Chánh Tài
Thứ Hai, 17/2/2020, 22:26
(TBKTSG
Online) - Theo hãng tin Bloomberg, khoảng hơn 3.000 khách từ hai du thuyền có
người nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) của hãng du thuyền Carnival
Corp. đang hoặc chuẩn bị trở về hơn 40 nước. Hiện các quốc gia này đang lên
kế hoạch sẵn sàng cho việc phòng chống Covid-19 lan rộng từ các hành khách
này.
Xe buýt chở các công dân Mỹ từ du thuyền Diamond Princess ở cảng Yokohama (Nhật Bản) ra sân bay để về nước vào rạng sáng 17-2. Ảnh: Kyodo/AP |
Hàng
ngàn khách từ hai du thuyền có ca nhiễm Covid-19 về nước
Hôm 17-2,
chính phủ Mỹ bắt đầu sơ tán về nước 328 công dân Mỹ từ du thuyền Diamond
Princess của hãng Princess Cruise Lines, một đơn vị thành viên của hãng
Carnival Corp., đang neo đậu ở cảng Yokohama (Nhật Bản).
Trước đó, 44
công dân Mỹ khác trên du thuyền này, đã được xác định nhiễm Covid-19. Họ sẽ ở
lại Nhật Bản để tiếp tục điều trị. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong quá trình
sơ tán, Mỹ nhận được thông báo có thêm 14 công dân Mỹ dương tính với virus
corona. Những người này đã được đưa vào khu vực cách ly trên chuyến bay sơ
tán.
Canada, Hồng
Kông, Ý, Israel, Úc và các nước khác cũng lên các kế hoạch sơ tán công dân
của họ từ du thuyền này. Du thuyền Diamond Princess cập cảng Yokohama hôm 4-2
và bị cách ly sau khi có 10 khách được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Kể từ đó, số
khách bị nhiễm virus này trên du thuyền không ngừng tăng và đến ngày 17-2, có
454 trong tổng số 3.700 khách và thủy thủ trên du thuyền có kết quả xét
nghiệm dương tính với Covid-19.
Hôm 15-2, một
phụ nữ Mỹ, 83 tuổi, được xác định dương tính với Covid-19 tại Malaysia, một
ngày sau khi bà và hơn 2.200 người khác rời du thuyền Westerdam sau khi nó
được phép cập cảng Sihanoukville (Campuchia).
Chính phủ
Campuchia cho biết tất cả khách và thủy thủ của Westerdam đã được kiểm tra y
tế trước khi rời thuyền.
Đại sứ quán Mỹ ở Campuchia nói rằng 20 người bị ốm trong hành trình của Westerdam đã được xét nghiệm và đều có kết quả âm tính với Covid-19.
Đại sứ quán Mỹ ở Campuchia nói rằng 20 người bị ốm trong hành trình của Westerdam đã được xét nghiệm và đều có kết quả âm tính với Covid-19.
Hãng du
thuyền Holland America Line, công ty con của Carnival Corp., là đơn vị quản
lý và vận hành du thuyền Westerdam, cho biết trong tổng số 2.257 người trên
du thuyền Westerdam đang neo đậu ở Campuchia, vẫn còn 223 khách và 747 thủy
thủ, nhân viên vẫn còn lưu lại. Tức hơn 1.000 khách, trong đó có hơn 600
người Mỹ, đã rời du thuyền và có thể đang về nước của họ ở ít nhất 3 lục địa.
Du thuyền
Westerdam lênh đênh trên biển 2 tuần trước khi được Campuchia cho phép ghé
cảng Sihanoukville hôm 13-2. Tất cả khu khách được phép rời tàu hôm sau đó mà
không phải chịu biện pháp cách ly nào. Sau đó, nữ du khách người Mỹ, 83 tuổi
nói trên cùng 144 khách từ Westerdam bay đến Kuala Lumpur (Malaysia) với ý
định lên chuyến bay khác để trở về nước của họ.
Tuy nhiên,
khi đến Kuala Lumpur, bà bị phát hiện sốt cao, ho và khó thở. Hai cuộc xét
nghiệm liên tiếp đều cho thấy bà dương tính với Covid-19. Chồng của bà cùng 6
khách khác cũng bị cách ly nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính.
