RFA
2019-11-06
2019-11-06
Ông Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 ở Hà Nội hôm 6/11/2019 |
Thứ trưởng Ngoại
giao Việt Nam Lê Hoài Trung hôm 6/11 cho biết Việt Nam cân nhắc các biện pháp
giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong đó có cơ chế trọng tài và
kiện.
Đại diện Bộ Ngoại
giao Việt Nam phát biểu điều này tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11
do Học Viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Căng thẳng giữa Hà Nội
và Bắc Kinhd đã gia tăng trong khoảng 4 tháng qua sau khi Trung Quốc điều các
tàu hải cảnh, dân binh, và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí lâu dài của Việt Nam.
Nói về các biện pháp
giải quyết căng thẳng, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói:
“Chúng tôi biết rằng
các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng
tài và kiện”.
“Hiến chương Liên
Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ
các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này”, ông Trung nói tiếp.
Biển Đông là khu vực
biển được cho là rất giàu nguồn tài nguyên dầu khí. Trung Quốc hiện là nước
đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này với đường đứt khúc 9 đoạn đòi chủ
quyền lịch sử tới khoảng 90% diện tích vùng nước. Các nước khác cũng đòi chủ
quyền tại khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài
Loan.
Năm 2013,
Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế, yêu cầu tòa giải thích
những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh.
Phán quyết năm 2016
của tòa đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra.
Tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này.
Kể từ khoảng giữa
tháng 6 và đầu tháng 7, khi Trung Quốc điều các tàu vào vùng biển Việt Nam, nhiều
chuyên gia trong và ngoài Việt Nam đã kêu gọi Hà Nội nên cân nhắc kiện Trung Quốc
ra tòa quốc tế.
Phát biểu tại Đại hội
đồng Liên Hiệp quốc ở New York hôm 28/10, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao
Phạm Bình Minh dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc nhưng cũng đã nhắc tới biện
pháp kiện ra tòa.
Trong bối cảnh căng
thẳng Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, hội thảo Biển Đông lần thứ 11 được
tổ chức, với sự tham gia của hơn 50 diễn giả và khoảng 250 quan chức, học giả
và nhà ngoại giao từ Việt Nam và nước ngoài.
Chủ tịch Hội Luật
gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc hội thảo, nhận định đây
là cơ hội cho các luật sư trong và ngoài nước chia sẻ các biện pháp để duy trì
hòa bình và an ninh trong khu vực.
Hội Luật gia Việt
Nam đang có tiếng nói ngày một quan trọng trong các vấn đề an ninh, bao gồm cả
vấn đề Biển Đông, ông Quyền nói.
Giám đốc Học Viện
Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng cho biết, kể từ khi hội thảo Biển Đông được bắt đầu
10 năm về trước, đến nay hội thảo đã trở thành một sự kiện quan trọng về Biển
Đông, nơi các chuyên gia, học giả quan tâm đến vấn đề an ninh biển và Biển Đông
chia sẻ thông tin và ý tưởng.
Hội thảo đã nhận được
hơn 350 báo cáo từ các chuyên gia và học giả, chào đón hơn 2000 đại diện, ông
Tùng cho biết.
Cũng tại hội thảo lần
này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, vào tuần tới Việt Nam, Canada và EU sẽ
phối hợp tổ chức một hội thảo về việc thực thi UNCLOS và các vấn đề biển mới nổi
trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội.