Tác giả: Thomas
L. Friedman “China Deserves Donald Trump”, The New York Times, 21/05/2019.
Biên dịch: Nguyễn
Quý Tâm
Một anh bạn doanh nhân Mỹ làm việc ở
Trung Quốc gần đây nói với tôi rằng nước Mỹ không đáng phải có một tổng thống
như Donald Trump, nhưng ông ta chính xác là vị tổng thống Mỹ mà Trung Quốc đáng
phải đối đầu.
Nhận thức bản năng của Trump cho
rằng Mỹ cần phải cân bằng lại quan hệ thương mại với Bắc Kinh, trước khi Trung
Quốc trở nên quá mạnh để có thể thỏa hiệp, là chính xác. Và phải cần tới kẻ
chuyên phá huỷ như Trump thì mới buộc được Trung Quốc phải chú ý. Đến lúc này
khi chuyện đang xảy ra, cả hai bên cần phải nhận ra thời điểm hiện tại quan
trọng đến mức nào.
Sự mở cửa ban đầu giữa Mỹ và Trung
Quốc hồi thập niên 1970 đã giúp khôi phục quan hệ thương mại song phương, lúc
đó vẫn còn rất hạn chế. Việc chúng ta để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại
Thế giới năm 2001 đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc thương mại trong
khuôn khổ những qui định vốn mang lại cho Trung Quốc nhiều ưu đãi trên danh
nghĩa một nước đang phát triển.
Cuộc đàm phán mới này sẽ xác định
cách thức Mỹ và Trung Quốc quan hệ với nhau như hai nền kinh tế ngang ngửa,
cạnh tranh nhau trong cùng các ngành của thế kỷ 21, ở một thời điểm khi mà thị
trường hai bên hoàn toàn đan xen nhau. Cho nên đây không phải là tranh chấp
thương mại thông thường. Đây là một vụ tranh chấp lớn.
Để vụ tranh chấp này kết thúc có
hậu, Trump cần phải dừng trò châm chích Trung Quốc một cách trẻ con trên
Twitter (và thôi nói về việc chiến tranh thương mại “dễ ăn” như thế nào). Ông
ta phải âm thầm thiết lập một thỏa thuận tái cân bằng tốt nhất mà chúng ta có
thể có – dù ta không thể khắc phục mọi thứ cùng một lúc – và chuyển hướng sang
chuyện khác, tránh nhảy xổ vào một cuộc chiến thuế quan dai dẳng.
Và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
cũng phải nhận thấy rằng Trung Quốc không thể tiếp tục tận hưởng những ưu đãi
thương mại mà họ đã có trong 40 năm qua, ông ta sẽ khôn ngoan nếu thôi gầm gừ
điệp khúc dân tộc chủ nghĩa rằng “không ai được phép bảo Trung Quốc phải làm
gì” và tìm kiếm một thỏa thuận hai bên cùng thắng tốt nhất có thể. Vì Bắc Kinh
sẽ không gánh nổi hậu quả của việc Mỹ và các nước khác chuyển dịch hoạt động
sản xuất, chuỗi cung ứng của họ sang các nước “ABC”, hay bất kỳ nơi nào trừ
Trung Quốc.
Đây là nguyên nhân của kết cục này:
kể từ thập niên 1970, mẫu hình quan hệ thương mại Trung – Mỹ là khá nhất quán:
chúng ta mua đồ chơi Trung Quốc, áo thun, giày tennis, máy móc, pin mặt trời,
và họ mua của chúng ta đậu nành, thị bò và máy bay Boeing.
Đến khi cán cân thương mại chệch
hướng, vì Trung Quốc tăng trưởng không chỉ nhờ chăm chỉ làm việc, nỗ lực xây
dựng cơ sở hạ tầng thông minh và đào tạo dân chúng, mà còn bằng cách ép các
công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, trợ giá cho doanh nghiệp nội địa, duy trì
thuế quan cao, giả lơ các qui định của WTO và ăn cắp sở hữu trí tuệ, Bắc Kinh
đã tìm cách xoa dịu chúng ta bằng cách mua thêm nhiều máy bay Boeing, thịt bò
và đậu nành hơn.
Trung Quốc khăng khăng cho rằng họ
vẫn là “nước nghèo đang phát triển”, cần được bảo hộ thêm nữa sau khi đã trở
thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, mối
quan hệ này đã có tác dụng đủ lâu với các công ty Mỹ để giúp Mỹ, đương kim siêu
cường thế giới, đáp ứng và tạo điều kiện thiết thực cho sự vươn lên của cường
quốc thứ hai tiếp theo của thế giới, đó là Trung Quốc. Hai quốc gia đã cùng
nhau giúp cho toàn cầu hóa lan rộng hơn và thế giới thịnh vượng hơn.
