậm chí gửi cả thư bưu điện đến cơ quan chăm lo an ninh cho khách hàng ở California, đến nay Facebook vẫn không thèm hồi âm! Tôi nghĩ đã đến lúc yêu cầu Facebook minh bạch, tôn trọng khách hàng, chấm dứt thoả hiệp, tiếp tay cho các chính quyền thù địch với tự do biểu đạt.
"Tôi vừa nhận được thư mời ký tên phản đối ban lãnh đạo Facebook của tổ chức các nhà báo Mỹ, vì họ cũng thấy Facebook đang thi hành một chính sách phân biệt chủng
tộc tại chính nước Mỹ."
(BBC
24/5/2019)
Facebook đã tăng số lượng nội dung mà trang này hạn chế truy cập tại Việt Nam hơn 500% trong nửa cuối năm 2018, công ty truyền thông xã hội khổng lồ của Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo đưa ra hôm thứ Sáu, trong bối cảnh Hà Nội tăng cường trấn áp tiếng nói bất đồng chính kiến trên internet.
Sự gia tăng chóng mặt này đặt câu hỏi liệu Facebook có chịu sức ép của chính phủ Việt Nam.
Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng có hiệu lực vào tháng 1/2019, theo đó yêu cầu các công ty phải đặt văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu ở trong nước.
Đầu tháng này, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết gần 10% trong số 128 tù nhân bị giam giữ tại Việt Nam vì bày tỏ quan điểm bất đồng đã bị xử tù vì đăng bình luận chống nhà nước trên các trang mạng xã hội như Facebook.
Facebook có nhiều người dùng tại Việt Nam và đóng vai trò là nền tảng chính cho cả thương mại điện tử và bày tỏ bất đồng chính kiến.
Vào tháng 1/2019, Hà Nội đã cáo buộc Facebook vi phạm luật Việt Nam bằng việc cho phép người dùng đăng tải bình luận chống chính phủ.
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm ngoái, Báo cáo Minh bạch của Facebook cho biết họ đã hạn chế quyền truy cập vào 1.553 bài và ba tài khoản tại Việt Nam, so với chỉ 265 "sự hạn chế" như vậy trong sáu tháng đầu năm 2018.
Một "sự hạn chế" là để chỉ một bài viết đăng lên Facebook mà không thể xem được ở một số quốc gia vì bị coi là vi phạm luật pháp nước sở tại.
"Có những lúc chúng tôi có thể phải hạn chế quyền truy cập vào nội dung vì nó vi phạm luật pháp ở một quốc gia cụ thể, ngay cả khi nó không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, một người phát ngôn của Facebook nói với hãng
tin Reuters.
Người phát ngôn này nói "Chúng tôi công bố thông tin về nội dung mà chúng tôi hạn chế dựa vào luật địa phương trong Báo cáo Minh bạch của chúng tôi và thông báo cho người đã đăng nội dung đó đã bị hạn chế".
Về phần mình, Báo cáo minh bạch của Facebook cho biết họ đã thực hiện các hạn chế dựa trên các báo cáo từ các Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.
Theo một báo cáo được đăng trên trang web chính phủ Việt Nam vào ngày 7/05/2019, cho đến nay, Facebook đã xóa hơn 200 bài đăng có chứa nội dung chống nhà nước Việt
Nam theo yêu cầu gỡ xuống của chính phủ.
Báo cáo của Chính phủ Việt Nam nói Hà Nội đã thành lập một nhóm làm việc giữa Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cục thuế và Bộ Công an để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Báo này cho biết nhóm làm việc đang tập trung vào ba lĩnh vực chính: Vi phạm nội dung, phát triển kinh tế và thuế.