Đem đời vào đạo, đem đạo vào tù |
Khi mà tín ngưỡng phục hồi, đền chùa đồng loạt trùng tu tân tạo càng nhiều
thì tầng lớp sư sãi, thày bùa, đồng cốt càng gia tăng để phục vụ nhu cầu tâm
linh của các thượng đế thời MẠT PHÁP. Với hơn chín chục triệu chúng sinh đang
chìm đắm nơi sông mê bến lú, trong số ấy, không ít kẻ mang trên vai gánh nặng
nghiệp chướng vì tội báo hại đồng bào, đang ngày đêm muốn cầu thần phật giải
thoát. Các nhà cai trị lúc này nắm được tâm lý đám đông đang rã hàng, bèn nhanh
tay chớp thời cơ như một thứ vũ khí tinh thần lợi hại để "định hướng"
phần hồn của họ. Khẩu hiệu "Tốt đời đẹp đạo" cần được hiểu từ nguyên
nhân sâu xa của nó.
Phật giáo quốc doanh luôn được xem như một tổ chức chính trị xã hội ngoại
vi của nhà nước toàn trị, mà ở bất cứ cấp nào, chính quyền cũng có thể thao
túng bằng cách đưa người của mình vào nắm giữ chức vụ chủ chốt. Chuyện sư được
cơ cấu vào cơ quan lập pháp có vẻ như nằm trong thuyết ÂM MƯU. Hòa thượng trên
diễn đàn Quốc hội vung tay chém gió rất hiếu chiến "Việt Nam cũng phải
hiện đại hóa quân đội mạnh như Bắc Triều Tiên" không phải là cá biệt. Có
những hòa thượng vốn là nhân viên công lực hàm cấp cao tót vời, khoác áo cà sa
trụ trì ở những chùa lớn theo dõi nhất cử nhất động của giới tăng ni phật tử.
Phật giáo bị quốc doanh hóa, ĐẠO và ĐỜI lẫn lộn trắng đen nên mới có chuyện
các chức sắc Hội Phật giáo một tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ đấu đá nhau đến mức
lén quay phim, chụp ảnh, ghi âm đưa lên mạng xã hội những hành vi đồi bại mà
ngay đến những kẻ đầu trộm đuôi cướp cũng cảm thấy xấu hổ.
Có thể nói, sư trụ trì các chùa làng chưa bao giờ hư hỏng như bây giờ. Hầu
hết đại đức được bổ nhiệm đều còn ít tuổi, học hành lởm khởm, đi tu như một
cách kiếm sống, chứ ít người xuất phát từ niềm tin và sự ngộ đạo. Công việc đầu
tiên của một sư thầy mới về chùa là đòi mua ô tô. Không hiếm trường hợp chùa nhỏ,
dân địa phương nghèo, khó đáp ứng nhu cầu vật chất, sư bỏ tự, về Tỉnh hội Phật
giáo đòi chuyến đi nơi khác.
Sinh hoạt của thầy chùa thời @ cũng hiện đại lắm, khác xa các bậc cao tăng
tu khổ hạnh ngày xưa. Ăn chay là ví dụ một tháng đôi ba lần cho phải phép. Tôi
đã chứng kiến một đại đức trụ trì chùa Q.S. phường B "thụ trai" như
thế nào (thầy này đã bị dân địa phương làm đơn đuổi khỏi chùa vì có thành tích
bất hảo nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn tìm cách giữ lại). Buổi sáng, một
vãi già (có hôm là vãi non) ra quán ăn gần đấy mua cho thầy tô phở bò. Buổi
trưa và chiều, các bà phân công nhau nấu cơm, đương nhiên thức ăn là phải có
thịt cá. Còn bia thì vô tư. Lúc nào trai phòng cũng trữ sẵn vài két. Thầy dùng
xong, một phật tử rửa bát còn cô vãi non pha nước dâng lên. Điều trớ trêu là,
so về tuổi tác, sư chỉ vào hàng hậu bối, nhưng bà nào cũng lễ phép gọi THẦY
xưng CON!
Nói tóm lại, việc đời thầy rất sành nhưng việc đạo thì ít khi mó tay trừ
những lúc liên quan đến hòm công đức. Chẳng hạn đến giờ thỉnh chuông, đã có hai
ông già thay nhau chấp tác. Viết sớ, giao cho bọn bợm nhậu mặt mũi gớm guốc,
xăm trổ đầy mình. Đó cũng là đám đệ tử ruột của sư mỗi khi thầy ra thành phố
hát karaoke hay đóng cửa tăng phòng đánh phỏm ăn tiền.
Nhà chùa bây giờ còn khối chuyện đáng bàn mà một trong số đó là sư chủa H.
cạy lưng tượng Phật tìm vàng và trầm hương; hòa thượng và ni cô trẻ ôm eo nhau
cưỡi xe máy lượn vòng vèo như đôi tình nhân chính hiệu. Rồi sư bán trộm chuông
chùa bị còng số tám, sư buôn ma túy phải nhập kho... Đó là còn chưa kể đến sự
trơ tráo của loại sư hổ mang ở Thái Nguyên đem cả ca ve vào thiền phòng đánh
bạc và hành lạc mà báo chí đã đăng tin.
