Từ Thức
Chủ Nhật, 26/5, 28 quốc gia thuộc liên hiệp Âu Châu ( E.U, European Union ) đã đi bầu, gởi người vào quốc hội Âu Châu. Đây là một cuộc bầu cử đặc biệt quan trọng, trong một giai đoạn khủng hoảng, một trận đấu giữa phe ủng hộ Liên Hiệp và phe chống Liên hiệp, đứng đầu là các đảng cực đoan dân túy, cực tả hay cực hữu.
1. TẠI ÂU CHÂU NÓI CHUNG :
- Số cử tri tham dự, ( trên 50% ), đông hơn những cuộc bầu cử Âu Châu kỳ trước, chứng tỏ việc 28 quốc gia ( 27, sau Brexit ) sống chung với nhau vẫn còn là một ưu tiên của đa số dân Âu Châu
- Mặc dầu các đảng cực hữu, nặng dân tộc chủ nghĩa, chống Liên hiệp, thắng ở Anh, Pháp, Ý, nói chung khuynh hướng ủng hộ Liên Hiệp vẫn chiếm đa số.
- Các đảng xanh lên cao khắp nơi ( trừ Ý ), cho thấy môi trường sẽ là trọng tâm của sinh hoạt chính trị trong những năm tới
- Trừ Espagne, các đảng tả phái lùi bước, đặc biệt thê thảm ở Pháp
Tóm lại, qua cuộc bầu cử Chủ nhật, dân Âu Châu gởi một thông điệp : họ muốn tiếp tục cuộc đồng hành, không muốn đi theo những nhóm phiêu lưu ( ngay cả những nhóm cực đoan cũng không đòi ra khỏi Âu Châu như cách đây một, hai năm ), nhưng chờ đợi một Âu Châu khác hơn là Âu Châu của tài phiệt.
Âu Châu có thể thở phào, nhẹ nhõm, nhưng số dân biểu cực hữu gia tăng là một cảnh cáo cho những người có trách nhiệm : phải khẩn cấp tìm một giải pháp cho vấn đề di dân, xã hội , vấn đề thống nhất chính sách thuế má để chấm dứt các thiên đường thuế ở ngay nội địa Âu Châu, vấn đề biên giới, khủng bố Hồi giáo vv..
2. TẠI PHÁP :
-Đảng cực hữu Rassemblement National ( RN ) của Marine Le Pen ( chủ trương chấm dứt di dân, lập lại biên giới giữa các quốc gia Âu Châu ) đứng đầu ( 23.31% ), trước đảng LREM của Tổng thống Macron, 22, 41% °.
Nhắc lại : cử tri không bỏ phiếu cho một cá nhân, nhưng cho một danh sách. Số dân biểu được bầu tính theo số phiếu mỗi liên danh chiếm được. Muốn được chia ghế phải có được ít nhất 5% phiếu bầu.
Đó là một thất bại tương đối của Macron, vì Macron đã trực tiếp tham dự cuộc tranh cử, coi việc ngăn chặn RN chiếm hàng đầu là một ưu tiên. Đó cũng là một kết quả tốt cho Macron, vì chỉ thua Le Pen 0,9%. Macron đưa RN lên vai trò đối lập số một, với mục đích đưa các đảng đối lập khác vào bóng tối, sẽ vào chung kết với Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới, và tin sẽ thắng cử, vì nước Pháp chưa sẵn sàng trao vận mệnh cho một đảng cực hữu. Và Le Pen đã chứng tỏ không đủ bản lãnh đóng vai Tổng Thống
- Đảng Xanh chiếm trên 13% , gấp 3 số phiếu tiên đoán, chứng tỏ những cuộc biểu tình liên tiếp của giới trẻ đã có ảnh hưởng tới xã hội. Tất cả các liên danh tranh cử đều đặt môi sinh là một ưu tiên, một cách thành thực hay với dụng ý kiếm phiếu. Đảng Xanh của Pháp, trái với Đảng Xanh của Đức hay các nước Bắc Âu, trước đây vẫn đóng vai trò mờ nhạt, đạt được kết quả không ngờ chính là nhờ việc mọi người đều nói tới môi trường. Đó cũng là lý do tại sao Macron thua Le Pen : Đảng Xanh đã lấy phiếu của Macron, vì cùng một cử tri, những người dưới 30 tuổi, có bằng cấp, sống ở các thành phố
- Hai đảng Cộng Hoà ( hữu phái ), và Đảng Xã Hội ( tả phái ), đã thay nhau cai trị nước Pháp từ nửa thế kỷ nay, tiếp tục con đường đi xuống địa ngục. Đảng Cộng Hòa chỉ được 8,48%, một nửa số phiếu dự đoán, thấp nhất từ 25 năm nay. Đảng Xã Hội, không dám đưa người ra tranh cử, phải trao vai trò đứng đầu liên danh cho một người ngoài đảng, chỉ chiếm 6,19 %
- Phe tả đại bại : đảng cực tả La France Insoumise ( Nước Pháp Bất Khuất ) của Jean Luc Melenchon, người ôm mộng lãnh đạo phe tả để nắm quyền sau Macron, chỉ được 6,31 % , mất 2/3 số phiếu đã đạt được trong kỳ bầu cử Tổng thống 2 năm trước. Benoît Hamon, cựu ứng cử viên Tổng Thống của đảng Xã Hội ( đã bỏ đảng, lập đảng mới ) : 3,27% . Đảng Cộng Sản, 2,49%, ngang số phiếu với nhóm Animaliste, tranh đấu cho quyền súc vật, một nhóm vô danh, không ai biết mặt, vì…không có tiền in bích chương tranh cử
Trong số 34 danh sách ứng cử, có 3 danh sách Gillets Jaunes ( Áo Vàng ), không một danh sách nào chiếm hơn 1%.
( tuthuc.paris.blog.com )