Nguyệt Quỳnh
Cái chết là nỗi sợ lớn nhất trong mọi nỗi sợ của
con người. Tuy nhiên, có những người đã gắng vượt qua nỗi sợ, đi cạnh thần chết…
để được Sống. Và, cũng có rất nhiều người, vì sợ đã chọn một cuộc sống… như đã Chết.
Có câu chuyện cười thời XHCN: “Giữa đêm, mật vụ KGB gõ cửa nhà một nhà văn
Nga.
- Ni-cô-lai Sa-ka-rốp có sống ở
đây không?
- Không.
- Vậy anh tên gì?
- Ni-cô-lai Sa-ka-rốp
Gã mật vụ
tức giận, trợn tròn mắt:
- Sao vừa nãy mày nói mày không
sống ở đây?
- Thế các ông bảo Sống như thế
này mà là sống à!”
***
Ở thời đại chúng ta, đặc biệt
ở tại VN, nỗi sợ lớn nhất của bậc làm cha mẹ là sợ con mình gặp nguy hiểm.
Chúng ta muốn bảo vệ chúng bằng mọi giá. Thế nhưng một nghịch lý đang xảy ra tại
Hồng Kông, chưa bao giờ nhà tù ở đây lại giam nhốt nhiều tù nhân trẻ tuổi như vậy.
Theo một bản tin của BBC có vào khoảng 2700 người biểu tình bị chính quyền bắt
giữ thì trong đó có tới 750 em dưới 18 tuổi, trong số này lại có 104 em dưới 16
tuổi, và có em chỉ vừa 12 tuổi.
Người Hồng Kông dũng cảm ư?
Không! họ sợ. Họ biết rằng họ đang phải đối đầu với một Trung Quốc
hùng mạnh và tàn bạo. Họ cũng không che dấu nỗi sợ hãi của mình. Hàng ngày, họ
hát với nhau, nói với nhau rằng họ đấu tranh vì nỗi sợ hãi trong đầu, và niềm hy vọng thúc họ tiếp tục tiến lên. Họ nắm tay
các con của mình, cả những học sinh tiểu học, kéo chúng cùng ra đường. Họ dạy
chúng phải biết đối mặt với nỗi sợ, phải kiên gan đạp trên nỗi sợ mà đi tới. Cuộc
chiến đấu của họ như một bản trường ca tráng lệ về tự do.
Trên đời này không có gì là
không thể, và không có cuộc chiến nào là hoàn toàn mới mẻ.
Việt Nam đã từng phải đối đầu với một đế chế Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới.
Ngày ấy, quân Mông Cổ đã chiếm được Turkestan, làm cỏ Trung Á, đuổi vua
Hung-ga-ry, chiếm lĩnh nước Nga và kê ván trên đầu các tướng chỉ huy liên quân
Nga mà mở tiệc… Có cái gì bảo đảm là Đại Việt sẽ không bị bóp nát? Điều đặc biệt của quân dân Đại Việt
ngày xưa và người Hồng Kông ngày nay là cách họ đối diện với nỗi sợ hãi của
chính mình.
Tự do của nhân loại luôn luôn
phải trả bằng hy sinh, bằng máu và nước mắt. Điều này cũng chứng minh một thực
tế rằng dân tộc nào, cá nhân nào, không chịu trả giá thì họ không thể có, và
không xứng đáng được sống trong một xã hội công bằng tươi đẹp. Bên cạnh đó, nếu
bạn chưa một lần chịu mất mát hay đổ máu vì tự do, thì hãy nhớ chúng ta cũng
đang thụ ơn những người đã ngã xuống cho tự do của chính mình.
Mỗi một cá nhân, mỗi một quốc
gia đều có những trở ngại riêng như ngọn núi buộc mình phải vượt qua. Sở dĩ đa
số người Hồng Kông không nhận mình là người Trung Hoa đại lục chỉ vì họ ghê sợ
những gì ĐCSTQ gây ra cho người dân ở đại lục. Họ lao vào đấu tranh để gìn giữ bản
sắc của mình. Họ cương quyết chống lại cái xấu, cái ác, để được sống còn và
vươn tới ước mơ. Họ biết rằng họ không được quyền lùi bước, bởi khi họ thua cuộc, một
lớp người khác sẽ sống dậy. Dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ những phẩm giá cao đẹp của
con người sẽ không còn.
