29 février 2020

Virus gây COVID-19 đột biến giống HIV, xâm nhập mạnh gấp 1.000 lần SARS

Virus gây COVID-19 đột biến giống HIV. Ảnh: AP.
Virus Corona mới gây dịch COVID-19 có đột biến giống HIV, có nghĩa là virus khả năng liên kết với các tế bào trong cơ thể người có thể mạnh tới 1.000 lần so với virus SARS. Nghiên cứu này được cho là một bước tiến trong việc tìm ra thuốc chữa trị COVID-19.

Đây là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc và Châu Âu, theo tờ Hoa Nam buổi sáng (SCMP). 

Phát hiện này có thể giúp giải thích không chỉ về sự lây lan mà còn cả nguồn gốc và cách thức tốt nhất để ngăn chặn dịch COVID-19. 


Các nhà khoa học chỉ ra SARS xâm nhập cơ thể người bằng cách bám vào một protein thụ thể gọi là ACE2 trên màng tế bào. Và một số nghiên cứu ban đầu cho thấy virus Corona mới có khoảng 80% cấu trúc di truyền tương tự SARS nên có thể theo cách thức xâm nhập tương tự. 

Tuy nhiên, protein ACE2 không tồn tại với số lượng lớn ở người khỏe mạnh và điều này phần nào giúp hạn chế quy mô của dịch SARS năm 2002-2003 vốn ảnh hưởng tới khoảng 8.000 người khắp thế giới. 

Những loại virus dễ lây lan khác, trong đó có HIV và Ebola, nhắm tới một loại enzyme gọi là furin. Furin hoạt động như một chất hoạt hóa protein trong cơ thể người. 

Khi phân tích trình tự bộ gene của virus Corona mới, Giáo sư Ruan Jishou và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu của ông ở Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc đã tìm thấy một phần các gene đột biến không có trong SARS nhưng lại tương đồng với gene được tìm thấy ở HIV và Ebola. 

"Phát hiện này cho thấy 2019-nCoV (virus Corona mới hay tên chính thức là SARS-CoV-2) có thể khác biệt đáng kể về con đường lây truyền so với virus Corona SARS. Virus này có thể sử dụng các cơ chế kết hợp của các virus khác như HIV" - các nhà khoa học lý giải trong bài viết xuất bản tháng này trên Chinaxiv.org, một nền tảng Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc sử dụng để công bố các tài liệu nghiên cứu khoa học. 

Theo nghiên cứu, đột biến có thể tạo ra một cấu trúc được gọi là vị trí phân cắt trong protein sợi của virus Corona mới. 

Virus sử dụng protein sợi để với xa hơn bám vào các tế bào chủ, nhưng thông thường protein này không hoạt động. Nhiệm vụ của cấu trúc vị trí phân cắt là đánh lừa protein furin của cơ thể người để từ đó cắt và kích hoạt protein sợi dẫn tới phản ứng tổng hợp trực tiếp của virus và các màng tế bào.

Theo nghiên cứu, so với đường xâm nhập của SARS, phương pháp liên kết này có hiệu quả "100 đến 1.000 lần". 

Chỉ hai tuần sau khi nghiên cứu được công bố, tài liệu này đã trở thành tài liệu được xem nhiều nhất từ trước tới nay trên Chinarxiv.

Trong nghiên cứu tiếp sau, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Li Hua, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc công nhận kết quả nghiên cứu của Giáo sư Ruan Jishou. 

Đột biến không được phát hiện ở SARS, MERS hoặc Bat-CoVRaTG13, một loại virus Corona dơi được xem là nguồn gốc của virus Corona mới với sự tương đồng tới 96% về gene, nghiên cứu cho biết. 

Điều này có thể "là nguyên nhân vì sao SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn các virus Corona khác" - Giáo sư Li Hua nêu trong tài liệu công bố trên Chinarxiv hồi cuối tuần qua. 

Trong khi đó, một nghiên cứu do nhà khoa học Pháp Etienne Decroly tại Đại học Aix-Marseille công bố trên tạp chí khoa học Antiviral Research hôm 10.2 cũng phát hiện "vị trí phân tách giống furin" không có trong các loại virus Corona tương tự. 

Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Vi sinh học Bắc Kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh nói rằng, các nghiên cứu này đều dựa trên trình tự gene. 

"Cho dù virus hoạt động như dự đoán thì cũng cần thêm các bằng chứng khác, trong đó có có thực nghiệm. Câu trả lời sẽ cho chúng ta biết virus gây bệnh thế nào" - nhà nghiên cứu giấu tên nói. 

Hiểu biết về virus Corona mới đã thay đổi đáng kể trong vài tháng qua. Lúc đầu, virus không được xem là mối đe dọa lớn, với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc nói rằng không có bằng chứng lây truyền từ người sang người. 

Tuy nhiên, giả thuyết này đã sớm không còn giá trị khi tính tới ngày 26.2, virus đã lây nhiễm hơn 81.000 người khắp thế giới. 

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, các loại thuốc kháng enzyme furin có thể có khả năng ngăn cản sự nhân lên của virus trong cơ thể người. 

Những loại thuốc này gồm "một loạt các loại thuốc điều trị HIV-1 (HIV tuýp 1 - PV) như Indinavir, Tenofovir Alafenamide, Tenofovir Disoproxil và Dolutegravir cùng các loại thuốc điều trị viêm gan C bao gồm Boceprevir và Telaprevir" - nghiên cứu của Giáo sư Li Hua chỉ ra. 

Gợi ý này phù hợp với một số báo cáo của một số bác sĩ Trung Quốc dùng thuốc trị HIV sau khi xét nghiệm dương tính với virus Corana mới nhưng chưa có bằng chứng lâm sàng chứng thực cho thuyết này. 

Cũng có hy vọng rằng sự liên quan tới enzyme furin có thể làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của virus trước khi virus lây lan sang người. Đột biến mà nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ruan Jishou xem là "sự xen vào bất ngờ" có thể đến từ nhiều nguồn tiềm năng như virus Corona tìm thấy ở chuột hoặc thậm chí là một loại cúm gia cầm. 


Thanh Hà