Chân dung
linh mục
Alexandre de Rhodes
Ảnh:vi.wikipedia.org
|
Đó là bản kiến nghị của mười hai nhà học giả, khoa bảng có tiếng gửi chính
quyền thành phố Đà Nẵng phản đối đặt tên đường Francisco De Pina và Alexandre
De Rhodes.
1) Trong bản kiến nghị, đoạn nói về ông Alexandre de Rhodes khiến tôi thú vị
nhất. Là một phần trong kiến nghị phản bác sự tôn vinh ông Alexandre de Rhodes,
đoạn đó trong khi ra sức thuyết phục rằng ông Alexandre de Rhodes không xứng
đáng về mặt công lao, ngộ nghĩnh thay, lại cho thấy khá rõ công lao của ông.
Ông không phải là người đầu tiên, nhưng cho tới giai đoạn của ông, ông lại là
người tổng kết và phổ biến hữu hiệu chữ Quốc ngữ. Rõ ràng về phương diện nay,
ông Alexandre de Rhodes xứng đáng là một người đại diện cho công cuộc sáng tạo
chữ Quốc ngữ.
Đoạn này còn cho thấy tính trung thực tri thức của ông Alexandre de Rhodes:
ông viết rõ công trình do ai khởi đầu, việc của ông tiếp theo những công trình
trước đó như thế nào. Tính trung thực tri thức này thực đáng được xiển dương,
nhất là khi trong vòng vài chục năm nay đạo đức học thuật của nước ta xuống cấp
trầm trọng với không ít các tố cáo hành vi đạo văn của nhiều vị giáo sư, trí
thức.
2) Về ý đồ của ông Alexandre de Rhodes thì chắc nhiều người thấy rõ là dùng
chữ Quốc ngữ để truyền giáo. Đạo Thiên Chúa là một đạo rất lớn của nhân loại,
văn minh Thiên Chúa Giáo là nền văn minh duy lý và chính xác làm nền cho khoa
học kỹ thuật cũng như các tư tưởng triết học lớn của nhân loại hiện nay.
Tôi không thấy đạo Thiên Chúa, văn minh Thiên Chúa giáo truyền vào Việt Nam
có gì sai trái. Trái lại, tôi cho rằng Việt Nam, như nhiều nước khác, hưởng
nhiều lợi ích của việc du nhập, lan toả đạo Thiên Chúa cũng như nền văn minh
của đạo này trong dân chúng. Đạo Thiên Chúa tới Việt Nam trễ hơn đạo Phật
nhiều, nhưng cùng với đạo Phật làm cho nền văn minh của người Việt giàu có hơn,
tiến bộ hơn, nhân bản hơn, hội nhập với thế giới hơn. Xin mở ngoặc điểm này:
đạo Thiên Chúa khác với một số thành viên trong đạo. Nếu một người theo đạo
Thiên Chúa hay đạo Phật có lỗi thì không nên nói đạo đó có lỗi.
Ông Alexandre de Rhodes tới hoạt động tại Việt Nam trên 200 năm trước khi
liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng, do đó nói ông “dẫn đường cho
thực dân Pháp chiếm nước ta” là khiên cưỡng. Có người trách quan điểm gay gắt
của ông Alexandre De Rhodes về các đạo khác. Tôi nghĩ nên đánh giá một cách nhẹ
nhàng: thời Trịnh Nguyễn phân tranh, khoa học chưa phát triển đủ để kết nối thế
giới, các dân tộc còn xa nhau, các tập tục, quan điểm, triết lý sống còn xa lạ
nhau… Một số người công kích vài khác biệt trong cách ký âm thời ông với thời
nay, tôi lại thấy các khác biệt là đương nhiên. Khoảng cách thời gian gần bốn
trăm năm là quá đủ dài cho những biến âm xảy ra, cả về phát âm, ký âm và mối
tương tác giữa chúng với nhau.
3) Các nhà quản trị Phương Tây quan tâm tới Hiệu Quả việc làm chứ không để ý
tới Ý Đồ. Người ta có thể phân tích Ý Đồ để tìm hiểu và dự đoán sự việc, còn
khi Tưởng Thưởng, Công Nhận (R&R = Reward and Recognition) thì người ta chú
ý tới hiệu quả công việc, mang lại lợi ích gì, cho ai.
Bản Kiến Nghị viết: “Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ… thành lợi
khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc”, tức công nhận chữ Quốc
ngữ là một công cụ phát triển văn hóa dân tộc. Điều này chỉ lập lại đánh giá
của gần như TẤT CẢ các bậc thức giả tinh hoa của Việt Nam trong vòng trăm năm
nay, dù theo đường lối chính trị nào, cũng đều nhìn thấy trong chữ Quốc ngữ một
lợi khí sắc bén cho người Việt. Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn
Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Xuân Hãn... Người đại diện xứng đáng cho công cuộc chế
tạo công cụ sắc bén vô cùng có lợi ấy cho dân Việt, ông Alexandre De Rhodes và
ông Francisco De Pina, lại không được đặt tên đường thì có gì vô lý hơn? có gì
bội bạc hơn, kém văn minh hơn?
Trong điểm này, có lẽ nên nhấn mạnh một ý của bản Kiến Nghị “Người Việt
Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ… để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư
tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của
thực dân Pháp”. Đúng là người Việt có dùng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền,
kêu gọi kháng chiến chống Pháp. Nhưng, về phương diện văn hóa, do chữ Quốc ngữ
dùng mẫu tự La-tinh nên tác dụng lớn nhất về mặt độc lập dân tộc không phải với
Pháp, mà là với Trung Quốc có chữ viết theo kiểu tượng hình. Ông cha ta, trong
ngàn năm, dù ngoan cường chống Trung Quốc xâm lăng và đồng hóa, vẫn có tâm
trạng tiểu quốc sợ Tàu. Khi Pháp tới, càng tiếp cận văn minh phương tây, văn
minh thế giới, cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, người Việt chẳng
những rũ bỏ tâm lý sợ Tàu mà còn tự tin và tự hào về mình. Chữ Quốc ngữ góp
phần rất lớn trong công cuộc này. Không biết từ lúc nào, tâm lý sợ Tàu quay về
với nước Việt?
Xin thế hệ hiện nay sáng suốt, quí trọng, bảo vệ công cụ của tiền nhân giúp
người Việt ngẩng đầu đón gió văn minh, triệt bỏ mầm mống lệ thuộc thiên triều.
Đặt tên đường Alexandre De Rhodes và Francisco De Pina không chỉ vinh danh,
cám ơn các ông, mà quan trọng hơn là khẳng định con đường tiến lên văn minh và
bảo vệ lãnh thổ cha ông!
Lê Học Lãnh Vân (ngày 28 tháng 11 năm 2019)
https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/suy-nghi-ve-mot-ban-kien-nghi-126537.html