Có ai dám nói một dân tộc đã
chiến thắng đế chế Nguyên Mông đến ba lần lại là những kẻ nhu nhược? Nhưng thử
hỏi, ngày hôm nay có ai dám vỗ ngực tự xưng
mình là con cháu của những chiến binh đã khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát”
?!
Hôm nay, người Hồng Kông nhìn
thấy chính họ qua cô y tá bị trúng đạn túi đậu làm cô hỏng một mắt. Hàng nghìn
người đã dùng bông băng để băng một mắt phải của mình và mang theo con mắt rỉ
máu để xuống đường. Các tổ hợp y tế thì đình
công vô thời hạn. Mai kia, người Hồng Kông sẽ chẳng khác gì chúng ta. Chẳng ai
nhìn thấy mình qua hình ảnh tang thương của một ngư dân. Tôi không thấy chính
mình là một tôi ngư dân, là một tôi dân oan, là một tôi nô lệ, … tôi sống không
có một giá trị chuẩn mực. Tôi sống sợ hãi, ích
kỷ, vơ vét, quơ quào,… từ một anh chủ tịch xã cho đến một Đô đốc Tư lệnh hải
quân.
Hôm nay tuổi trẻ Hồng Kông xuống
đường mang theo di thư trong túi áo. Sự khẳng định của họ làm thế giới xúc động.
Tôi nghĩ đến nỗi cô đơn của các nhà hoạt động VN mà trào dâng niềm kính phục. Họ
nhắc nhở tôi về sự tồn tại của con người với lịch sử. Từ một phụ nữ đơn phương
chống BOT bẩn cho đến các nhà hoạt động đang bị cầm tù. Họ có sợ không? Tôi biết
họ sợ, nhưng họ chọn hành động để thay đổi xã hội. Họ chọn cam go, chọn mất
mát, để dựng lại những điều tốt đẹp từ những suy sụp hôm nay. Người dân ở các
nước Cộng Sản trên thế giới đều đã phải trải qua thời gian cạn kiệt này. Nhưng
Việt Nam có vượt qua được ngọn núi của mình hay không thì còn tùy thuộc vàosự lựachọn
của số đông – tức là sự lựa chọn của chính bạn.
Nói về nỗi sợ tôi lại nghĩ đến
thi sĩ Paul Éluard. Paul không những nổi tiếng với những thi phẩm về tự do, ông
còn là một người chiến đấu cho tự do của quê hương ông. Nếu như trong thời chiến
tranh Nam Bắc, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nhặt được truyền đơn thì người dân
Pháp cũng thế. Trong suốt thời gian bị phát xít Đức chiếm đóng, máy bay của quân
đồng minh Anh đã rải hàng ngàn truyền đơn xuống đất Pháp. Điều thú vị ở đây là
những tờ truyền đơn ấy chính là bài thơ mang tên Liberté. Paul Éluard đã truyền
cảm hứng cho nhân dân Pháp đứng dậy chống lại quân Nazi Đức.
Nhưng Paul cũng viết về nỗi sợ,
cũng trăn trở về nỗi sợ như chúng ta. Tôi nghĩ tự do và nỗi sợ cũng giống như
hai mặt của một đồng tiền. Chỉ khi nào bạn quyết định không tiếp tục giam mình
trong sợ hãi, giây phút đó bạn sẽ là người tự
do.
Xin được khép lại bài viết ở
đây bằng một bài thơ ít nổi tiếng của Paul Éluard. Tôi nhớ đến nó khi nhìn hình
ảnh của cô gái trẻ bị trói tay bởi cảnh sát Hồng Kông. Liệu
chúng ta có gì khác với người lính của tướng Franco không?
Bài thơ này Paul Éluard viết về tâm tư của một người lính chỉ vì sợ hãi đã
chống lại đồng bào mình:
Tướng Franco đã bắt tôi gia nhập quân đội nên tôi trở thành một thằng
lính đói rách ốm o.
Tôi không đào ngũ, tôi sợ, quý ngài biết đấy, tôi sợ họ bắn tôi,
Tôi sợ - cho nên, trong quân ngũ, tôi đã chiến đấu để chống lại công
lý, chống lại tự do.
Dưới những tường thành ở Irún. Và cái chết cũng bắt lấy tôi như thế
mà thôi.
“Lời Ghi Lên Bia Mộ Của Một Nông Dân Tây Ban Nha - Paul Éluard”