17 février 2020

TỘI ĐỒ HAY NẠN NHÂN?





Theo quy luật của sự tiến hóa, đặc biệt là sự tiến hóa về mặt xã hội, thì lẽ ra, nhận thức - văn hóa của con người sẽ ngày càng văn minh và tiến bộ. Tuy nhiên, thực tại xã hội Việt Nam trong vài ba chục năm qua lại đang chứng minh điều ngược lại. 

Càng ngày, các vụ án tham nhũng và phá hoại ngân khố lên đến trăm tỷ, thậm chí ngàn tỷ, càng dày đặc hơn. Quan chức cấp cao “nhúng chàm” không chỉ tầm UVTW mà còn đến cả UVBCT ngày càng nhiều hơn. 
Những vụ án tham nhũng và tàn phá ngân khố quốc gia cứ lặp đi lặp lại giống như kiểu không ai biết để mà ngăn chặn.

Câu hỏi đặt ra, họ - những đầy tớ cấp cao ấy là tội đồ tàn phá đất nước hay họ chỉ là nạn nhân của một thể chế chính trị quá ư hủ bại, lỗi thời?

Tôi nghĩ, chỉ có những người u mê, cuồng nộ mù quáng về lí tưởng CS thì mới không biết câu trả lời, đa số người có nhận thức bình thường còn lại đều có thể hiểu được nguyên nhân cơ bản của sự tồi tệ ấy là gì.

Con người sinh ra “tính bổn thiện” nhưng khi lớn lên trong cơ chế xã hội nào thì sẽ sản sinh ra sản phẩm là con người của xã hội ấy. Xã hội Dân chủ thì sản sinh ra Con người Tự do, xã hội chuyên chế độc tài thì sản sinh ra Con người Nô lệ (nô tài).

Tư tưởng nô tài, tuân phục và sợ hãi được “gieo cấy” từ những ngày đi chập chững. Ở trường Mẫu giáo thì phải biết nghe lời vâng phục cô giáo nếu không sẽ bị vêu m. 12 năm học phổ thông cũng chẳng khá hơn. Vì thầy cô luôn luôn là “cao qúy‎” nên trò phải hèn hạ thôi. Vì “Tôn sư” là truyền thống văn hóa của dân tộc chứ không phải “Tôn trò”. 
Trong xã hội dân chủ hoàn toàn ngược lại, trước học trò, thầy cô chỉ là những công nhân làm thuê không hơn không kém. Học trò trở thành những ông bà chủ tự do quyết định thái độ và chất lượng làm việc của thầy. Không thay đổi được nhận thức này, giáo dục Việt Nam khó mà đổi mới.

Đến khi làm nghề, làm quan cũng vậy. Lẽ ra đầy tớ phải biết tôn trọng và sợ hãi ông chủ, quan phải tôn trọng dân, sợ hãi nhân dân… nhưng chuyện đó ở xứ này đang đi ngược lại. Trò sợ thầy, dân sợ quan, quan bé phải sợ quan lớn, quan lớn phải sợ quan lớn hơn. Đây chính là tâm thức nô tài, ban ơn được sinh sôi trong mấy nghìn năm của chế độ quân chủ, nay được cũng cố vững chắc hơn trong cơ chế chính trị hủ bại ấy. Cho nên dù biết kí quyết định ấy là sai là phi pháp nhưng vì quan lớn bảo làm thì phải làm, vụ án mua Ụ nổi, mua AVG… là điển hình.

Son hay Tuấn, Thanh hay Thăng… cũng chỉ là nạn nhân của nền chính trị độc tài hủ bại. Trừ những người có bản lĩnh kiệt xuất (mà Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng có thể coi là một trong vài điển hình hiếm hoi), thì bất kỳ ai ngồi ở vị trí ấy cũng đều trở thành tội phạm, tội đồ của đất nước. 
Khác chăng là đồng chí thuộc phe nào thôi!

Giải pháp duy nhất đúng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bùng nhùng dai dẳng này là phải thực hiện: “Chính trị đa nguyên; Kinh tế thị trường; Tam quyền phân lập và Xã hội dân sự”. Đó là thành tựu lớn nhất của các cuộc cách mạng Tư sản xảy ra gần 400 năm trước. Đó là hình thái xã hội mà Âu, Mỹ, Nhật… đã áp dụng thành công và ngày càng phát triển trong hơn 300 năm qua. 
Ô tô, Máy bay, Computer, Smatphone, Internet, Google, Facebook… tất cả những thành tựu vĩ đại ấy đều được sản sinh ra từ hình thái xã hội này.

LVT, Diễn Châu, 13/2/2020