Sự diệt dục đối với các hòa thượng quốc doanh thời nay chỉ là chuyện tầm
phào. Cũng chính tôi đã được nghe kể rành rọt về một vụ scandal cười ra nước
mắt. Vào một đêm cuối thu, khoảng đầu canh ba, sư H. trụ trì chùa T.M. nhận
được cú điện thoại. Thế là vị đại đức phóng ô tô hạ sơn đến trạm xá phường B.
cách đấy hơn chục cây số. Nơi ấy có một nữ y sĩ còn khá trẻ mới bỏ chồng đang
trong cảnh phòng không gối chiếc. Sư ta tưởng bở liền dùng thứ ngôn ngữ BẰNG
TAY giao tiếp, ai ngờ bị đối phương cho một bạt tai rồi hô hoán lên. Sau này
mới rõ, hóa ra đó là cuộc gọi nhầm. Nàng y sĩ gọi bạn tình, chẳng hiểu sao lại
nhảy sang số của sư.
Hầu hết các đền chùa được tu sửa hay xây mới đều hướng về một mục têu duy
nhất là KINH DOANH THẦN THÁNH. Trong đó, đứng đầu là chùa Bái Đính, Chùa Hoa
Yên, Chùa Hun, đền Bà Chúa Kho, đền Kiếp Bạc, thậm chí cả chùa Ba Vàng cũng
không thoát khỏi sự cám dỗ của...hơi đồng nên đã phù phép ra trò cúng vong “oan
gia trái chủ” độc nhất vô nhị. Những nơi này, các loại dịch vụ như tham quan,
mua ấn, xóc thẻ, viết sớ, xin chữ, gửi xe..., đều được bán vé với giá không rẻ.
Tất cả nguồn thu đều bổ đầu khách thập phương. Có điều đấy mới chỉ là hàng rào
ngoại vi, còn bên trong nội điện thì điểm nhấn là HÒM CÔNG ĐỨC. Loại này nhà
chùa hay nhà đền không được ăn một mình mà phải chia chác theo tỷ lệ với những
quan chức bảo kê và chính quyền địa phương trực tiếp quản lý di tích. Nghe nói
chùa Bái Đính, mỗi ngày Ban Quản lý thu về cả chục tỷ VND. Đền Bà Chúa Kho, đền
Kiếp Bạc thu nhập có khiêm tốn hơn nhưng cũng không ít hơn vài trăm triệu.
Vào mùa lễ hội sau tết Nguyên Đán, là dịp cho các hòa thượng, đại đức, thầy
cúng trổ tài làm phép tróc ma trừ quỷ cho thiện nam tín nữ có nguyện vọng muốn
DÂNG SAO GIẢI HẠN hoặc CẦU SIÊU. Những "gói dịch vụ" này, nhẹ thì đôi
ba triệu, còn nếu hoành tráng thì khổ chủ chẳng ngại móc hầu bao vài ba trăm
triệu để mua lấy sự bình yên sau khi đã vướng vào nghiệt trái. Mọi hạng mục
"cúng dàng" đều có giá của nó. Không ai mặc cả với Phật. Vì thế các
hòa thượng thi nhau chặt chém mà lương tâm (nếu còn một chút) chả cần phải áy
náy.
Giới tăng lữ Phật giáo đều mang họ THÍCH. Họ này bắt nguồn từ Trung Quốc
truyền sang Việt Nam từ cả ngàn năm trước. Sau khi nhập tự, xuống tóc, mỗi tăng
ni được đặt cho một pháp danh. Ví dụ như Thích Thanh Tứ, Thích Thanh Quyết,
Thích Trí Quang, Thích Diệu Tâm v.v... Đến đây lại có sự ngược đời. Hình như từ
lâu, nội hàm của HỌ PHẬT đã bị biến dạng trở thành một từ loại chỉ sự ham muốn
của con người, được dân gian hóa thành chuyện tiếu lâm là THÍCH ĐỦ THỨ. Mà kẻ
mang danh là tu hành lại thích đủ thứ thì cái đạo ấy gọi là đạo gì nếu không
phải là ĐẠO TẶC?
Cuối cùng vẫn phải quay về chuyện nhà tu hành THÍCH ĐỦ THỨ ở chùa Q.S.,
phường B đã nhắc đến ở phần trên. Vị đại đức này có cái đức đáng quý là rất
thích xem video "tươi mát", thích chơi phỏm và năng lui tới các quán
karaoke. Vì thích tiêu xài rộng rãi nên hòm công đức lúc nào cũng rỗng thành ra
nhiều khi đâm kẹt. Biết vậy, các vãi già, vãi non bàn nhau "bí mật"
bổ sung để nhà chùa đỡ "viêm màng túi". Xem ra "thầy" cũng
biết ý, thỉnh thoảng lại giả vờ bỏ quên chiếc ví lép ở đầu giường.
Sư trẻ, mà các vãi, nhất là vãi non lại quá "sùng đạo", tranh
nhau chăm sóc thầy sinh ra bất hòa vì ghen tức, đến nỗi sân chùa trở thành nơi
khẩu chiến thường xuyên giữa các nữ thí chủ. Lúc lâm trận, chẳng còn thứ từ ngữ
thô tục nào họ không văng vào mặt nhau giữa thanh thiên bạch nhật.
Đại loại một số chùa chiền, đền phủ cùng sư sãi và đám tín đồ mê muội của
đạo Thích Già thời MẠT PHÁP những nơi tôi biết là như vậy. Có thể ở vùng trung
châu này vẫn còn những ngôi chùa chưa bị thương mại hóa, những bậc chân tu đạo
cao đức trọng hiểu thấu lẽ huyền vi của tạo hóa, nhưng phải mất nhiều công sức
may ra mới tìm được. Buồn thay!
Tháng trọng đông, ngày lành.
Đ.V.S.
Đ.V.S.