Và rồi xuất hiện một số thay đổi quá
lớn không thể bỏ qua. Trước hết, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tuyên bố kế
hoạch hiện đại hóa “Made in China 2025”, hứa hẹn nguồn trợ cấp dồi dào để giúp
cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân Trung Quốc đứng đầu thế giới trong lĩnh
vực siêu điện toán, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới, công nghệ in 3D, phần
mềm nhận diện, rô bốt, xe điện, xe tự hành, mạng 5G và vi mạch tân tiến.
Đây là sự chuyển dịch tự nhiên khi
Trung Quốc mong muốn thoát khỏi nhóm các nước thu nhập trung bình và giảm phụ
thuộc và phương Tây về công nghệ cao. Nhưng tất cả những ngành mới nói trên đều
cạnh tranh trực tiếp với những công ty tốt nhất của Mỹ.
Kết quả, tất cả những chiêu thức của
Trung Quốc từ trợ giá, bảo hộ, qua mặt qui định thương mại, buộc chuyển giao
công nghệ và ăn cắp sở hữu trí tuệ từ những năm 1970 dần trở thành mối đe dọa
ngày càng lớn. Nếu Mỹ và châu Âu cho phép Trung Quốc tiếp tục vận hành theo
đúng công thức mà họ đã sử dụng để thoát nghèo và cạnh tranh ở tất cả các ngành
nghề tương lai, chúng ta hẳn là những kẻ điên. Về điều này thì Trump đã đúng.
Nhưng ông ta sai ở chỗ thương mại
không giống cuộc chiến. Khác với chiến tranh, nó có thể là một tiền đề để đôi
bên đều thắng. Alibaba, UnionPay, Baidu và Tencent với Google, Amazon, Facebook
và Visa tất cả đều có thể cùng thắng, và họ vẫn cùng thắng tính đến thời điểm
này. Tôi không chắc Trump hiểu điều đó.
Nhưng tôi cũng không rõ là Tập hiểu điều
đó không. Chúng ta phải để Trung Quốc thắng một cách công bằng và ngay thẳng
khi công ty của họ giỏi hơn, nhưng họ cũng phải sẵn sàng chịu thua một cách
công bằng và ngay thẳng. Ai có thể biết được ngày nay Google và Amazon sẽ trở
nên thịnh vượng hơn cỡ nào nếu họ được phép hoạt động thoải mái ở Trung Quốc
như Alibaba và Tencent được phép hoạt động ở Mỹ?
Và Trung Quốc đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền, để trợ giá cho doanh nghiệp trong nước, khi quân đội của họ ăn cắp đồ án chế tạo máy bay tiêm kích F-35 của hãng Lockheed Martin, và sau đó chế tạo phiên bản copy của mình, mà không phải trả một cắc R&D nào?
Và Trung Quốc đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền, để trợ giá cho doanh nghiệp trong nước, khi quân đội của họ ăn cắp đồ án chế tạo máy bay tiêm kích F-35 của hãng Lockheed Martin, và sau đó chế tạo phiên bản copy của mình, mà không phải trả một cắc R&D nào?
Tôi nhắc lại: thương mại có thể là
đôi bên cùng có lợi, nhưng phần thắng có thể bị bóp méo nếu một bên vừa chăm
chỉ làm việc vừa chiêu trò cùng lúc. Chúng ta có thể lờ đi khi thương mại chỉ
liên quan tới đồ chơi và pin mặt trời, nhưng khi nó là tiêm kích F-35 và mạng
viễn thông 5G, thì thật ngốc.
Nhưng không phải tất cả những điều
này đều mới hay có vấn đề. Chúng ta sống trong thế giới có “công dụng kép”.
Trong thế giới đó, “những gì giúp ta trở nên mạnh và thịnh vượng cũng sẽ khiến
ta dễ bị tổn thương”, John Arquilla, một trong những chiến lược gia hàng đầu
của Trường Cao học Hải quân đã nói như vậy.