Sau khi có
kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19 ở người phụ nữ này, Malaysia
không cho phép bất cứ khách nào từ du thuyền Westerdam quá cảnh ở Malaysia
nữa, khiến ba chuyến bay thuê bao đưa họ rời Campuchia bị hủy.
Ứng
phó với nguy cơ lây nhiễm lan rộng
Du khách mừng rỡ khi được phép rời du thuyền Westerdam hôm 14-2, sau khi được phép cập cảng Sihanoukville (Campuchia). Ảnh: AP |
Hầu hết các
nước đang sơ tán hoặc chuẩn bị sơ tán công dân của họ từ du thuyền Diamond
Princess ở Nhật Bản đều đã lên kế hoạch cách ly một khi họ trở về nước.
Song các
chuyên gia y tế đang báo động về rủi ro lây lan Covid-19 từ khách trên du
thuyền Westerdam sau khi họ được phép rời du thuyền mà không bị cách ly để
kiểm dịch.
Stanley
Deresinski, Giáo sư kiêm chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm Y tế thuộc
Đại học Stanford (Mỹ), nói: “Người phụ nữ Mỹ có mặt trên du thuyền Westerdam
bị lây nhiễm từ nhiều ngày trước đó. Bà ấy có thể đã tiếp xúc với những người
khác trên du thuyền mà giờ đây đã bay về nước. Bất kỳ người khách nào của du
thuyền bị nhiễm bệnh nhưng chưa phát ra các triệu chứng đều có thể kích hoạt
một chuỗi lây nhiễm mới ở bất cứ nơi nào mà họ trở về”.
Bác sĩ
William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Trung tâm Y tế thuộc Đại
học Vanderbilt ở bang Tennessee, Mỹ, nhận định với hơn 1.000 khách từ du
thuyền Westerdam đã về nước, có lẽ các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh đang khó
khăn hơn.
Jean-Paul
Rodrigue, Giáo sư ở Đại học Hofstra tại New York, nói: “Các du thuyền là nơi
có rủi ro lây lan các bệnh truyền nhiễm cực cao. Mọi người đi lại khắp trên
du thuyền, sử dụng chung những hành lang, cùng chạm vào các quả đấm cửa và
thanh vịn. Vì vậy, họ rất dễ bị lây nhiễm loại virus nào đó”.
Giáo sư
Stanley Deresinski và các chuyên gia khác cho rằng, ít nhất khách từ du
thuyền Westerdam phải được các nhà chức trách địa phương giám sát hoặc phải
tự cách ly. Theo ông, nhà chức trách cũng có thể cân nhắc xét nghiệm Covid-19
ở những hành khách này khi họ trở về nước nếu khả thi.
Theo khuyến
cáo y tế phổ biến hiện nay, thời gian ủ bệnh của người nhiễm Covid-19 là hai
tuần, tức gần bằng thời gian du thuyền Westerdam chạy trên biển sau khi khởi
hành từ Hồng Kông vào ngày 1-2. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng vì
con tàu này đã ở trên biển trong thời gian đúng bằng 14 ngày cách ly bắt buộc
và các hành khách không có các triệu chứng của bệnh nên họ được tự do di
chuyển sau khi rời tàu.
Hãng du
thuyền Holland America Line khẳng định trong suốt hành trình của Westerdam,
không du khách nào có triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp. Biết được người phụ
nữ Mỹ nói trên bị nhiễm bệnh từ khi nào và bị lây nhiễm từ ai sẽ là thông tin
quan trọng để xác định liệu có rủi ro những hành khách khác mang virus bệnh
trong người khi rời du thuyền Westerdam hay không.
Ben Cowling,
Giáo sư dịch tễ học ở Đại học Hồng Kông, nói: “Tôi không có đủ dữ liệu về
bệnh nhân để biết liệu bà ấy có bị nhiễm trước khi lên du thuyền hay không và
liệu bà ấy trải qua thời gian ủ bệnh dài hay không. Có khả năng bà ấy bị lây
nhiễm khi đang ở trên du thuyền và điều này cho thấy có ít nhất một người
khác trên thuyền đã bị nhiễm bệnh”.
Trong khi đó,
người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói, nước này không có đủ bằng chứng để xác
định người phụ nữ này bị lây nhiễm khi nào và ở đâu.
Theo Bloomberg,
New York Times
https://www.thesaigontimes.vn/300263/nguy-co-covid-19-lan-rong-khi-3000-khach-du-thuyen-tro-ve-hon-40-nuoc.html