25 février 2020

Người Việt kém văn minh trên mạng?


24/02/2020 09:30 GMT+7



TIÊN TRÁCH ... CHÍNH PHỦ HẬU TRÁCH DÂN

Điểm vài lý do:

- Hàng ngàn Dư luận viên của Đảng, Chính phủ hàng ngày lùng sục trên mạng, chửi bới tục tĩu chính là những kẻ đầu têu vô văn hóa.

- Xã hội quá nhiều bất công không được giải quyết.

- Hệ thống báo chí với nhiệm vụ hàng đầu là CA NGỢI, làm cho dân bức xúc không có chỗ XẢ, đành xả lên mạng.

- Chính quyền quá say mê tìm những thứ có thể khoe được rằng chế độ tươi đẹp, và để thêm liều thuốc "phấn khởi" cho dân, ví như BÓNG ĐÁ, từ đó lôi cuốn tâm lý đám đông vào những ảo tưởng "ta là nhất".

- v.v..


TTO - Thông tin Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên Internet được không ít cư dân mạng Việt Nam phản ứng bằng những bình luận cũng rất kém văn minh.

Huyền Chip bị tấn công vì bức ảnh làm mẫu body painting.


Bức ảnh được chụp khi cô làm mẫu thử trong một lễ hội body painting ở Israel cách đây nhiều năm. Sau khi vẽ thử, Huyền đã quyết định không làm mẫu trong cuộc thi chính thức - Ảnh: FB nhân vật

Nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) cung cấp thông tin trên vào ngày 11-2, Ngày quốc tế an toàn Internet. 

Theo Microsoft, năm nay chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu xuống thấp đến mức chạm đáy trong vòng 4 năm qua. Và 5 quốc gia kém văn minh nhất, theo thứ tự, là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia văn minh hàng đầu trên Internet là Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức, Malaysia và Mỹ.


Người Việt bây giờ… dữ thế?

"Người Việt bây giờ quá dữ. Khi bất đồng, họ tìm đủ mọi từ nặng nề nhất để nói ra", độc giả Lạc Liên nêu ý kiến trên một trang báo. Điều trớ trêu là ngay dưới bài đăng thông tin này trên fanpage một kênh truyền hình lớn, có đến 621 bình luận nhưng khi người đọc bấm vào thì chỉ xem được vài chục bình luận. Phần lớn còn lại đã bị bộ lọc ẩn đi vì thô tục, không phù hợp.

Một người lấy tên Facebook là Koba Yashi viết: "Thấp cái..., căn cứ vào đâu để đánh giá chứ?" (trong dấu "..." là từ tục tĩu). Bình luận này bị chụp lại, chia sẻ khắp nơi như một bằng chứng rõ ràng nhất cho chính thông tin đó. Nhưng "Koba Yashi" không phải là cá biệt. Có đến hàng triệu "Koba Yashi" trên không gian mạng Việt Nam, sẵn sàng văng tục nhưng lại được coi là thái độ vô tư, hài hước!

Bình luận thô tục chỉ là một trong những biểu hiện kém văn minh của người Việt trên Internet. Đây là biểu hiện dễ nhìn thấy nhất, mang tính bề mặt. Các hành vi kém văn minh khác thuộc dạng "kín" như: liên lạc ngoài ý muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục ngoài ý muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm (29%).

Các lĩnh vực người Việt hành xử kém văn minh theo nghiên cứu của Microsoft chỉ ra là quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).

Và ngôn từ thô tục, dữ dằn là hình thức thể hiện của những vấn nạn nghiêm trọng hơn: kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân, phân biệt đối xử, gây tổn hại uy tín...


"Giết người bằng lời nói"

Đầu tháng 2 năm nay, Huyền Chip (tác giả sách Xách ba lô lên và đi) đăng lại bức ảnh cô làm mẫu body painting lên mạng, cho biết những người căm ghét đã dùng bức ảnh làm vũ khí tấn công cô suốt nhiều năm. 

"Mỗi khi tôi đăng bài mà ai đó không ưa, họ lôi bức ảnh này ra như để đe dọa hay phủ nhận tôi", Huyền Chip viết. Với cô, hành vi đó truyền đến thông điệp: "Mày từng chụp khỏa thân nên mọi ý kiến của mày đều không có giá trị", hay "Mày càng nói thì tao càng chia sẻ bức ảnh này rộng rãi". Hành vi này có thể liệt vào dạng "xúc phạm nhân phẩm".

Nạn "miệt thị cơ thể", được ví như hành vi "giết người bằng lời nói", rất phổ biến trên mạng xã hội Việt Nam. Lê Âu Ngân Anh, Hoa hậu Đại dương 2017, từng bị cư dân mạng so sánh các đặc điểm khuôn mặt với... loài cá. Chuyện xảy ra với Ngân Anh giống như phong trào "miệt thị cơ thể" quy mô quốc gia, xấu xí và hung hãn.

