Người dân Cuba xếp hàng mua lương thực - Ảnh: AP |
Vì bị Mỹ cấm
vận, kinh tế Cuba lâm khủng hoảng nặng nề, chính phủ quyết định áp dụng định
mức lương thực và nhu yếu phẩm.
Ngày 10.5,
Bộ trưởng Thương mại Cuba Betsy Diaz Velasquez nói với Hãng thông tấn Cuba rằng
việc áp dụng định mức mua thịt gà, trứng, gạo, đậu cùng các loại nhu yếu phẩm
nhằm đối phó tình trạng thiếu các loại thức ăn chủ đạo.
Bà Diaz nói
từ nay thịt gà sẽ được bán hạn chế ở những cửa hàng lương thực do chính phủ
điều hành. Gạo, đậu và trứng sẽ chỉ bán hạn chế cho từng người dân, mà cách kiểm
soát là vẫn sử dụng sổ lương thực, là loại sổ cho phép người dân mua một ít
hàng hóa cơ bản như gạo, đậu, trứng, đường... trong từng tháng, với giá tương
đương vài cent Mỹ, theo hãng tin AP.
Bà Diaz dẫn
những thống kê ảm đạm về mảng sản xuất lương thực (cùng các cửa hàng thực phẩm
đều do nhà nước điều hành) đang chật vật tìm nguồn tiền mặt cần thiết để mua
nguyên liệu sản xuất.
Vị Bộ trưởng
nói hồi tháng 3 Cuba sản xuất được 900.000 quả trứng, trong khi hằng ngày cần
có 5 - 7 triệu quả để đáp ứng nhu cầu của đất nước có 11 triệu dân. Sự thiếu
hụt này giảm xuống còn 700.000 quả hồi trung tuần tháng 4. Ngoài ra, thịt heo-
loại thịt phổ biến nhất ở Cuba- cũng chỉ đạt vài trăm tấn/ngày, thấp hơn mức
đặt ra.
Bà Diaz cũng
quy trách nhiệm tình trạng thiếu hụt lương thực-nhu yếu phẩm là do lệnh cấm vận
Cuba của chính phủ Mỹ Donald Trump. Bà nói dưới thời Trump, việc nhập lương
thực từ các nhà sản xuất Mỹ trở nên phức tạp hơn, buộc Cuba phải tìm nguồn hàng
mới với giá đắt hơn và khó nhập khẩu.
Bà Diaz kêu
gọi nhân dân Cuba bình tĩnh, nên yên tâm vì ít ra nguồn cung dầu nấu ăn vẫn đủ:
“Dù gì chăng nữa, đây sẽ không phải là sản phẩm không hiện diện trên thị
trường”.
Theo AP,
từ nhiều năm qua, Cuba nhập khẩu 2/3 nguồn thức ăn với chi phí hơn 2 tỉ
USD/năm, và tình trạng thiếu sản phẩm cá nhân ngắn hạn là chuyện thường xảy ra
ở nước này.
Vài tháng
qua, ngày càng có nhiều sản phẩm bắt đầu “biến mất” suốt nhiều ngày hoặc nhiều
tuần, người dân phải vội vàng xếp hàng dài dằng dặc và phải chờ đợi nhiều giờ
để có thể mua được số sản phẩm ít ỏi như gia vị, thịt gà... vốn được bán hết
mau chóng, các quầy hàng thường trống rỗng.
Ngay cả các
chủ tiệm cũng phải xếp hàng chờ mua khi số hàng nhanh chóng bán hết, một điều
mà chính phủ Cuba quy trách nhiệm cho “bọn con buôn đầu cơ”.
Bà Diaz nói:
“Bán hạn chế một số mặt hàng sẽ giúp dẫn đến sự phân phối bình đẳng, đại bộ
phận nhân dân có thể mua hàng và chúng ta có thể tránh được bọn đầu cơ”.
Nhiều người
dân Cuba, nhất là công nhân viên chức có thu nhập thấp, không chịu nổi giá chợ
đen, đã đồng ý với phương án định mức lương thực của chính phủ. Họ nói đất nước
đang trong giai đoạn khó khăn, nếu không làm thế thì bọn đầu cơ sẽ lộng hành,
tích trữ hàng hóa để bán lại ở thị trường chợ đen.
Nhưng cũng
có người nói các biện pháp mới không giải quyết được các tệ nạn triền miên của
Cuba, và cho rằng đây chỉ là biện pháp tình thế, khi đất nước sản xuất quá ít
lương thực (nhập khẩu từ 60 - 70% lương thực) và vì thế không có nhiều tiền. Họ
nói điều chính phủ cần làm là tăng gia sản xuất, buôn bán hiệu quả sẽ giúp thu
ngắn số người phải xếp hàng chờ mua lương thực.
Vài năm qua,
Cuba đã có nhiều cải cách về nông nghiệp, nhưng không thể tăng sản lượng trong
nền kinh tế do nhà nước lập kế hoạch, đồng thời Cuba phải chịu đựng lệnh cấm
vận thương mại của Mỹ vốn kéo dài nhiều chục năm.
Chương trình
định mức khẩu phần ăn mỗi đầu người dân từng được chính quyền Cuba áp dụng, sau
cuộc cách mạng năm 1959.
AP ghi
nhận tại cửa hàng tổng hợp nọ ở thủ đô Havana hôm 10.5, mậu dịch viên được lệnh
hạn chế bán sữa bột với định mức mỗi người dân chỉ được 4 túi sữa, 4 túi xúc
xích và 5 túi đậu Hà Lan. Hãng tin Mỹ nêu việc ra định mức đối với một số sản
phẩm đã bắt đầu tại nhiều nơi ở Cuba, các cửa tiệm hạn chế bán các mặt hàng,
như một người chỉ được mua 1 chai dầu ăn.
Theo AP,
giải pháp bán hạn chế hàng hóa sinh hoạt có thể tác động nghiêm trọng đến các
chủ doanh nghiệp tư nhân, vốn thường mua hàng hóa giá rẻ hơn ở các cửa hàng nhà
nước, vì không thể tiếp cận một thị trường bán sỉ.
Cuba duy trì
độc quyền trên thương mại bán sỉ, xuất nhập khẩu, nên lĩnh vực tư nhân nhỏ
nhưng đang tăng của Cuba không thể tiếp cận.
Các nhà kinh
tế học cũng nói Cuba lâm khủng hoảng kinh tế vì đã bị giảm nặng nguồn viện trợ
từ Venezuela vì Tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela bị phá sản, dẫn đến việc
phải cắt giảm 2/3 số dầu trợ giá mà Cuba dùng để sản xuất điện cũng như để bán
ra thị trường mở để lấy ngoại tệ mạnh.
Vẫn theo AP,
kinh tế Cuba đã sụp đổ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1981, khiến đảo quốc này bị
đói nghèo một giai đoạn dài, chỉ kết thúc tình trạng này nhờ nguồn dầu trợ giá
của Venezuela hồi đầu những năm 2000.
Chuyện thiếu
thức ăn và phải ra định mức lương thực mới nhất xem ra kết thúc một giai đoạn
tương đối thịnh vượng vốn được gọi là “giai đoạn đặc biệt” của Cuba.
Nhưng các
quan chức lãnh đạo cấp cao nhất nói dù đang đối mặt giai đoạn khó khăn, sẽ
không có chuyện quay lại thời kỳ suy thoái hậu Liên Xô, vì đất nước đã đa dạng
hóa nền kinh tế và lập quan hệ thương mại với các nước trên thế giới.
Mỹ Trinh (theo
AP, Reuters)