Cụ thể, các thiết bị 5G như của hãng
Huawei có thể tải dữ liệu và lời thoại với tốc độ siêu nhanh, nhưng chúng cũng
có thể là những nền tảng gián điệp nếu cơ quan tình báo Trung Quốc thực thi
quyền của họ theo luật nước này, yêu cầu được tiếp cận. Thật vậy, tranh cãi
quanh câu chuyện Huawei đã soi rọi bối cảnh hoàn toàn mới hiện nay: Huawei ngày
càng chiếm ưu thế trên thị trường hạ tầng mạng 5G, vốn trước đây do Ericsson và
Nokia chiếm lĩnh. Hãng Qualcomm của Mỹ hiện là nhà cung ứng chip và phần mềm
cho Huawei, cũng là đối thủ cạnh tranh toàn cầu của hãng này.
Nhưng chính phủ Trung Quốc đã giúp
Huawei loại bỏ cạnh tranh từ cả công ty nước ngoài lẫn nội địa để hãng này phát
triển lớn hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Huawei sau đó sử dụng lợi thế này và sức
mạnh giá cả để qua mặt các công ty viễn thông phương Tây, sau đó dùng vị thế
chiếm lĩnh thị trường toàn cầu đang lên của mình để ấn định chuẩn viễn thông 5G
toàn cầu thế hệ mới dựa trên công nghệ của riêng mình, không phải công nghệ của
Qualcomm hay Ericssion của Thụy Điển.
Hơn nữa, trong thế giới công dụng
kép này, bạn nên lo lắng vì nếu bạn sử dụng chatbot của Huawei trong nhà, giống
như công cụ Echo của Amazon, thì cũng có nghĩa bạn có thể đang nói chuyện với
tình báo quân đội Trung Quốc.
Ngày xưa, khi chúng ta chỉ mua giày
tennis và pin mặt trời của Trung Quốc và họ mua đậu nành với máy bay Boeing của
ta, thì có ai quan tâm liệu người Trung Quốc có là cộng sản, theo Mao, hay xã
hội chủ nghĩa, hoặc gian lận? Nhưng khi Huawei đang cạnh tranh mạng viễn thông
5G thế hệ mới với Qualcomm, AT&T và Verizon, trong khi mạng 5G sẽ là xương
sống mới của thương mại điện tử, thông tin liên lạc, chăm sóc y tế, giao thông
và giáo dục, thì giá trị sẽ là quan trọng, những khác biệt trong giá trị là
quan trọng, một chút ít lòng tin cũng quan trọng và nền pháp quyền càng quan
trọng. Điều này đặc biệt đúng khi công nghệ và chuẩn 5G, một khi đã được cài
nhúng vào một quốc gia, sẽ trở nên rất khó thay thế.
Và bổ sung thêm một điều nữa: khoảng
cách giá trị và sự tin tưởng giữa chúng ta và Trung Quốc đang rộng ra, chứ
không thu hẹp lại. Trong nhiều thập niên, Mỹ và châu Âu đã bỏ qua một số gian
lận thương mại nhất định của Trung Quốc, vì họ giả định rằng khi Trung Quốc
khấm khá hơn, nhờ thương mại và cải cách theo tư bản, nước này sẽ cởi mở hơn về
mặt chính trị. Giả định này vẫn tồn tại cho đến một thập niên trước đây.
Trong 10 năm qua, theo James
McGregor, một trong những nhà tư vấn kinh doanh Mỹ uyên bác nhất và sống lâu
năm ở Trung Quốc, thì rõ ràng “Bắc Kinh thay vì cải cách và mở cửa, lại đã và
đang cải cách nhưng đóng cửa.”
Thay vì Trung Quốc giàu có hơn và
trở thành bên liên quan có trách nhiệm hơn trong thế giới toàn cầu hóa, thì họ
lại trở nên giàu hơn và quân sự hóa nhiều hơn các đảo ở Biển Đông để đẩy Mỹ ra
khỏi khu vực. Họ sử dụng công cụ công nghệ cao như nhận diện khuôn mặt, để hiệu
quả hơn với chế độ kiểm soát chuyên chế, chứ không phải nới lỏng.
Tất cả những điều này không thể tiếp
tục bị né tránh trong các cuộc trao đổi thương mại. Mỹ hoặc Trung Quốc phải tìm
cách để xây dựng lòng tin hơn nữa, để toàn cầu hóa có thể tiếp tục và chúng ta
có thể cùng phát triển trong kỷ nguyên mới, hoặc họ sẽ không thể tiến thêm được
nữa. Trong trường hợp đó, toàn cầu hóa sẽ bắt đầu rạn vỡ, và cả hai sẽ nghèo đi
vì điều đó.
Thomas L. Friedman là nhà bình luận về các vấn đề đối ngoại của
The New York Times. Ông đã giành ba giải Pulitzer và là tác giả của bảy cuốn
sách, bao gồm cuốn “From Beirut to Jerusalem” thắng giải National Book Award.