Hành vi tấn công cá nhân của người Việt không dừng lại ở trong nước mà gây ấn tượng xấu cả ở nước ngoài. Ahmed Al-Kaf hay Mohanad Qasim Sarray là những cái tên chẳng dễ nhớ, từ khóa "trọng tài bị dân mạng Việt tấn công" hẳn dễ nhớ hơn nhiều. Họ đều có trải nghiệm nhớ đời, phải khóa Facebook hay Instagram vì những cơn bão "thả phẫn nộ", bình luận tiêu cực đến từ người Việt sau các trận đấu bóng đá.
Trọng tài người Oman Ahmed Al-Kaf từng bị dân mạng Việt Nam tấn công vào tháng 11-2019 - Ảnh: FoxSports



Phong trào "bầu 1 sao" cũng là một biểu hiện nghiêm trọng. Nhà cung cấp AirVisual từng bị bầu 1 sao và đánh giá tiêu cực khi ứng dụng này công bố "Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong vài ngày".

Một số người phản biện rằng chỉ số DCI của Microsoft chỉ thực hiện với 500 người mỗi nước nên chưa thuyết phục. Nhưng thực trạng này hiển nhiên trước mắt chúng ta, rất nhiều năm rồi. Chỉ số của Microsoft chỉ là hồi chuông cảnh báo mới nhất mà thôi.


4 thử thách sống văn minh trên mạng

Ứng xử trên mạng có xu hướng trở nên tệ hơn trong năm 2019, Microsoft vẫn kiên định với mục tiêu làm sạch không gian mạng. Hãng phát động phong trào Thử thách văn minh trực tuyến với 4 hành động chính. 

Một là cư xử trên mạng theo quy tắc vàng: đồng cảm, trắc ẩn và tử tế. 

Hai là tôn trọng sự khác biệt. 

Ba là nghĩ trước khi bình luận về những thứ mình phản đối. 

Cuối cùng là đấu tranh cho người khác và bản thân khi thấy bất cứ ai hoặc chính mình trở thành đối tượng của tấn công mạng.

Thập niên 2020 đang chờ đợi sự tiến bộ của nhân loại trên Internet. Thế hệ Y và thế hệ Z phải trở thành lực lượng chủ chốt tạo nên thay đổi, thay vì sống thiếu lập trường, dễ dãi a dua theo những trào lưu mạng mà chính họ không lường trước được hậu quả.

Tầm nhìn của thập niên 2020, theo những người tham gia khảo sát của Microsoft, được cụ thể hóa bằng những từ ngữ mà họ cho là quan trọng. Đó là "tôn trọng" (66% đồng tình), "an toàn" (57%), "tự do" (33%), "văn minh" (32%) và "tử tế" (26%).

Nhưng những biện pháp này đang ở mức hô hào và lý thuyết, thay vì có tác động thực tiễn rõ rệt. Những hành vi kém văn minh trên mạng diễn ra vì mạng xã hội tạo cho người sử dụng một vỏ bọc tạm coi là an toàn, ít nhất là về mặt cảm giác.

Họ hầu như không phải trả giá tương xứng vì những hành động tấn công, bắt nạt tập thể do mình gây ra. Sẽ cần những biện pháp mạnh hơn, kết hợp với giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức mới giải quyết được vấn đề.


Điểm càng thấp, càng văn minh

Chỉ số văn minh trực tuyến (DCI) được Microsoft bắt đầu công bố từ năm 2017. Mục đích là phản ánh bức tranh toàn cảnh của vấn đề và hướng tới một môi trường trực tuyến an toàn, văn minh, nơi mọi người ứng xử bằng sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và tử tế.

Năm 2020 ghi nhận chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong 4 năm qua khi khảo sát 25 quốc gia, mỗi nước 500 người. Ngay cả Vương quốc Anh, quốc gia đứng đầu, cũng chứng kiến chỉ số kém văn minh tăng từ 45% (năm 2017) lên 52% (năm 2020).

Do DCI đo mức độ "kém văn minh", quốc gia càng có số phần trăm thấp thì càng văn minh. Anh đứng đầu với 52%, Hà Lan về nhì với 56%. Con số của Việt Nam là 78% nên vẫn còn "văn minh hơn một chút" so với Nam Phi (83%), Peru (81%), Columbia (80%) và Nga (79%).

Có lẽ, chưa bao giờ người Việt lại mong mình có "điểm thấp" như lúc này.



https://tuoitre.vn/nguoi-viet-kem-van-minh-tren-mang-20200223220019317.htm?fbclid=IwAR31JYp_iaszoZEsJhGcPiM3emOMebCTXpf91U0-WtMkGrjv48Vk_rY2Kpk